TÌM HIỂU VỀ PHÂN TÍCH MỐI QUAN HỆ GIỮA CUNG ỨNG, DỰ TRỮ VÀ SỬ DỤNG NGUYÊN VẬT LIỆU
Th.S Lê Thị Huyền Trâm
BM Kiểm toán và phân tích
Việc cung ứng, dự trữ và sử dụng nguyên vật liệu có mối quan hệ chặt chẽ với kết quả sản xuất. Khi nguyên vật liệu tồn đầu kỳ và nhập trong kỳ tăng lên là yếu tố thuận lợi cho việc tăng khối lượng sản phẩm sản xuất trong kỳ. Còn khi nguyên vật liệu tồn cuối kỳ tăng thì trong trường hợp nào đó có thể gây ảnh hưởng giảm khối lượng sản phẩm sản xuất trong kỳ.
1. Phương pháp phân tích
Để biết được tình hình dự trữ, cung cấp và sử dụng nguyên vật liệu, tác động ảnh hưởng đến số lượng sản phẩm sản xuất thì việc phân tích định kỳ tình hình cung cấp nguyên vật liệu là cần thiết. Mối quan hệ của 3 mặt trên được thể hiện qua phương trình kinh tế sau:
Q: khối lượng sản xuất của sản phẩm i
Vdki: khối lượng vật liệu i tồn kho đầu kỳ
Vnki: khối lượng vật liệu i nhập kho trong kỳ
Vcki: khối lượng vật liệu i tồn kho cuối kỳ
mi: định mức tiêu hao vật liệu i cho một đơn vị sản phẩm
Tuy nhiên, mối quan hệ giữa các yếu tố này (tồn đầu kỳ, nhập trong kỳ và tồn cuối kỳ) với kết quả sản xuất thể hiện qua số liệu nhiều khi không biểu hiện được sự tác động nhân quả giữa chúng. Chẳng hạn, có thể nói do yếu tố tồn kho nguyên vật liệu cuối kỳ tăng làm cho khối lượng sản phẩm sản xuất trong kỳ giảm, nhưng cũng có thể ngược lại, do khối lượng sản phẩm sản xuất trong kỳ giảm làm cho nguyên vật liệu tồn cuối kỳ tăng.
Hoặc trường hợp yếu tố tồn đầu kỳ, nhập trong kỳ tăng và khối lượng sản xuất trong kỳ cũng tăng, nhưng việc tăng khối lượng sản xuất trong kỳ trong một chừng mực nào đó (chưa cần đến lượng tồn đầu kỳ, nhập trong kỳ tăng thêm) thì có thể là do yêu cầu tiêu thụ, hoặc yêu cầu dự trữ hàng hóa,...chứ chưa hẳn là do tác động của tồn đầu kỳ, nhập trong kỳ tăng lên. Tồn đầu kỳ tăng lên có thể là do kết quả của sản xuất và dự trữ kỳ trước, nhập trong kỳ tăng lên có thể là do kết quả của các yếu tố thuộc quá trình cung ứng nguyên vật liệu...Còn mối quan hệ giữa sử dụng nguyên vật liệu với kết quả sản xuất qua số liệu tính toán tuy không nói lên sự tác động nhân quả một cách trực tiếp, nhưng mối quan hệ giữa chúng thể hiện rõ theo khuynh hướng: khi sử dụng nguyên vật liệu tiết kiệm sẽ có ảnh hưởng tăng khối lượng sản xuất trong kỳ và ngược lại khi sử dụng nguyên vật liệu lãng phí sẽ ảnh hưởng giảm khối lượng sản xuất trong kỳ.
Từ những điều trình bày trên, khi thực hiện phân tích mối quan hệ giữa cung ứng, dự trữ và sử dụng nguyên vật liệu với kết quả sản xuất ta không đặt vấn đề xác định ảnh hưởng của các nhân tố đến kết quả sản xuất như đối với một số nội dung phân tích khác, mà chỉ đặt vấn đề xem xét mối liên hệ qua lại giữa các yếu tố nêu trên với kết quả sản xuất.
Tuy nhiên, nếu kết hợp với kết quả nghiên cứu thực tế thì có thể làm rõ được những mối liên hệ được nêu qua phân tích, tức là có thể xác định những yếu tố này là thực sự ảnh hưởng trức tiếp đến kết quả sản xuất hoặc không ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả sản xuất, hoặc ảnh hưởng ở một mức độ nào đó.
Trường hợp có ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả sản xuất thì tùy theo tính chất ảnh hưởng mà ta có ứng xử quản lý phù hợp. Còn trường hợp không ảnh hưởng trực tiếp thì qua số liệu phân tích cũng nói lên khả năng, điều kiện thuận lợi hay không thuận lợi của các yếu tố trên đối với kết quả sản xuất, biết được khả năng tiềm tàng của các yếu tố trên đối với sản xuất như thế nào.
Ví dụ: Có tài liệu về một loại nguyên vật liệu dùng cho sản xuất sản phẩm trong kỳ ở một doanh nghiệp thể hiện qua bảng phân tích sau:
BẢNG PHÂN TÍCH MỐI LIÊN HỆ GIỮA CUNG ỨNG, DỰ TRỮ VÀ SỬ DỤNG NGUYÊN VẬT LIỆU VỚI KẾT QUẢ SẢN XUẤT
Chi tiêu |
ĐVT |
Kế hoạch |
Thực tế |
TT/KH |
1.Khối lượng sản phẩm SX 2.Định mức tiêu hao 1ĐVSP 3.Nguyên vật liệu tồn đầu kỳ 4.NVL nhập trong kỳ 5.Nguyên vật liệu tồn cuối kỳ |
Cái Kg Kg Kg Kg |
9.750 10 1.000 98.000 1.500 |
9.920 9,8 1.100 97.456 1.350 |
+ 170 -0,2 +110 -544 -150 |
Kết quả sản xuất sản phẩm trong kỳ tăng 170 sản phẩm. Bằng phương pháp thay thế liên hoàn, ta xác định mối liên hệ giữa các yếu tố cung ứng, dự trữ và sử dụng nguyên vật liệu với kết quả tăng sản phẩm sản xuất trong kỳ.
- Đối tượng phân tích:
(1.100 + 97.456 - 1.350) / 9,8 - (1.000 + 98.000 - 1.500) /10
= 9.920 - 9.750 = 170 (sản phẩm).
+ Lượng nguyên vật liệu đầu kỳ tăng có liên quan làm cho lượng sản phẩm sản xuất tăng là:
(1.100 + 98.000 - 1.500) / 10 - (1.000 + 98.000 - 1.500) / 10
= 11 (sản phẩm)
+ Lượng nguyên vật liệu nhập trong kỳ giảm có liên quan làm cho lượng sản phẩm sản xuất giảm là:
(1.100 + 97.456 - 1.500) / 10 - (1.100 + 98.000 - 1.500) / 10
= - 54,4 (sản phẩm)
+ Lượng nguyên vật liệu tồn cuối kỳ giảm có liên quan làm cho khối lượng sản phẩm sản xuất tăng:
(1.100 + 97.456 - 1.350) / 10 - (1.100 + 97.456 - 1.500) / 10
= 15 (sản phẩm)
+ Mức tiêu hao nguyên vật liệu giảm có liên quan làm cho lượng sản phẩm sản xuất tăng:
(1.100 + 97.456 - 1.350) / 9,8 - (1.100 +97.456 -1.350) / 10
= 198,4 (sản phẩm)
Tổng hợp các nhân tố có liên quan ảnh hưởng:
11 + (-54,4) + 15 + 198,4 = 170 (sản phẩm)
Nhận xét: Thông qua tài liệu phân tích cho ta thấy, so với kế hoạch đặt ra số lượng sản phẩm sản xuất trong kỳ tăng 170 sản phẩm. Đây là biểu hiện tốt trong khâu sản xuất, để thấy rõ nguyên nhân chúng ta đi sâu vào từng nhân tố ảnh hưởng sau:
- Do vật liệu tồn đầu kỳ tăng 110 kg đã làm cho lượng sản phẩm sản xuất tăng thêm 11 sản phẩm. Đây là kết quả của kỳ trước đem lại chứ không phải kết quả trong kỳ đem lại.
- Do vật liệu thu mua trong kỳ giảm 544 kg, nhưng khi tính nhân tố này ta đã giả định mức tiêu hao không đổi (như kế hoạch). Trên thực tế, doanh nghiệp đã giảm mức tiêu hao 0,2 kg (9,8 -10), như vậy doanh nghiệp đã giảm lượng nguyên vật liệu thu mua trong kỳ để gảm bớt lượng vốn ứ đọng.
- Do lượng vật liệu tồn kho cuối kỳ giảm làm cho số lượng sản phẩm tăng 15 sản phẩm. Điều này cần phải xem xét cụ thể. Nếu việc giảm vật liệu tồn cuối kỳ có ảnh hưởng đến sản xuất kỳ sau là do tình hình nhập nguyên vật liệu gây ra, chứ việc sản xuất vượt kế hoạch là cần thiết thì phải tìm hiểu nguyên nhân tình hình nhập vật liệu không đạt từ đó có biện pháp khắc phục.
- Do mức tiêu hao cho một đơn vị sản phẩm giảm 0,2 kg làm cho khối lượng sản phẩm tăng 198,4 sản phẩm. Nếu chất lượng vẫn đảm bảo và tiêu thụ hết sản phẩm, thì đây là thành tích lớn nhất mà doanh nghiệp đạt được trong khâu qủan lý sản xuất và sử dụng nguyên vật liệu để giảm chi phí sản xuất nhằm hạ giá thành sản phẩm.
Khi thực hiện phân tích mối quan hệ giữa cung ứng, dự trữ và sử dụng nguyên vật liệu với kết quả sản xuất ta không đặt vấn đề xác định ảnh hưởng của các nhân tố đến kết quả sản xuất như đối với một số nội dung phân tích khác, mà chỉ đặt vấn đề xem xét mối liên hệ qua lại giữa các yếu tố nêu trên với kết quả sản xuất.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Th.S Huỳnh Lợi( 2010), Giáo trình kế toán quản trị, Nhà xuất bản Thống kê
2. Th.S Võ Ngàn Thơ(2009), Quản trị dự án đầu tư
3. Nguyễn Tấn Bình (2010), Quản trị tài chính ngắn hạn, Nhà xuất bản Thống kê
4. Giáo trình Phân tích hoạt động kinh doanh – TS Trịnh Văn Sơn, Đào Nguyên Phi-ĐH Huế- 2006
» Danh sách Tập tin đính kèm:
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: