CÁC MÔ HÌNH TỔ CHỨC CƠ QUAN KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC TRÊN THẾ GIỚI HIỆN NAY
TS-Phan Thanh Hải
Trong quá trình phát triển của mỗi quốc gia, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) luôn là cơ quan chuyên môn về kiểm tra tài chính Nhà nước đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Mô hình tổ chức của cơ quan này sẽ quyết định đến chất lượng và hiệu quả hoạt động khi tham gia vào quá trình tư vấn cho công tác điều hành, quản lý vĩ mô của các cơ quan quản lý NSNN tại mỗi quốc gia. Bài viết này nhằm mục đích giới thiệu về các mô hình tổ chức cơ quan KTNN trên thế giới hiện nay
Cơ quan Kiểm toán Nhà nước còn được gọi là cơ quan Kiểm toán Tối cao (KTTC). Trên thế giới tồn tại 3 mô hình cơ quan KTTC:
(1) Mô hình cơ quan KTTC được đặt trong hệ thống lập pháp
Đây là loại hình cơ quan KTTC phổ biến nhất trên thế giới và nhận được sự ủng hộ rộng rãi. Theo mô hình này, cơ quan KTTC trực thuộc Quốc hội hoặc cơ quan Nghị viện. Đạo lý hoạt động của mô hình này là yêu cầu giải tỏa trách nhiệm của Chính phủ trước Quốc hội về báo cáo quyêt toán ngân sách hàng năm. Quốc hội muốn biết tường tận về thu chi ngân sách và hoạt động của Chính phủ phải căn cứ vào một cơ quan chuyên môn trực thuộc mình và độc lập với Chính phủ để có thể tiến hành một cách độc lập và khách quan các cuộc kiểm toán và đánh giá trung thực về các báo cáo và hoạt động của Chính phủ trình ra Quốc hội. Điển hình cho mô hình này là ở Mỹ, Cơ quan Giải tỏa Trách nhiệm Chính phủ (GAO) – cơ quan KTTC của Mỹ. Về mặt tổ chức, GAO thuộc Hạ Nghị Viện – là cơ quan chuyên môn giúp tư vấn cho Hạ Viện Mỹ trong việc thực hiện trách nhiệm quản lý tài chính của mình; Kiểm toán các chương trình và khoản chi của Chính phủ một cách độc lập, đồng thời không phụ thuộc vào bất kỳ đảng phái chính trị nào. Một số cơ quan KTTC khác được tổ chức theo mô hình này là Nga, Anh, Đan Mạch, Ba Lan, Séc...
Theo mô hình này, Ủy ban Báo cáo công (thuộc Quốc hội) là cơ quan giám sát hoạt động của cơ quan KTTC. Người đứng đầu cơ quan KTTC được gọi là Tổng Kiểm toán. Sự độc lập trong điều hành quản lý và quyền miễn trừ của Tổng Kiểm toán là những yếu tố đảm bảo cho Tính độc lập của cơ quan KTTC. Ngoài ra, việc duy trì thông tin, liên lạc (công khai kết quả kiểm toán) với Quốc hội và công chúng đóng một vai trò quan trọng trong các hoạt động của cơ quan KTTC.
(2) Mô hình cơ quan KTTC được đặt trong hệ thống hành pháp
Theo mô hình này, các cơ quan KTTC là một bộ phận cấu thành của Hệ thống trách nhiệm của quốc gia. Trong trường hợp này có thể hiểu cơ quan KTTC là cơ quan kiểm toán nội bộ của Chính phủ nên tính độc lập của cơ quan KTTC với các đơn vị được kiểm toán là không cao. Do vậy, để hoạt động có hiệu quả thì cần phải phân định ranh giới giữa trách nhiệm về quản lý hành chính với trách nhiệm về kiểm tra tài chính.
Theo mô hình này Chủ tịch cơ quan KTTC là người đứng đầu Hội đồng điều hành. Hội đồng điều hành này được cơ cấu theo dạng Hội đồng thẩm phán trong mô hình Tòa Thẩm kế nhưng không có chức năng tư pháp. Mỗi một thành viên trong Hội đồng điều hành sẽ được phân công chịu trách nhiệm một lĩnh vực công tác riêng biệt và là người có trách nhiệm cao nhất đối với lĩnh vực công tác đó.
Điển hình cho mô hình này là ở Trung Quốc, Cơ quan KTNN Trung Quốc (CNAO) là một bộ phận của chính quyền Trung ương, nó độc lập với các bộ và địa vị của nó tương đương với các bộ. CNAO được độc lập trong việc lập kế hoạch và tiến hành kiểm toán. Do cơ quan này đặt trong Chính phủ nên nó có một số quyền hạn nhất định trong việc chế tài giống như các bộ khác. Một số nước tổ chức cơ quan KTTC theo mô hình này là Nhật, Thái Lan, Lào, Campuchia, Thụy Điển...
(3). Mô hình cơ quan KTTC độc lập với cả hai hệ thống Lập pháp và Hành pháp
Trong trường hợp cơ quan KTTC được đặt trong vị trí độc lập với cả Quốc hội lẫn Chính phủ thì tính độc lập của nó rất cao. Với tư cách là cơ quan kiểm tra tài chính độc lập, cơ quan KTTC có nhiệm vụ hỗ trợ cho cả hai cơ quan Lập pháp và cơ quan Hành pháp. Điển hình cho mô hình này là Tòa Thẩm kế của Đức, Hà Lan, Pháp, Luých-xăm-bua, Hy Lạp...
Trong mô hình Tòa Thẩm kế, cơ quan KTTC là một bộ phận cấu thành của hệ thống tư pháp của quốc gia. So với các cơ quan KTTC theo mô hình Westminster thì các Tòa Thẩm kế có sự liên hệ với Quốc hội kém mật thiết hơn. Việc phán xử các quan chức chính phủ chịu trách nhiệm kinh tế có các hành vi sai phạm do Chính phủ thực hiện. Tòa Thẩm kế chỉ xử lý các vấn đề tài chính. Các thành viên chủ chốt của Tòa thường là các Thẩm phán dưới sự điều hành của Chủ tịch Tòa. Số cán bộ làm việc tại các Tòa Thẩm kế được đào tạo trong ngành Luật chiếm tỷ trọng lớn hơn số cán bộ có bằng cấp kinh tế, tài chính. Theo thông lệ, các Tòa Thẩm kế thường tập trung hoạt động của mình vào các vấn đề mang tính tuân thủ pháp luật. Tuy nhiên, hoạt động của Tòa Thẩm kế bao trùm cả những vấn đề khác khi được Quốc hội yêu cầu.
Cho dù cơ quan KTTC thuộc mô hình nào thì giữa các cơ quan KTTC chỉ có sự khác biệt về mặt cơ cấu tổ chức chứ không khác biệt về mặt chức năng. Sự khác biệt giữa các mô hình cơ quan KTTC được thể hiện trong việc sử dụng kết quả kiểm toán và cách thức nó trao đổi thông tin với Quốc hội, Chính phủ và công chúng. Tuy nhiên những khác biệt đó không quá trọng yếu bởi cho dù được hình thành và hoạt động theo mô hình nào thì các cơ quan KTTC đều đóng góp tích cực cho hoạt động quản lý nhà nước bằng cách giải tỏa trách nhiệm của Chính phủ và chia sẻ khả năng thực hiện thành công các cuộc kiểm toán.
---------------
Tài liệu tham khảo
[1] Vương Đình Huệ (2012), Giải pháp nâng cao vị trí, vai trò của KTNN Việt Nam trong phòng chống tham nhũng, Đề tài NCKH cấp Bộ, KTNN năm 2008, Hà Nội.
[2] Kiểm toán Nhà nước (2008), Luật KTNN và các văn bản hướng dẫn thi hành của KTNN, Nxb Nông nghiệp, Hà Nội.
[3] Đỗ Thị Ánh Tuyết (2014), Giải pháp tổ chức kiểm toán môi trường ở Việt Nam, Luận án tiến sĩ năm 2014, Học viện tài chính.
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: