Th.s Mai Thị Quỳnh Như
Khoa Kế toán- Đại học Duy Tân
Sự bùng phát của đại dịch Covid 19 và các biện pháp giãn cách xã hội đã tác động rất lớn đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Sự chậm trễ về cung ứng yếu tố đầu vào đã làm gián đoạn quá trình sản xuất lưu thông hàng hóa. Nhiều doanh nghiệp bị ngưng trệ hoạt động, thậm chí dừng hoạt động do tình hình dịch và đứng trước bờ vực phá sản bởi thị trường giảm cầu đột ngột, hoặc các ngành hàng phải dừng hoạt động do Nhà nước áp dụng các biện pháp lockdown để phòng chống dịch, dẫn tới giảm doanh thu cũng như vấp phải những rủi ro về thu hồi nợ, làm cho doanh nghiệp dần mất khả năng thanh toán các khoản công nợ đã vay ngân hàng để đáp ứng hoạt động sản xuất kinh doanh trước đó. Trước tình hình dịch bệnh kéo dài và diễn biến phức tạp, nhận thấy Thông tư 01/2020/TT-NHNN về cơ cấu nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và Thông tư 03/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung lần 1 Thông tư 01/2020 chưa đáp ứng được tiếp tục và đầy đủ về mặt hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong việc cơ cấu lại các khoản nợ ngân hàng, Ngân hàng Nhà Nước đã tiếp tục ban hành thông tư 14/2021/NHNN, hiệu lực ngày 07/09/2021 về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid 19. Đây được xem là biện pháp giúp doanh nghiệp tháo gỡ các khó khăn trước mắt trong điều kiện kinh tế như hiện nay.
Từ khóa: Covid 19, thông tư 14/2021/NHNN, cơ cấu thời hạn trả nợ, doanh nghiệp.
1. Đặt vấn đề
Sau 5 tháng kể từ khi ban hành Thông tư 03/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung lần 1 Thông tư 01/2020/TT-NHNN về cơ cấu nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, NHN vừa ban hành Thông tư 14/2021 sửa đổi lần 2 Thông tư 01, tiếp tục kéo dài thời gian cơ cấu nợ, phạm vi cơ cấu nợ. Trong bối cảnh như hiện nay, việc thực hiện thông tư này là hoàn toàn có ý nghĩa. So với quy định cũ, Thông tư 14 có 2 điểm mới đáng lưu ý đó là thay đổi phạm vi khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí bao gồm cả khoản nợ phát sinh trước ngày 1/8/2021, thay vì chỉ bao gồm các khoản nợ phát sinh đến trước ngày 10/6/2020 như quy định của Thông tư 03; Và, thời gian cơ cấu nợ được kéo dài thêm 6 tháng đến ngày 30/6/2022, thay vì đến ngày 31/12/2021 như trước đây.
Bảng so sánh những quy định của Thông tư 14 và Thông tư 03
Thông tư 14/2021/TT-NHNN (có hiệu lực từ ngày 07/9/2021) |
Thông tư 03/2021/TT-NHNN (có hiệu lực từ ngày 17/5/2021) |
1. Cơ cấu lại thời hạn trả nợ |
|
Khoản 1 Điều 1 sửa đổi Điều 4 của Thông tư 01/2020/TT-NHNN như sau: Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với số dư nợ gốc và/hoặc lãi của khoản nợ (bao gồm cả các khoản nợ thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 6 năm 2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn (đã được sửa đổi, bổ sung)) khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây: 1. Phát sinh trước ngày 01/8/2021 từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính. 2. Phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi trong khoảng thời gian từ ngày 23/01/2020 đến ngày 30/6/2022. 3. Số dư nợ của khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ khi thuộc một trong các trường hợp sau đây: a) Số dư nợ còn trong hạn hoặc quá hạn đến 10 (mười) ngày kể từ ngày đến hạn thanh toán, thời hạn trả nợ theo hợp đồng, thỏa thuận, trừ trường hợp quy định tại điểm b, điểm c, điểm d Khoản này; b) Số dư nợ của khoản nợ phát sinh trước ngày 23/01/2020 và quá hạn trong khoảng thời gian từ ngày 23/01/2020 đến ngày 29/3/2020; c) Số dư nợ của khoản nợ phát sinh từ ngày 23/01/2020 đến trước ngày 10/6/2020 và quá hạn trước ngày 17/5/2021; d) Số dư nợ của khoản nợ phát sinh từ ngày 10/6/2020 đến trước ngày 01/8/2021 và quá hạn từ ngày 17/7/2021 đến trước ngày 07/9/2021. 4. Được tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đánh giá khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn nợ gốc và/hoặc lãi theo hợp đồng, thỏa thuận do doanh thu, thu nhập sụt giảm bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19. 5. Khách hàng có đề nghị được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đánh giá khách hàng có khả năng trả nợ đầy đủ nợ gốc và/hoặc lãi theo thời hạn trả nợ được cơ cấu lại. 6. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với khoản nợ vi phạm quy định pháp luật. 7. Thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ (kể cả trường hợp gia hạn nợ) phù hợp với mức độ ảnh hưởng của dịch Covid -19 đối với khách hàng và không vượt quá 12 tháng kể từ ngày tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ hoặc kể từ ngày đến hạn của từng số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ. 8. Việc thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng thực hiện đến ngày 30/6/2022. |
Khoản 2 Điều 1 sửa đổi Điều 4 của Thông tư 01/2020/TT-NHNN như sau: Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với số dư nợ của khoản nợ (bao gồm cả các khoản nợ thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 6 năm 2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn (đã được sửa đổi, bổ sung)) khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:
1. Phát sinh trước ngày 10/6/2020 từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính. 2. Phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi trong khoảng thời gian từ ngày 23/01/2020 đến ngày 31/12/2021. 3. Số dư nợ của khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ khi thuộc một trong các trường hợp sau đây: a) Số dư nợ còn trong hạn hoặc quá hạn đến 10 (mười) ngày kể từ ngày đến hạn thanh toán, thời hạn trả nợ theo hợp đồng, thỏa thuận, trừ trường hợp quy định tại điểm b, điểm c khoản này;
b) Số dư nợ của khoản nợ phát sinh trước ngày 23/01/2020 và quá hạn trong khoảng thời gian từ ngày 23/01/2020 đến ngày 29/03/2020; c) Số dư nợ của khoản nợ phát sinh từ ngày 23/01/2020 và quá hạn trước ngày 17/5/2021.
4. Được tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đánh giá khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn nợ gốc và/hoặc lãi theo hợp đồng, thỏa thuận do doanh thu, thu nhập sụt giảm bởi ảnh hưởng của dịch Covid -19. 5. Khách hàng có đề nghị được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đánh giá khách hàng có khả năng trả nợ đầy đủ nợ gốc và/hoặc lãi theo thời hạn trả nợ được cơ cấu lại. 6. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với khoản nợ vi phạm quy định pháp luật. 7. Thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ (kể cả trường hợp gia hạn nợ) phù hợp với mức độ ảnh hưởng của dịch Covid – 19 đối với khách hàng và không vượt quá 12 tháng kể từ ngày tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ.
8. Việc thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng thực hiện đến ngày 31/12/2021. |
2. Miễn, giảm lãi, phí |
|
Khoản 2 Điều 1 sửa đổi Điều 5 của Thông tư 01/2020/TT-NHNN như sau: 1. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài quyết định việc miễn, giảm lãi, phí theo quy định nội bộ đối với số dư nợ của khoản nợ phát sinh trước ngày 01/8/2021 từ hoạt động cấp tín dụng (trừ hoạt động mua, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp) mà nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi đến hạn thanh toán trong khoảng thời gian từ ngày 23/01/2020 đến ngày 30/6/2022 và khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn nợ gốc và/hoặc lãi theo hợp đồng, thỏa thuận do doanh thu, thu nhập sụt giảm bởi ảnh hưởng của dịch Covid -19. 2. Việc thực hiện miễn, giảm lãi, phí cho khách hàng theo quy định tại Thông tư này thực hiện đến ngày 30/6/2022. |
Khoản 3 Điều 1 sửa đổi Điều 5 của Thông tư 01/2020/TT-NHNN như sau: 1. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài quyết định việc miễn, giảm lãi, phí theo quy định nội bộ đối với số dư nợ của khoản nợ phát sinh trước ngày 10/6/2020 từ hoạt động cấp tín dụng (trừ hoạt động mua, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp) mà nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi đến hạn thanh toán trong khoảng thời gian từ ngày 23/01/2020 đến ngày 31/12/2021 và khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn nợ gốc và/hoặc lãi theo hợp đồng, thỏa thuận do doanh thu, thu nhập sụt giảm bởi ảnh hưởng của dịch Covid - 19. 2. Việc thực hiện miễn, giảm lãi, phí cho khách hàng theo quy định tại Thông tư này thực hiện đến ngày 31/12/2021 |
3. Giữ nguyên nhóm nợ |
|
Khoản 3 Điều 1 sửa đổi khoản 2 Điều 6 Thông tư 01/2020/TT-NHNN như sau: Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được giữ nguyên nhóm nợ đã phân loại theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về phân loại nợ trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi quy định tại Điều 4 và Điều 5 Thông tư này của khoản nợ phát sinh từ ngày 23/01/2020 đến trước ngày 01/8/2021 như sau:
a) Giữ nguyên nhóm nợ đã phân loại tại thời điểm gần nhất trước ngày thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần đầu đối với số dư nợ quy định tại điểm a khoản 3 Điều 4 Thông tư này; b) Giữ nguyên nhóm nợ đã phân loại tại thời điểm gần nhất trước ngày khoản nợ bị chuyển quá hạn đối với số dư nợ quy định tại điểm c, điểm d khoản 3 Điều 4 Thông tư này; c) Giữ nguyên nhóm nợ đã phân loại tại thời điểm gần nhất trước ngày thực hiện miễn, giảm lãi lần đầu đối với số dư nợ quy định tại Điều 5 Thông tư này. |
Khoản 4 Điều 1 sửa đổi khoản 2 Điều 6 Thông tư 01/2020/TT-NHNN như sau: Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được giữ nguyên nhóm nợ đã phân loại theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về phân loại nợ trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi quy định tại Điều 4 và Điều 5 Thông tư này của khoản nợ phát sinh từ ngày 23/01/2020 đến trước ngày 10/6/2020 như sau: a) Giữ nguyên nhóm nợ đã phân loại tại thời điểm gần nhất trước ngày thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần đầu đối với số dư nợ quy định tại điểm a khoản 3 Điều 4 Thông tư này; b) Giữ nguyên nhóm nợ đã phân loại tại thời điểm gần nhất trước ngày khoản nợ bị chuyển quá hạn đối với số dư nợ quy định tại điểm c khoản 3 Điều 4 Thông tư này; c) Giữ nguyên nhóm nợ đã phân loại tại thời điểm gần nhất trước ngày thực hiện miễn, giảm lãi lần đầu đối với số dư nợ quy định tại Điều 5 Thông tư này. |
Có thể nói, việc Thông tư 14/2021/NHNN sửa đổi lần 2 Thông tư 01, đã phần nào đáp ứng được nhu cầu cấp thiết của các doanh nghiệp trong việc ứng phó với việc thanh toán các khoản nợ sản xuất kinh doanh, khi mà áp lực trả nợ đối với các khoản vay đã được giãn bớt, đồng thời doanh nghiệp có thêm thời gian cũng như dành phần lớn sức lực vào việc tìm kiếm thị trường, hướng đi để phù hợp với tình hình mới, bên cạnh đó TT 14 còn giúp các doanh nghiệp giữ vững uy tín đối với các ngân hàng đã giao dịch từ đó có thể tiếp cận thêm được các nguồn vốn khác để tái thiết hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. Bên cạnh những mặt tích cực vừa nêu, thì trong thông tư này, các mốc thời gian được gia hạn thêm vẫn chưa thoả đáng. Nếu chọn mốc các khoản vay phát sinh trước ngày 1/8/2021 mới được hỗ trợ là chưa hợp lý bởi vì khó xác định được mốc thời gian nào dịch bệnh sẽ được kiểm soát. Hơn nữa tất cả các khoản nợ phát sinh trong năm nay phải được cơ cấu trong năm sau, nếu chỉ có cơ cấu đến giữa đến hết tháng 6 năm 2022 thì chưa thực sự có ý nghĩa trong bối cảnh dịch bệnh còn có thể kéo dài.
2. Ảnh hưởng của thông tư 14/2021/NHNN đến hoạt động của Doanh nghiệp tại Khu vực miền Trung.
Giảm bớt áp lực trả nợ
Từ tháng 4/2021 đến nay, làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát mạnh ở một số tỉnh, thành phố khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp tiếp tục bị đình trệ. Những tỉnh, thành phố có tỷ lệ doanh nghiệp tư nhân chịu ảnh hưởng tiêu cực cao nhất là Đà Nẵng (98%), Kon Tum và Khánh Hoà (95%). Các khó khăn lớn nhất với doanh nghiệp tư nhân trong đại dịch COVID-19 xếp theo tỷ lệ doanh nghiệp chịu ảnh hưởng lần lượt là tiếp cận khách hàng (50%), dòng tiền (46%), lao động (38%), và chuỗi cung ứng (33%). Để cầm cự trước dịch bệnh, 35% doanh nghiệp tư nhân và 22% doanh nghiệp FDI đã phải cho người lao động nghỉ việc. Các doanh nghiệp tư nhân quy mô nhỏ, siêu nhỏ là nhóm có tỷ lệ phải thực hiện biện pháp này cao nhất, lần lượt ở mức 36% và 35%. Thông tư 14/2021/NHNN được ban hành thể hiện sự nỗ lực, chia sẻ khó khăn và đồng hành với doanh nghiệp.
Khi được các NHTM xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ và miễn, giảm thêm lãi suất đối với các khoản nợ vay để đầu tư tài sản cố định, doanh nghiệp sẽ có thêm nguồn vốn để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh. Hiện chỉ có khoảng 15% doanh nghiệp đáp ứng được các yêu cầu sản xuất 3 tại chỗ, tuy nhiên dòng tiền của tất cả các doanh nghiệp đều bị gián đoạn. Do vậy, rất cần các ngân hàng giãn nợ thêm một năm đối với các khoản vay mua nguyên phụ liệu, qua đó giúp doanh nghiệp có nguồn tiền gối đầu để triển khai các phương án kinh doanh sau khi dịch bệnh được khống chế.
Dễ tiếp cận được các khoản vay mới
Việc các ngân hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi suất, phí và giữ nguyên nhóm nợ đối với khoản vay phát sinh trước 1/8/2021 mở ra thêm cơ hội cho doanh nghiệp trong việc được cơ cấu lại các khoản vay đang gặp khó khăn. Bởi làn sóng dịch lần thứ tư đã khiến nhiều doanh nghiệp tại khu miền Trung phải dừng hoạt động. Chỉ một số ít doanh nghiệp đáp ứng được nhu cầu sản xuất "3 tại chỗ" là còn hoạt động, song cũng chỉ cầm chừng. Vì vậy việc được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi suất là hết sức ý nghĩa, giúp các doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn hiện tại để tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất, chờ cơ hội phục hồi sau khi dịch bệnh được kiểm soát.Vì vậy, thời điểm này nếu được các ngân hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi suất sẽ giúp các doanh nghiệp giảm áp lực trả nợ, lãi đối với các khoản vay vốn lưu động phải đáo hạn vào cuối tháng 9 hoặc tháng 10.
Việc được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ chẳng những giúp doanh nghiệp không phải chịu lãi phạt quá hạn, mà còn giúp doanh nghiệp dễ tiếp cận với các khoản vay mới do không bị vướng vào nợ xấu. Đó là điều vô cùng quan trọng khi mà dự báo thời gian tới doanh nghiệp cần thêm rất nhiều vốn để phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh và thực hiện các đơn hàng.
3.Kết luận
Trước tình hình dịch COVID-19 lan rộng ở nhiều địa phương, việc giãn cách ảnh hưởng đến các doanh nghiệp. Chính vì vậy, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiếp tục cơ cấu lại thời hạn nợ, bằng cách cắt giảm chi phí hoạt động một cách tối đa để giảm lãi suất, giữ nguyên nhóm nợ đồng thời chia sẻ lợi nhuận để giảm lãi suất cho các doanh nghiệp.
Trong phần đặt vấn đề, tác giả có nêu lên việc khó xác định được mốc thời gian nào dịch bệnh sẽ được kiểm soát để đưa ra một thời điểm cụ thể đối với các khoản vay nằm trong diện được cơ cấu, do đó, bên cạnh các phương án hướng dẫn cơ cấu, ngân hàng nhà nước nên đưa thêm ra các gói hỗ trợ vay vốn, tháo gỡ khó khăn, tiếp tục hoạt động kinh doanh, hoặc thay đổi mở mới thêm các phương án kinh doanh đối với các ngành hàng được đánh giá ảnh hưởng nặng nề bởi dịch covid-19.
Tài liệu tham khảo
1. https://tapchitaichinh.vn/ngan-hang/ngan-hang-thuong-mai-day-manh-ho-tro-doanh-nghiep-bi-anh-huong-dich-covid19-338678.html, truy cập ngày 20 tháng 8 năm 2021
2. https://cafef.vn/thong-tu-14-phao-cuu-sinh-cho-doanh-nghiep-20210915144732219.chn, truy cập ngày 3 tháng 9 năm 2021
3. https://diendandoanhnghiep.vn/thong-tu-14-2021-nhnn-chua-nhu-ky-vong-205899.html, truy cập ngày 3 tháng 9 năm 2021
4. https://congluan.vn/thong-tu-14-cua-ngan-hang-nha-nuoc-chua-phu-het-doi-tuong-can-ho-tro-post155237.html, truy cập ngày 3 tháng 9 năm 2021
5. Thông tư 14/2021/NHNN về việc cơ cấu thời hạn nợ, miễn giảm lãi suất và giữ nguyên nhóm nợ, truy cập ngày 4 tháng 9 năm 2021
6. https://thuvienphapluat.vn/tintuc/vn/thoi-su-phap-luat/chinh-sach-moi/37460/co-cau-lai-no-mien-giam-lai-cho-khach-hang-bi-anh-huong-covid-19-den-30-06-2022, truy cập ngày 10 tháng 9 năm 2021
7. https://cafef.vn/thong-tu-14-2021-tac-dong-toi-doanh-nghiep-va-nha-dau-tu-ra-sao-20210913080457091rf20210915144732219.chn, truy cập ngày 12 tháng 9 năm 2021
» Danh sách Tập tin đính kèm:
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: