Th.S Đinh Thị Thu Hiền
Tóm tắt
Hiện nay phân tích tài chính là công cụ không thể thiếu trong công tác quản lý của nhà quản trị doanh nghiệp, mục đích của quá trình phân tích tài chính là đánh giá, đưa ra nhận định liên quan đến những thông tin chung và riêng về hoạt động kinh doanh toàn doanh nghiệp. Tùy thuộc vào quy mô, lĩnh vực mà nhà phân tích có thể đưa ra các nội dung phân tích phù hợp và có hiệu quả. Trong rất nhiều nhóm chỉ tiêu phân tích như phân tích về cấu trúc, phân tích về khả năng sinh lời, về khả năng thanh toán thì nội dung phân tich về hiệu quả chi phí lại ít được thực hiện mặc dù chi phí là yếu tố cần kiểm soát và rất quan trọng trong quá trình quản lý của nhà quản trị DN. Bài viết xin đề cập đến việc tìm hiểu các chỉ tiêu trong phân tích hiệu quả chi phí.
Từ khóa: hiệu quả, chi phí, phân tích tài chính…
1.2Khái quát về chi phí
Chi phí được hiểu theo nhiều hướng khác nhau:
Theo quan điểm truyền thống chi phí được hiểu là những hao phí gắn liền với lao động sống và lao động vật hóa phát sinh trong quá trình sản xuất kinh doanh.
Theo chuẩn mực kế toán Việt Nam - VAS 01 : Chuẩn mực chung , chị phí là tổng giá trị các khoản làm giảm lợi ích kinh tế trong kỳ kế toán dưới hình thức các khoản tiền chi ra , các khoản khấu trừ tài sản hoặc phát sinh các khoản nợ dẫn đến làm giảm vốn chủ sở hữu , không bao gồm các khoản phân phối cho cổ đông hoặc chủ sở hữu .
Theo quan điểm của Kế toán quản trị: Do mục đích của kế toán quản trị là cung cấp thông tin thích hợp , hữu ích , kịp thời cho việc ra quyết định của nhà quản trị nên ngoài việc nhận thức chi phí như trong kế toán tài chính , các nhà quản trị còn cần phải nhận thức chi phí theo góc độ nhận diện thông tin để phục vụ cho việc ra quyết định kinh doanh . Do đó , chi phí có thể là những phí tổn thực tế phát sinh trong hoạt động sản xuất kinh doanh được tổng hợp theo từng bộ phận , từng trung tâm chi phí cũng như xác định trị giá hàng tồn kho trong từng khâu của quá trình sản xuất và tiêu thụ . Chi phí có thể được tập hợp phân loại theo biến phí và định phí , từ đó có thể lập các phương trình dự toán chi phí các mức hoạt động khác nhau và phân tích mối quan hệ Chi phí - Sản lượng - Lợi nhuận nhằm phục vụ hữu ích cho việc ra quyết định kinh doanh các tình huống khác nhau . Chi phí cũng có thể là những phí tổn ước tính hoặc dự kiến trước để thực hiện một hoạt động sản xuất kinh doanh , một hợp đồng kinh tế . Chi phí có thể gồm cả những phí tổn mất đi do chọn lựa phương án này thay cho phương án khác
Cho dù được hiểu theo quan điểm nào thì chi phí nói chung là những khoản doanh nghiệp bắt buộc phải chi ra trong quá trình kinh doanh. Tất cả các doanh nghiệp đều hoạt động theo phương châm tối đa hóa lợi nhuận và tối thiểu hóa chi phí, do đó việc quản lý chi phí phát sinh ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả kinh doanh và sự phát triển lâu dài của doanh nghiệp.
Đánh giá được tầm quan trọng của việc quản lý chi phí, các doanh nghiệp có quy mô lớn với lĩnh vực kinh doanh đa dạng, thường tiến hành công tác phân tích về chi phí để đánh giá hiệu quả sử dụng chi phí từ đó có biện pháp khắc phục.
2.Phân tích hiệu quả chi phí
Quá trình phân tích hiệu quả chi phí được thực hiện có hiệu quả nhất cần xác định được các chỉ tiêu cần phân tích, thời gian phân tích, tính trung thực hợp lý của nguồn tài liệu được sử dụng và xác định được các nguyên nhân tác động từ đó có các giải pháp đi kèm. Thông thường tài liệu về chi phí cần được tập hợp từ 2 kỳ trở lên trong đó có kỳ gốc và kỳ phân tích, số liệu cần được kiểm toán. Việc thu thập đầy đủ tất cả các bước giúp cho quá trình phân tích đạt kết quả khách quan nhất.
Về chỉ tiêu phân tích, gồm:
Trong quá trình tiêu thụ sản phẩm:
Phân tích các chi phí phát sinh trong quá trình tiêu thụ như giá vốn, chi phí bán hàng và chi phí quản lý ảnh hưởng đến doanh thu thuần bán hàng & cung cấp dịch vụ. Tỷ suất càng lớn thì chi phí phát sinh càng nhiều, không có hiệu quả cao trong sử dụng chi phí. Công thức cụ thể về các chỉ tiêu như sau:
Tỷ suất giá vốn hàng bán trên DTTBH&CCDV
Tỷ suất giá vốn hàng bán (%) = (Trị giá vốn hàng bán/DTTBH&CCDV) x 100
Tỷ suất chi phí bán hàng trên DTTBH&CCDV
Tỷ suất chi phí bán hàng (%) = Chi phí bán hàng/DTTBH&CCDV x 100
Tỷ suất chi phí quản lý doanh nghiệp trên DTTBH&CCDV
Tỷ suất chi phí quản lý doanh nghiệp (%) = (Chi phí quản lý doanh nghiệp/DTTBH&CCDV) x 100
Trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh
Thực hiện phân tích chỉ tiêu tỷ suất chi phí hoạt động trên tổng doanh thu thuần và chỉ tiêu tỷ suất chi phí tài chính trên tổng doanh thu thuần (hoặc tỷ suất chi phí lãi vay trên tổng doanh thu thuần).
Tỷ suất chi phí hoạt động trên tổng doanh thu thuần phản ánh trình độ sử dụng các yếu tố chi phí trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh. Chỉ tiêu cho biết, để thu được 100 đồng doanh thu thuần thì CTCP phải bỏ ra bao nhiêu đồng chi phí hoạt động.
Tỷ suất chi phí hoạt động trên tổng doanh thu thuần = Chi phí hoạt động/Tổng doanh thu thuần x 100
Cơ sở số liệu tính chỉ tiêu dựa vào B02-DN; Chi phí hoạt động bao gồm: Giá vốn hàng bán, chi phí tài chính, chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp, chi phí khác.
Tỷ suất chi phí tài chính trên tổng doanh thu thuần phản ánh sự tác động của chi phí tài chính đến kết quả kinh doanh của công ty.
Tỷ suất chi phí tài chính = Chi phí tài chính/Tổng doanh thu thuần x 100
Nếu chi phí tài chính chủ yếu là chi phí lãi vay thì có thể sử dụng chỉ tiêu phân tích là tỷ suất chi phí lãi vay trên tổng doanh thu thuần.
Tỷ suất chi phí lãi vay trên tổng doanh thu thuần (%) = Chi phí lãi vay/Tổng doanh thu thuần x 100
Phương pháp thực hiện: Chủ yếu sử dụng phương pháp so sánh bằng số tuyệt đối và số tương đối. Số tuyệt đối nhằm xác định sự chênh lệch, biến động của từng chỉ tiêu, số tương đối nhằm xác định được tỷ lệ % của từng chỉ tiêu.
3. Quy trình thực hiện phân tích hiệu quả chi phí
Về quy trình thực hiện phân tích hiệu quả chi phí, cơ sở dữ liệu cần thu thập và kỳ phân tích.
Quy trình thực hiện phân tích hiệu quả chi phí là: Thu thập dữ liệu, lập bảng phân tích (xác định các chỉ tiêu, so sánh các chỉ tiêu giữa kỳ phân tích với kỳ gốc để xác định chênh lệch tuyệt đối và tương đối của từng chỉ tiêu); dựa vào bảng phân tích và các dữ liệu liên quan để đánh giá tình hình hiệu quả chi phí từ tổng hợp đến chi tiết, từ đó xác định trọng điểm cần tăng cường quản lý.
Cơ sở dữ liệu thu thập để phân tích gồm: Thông tin chung, thông tin của ngành, báo cáo tài chính đã kiểm toán và thông tin khác. Kỳ phân tích là quý và năm.
Ví dụ: Phân tích hiệu quả chi phí của doanh nghiệp X
Bảng phân tích hiệu quả chi phí của CTCP X
Chỉ tiêu |
Năm 2021 |
Năm 2020 |
2021 so với 2020 |
1. Tỷ suất CPHĐ/DTT(%) |
96,08 |
97,33 |
-1,24 |
2. Tỷ suất CP TC/ DTT (%) |
3,13 |
1,10 |
2,03 |
3. Tỷ suất GVHB/ DTTBH&CCDV (%) |
84,17 |
86,30 |
-2,13 |
4. Tỷ suất CPBH/ DTTBH&CCDV (%) |
5,29 |
4,81 |
0,47 |
5. Tỷ suất CPQLDN/ DTTBH&CCDV (%) |
3,49 |
5,11 |
-1,62 |
Căn cứ vào bảng trên ta thấy: Tỷ suất chi phí kinh doanh của công ty trong cả 2 năm đều nhỏ hơn 100% nên công ty đã sử dụng chi phí có hiệu quả mặc dù là hiệu quả còn chưa cao. Năm 2021 so với năm 2010, hiệu quả chi phí kinh doanh đã tăng lên.
Phân tích đối với từng loại chi phí ta thấy: Hiệu quả chi phí bán hàng, chi phí tài chính giảm, còn hiệu quả chi phí sản xuất và chi phí quản lý doanh nghiệp đã tăng lên. Hiệu quả chi phí tài chính giảm là do có thể trong năm 2021 công ty đã đẩy mạnh thực hiện chiết khấu thanh toán cho khách hàng để sớm thu hồi tiền hàng.
4. Kết luận
Có nhiều chỉ tiêu được thực hiện trong phân tích hiệu quả chi phí, việc doanh nghiệp sử dụng chỉ tiêu phân tích nào là tùy thuộc vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đó. Để đánh giá khách quan và hiệu quả nhất về chi phí cần trải qua thời gian dài, quá trình phân tích cần đầy đủ số liệu, nhân sự và phương pháp phân tích phù hợp. Việc sử dụng các chỉ tiêu về hiệu quả chi phí đáp ứng được nhu cầu sử dụng thông tin của NQT và các đối tượng quan tâm đến doanh nghiệp.
Tài liệu tham khảo:
1. Nguyễn Thị Lan Anh, Phạm Thị Thủy (2018), Báo cáo tài chính: Phân tích – Dự báo và Định giá, NXB Đại học Kinh tế quốc dân.
2. Nguyễn Văn Công, (2017), Giáo trình Phân tích báo cáo tài chính, NXB Đại học Kinh tế quốc dân
3. Lê Đức Toàn (2011), Giáo trình Quản trị tài chính, Đại học Duy Tân
4. Nguyễn Năng Phúc (2013), Giáo trình Phân tích Báo cáo tài chính, NXB Đại học Kinh tế Quốc Dân.
» Danh sách Tập tin đính kèm:
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: