Nguyễn Khánh Thu Hằng
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang dự thảo Thông tư quy định về việc áp dụng lãi suất rút trước hạn tiền gửi tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, thay thế Thông tư 04/2011/TT-NHNN ngày 10/3/2011.
Theo quy định tại Thông tư số 04, tổ chức tín dụng áp dụng lãi suất tối đa bằng mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn thấp nhất của tổ chức tín dụng theo từng đồng tiền trong trường hợp tổ chức, cá nhân rút tiền gửi trước hạn; mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn này là thấp nhất tại thời điểm tổ chức, cá nhân rút tiền gửi trước hạn. Tuy nhiên, thời gian qua có một số khó khăn và vướng mắc đối với một số tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh thành phố thực hiện theo thông tư 04 này. Vì vậy, theo Ngân hàng Nhà nước, để có cơ sở pháp lý cho các tổ chức tín dụng áp dụng thống nhất quy định lãi suất đối với trường hợp rút tiền gửi trước hạn, tạo điều kiện phát triển các sản phẩm huy động vốn ngày càng đa dạng, đáp ứng nhu cầu thị trường trong bối cảnh thị trường tiền tệ hiện nay; đồng thời để đảm bảo đồng bộ của các quy định pháp luật có liên quan (Thông tư 48, Thông tư 49 và Thông tư 01), cần xem xét, nghiên cứu ban hành Thông tư quy định về việc áp dụng lãi suất rút trước hạn tiền gửi tại tổ chức tín dụng thay thế Thông tư 04.
Dự thảo Thông tư có 8 điều, trong đó nêu rõ: Rút trước hạn tiền gửi là trường hợp khách hàng rút một phần hoặc toàn bộ tiền gửi trước ngày đến hạn hoặc ngày chi trả hoặc ngày thanh toán của khoản tiền gửi; TCTD và khách hàng phải thỏa thuận việc rút trước hạn tiền gửi, vì về bản chất, việc rút một phần trước hạn tiền gửi làm thay đổi về kỳ hạn và lượng tiền gửi theo hướng kỳ hạn của phần tiền gửi rút trước hạn bị thu ngắn và lượng tiền gửi giảm so với số tiền gửi ban đầu của khách hàng tại TCTD.
Dự thảo Thông tư quy định cụ thể đối với trường hợp khách hàng rút trước hạn toàn bộ tiền gửi và trường hợp khách hàng rút trước hạn một phần tiền gửi để tạo cơ sở pháp lý cho các TCTD áp dụng thống nhất quy định lãi suất đối với trường hợp rút tiền gửi trước hạn; đồng thời, tạo điều kiện để TCTD phát triển các sản phẩm huy động vốn ngày càng đa dạng, đáp ứng nhu cầu thị trường trong bối cảnh thị trường tiền tệ hiện nay, cụ thể:
Trường hợp 1: Khách hàng rút trước hạn toàn bộ tiền gửi: TCTD áp dụng mức lãi suất tối đa bằng mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn thấp nhất của TCTD đó theo đối tượng khách hàng và/hoặc theo loại đồng tiền đã gửi tại thời điểm khách hàng rút trước hạn tiền gửi. Ví dụ: KH A có khoản tiền gửi tiết kiệm 100.000.000 VNĐ với kỳ hạn 6 tháng (01/01/N – 01/07/N), Lãi suất là 6%/năm. Đến ngày 1/2/N Khách hàng A này đến rút tiền trước hạn 100.000.000VNĐ, NH sẽ áp dụng mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn thấp nhất vào ngày 1/2/N là 0,1%/năm.
Trường hợp 2: Khách hàng rút trước hạn một phần tiền gửi:
a- Đối với phần tiền gửi rút trước hạn, TCTD áp dụng mức lãi suất tối đa bằng mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn thấp nhất của TCTD đó theo đối tượng khách hàng và/hoặc theo loại đồng tiền đã gửi tại thời điểm khách hàng rút trước hạn phần tiền gửi.
b- Đối với phần tiền gửi còn lại, TCTD và khách hàng thỏa thuận mức lãi suất không vượt quá mức lãi suất đang áp dụng đối với khoản tiền gửi mà khách hàng rút trước hạn một phần. Mức lãi suất này được áp dụng cho toàn bộ kỳ hạn gửi tiền.
Ví dụ: KH A có khoản tiền gửi tiết kiệm 100.000.000 VNĐ với kỳ hạn 6 tháng (01/01/N – 01/07/N), Lãi suất là 6%/năm. Đến ngày 1/2/N Khách hàng A này đến rút tiền trước hạn 40.000.000VNĐ, NH sẽ áp dụng mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn thấp nhất vào ngày 1/2/N là 0,1%/năm đối với khoản tiền 40.000.000 VNĐ. Khoảng tiền 60.000.000 VNĐ còn lại thì NH và KH sẽ thoả thuận nhưng không vượt quá mức lãi suất 6%/năm và được áp dụng cho cả kỳ hạn từ 01/01/N -01/07/N.
Thông tư này không điều chỉnh đối với trường hợp TCTD và KH đã thoả thuận về việc không rút trước hạn tiền gửi.
Tài liệu tham khảo
» Danh sách Tập tin đính kèm:
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: