Dương Thị Thanh Hiền
Cùng với xu thế phát triển chung của thế giới, việc áp dụng IAS/IFRS sẽ nâng cao tính minh bạch, độ tin cậy của thông tin Báo cáo tài chính (BCTC) và nâng cao khả năng so sánh quốc tế. Nhưng cho đến nay, việc lập BCTC theo IAS/IFRS là cấp thiết nhằm phát triển thị trường vốn VN vào dòng chảy của thị trường vốn trên thế giới và nâng cao chất lượng BCTC. Một BCTC có chất lượng sẽ đáp ứng tốt yêu cầu quản lý của chủ doanh nghiệp (DN), cơ quan nhà nước và phục vụ nhu cầu hữu ích cho người sử dụng trong việc đưa ra các quyết định kinh tế một cách hiệu quả. Tuy nhiên, chất lượng báo cáo tài chính khó có thể quan sát trực tiếp được. Bài viết bàn về lưu ý khi xem xét chất lượng BCTC của doanh nghiệp.
1. Báo cáo tài chính và chất lượng Báo cáo tài chính
Báo cáo tài chính (Financial Reporting) là một hệ thống gồm những thông tin liên quan đến tài chính trong khoảng thời gian cụ thể của một doanh nghiệp, được trình bày theo quy chuẩn, quy định, chuẩn mực kế toán. Bằng cách đó, doanh nghiệp sẽ cung cấp thông tin về tài sản, dòng tiền, vốn, nợ, thu chi,...Báo cáo tài chính áp dụng cho tất cả các lĩnh vực, loại hình doanh nghiệp theo quy định của Pháp luật Việt Nam. Tất cả các doanh nghiệp đều có nghĩa vụ lập, nộp BCTC chính xác, đúng hạn, tuân theo quy định của Pháp luật về kế toán, thống kê. Báo cáo tài chính được xem là nguồn cung cấp thông tin về tình hình tài chính và kinh doanh quan trọng cho nhà quản lý doanh nghiệp, nhà đầu tư và các đối tượng quan tâm khác.
Mục đích của BCTC là cung cấp thông tin tình hình tài chính, kinh doanh và dòng tiền của doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu quản lý của chủ sở hữu doanh nghiệp, cơ quan Nhà nước cũng như nhu cầu hữu ích của người sử dụng trong việc đưa ra quyết định kinh tế. Báo cáo tài chính cũng đồng thời phải cung cấp thông tin về tài sản, nợ phải trả, vốn chủ sở hữu, doanh thu, chi phí sản xuất kinh doanh, lãi - lỗ, phân chia kết quả kinh doanh,...Đồng thời BCTC cung cấp các thông tin liên quan khác trong “Bản thuyết minh Báo cáo tài chính” với mục đích giải trình thêm về chỉ tiêu đã phản ánh trên các Báo cáo tài chính tổng hợp, các chính sách kế toán đã áp dụng nhằm ghi nhận nghiệp vụ kinh tế phát sinh, lập và trình bày báo cáo tài chính. Các báo cáo tài chính không chỉ quan trọng đối với ban lãnh đạo hay nhà đầu tư để đánh giá sự ổn định tài chính của doanh nghiệp, mà chúng còn được yêu cầu bởi luật thuế và thông lệ kế toán tiêu chuẩn
IASB và FASB trong khuôn mẫu khái niệm đều nêu rằng, báo cáo tài chính chất lượng cao đạt được nhờ việc tuân thủ mục tiêu và các đặc tính chất lượng của thông tin BCTC. Các đặc tính chất lượng này là những đặc tính tạo ra tính hữu ích của thông tin, giúp cho người sử dụng thông tin BCTC. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, hiện tượng gian lận trong trình bày thông tin trên báo cáo tài chínhcủa các công ty niêm yết xảy ra ngày càng nhiều, dẫn tới sự thiếu tin tưởng của những người sử dụng báo cáo tài chính để ra quyết định kinh doanh. Do vậy, việc xác định các phương pháp để đo lường chất lượng báo cáo tài chính theo chuẩn quốc tế cần được chú trọng hơn, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang có lộ trình bắt buộc áp dụng Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế - IFRS sau năm 2025. Hiện nay trên thế giới, khái niệm cũng như việc đo lường chất lượng thông tin báo cáo tài chính được các nhà nghiên cứu nhìn nhận ở nhiều góc độ khác nhau. Hầu hết các nghiên cứu đều đo lường chất lượng báo cáo tài chính một cách gián tiếp thông qua các hành vi như: quản trị lợi nhuận (Earning Managenent), công bố lại báo cáo tài chính (Financial Restatement), hành vi gian lận báo cáo tài chính (Financial Statement Fraud).
Chất lượng BCTC theo quan điểm của FASB và IASB việc tuân thủ mục tiêu và các đặc tính chất lượng của thông tin BCTC. Các đặc tính chất lượng này là những đặc tính tạo ra tính hữu ích của thông tin, giúp cho người sử dụng thông tin BCTC có thể đưa ra được những quyết định quan trọng dựa trên những thông tin này. Cả FASB và IASB đều đưa ra hai đặc tính cơ bản và bốn đặc tính bổ sung. Nội dung của các đặc tính này theo FASB và IASB đều khá giống nhau. Hai đặc tính chất lượng cơ bản của thông tin đó là “Tính thích hợp” (Relevance) và “Trình bày trung thực” hay “Đáng tin cậy” (Reliability). Ngoài các đặc tính chất lượng cơ bản còn có các đặc tính chất lượng bổ sung, đó là: “Có thể so sánh” (Comparability), “Có thể kiểm chứng” (Verifiability), “Tính kịp thời” (Timeliness) và “Có thể hiểu được” (Understandability).
Chất lượng BCTC theo quan điểm của VAS được đề cập trong phần “các yêu cầu cơ bản đối với kế toán” (VAS 01 đoạn 10-15) bao gồm: Trung thực: Các thông tin và số liệu kế toán phải được ghi chép và báo cáo trên cơ sở các bằng chứng đầy đủ, khách quan và đúng với thực tế về hiện trạng, bản chất nội dung và giá trị của nghiệp vụ kinh tế phát sinh. Khách quan: Các thông tin và số liệu kế toán phải được ghi chép và báo cáo đúng với thực tế, không bị xuyên tạc, không bị bóp méo. Đầy đủ: Mọi nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh liên quan đến kỳ kế toán phải được ghi chép và báo cáo đầy đủ, không bị bỏ sót. Kịp thời: Các thông tin và số liệu kế toán phải được ghi chép và báo cáo kịp thời, đúng hoặc trước thời hạn quy định, không được chậm trễ. Dễ hiểu: Các thông tin và số liệu kế toán trình bày trong báo cáo tài chính phải rõ ràng, dễ hiểu đối với người sử dụng. Người sử dụng ở đây được hiểu là người có hiểu biết về kinh doanh, về kinh tế, tài chính, kế toán ở mức trung bình. Thông tin về những vấn đề phức tạp trong báo cáo tài chính phải được giải trình trong phần thuyết minh. Có thể so sánh: Các thông tin và số liệu kế toán giữa các kỳ kế toán trong một doanh nghiệp và giữa các doanh nghiệp chỉ có thể so sánh được khi tính toán và trình bày nhất quán. Trường hợp không nhất quán thì phải giải trình trong phần thuyết minh để người sử dụng báo cáo tài chính có thể so sánh thông tin giữa các kỳ kế toán, giữa các doanh nghiệp hoặc giữa thông tin thực hiện với thông tin dự toán, kế hoạch. Các yêu cầu được nêu trên cần phải được thực hiện đồng thời, không tách rời nhau. Ngoài ra, tại đoạn 9 VAS 21 có nêu về việc trình bày BCTC trung thực hợp lý như sau: “BCTC phải trình bày một cách trung thực và hợp lý tình hình tài chính, tình hình và kết quả kinh doanh và các luồng tiền của doanh nghiệp. Để đảm bảo yêu cầu trung thực và hợp lý, các BCTC phải được lập và trình bày trên cơ sở tuân thủ các chuẩn mực kế toán, chế độ kế toán và các quy định có liên quan hiện hành.” Tại đoạn 12, VAS 21 có nêu, việc lựa chọn và áp dụng các chính sách kế toán cho việc lập và trình bày BCTC phải được thực hiện để phù hợp với quy định của từng chuẩn mực kế toán.
2. Những vấn đề cần lưu ý khi xem xét chất lượng Báo cáo tài chính
Phần lớn chất lượng BCTC được các nhà nghiên cứu quan tâm là dựa các đặc tính định tính theo Khung khái niệm được ban hành bởi IASB và FASB. Bao gồm các đặc điểm định tính cơ bản đó là thích hợp, trình bày trung thực và các đặc điểm định tính nâng cao là so sánh được, có thể kiểm chứng, kịp thời và có thể hiểu được. Bên cạnh đó, chất lượng BCTC có thể đánh giá từ quan điểm hai nhóm, cụ thể đối với nhu cầu của người dùng thì tập trung vào vấn đề định giá, còn đối với nhóm quan điểm bảo vệ cổ đông thì tập trung vào vấn đề quản trị DN và quản lý (Jonas và Blanchet, 2000). Dựa trên quan điểm của người dùng, chất lượng BCTC là liên quan đến tiện ích của thông tin trong quyết định. Dựa vào quan điểm của cổ đông, chất lượng BCTC có liên quan đến công bố đầy đủ và công bằng cho các chủ sở hữu. BCTC có chất lượng cao là thông tin tài chính được trình bày đầy đủ và minh bạch, không nhằm đánh lừa người dùng, mang tính hữu ích của việc ra quyết định.
Có thể đo lường chất lượng BCTC theo theo đặc điểm chất lượng. Trong phương pháp đo lường chất lượng báo cáo tài chính theo đặc điểm chất lượng, chất lượng báo cáo tài chính được đánh giá dựa trên các thang đo được xây dựng dựa trên các đặc điểm chất lượng của Hội đồng tiêu chuẩn Kế toán Tài chính (FASB), đó là 2 đặc điểm cơ bản: thích hợp và đáng tin cậy; và 2 đặc điểm thứ yếu gồm nhất quán và có thể so sánh được. Còn theo Hội đồng chuẩn mực kế toán quốc tế (IASB), các đặc điểm chất lượng trên báo cáo tài chính gồm: có thể hiểu được, thích hợp, đáng tin cậy và có thể so sánh được. Theo Luật Kế toán Việt Nam số 88/2015/QH13 và Chuẩn mực kế toán Việt Nam số 01, những thuộc tính của chất lượng thông tin trên báo cáo tài chính là trung thực, khách quan, đầy đủ, kịp thời, có thể so sánh và kiểm chứng được. Riêng đối với doanh nghiệp niêm yết, báo cáo tài chính cần phải rõ ràng, đầy đủ các thông tin đặc thù như phân phối lợi nhuận, thặng dư vốn cổ phần, cổ phiếu quỹ và lãi cơ bản trên cổ phiếu.
Có nhiều nghiên cứu trước đây đã sử dụng phương pháp đo lường chất lượng báo cáo tài chính theo đặc điểm chất lượng như trên. Các nghiên cứu này xoay quanh những vấn đề như đánh giá các đặc điểm chất lượng, các nhân tố ảnh hưởng đến đặc điểm chất lượng hay các đặc điểm chất lượng trên khía cạnh quan điểm của người sử dụng nói chung hay kiểm toán viên, nhà đầu tư nói riêng…
Ưu điểm của phương pháp này là đo lường chất lượng thông tin báo cáo tài chính một cách trực tiếp. Tuy nhiên, hạn chế của phương pháp này là việc khó xác định thang đo cho các đặc điểm chất lượng; mặt khác, đánh giá dựa trên cơ sở thang đo dẫn đến kết quả thu thập được có độ tin cậy không cao, mang tính chất cảm tính cao vì phụ thuộc vào ý kiến chủ quan của người đánh giá, không phản ánh đúng thực trạng chất lượng thông tin trên báo cáo tài chính mà các công ty đã công bố.
Có thể đo lường chất lượng BCTC theo chất lượng lợi nhuận. Phương pháp này đo lường chất lượng báo cáo tài chính thông qua việc đánh giá kết quả phân tích các thông tin về lợi nhuận trên các báo cáo tài chính đã được công bố của các công ty niêm yết (các thông tin thứ cấp). Để thực hiện đo lường chất lượng báo cáo tài chính theo chất lượng lợi nhuận, các nghiên cứu trước đây thường phân tích dựa trên biến kế toán dồn tích và dựa trên giá trị thích hợp của thông tin kế toán.
Theo Chuẩn mực kế toán số 01 - Chuẩn mực chung, nguyên tắc cơ sở dồn tích được định nghĩa như sau: “Mọi nghiệp vụ kinh tế, tài chính của doanh nghiệp liên quan đến tài sản, nợ phải trả, nguồn vốn chủ sở hữu, doanh thu, chi phí phải được ghi sổ kế toán vào thời điểm phát sinh, không căn cứ vào thời điểm thực tế thu hoặc thực tế chi tiền hoặc tương đương tiền. báo cáo tài chính lập trên cơ sở dồn tích phản ảnh tình hình tài chính của doanh nghiệp trong quá khứ, hiện tại và tương lai”. Kế toán doanh nghiệp dựa trên cơ sở dồn tích nên lợi nhuận trên Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh là lợi nhuận dồn tích. Trong khi đó, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh trên báo cáo lưu chuyển tiền tệ theo cơ sở tiền - nghĩa là nhà quản trị chỉ được ghi nhận khi có số tiền thực thu và thực chi, không thể điều chỉnh thời điểm ghi nhận giao dịch. Chính vì vậy, hai biến này có độ chênh lệch. Độ lệch này chính là biến kế toán dồn tích. Hay nói cách khác, biến kế toán dồn tích là phần lợi nhuận kế toán không bằng tiền được trình bày trong báo cáo tài chính. Trong khi đó, giá trị thích hợp của thông tin kế toán được hiểu theo các quan điểm khác nhau bao gồm: quan điểm phân tích cơ bản, quan điểm dự đoán, quan điểm thông tin và quan điểm đo lường để tiếp tục làm rõ ý nghĩa của các khái niệm giá trị thích hợp. Nếu diễn giải theo quan điểm phân tích cơ bản, thông tin kế toán được cho là có giá trị thích hợp nếu nó gây ra những thay đổi trong xu hướng giá cổ phiếu thông qua giá trị vốn có của nó trong một cách tương tự và ở cùng hướng với giá thị trường. Còn nếu theo quan điểm dự đoán, thông tin có giá trị thích hợp nếu nó có những giá trị được xem là phù hợp cho việc đánh giá giá trị tương lai của các doanh nghiệp và tiên đoán lợi nhuận của những năm tới. Theo quan điểm thông tin và đo lường, thông tin kế toán là thích hợp nếu có tồn tại một mối quan hệ thống kê giữa các thông tin tài chính với giá hoặc tỷ suất sinh lợi. Các cách giải thích thứ ba và thứ tư cho rằng thông tin kế toán có giá trị thích hợp khi nó có mối quan hệ thống kê giữa các thông tin kế toán công bố trong báo cáo tài chính và giá thị trường hoặc lợi nhuận của cổ phiếu.
Ưu điểm của phương pháp đo lường chất lượng báo cáo tài chính theo chất lượng lợi nhuận đó là thông tin có thể thu thập trực tiếp trên báo cáo tài chính của các công ty niêm yết hoặc các website của các công ty. Việc đánh giá chất lượng báo cáo tài chính theo chất lượng lợi nhuận đem lại kết quả có độ tin cậy cao hơn so với phương pháp đo lường chất lượng báo cáo tài chính theo đặc điểm chất lượng nói trên, ít phụ thuộc vào ý kiến chủ quan của người đánh giá, bám sát theo thông tin trên báo cáo tài chính thực tế đã được công bố. Tuy vậy, phương pháp này có hạn chế chỉ tập trung vào lợi nhuận để đánh giá về chất lượng thông tin báo cáo tài chính mà bỏ qua các thông tin khác như thuyết minh báo cáo tài chính và các thông tin phi tài chính khác.
3. Kết luận
Việt Nam là một quốc gia đang phát triển, việc nâng cao chất lượng BCTC ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả hoạt động của DN. Bên cạnh đó, các quyết định kinh tế cũng được đảm bảo an toàn, hiệu quả và chịu tác động bởi một trong những tiêu chuẩn quan trọng đó là chất lượng thông tin kế toán (Võ Văn Nhị và Nguyễn Thị Kim Cúc, 2019). Thực tiễn trong thời gian qua, hệ thống chuẩn mực kế toán, kiểm toán VN được xây dựng dần dần theo khuôn khổ pháp lý phù hợp với chuẩn mực kế toán, kiểm toán quốc tế nhằm cải thiện và nâng cao chất lượng BCTC.
Tài liệu tham khảo
» Danh sách Tập tin đính kèm:
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: