1. Khái niệm
Hành vi đe dọa chất lượng kiểm toán lần đầu được đề cập trong nghiên cứu của Malone and Roberts (1996). Theo Malone and Roberts (1996), các hành vi đe dọa chất lượng kiểm toán là “hành động của KTV trong cuộc kiểm toán làm giảm khả năng phát hiện và báo cáo các sai sót trọng yếu”.
2. Mối quan hệ giữa hành vi đe dọa chất lượng kiểm toán với chất lượng kiểm toán
Quan điểm chất lượng kiểm toán là khả năng phát hiện và báo cáo các sai sót trọng yếu được xem là quan điểm được chấp nhận khá phổ biến của các nhà nghiên cứu về chất lượng kiểm toán. DeAngelo (1981) là nhà nghiên cứu đầu tiên xác định chất lượng kiểm toán dựa trên khả năng phát hiện và báo cáo các sai sót trọng yếu trong BCTC của công ty khách hàng.
Theo đó, chất lượng kiểm toán được hiểu là khả năng KTV phát hiện và báo cáo những sai sót trọng yếu trong việc trình bày và công bố BCTC của khách hàng được kiểm toán. Khả năng các KTV phát hiện được sai phạm trọng yếu phụ thuộc vào nhiều nhân tố, đặc biệt là năng lực nghề nghiệp và tính chính trực của KTV, còn khả năng báo cáo các sai phạm trọng yếu phụ thuộc vào tính độc lập của KTV (Lam and Chang, 1994).
Theo quan điểm này, nếu cuộc kiểm toán có chất lượng có nghĩa là KTV cam kết đảm bảo về khả năng phát hiện và báo cáo các sai phạm trọng yếu trong BCTC đã được kiểm toán theo đúng các quy định của chuẩn mực nghề nghiệp. Hành vi đe dọa chất lượng kiểm toán làm suy giảm khả năng phát hiện và báo cáo các sai sót trọng yếu (Malone and Roberts,1996), tức là làm suy giảm chất lượng kiểm toán BCTC. (Otley and Pierce, 1996a; Pierce and Sweeny, 2004).
3. Tổng quan về các nghiên cứu có liên quan đến các hành vi đe dọa chất lượng kiểm toán
Trên thế giới, khá nhiều nghiên cứu đã thực hiện về chủ đề này. Một số nhà nghiên cứu cho rằng hành vi đe dọa chất lượng kiểm toán, đồng nghĩa với sự sụt giảm khả năng KTV phát hiện và báo cáo về những sai phạm trọng yếu trong việc trình bày và công bố BCTC của các khách hàng được kiểm toán (Pierce and Sweeny, 2004).
Khả năng phát hiện và báo cáo được các sai phạm trọng yếu phụ thuộc vào nhiều nhân tố: Áp lực từ việc kiểm soát chi phí – chất lượng từ công ty kiểm toán (Pierce and Sweeney, 2004; Coram et al.,; 2003; Bedard et al.,2008); chính sách nhân sự không công bằng (Bol, 2011; Janssen, 2001; Akerlof and Yellen, 1990) của công ty kiểm toán có thể khiến giảm sút tinh thần làm việc của KTV, ảnh hưởng tiêu cực tới chất lượng hoạt động kiểm toán; hay việc các công ty kiểm toán thường đánh giá kết quả của KTV dựa vào việc họ có hoàn thành được mục tiêu do các nhà quản lý đặt ra hay không (Hopwood, 1972; Otley and Pierce, 1995; Sweeney and Pierce, 2004).
Một số nghiên cứu khác về các hành vi đe dọa chất lượng kiểm toán có liên quan tới tính cách và năng lực của KTV cũng đưa ra các kết luận về các nhân tố ảnh hưởng đến hành vi đe dọa chất lượng kiểm toán như: KTV có mức độ gắn bó thấp với công ty kiểm toán sẽ có xu hướng nhảy việc ngay khi có thể, do đó sẵn sàng có những hành động làm sụt giảm chất lượng kiểm toán nhằm đạt được các mục tiêu trước mắt: hoàn thành công việc được giao, được các nhà quản lý đánh giá tốt (Otley and Pierce, 1996a; Malone and Roberts ,1996). Simons, 1995; Otley and Pierce, 1995 tiếp cận theo hướng trao đổi thông tin giữa các KTV với nhà quản lý, chỉ ra rằng sự trao đổi không thường xuyên và thiếu thuận lợi giữa các KTV với nhau và với nhà quản lý về những vấn đề phát sinh trong cuộc kiểm toán cũng ảnh hưởng tới các hành vi đe dọa chất lượng cuộc kiểm toán.
Nghiên cứu của Pierce and Sweeney (2006) chú ý tới một số đặc tính cá nhân của KTV có liên quan tới hành vi đe dọa chất lượng kiểm toán, các tác giả nhận thấy các trưởng nhóm kiểm toán và những trợ lý KTV có nhiều kinh nghiệm hơn thì hành vi đe dọa chất lượng kiểm toán sẽ nhiều hơn ở các trợ lý KTV ít kinh nghiệm.
Tóm lại, các hành vi đe dọa chất lượng kiểm toán đã được phát hiện trong các nghiên cứu trước đây bao gồm:
(1) Bỏ qua các thủ tục kiểm toán được thiết kế từ trước mà không thực hiện
các thủ tục kiểm toán thay thế (Coram et al., 2003; Otley and Pierce, 1996a;
Raghunathan, 1991);
(2) Chấp nhận sự giải thích không hợp lý của khách hàng và xem đó là một
bằng chứng kiểm toán thay thế (Coram et al., 2003; Otley and Pierce, 1996a)
(3) Soát xét thiếu thận trọng chứng từ, bằng chứng do khách hàng cung cấp
(Coram et al., 2003; Coram et al., 2003; Otley and Pierce, 1996a; Pierce and
Sweeney, 2004);
(4) Không tuân thủ theo nguyên tắc thận trọng đúng mức và hoài nghi nghề
nghiệp (Coram et al., 2003; Coram et al., 2003; Otley and Pierce, 1996a; Pierce
and Sweeney, 2004);
(5) Không mở rộng thủ tục kiểm tra khi phát hiện có sai sót (Coram et al.,
2003); Bỏ qua các khoản mục có thể có rủi ro cao (Pierce and Sweeney, 2004);
(6) Chấm công ít hơn thời gian làm việc thực tế (Otley and Pierce, 1996a;
Lightner et al., 1982)
Các nhân tố ảnh hưởng đến hành vi đe dọa chất lượng được Pierce và Sweeny (2004, 2005, 2010) khái quát và hệ thống hóa, bao gồm 2 nhóm:
Nhóm xuất phát từ Công ty kiểm toán:
(1) Mục tiêu cắt giảm chi phí;
(2) Áp lực từ việc đánh giá nhân viên gắn với hoàn thành mục tiêu;
(3) Chính sách nhân sự không công bằng.
Nhóm xuất phát từ kiểm toán viên:
(4) Mức độ gắn bó thấp với công ty kiểm toán
(5) Trao đổi thông tin không thuận lợi.
Tại Việt Nam, vấn đề hành vi đe dọa chất lượng kiểm toán chủ yếu được đề cập tới trong các nghiên cứu về chất lượng kiểm toán BCTC, ví dụ, đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ của Đoàn Xuân Tiên (2008) “Nâng cao năng lực cạnh tranh của các công ty kiểm toán độc lập ở Việt Nam hiện nay”; hoặc bàn luận về quy trình kiểm toán BCTC đối với từng lĩnh vực/ngành nghề cụ thể, ví dụ luận án tiến sĩ của Phạm Tiến Hưng (2009) “Hoàn thiện kiểm toán BCTC các công ty xây lắp của các tổ chức kiểm toán độc lập”.
Ngoài ra có thể kể đến một số công trình nghiên cứu trong nước khác có liên quan đến chất lượng kiểm toán, điển hình có Đề tài khoa học cấp bộ của Vương Đình Huệ (2001) “Hoàn thiện cơ chế kiểm soát chất lượng hoạt động kiểm toán độc lập ở Việt Nam”, luận án tiến sĩ của Ngô Đức Long (2002) “Những giải pháp nâng cao chất lượng kiểm toán độc lập ở Việt Nam”; Nguyễn Thị Mỹ (2013) “Hoàn thiện kiểm toán BCTC của các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam” và đề tài cấp ngành của Hà Thị Ngọc Hà (2011) “Các giải pháp hoàn thiện, tăng cường kiểm soát chất lượng công tác kiểm toán BCTC các đơn vị có lợi ích công chúng”. Tuy nhiên, trong các nghiên cứu này, nhân tố ảnh hưởng tới hành vi đe dọa chất lượng kiểm toán không phải là đối tượng và mục tiêu nghiên cứu chính mà chỉ là một phần nhỏ hoặc được dùng cho các phân tích bình luận quan trọng khác có liên quan, do đó các nhân tố ảnh hưởng đến hành vi đe dọa chất lượng kiểm toán chưa được hệ thống đầy đủ cũng như chưa được đánh giá mức độ ảnh hưởng của chúng tới chất lượng hoạt động kiểm toán.
Tài liệu tham khảo
L.E DeAngelo, 1981. Auditor Size and Audit Qualit., Journal of Accounting and Economics. 3:183-199
S. Lam and S. Chang, 1994. Auditor service quality and auditor size: Evidence from Initial Public Offerings in Singapore. Journal of International Accounting, Auditing and Taxation 3: 103-104
Hà Thị Ngọc Hà , 2011. Các giải pháp hoàn thiện, tăng cường kiểm soát chất lượng công tác kiểm toán BCTC các đơn vị có lợi ích công chúng. Hà Nội: Nhà xuất bản Tài chính.
Ngô Đức Long, 2002. Những giải pháp nâng cao chất lượng kiểm toán độc lập ở Việt Nam. Luận án tiến sĩ. Đại học Kinh tế quốc dân
Vương Đình Huệ , 2001. Hoàn thiện cơ chế kiểm soát chất lượng hoạt động kiểm toán độc lập ở Việt Nam. Hà Nội: Nhà xuất bản Tài chính.
» Danh sách Tập tin đính kèm:
» Các tin khác: