Dương Thị Thanh Hiền
Việt Nam đang trong quá trình đổi mới và hội nhập, hoàn thiện thể chế, tạo ra khung pháp lý cần thiết cho sự vận hành của các công cụ quản lý, trong đó có kế toán. Những năm qua, những đổi mới đã đưa lĩnh vực kế toán nước ta từng bước tiếp cận với thông lệ quốc tế. Dù đã đạt được một số thành quả, hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam vẫn chưa hoàn chỉnh và chưa thực sự hoà hợp với quy định quốc tế. Thực tế vận dụng chuẩn mực còn gặp nhiều khó khăn. Những thách thức của quá trình hội nhập đòi hỏi phải có sự định hướng thay đổi hội tụ với chuẩn mực kế toán quốc tế, các thông tin về kế toán cần phải minh bạch, phản ánh chính xác, trung thực, đầy đủ và đáng tin cậy về tình hình doanh nghiệp. Bài viết bàn về thực trạng Chuẩn mực kế toán Việt và những thách thức khi hội nhập Chuẩn mực kế toán quốc tế.
1. Thực trạng Chuẩn mực kế toán Việt Nam hiện nay
Chuẩn mực kế toán Việt Nam được ban hành lần đầu tiên vào năm 2001. Đến nay, Bộ tài chính đã ban hành 26 chuẩn mực kế toán Việt Nam qua 5 đợt khác nhau. Việt Nam không có chuẩn mực kế toán riêng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể thực hiện theo Chế độ kế toán doanh nghiệp nhỏ và vừa theo thông tư 133/2016/QĐ-BTC với hệ thống tài khoản kế toán giản lực. Với chế độ kế toán này, một số chuẩn mực kế toán Việt Nam được loại trừ toàn bộ hay từng phần. Ngoài ra, hệ thống kế toán ngân hàng có những khác biệt nhất định so với hệ thống kế toán doanh nghiệp. Các ngân hàng trong nước được phép áp dụng theo Chế độ kế toán ngân hàng được ban hành bởi Ngân hàng Nhà nước với sự chấp thuận của Bộ Tài chính. Do đó, khi niêm yết trên sàn chứng khoán, các ngân hàng phải tuân thủ đồng thời hai hệ thống kế toán, hệ thống kế toán chuẩn mực chung của Bộ Tài chính và hệ thống kế toán ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước.
Tại Việt Nam, Bộ Tài chính là cơ quan quản lý hệ thống kế toán, đồng thời cũng là cơ quan soạn thảo và ban hành các chuẩn mực kế toán. Việt Nam chưa có một hội đồng đa lĩnh vực ban hành chuẩn mực kế toán theo cơ chế bỏ phiếu, Bộ Tài chính vẫn đóng vai trò chính trong toàn bộ quá trình soạn thảo và ban hành các chuẩn mực, các tổ chức khác chỉ giữ vai trò tư vấn. Bên cạnh đó, lực lượng đội ngũ nhân sự của cơ quan chịu trách nhiệm trực tiếp nghiên cứu soạn thảo các chuẩn mực kế toán là Vụ Chế độ kế toán và kiểm toán (Bộ tài chính) khá ít người, chưa đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi thực tiễn của nhiệm vụ. Trải qua 5 lần ban hành, đến nay, nước ta mới ban hành được 26 chuẩn mực kế toán so với 43 chuẩn mực kế toán quốc tế hiện hành của IASB. Quá trình chuẩn bị, soạn thảo và ban hành các chuẩn mực kế toán của Việt Nam diễn ra còn chậm. Trong vòng 10 năm trở lại đây, IASB đã ban hành thêm 6 chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế, ban hành lại 6 chuẩn mực kế toán quốc tế và một Khuôn mẫu lý thuyết cho việc lập và trình bày báo cáo tài chính quốc tế. Trong khi đó, Việt Nam mới chỉ ban hành được một hướng dẫn áp dụng chuẩn mực quốc tế, và khởi động lại biên soạn các chuẩn mực mới bổ sung.
Sự chậm chạp trong quá trình soạn thảo và ban hành các chuẩn mực kế toán Việt Nam tương thích với các chuẩn mực quốc tế sẽ làm hạn chế sức hút đối với các nhà đầu tư quốc tế của nền kinh tế. Các doanh nghiệp đa quốc gia sẽ gặp khó khăn hơn khi phải vừa tuân thủ hai hệ thống chuẩn mực kế của Việt Nam và quốc tế song song nhau; hệ thống chuẩn mực kế toán là một trong những yếu tố quan trọng tác động đến quyết định đầu tư, quy mô đầu tư của các công ty đa quốc gia, các nhà đầu tư quốc tế vào một quốc gia. Hệ thống tài chính nói chung và hệ thống chuẩn mực kế toán nói riêng thuận lợi sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư quốc tế đầu tư nhiều hơn vào một quốc gia. Trong bối cảnh Chính phủ đang tích cực đồng hành với doanh nghiệp, hệ thống chuẩn mực đầy đủ, đáp ứng các chuẩn mực quốc tế lại càng có ý nghĩa quan trọng.
Hiện nay, Bộ Tài chính mới chỉ ban hành được bộ chuẩn mực kế toán gồm 26 chuẩn mực cụ thể. Do đó, hệ thống chuẩn mực kế toán của nước ta vẫn còn thiếu khá nhiều chuẩn mực so với hệ thống chuẩn mực kế toán quốc tế của IASB. Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể, so với trước đây, hệ thống chuẩn mực kế toán nước ta đã có nhiều tiến bộ, đáp ứng được những yêu cầu cơ bản của nền kinh tế. Về nguyên nhân chậm ban hành đầy đủ các chuẩn mực kế toán, một phần là do đội ngũ nhân sự nghiên cứu, soạn thảo vẫn còn hạn chế về số lượng và chất lượng. Trong thời gian tới, Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện và ban hành bổ sung những chuẩn mực kế toán còn thiếu so với các chuẩn mực quốc tế, đồng thời cập nhật những chuẩn mực đã lạc hậu hoặc chưa tiệm cận với các quy chuẩn quốc tế.
Hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam có thể được chia thành 3 nhóm: nhóm chuẩn mực chung (gồm có chuẩn mực 1), nhóm chuẩn mực các vấn đề kế toán (gồm các chuẩn mực: 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 10, 11, 14, 15, 16, 17, 18, 19), và nhóm chuẩn mực liên quan đến lập báo cáo tài chính (gồm các chuẩn mực: 21, 22, 23, 24, 25, 26, 27, 28, 29, 30).
Nguyên nhân của những thực trạng này, có thể kể đến như: (i) Hoàn cảnh lịch sử: VAS được ban hành vào những năm đầu thế kỷ XXI, khi các giao dịch của nền kinh tế thị trường chưa phát sinh nhiều, thị trường chứng khoán mới hình thành và hiểu biết về CMKT còn nhiều hạn chế. (ii) Chậm cập nhật so với thông lệ và Chuẩn mực quốc tế: CMKT quốc tế đã có nhiều thay đổi nhưng VAS ban hành từ năm 2005 đến nay vẫn chưa được cập nhật, đã dần không theo kịp với những biến động của nền kinh tế. (iii) Ảnh hưởng của cơ chế đặc thù trong nước: Tại thời điểm ban hành VAS, cơ chế quản lý còn tồn tại nhiều bất cập, chịu sự ảnh hưởng của khối DN Nhà nước nên việc áp dụng chung một chính sách cho tất cả các DN thuộc mọi lĩnh vực, mọi thành phần kinh tế còn khó khăn. Vì vậy, một số quy định của VAS phải hướng đến phục vụ công tác quản lý của DN Nhà nước. Mặt khác, do phạm vi áp dụng chưa rõ ràng nên một số chính sách tài chính và kế toán còn có sự chồng chéo, khác biệt, gây khó khăn cho việc tuân thủ pháp luật của DN. (iv) Thiếu nguồn nhân lực, vật lực: Nguồn nhân lực kế toán, kiểm toán có trình độ hiểu biết về Chuẩn mực quốc tế còn thiếu về số lượng và yếu về chất lượng, kể cả tại các cơ quan hoạch định chính sách, quản lý, giám sát. Ngoài ra, việc không có đủ nguồn kinh phí cần thiết cho việc nghiên cứu, đào tạo trên tất cả các đối tượng từ các nhà hoạch định chính sách, cơ sở đào tạo, DN,… cũng tạo nên sự hạn chế của VAS và Chế độ kế toán.
2. Những thách thức khi hội nhập Chuẩn mực kế toán quốc tế
Sử dụng một hệ thống báo cáo mới (như IFRS) mang lại nhiều thách thức cho các bên liên quan tham gia vào quá trình hòa hợp - hội tụ chuẩn mực kế toán quốc tế như các nhà làm luật, các nhà soạn thảo, kiểm toán viên và những người sử dụng. Đặc biệt, thách thức cho các nhà làm luật để xác định mức độ, phạm vi tương đồng của GAAP quốc gia với IFRS (Heihues và Patel, 2008). Để có thể làm tốt công việc xác định này, đòi hỏi những người thi hành phát triển và đạt được những phân tích chuyên sâu về những gì thay đổi trong phần mềm, phần cứng, quy trình báo cáo; khối lượng công việc chuyển tiếp bổ sung cùng với các hoạt động hàng ngày (AICPA, 2011).
Quản lý nhận thức cộng đồng về những thay đổi của các tuyên bố tài chính cũng là những thách thức khác cho các nhà quản lý doanh nghiệp áp dụng chuẩn mực kế toán mới. Từ khía cạnh các nhà kiểm toán, họ cần phải hoạch định tốt, Vì vậy, các nhân viên của họ phải có các kỹ năng cần thiết vào thời điểm khách hàng của họ bắt đầu quá trình trao đổi. Nhưng đây là công việc không dễ dàng đối với các nhân viên kiểm toán do kiến thức của họ đã không được cập nhật hoặc quên đi do ít được sử dụng (Daske và các cộng sự, 2008).
Hơn nữa, Jermakowicz (2004) đã liệt kê một số thách thức trong quá trình chấp nhận IFRS bao gồm: bản chất phức tạp của một số chuẩn mực của IFRS (như thử nghiệm suy yếu IAS 36); thiếu hướng dẫn về báo cáo IFRS đầu tiên (như IFRS 1); kém phát triển thị trường vốn và thực thi luật và các quy định yếu kém. Tokar (2005) cho rằng, với những quốc gia sử dụng ngôn ngữ khác tiếng Anh, chuyển đổi IFRS sang ngôn ngữ quốc gia kịp thời là một trở ngại khác trong giai đoạn chuyển tiếp. Công việc áp dụng IFRS càng phức tạp hơn bởi IFRS vẫn tiếp tục được phát triển, và vẫn chưa kết thúc (Fox và các cộng sự, 2013). Thách thức này làm cho thời kỳ chuyển tiếp khó khăn hơn để đạt được tình trạng tuân thủ đầy đủ theo IFRS (Joshi và các cộng sự, 2008).
Một số tác giả khác cũng cho rằng, IFRS sẽ phải làm như thế nào để giảng dạy cho sinh viên và cách thức để các chuyên viên luôn được cập nhật các chuẩn mực mới (Heidhues và Patel, 2008; Wong và Elaine, 2004). Giáo dục cho cả các nguồn lực chuyên nghiệp và không chuyên cũng trở thành một rào cản quan trọng trong tiến trình IFRS hội tụ với các chuẩn mực kế toán quốc gia. Egbere và các cộng sự (2014) đã đưa ra một số thách thức khác như: chi phí cao khi áp dụng IFRS, bản chất phức tạp của IFRS, thiếu hướng dẫn áp dụng IFRS và bản chất định hướng thuế của các chuẩn mực quốc gia (Stephen, 2015).
Một số tác động tiêu cực không mong đợi đến quá trình hòa hợp - hội tụ chuẩn mực kế toán quốc tế cụ thể như: (1) Hòa hợp - hội tụ chuẩn mực kế toán quốc tế có thể khiến báo cáo tài chính của doanh nghiệp thiếu trung thực và chính xác do việc giảm thiểu các phương pháp thay thế trong kế toán (Barth, Landsman và Lang, 2008). (2) Chuẩn mực kế toán quốc tế dựa trên các nguyên tắc nhất định có thể tạo cơ hội cho doanh nghiệp quản lý thu nhập trong các báo cáo đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh (Jeanjean và Stolowy, 2008). (3) Cơ chế thực thi chuẩn mực kế toán quốc tế yếu kém có thể làm giảm chất lượng báo cáo tài chính, ngay cả khi áp dụng các chuẩn mực kế toán chất lượng cao (Brown và Tarca, 2007).
Đối với các quốc gia đang phát triển, chất lượng nguồn nhân lực kế toán còn hạn chế, thị trường tài chính kém phát triển, trình độ quản lý của chính phủ kém, và tỷ lệ doanh nghiệp quốc tế tham gia thị trường thấp là những nguyên nhân khiến việc áp dụng IFRS có thể không đạt được lợi ích cao như các quốc gia đã phát triển. Bên cạnh đó, những hạn chế nội tại của các quốc gia có thể khiến công tác kiểm toán và báo cáo tài chính không khách quan và trung thực. Nói cách khác, hòa hợp - hội tụ chuẩn mực kế toán quốc tế không chắc chắn mang lại những lợi ích như đã kỳ vọng vì còn phụ thuộc vào tình hình thực tiễn tại quốc gia áp dụng.
3. Kết luận
Hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam có mức độ tương đồng cao với hệ thống chuẩn mực kế toán quốc tế, nhưng bên cạnh đó, mức độ khác biệt còn đáng kể. Quá trình hoà hợp và hội tụ với chuẩn mực quốc tế sẽ có ý nghĩa hơn khi được đo lường bởi rút ngắn khoảng cách những khác biệt thay vì chỉ ghi nhận mức độ tương đồng. Rút ngắn và xoá bỏ những khác biệt là đích đến và là điểm hội tụ của chuẩn mực kế toán quốc gia với hệ thống chuẩn mực quốc tế. Đây là một quá trình không hề dễ dàng, khi trình độ phát triển và điều kiện thị trường Việt Nam chưa đạt độ chín muồi để áp dụng toàn bộ các chuẩn mực quốc tế.
Việt Nam vẫn đang trong quá trình vừa hoàn thiện dần cơ chế thị trường, vừa từng bước xây dựng và hoàn thiện hệ thống chuẩn mực kế toán tương xứng, để phục vụ thị trường và nền kinh tế tốt hơn. Lộ trình và nhịp độ xây dựng chuẩn mực kế toán của Việt Nam được đánh giá mặc dù chậm nhưng mà chắc và hội tụ kế toán quốc tế của Việt Nam đang đi đúng hướng. CMKT Việt Nam hướng tới hòa nhập với IAS và IFRS để đảm bảo tính thống nhất toàn cầu, áp dụng cho các tổ chức trên các khu vực pháp lý khác nhau, trong việc đo lường, công khai và minh bạch tài chính.
Tài liệu tham khảo
» Danh sách Tập tin đính kèm:
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: