YÊU CẦU PHÁP LÝ VỀ TÍNH ĐỘC LẬP CỦA KIỂM TOÁN VIÊN ĐỘC LẬP
Nguyễn Thị Khánh Vân
Sau hơn 30 năm hình thành và phát triển, đến nay kiểm toán độc lập Việt Nam đã khẳng định vai trò không thể thiếu trong nền kinh tế thị trường và trở thành bộ phận cấu thành quan trọng của hệ thống công cụ quản lý vĩ mô nền kinh tế - tài chính, đóng vai trò tích cực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Hoạt động kiểm toán độc lập đã trở thành nhu cầu cần thiết để công khai, minh bạch thông tin tài chính, phục vụ lợi ích của doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước, lợi ích của chủ sở hữu vốn, các chủ nợ cũng như lợi ích và yêu cầu của Nhà nước.
Kiểm toán độc lập là việc kiểm toán viên hành nghề, doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam kiểm tra, đưa ra ý kiến độc lập của mình về báo cáo tài chính và công việc kiểm toán khác theo hợp đồng kiểm toán. Vì vậy tính độc lập của kiểm toán viên trở thành vấn đề được quan tâm từ các bên có liên quan. Bài viết tập trung làm rõ các yêu cầu pháp lý về tính độc lập của kiểm toán viên trong kiểm toán BCTC.
Theo các tổ chức, hiệp hội nghề nghiệp
Theo Hội đồng chuẩn mực đạo đức quốc tế cho kế toán chuyên nghiệp (IESBA), tính độc lập gồm “độc lập tư tưởng và hình thức”. IESBA đã định nghĩa như sau:
Theo IESBA (Code of Ethics for Professional Accountants, 2016): “Độc lập về tư tưởng là trạng thái tư tưởng cho phép đưa ra kết luận mà không bị tác động bởi những yếu tố có ảnh hưởng đến xét đoán chuyên môn, cho phép một cá nhân hành động một cách chính trực và vận dụng được tính khách quan cũng như thái độ hoài nghi nghề nghiệp của mình”.
Theo IESBA (Code of Ethics for Professional Accountants, 2016): “Độc lập về hình thức là việc cần tránh các sự kiện và tình huống nghiêm trọng tới mức một bên thứ ba phù hợp và có đầy đủ thông tin sau khi đánh giá sự kiện và tình huống thực tế, có thể kết luận rằng tính chính trực, tính khách quan và thái độ hoài nghi nghề nghiệp của doanh nghiệp kiểm toán hoặc thành viên nhóm kiểm toán đã bị ảnh hưởng”. Như vậy, về khía cạnh nghề nghiệp, khái niệm tính độc lập kiểm toán viên đề cập đến 2 nguyên tắc đạo đức cơ bản đó là: Chính trực (Integrity) và Khách quan (Objectivity).
Theo các học giả
Các bên liên quan của doanh nghiệp thường sử dụng thông tin từ báo cáo tài chính để xem xét, đánh giá và quyết định. Các bên liên quan nói riêng và xã hội nói chung, yêu cầu một bên thứ ba độc lập là Kiểm toán viên tiến hành kiểm tra báo cáo tài chính nhằm đảm bảo sự hợp lý và tính trung thực của số liệu, tăng độ tin cậy của thông tin. Kiểm toán viên phải thực sự độc lập nhằm đảm bảo ý kiến của mình khách quan và không thiên vị. Do vậy tính độc lập kiểm toán viên, theo các học giả, là một nhân tố quan trọng trong quá trình kiểm toán báo cáo tài chính (Mautz, và cộng sự 1998) Gay và Simnett (2003) xác định tính độc lập của kiểm toán viên là "khả năng chịu được áp lực từ ảnh hưởng của nhà quản lý của công ty khi tiến hành cuộc kiểm toán hoặc cung cấp các dịch vụ liên quan đến kiểm toán sao cho tính chính trực của KiTV không bị ảnh hưởng".
Rick Hayes và cộng sự (2004) mô tả khái niệm độc lập của KiTV có một quan điểm không thiên vị trong việc thực hiện kiểm toán, phân tích kết quả, phê chuẩn và xác nhận trong BCKiT. Trong khi Bahram Soltani (2007) làm rõ rằng TĐLKiTV đề cập đến khả năng của KiTV để bảo vệ một thái độ khách quan, chính trực và không thiên vị trong suốt cuộc kiểm toán.
Tóm lại, các khái niệm về tính độc lập do các học giả sử dụng và đề xuất dù dưới nhiều góc độ khác nhau nhưng cũng có những nội dung trùng khớp với khái niệm TĐLKiTV do các hội nghề nghiệp ban hành. Các nội dung trùng khớp bao gồm:
- Độc lập về tư tưởng và hình thức;
- Liên quan đến tính chính trực, khách quan.
Quy định tính độc lập của IFAC
IFAC (Handbook of the Code of Ethics for Professional Accountantsk of the Code of Ethics for Professional Accountants, 2016) hướng dẫn tính độc lập kiểm toán viên gồm có 2 loại: “độc lập tư tưởng và độc lập hình thức”. “Độc lập tư tưởng” phản ánh suy nghĩ của kiểm toán viên có “khách quan, trung thực và hoài nghi mang tính nghề nghiệp” trong khi thực hiện kiểm toán hay không. Tuy nhiên, các bên liên quan sử dụng thông tin báo cáo tài chính không thể đánh giá được suy nghĩ của kiểm toán viên. Còn “độc lập hình thức” thể hiện kiểm toán viên khi gặp các trường hợp cụ thể khi thực hiện kiểm toán thì có bị giảm đi đáng kể tính độc lập kiểm toán của mình hay không và có đưa ra các biện pháp bảo vệ để chống lại sự suy giảm tính độc lập. Từ đó, các bên liên quan nếu có đủ kiến thức về kiểm toán có thể đánh giá “độc lập hình thức” của KiTV liên quan đến tính tin cậy của báo cáo tài chính được kiểm toán.
Phạm vi “độc lập hình thức” phụ thuộc nhiều vào nhận thức của người sử dụng
thông tin về KiTV căn cứ vào sự tránh những tình huống có thể đe dọa tính độc lập
và làm thế nào để những đe dọa này được giảm bớt bằng những biện pháp bảo vệ để
tính độc lập không còn bị suy giảm. Điều này yêu cầu đánh giá 5 đe dọa chính tới
tính độc lập kiểm toán viên trong biện pháp bảo vệ được áp dụng để thấy rằng những đe dọa này được giảm nhẹ hoặc loại bỏ để có thể chấp nhận được.
Quy định tính độc lập của kiểm toán viên tại Việt Nam
Tính độc lập là một thuộc tính đạo đức nghề nghiệp quan trọng nhất của kiểm toán viên Việt Nam, được cơ quan nhà nước hướng dẫn trong chuẩn mực đạo đức cụ thể (Bộ Tài chính, 2015). Theo đó, kiểm toán viên khi trong quá trình thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính và phát hành báo cáo kiểm toán, ý kiến của kiểm toán viên phải được hình thành một cách độc lập trên cả hai phương diện là tư tưởng và hình thức.
Tính độc lập tại Việt Nam được quy định giống như hướng dẫn tại chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp do IFAC hướng dẫn: “Độc lập là nguyên tắc quan trọng trong lĩnh vực kiểm toán”. Trong đó, các tổ chức thực hiện kiểm toán, kiểm toán viên cần đảm bảo sự độc lập của mình ở mức thích đáng để quá trình kiểm toán được làm khách quan và những kết
luận đưa ra không thiên vị. Độc lập không phải là tuyệt đối nhưng cần được suy nghĩ, cân nhắc, đánh giá thỏa đáng để giảm thiểu hoặc loại trừ khả năng ảnh hưởng đến tính độc lập kiểm toán viên. Một số nguy cơ có thể xảy ra với tính độc lập kiểm toán viên như: nguy cơ do tư lợi, tự kiểm tra, quan hệ ruột thịt, tự bào chữa và bị đe dọa. Do vậy, cần có những nhận diện rõ khả năng đưa đến các nguy cơ này nhằm đảm bảo nâng cao tính độc lập kiểm toán viên.
» Danh sách Tập tin đính kèm:
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: