GIẢI PHÁP GÓP PHẦN GIẢM THIỂU “SỰ KHÁC BIỆT KỲ VỌNG” CỦA KIỂM TOÁN ĐỘC LẬP TRONG XU THẾ HỘI NHẬP PHÁT TRIỂN
TS. Phan Thanh Hải
Trưởng khoa Kế toán
Thuật ngữ “sự khác biệt về kỳ vọng” (expectations gap) là một trong những thuật ngữ rất được những nhà nghiên cứu về kiểm toán quan tâm bởi chính thuật ngữ này là sự cụ thể hóa cho nhiều ý kiến tranh cãi khác nhau về mục tiêu của kiểm toán nói chung và kiểm toán độc lập nói riêng.
Sự khác biệt về kỳ vọng chỉ ra một giới hạn, một khoảng cách giữa kỳ vọng và trông đợi của công chúng về trách nhiệm phát hiện gian lận, sai sót của kiểm toán viên và những gì được coi là trách nhiệm của kiểm toán viên trong quá trình thực hiện công việc kiểm toán.
Nội dung của bài viết này sẽ giúp người đọc hiểu kỹ hơn về bản chất của thuật ngữ cũng như đưa ra một số các giải pháp góp phần giảm thiểu sự khác biệt này trong quá trình hoạt động của các công ty kiểm toán độc lập.
Bản chất của “sự khác biệt về kỳ vọng” trong kiểm toán
Cũng giống với các khoa học khác, khoa học kiểm toán có đối tượng nghiên cứu, phương pháp nghiên cứu và các chức năng riêng biệt trong quá trình tồn tại và phát triển của mình. Trong hai chức năng cơ bản là xác minh và bày tỏ ý kiến thì chức năng xác minh đóng vai trò cực kỳ quan trọng và mang tính quyết định đến chất lượng của kết quả kiểm toán cả trong lý luận lẫn thực tiễn kiểm toán hiện nay.
Một vấn đề đặt ra được các nhà nghiên cứu về kiểm toán bàn thảo rất sôi nổi đó chính là nội dung của chức năng xác minh. Qua quá trình nghiên cứu nội dung này, họ đã chỉ ra sự mâu thuẫn giữa kiểm toán và quản lý thông qua thuật ngữ “sự khác biệt về kỳ vọng”. Cho dù trước đó khi nói về lịch sử hình thành và phát triển của kiểm toán, không ai có thể phủ nhận kiểm toán ra đời đó chính là sự phát triển cao của chức năng kiểm tra, kiểm soát trong quy trình quản lý.
Sự khác biệt kỳ vọng đó chính là khái niệm dùng để chỉ khoảng cách giữa mong muốn phát hiện tất cả các gian lận và sai phạm với khả năng thực tế của KTV, công ty kiểm toán trong quá trình thực hiện nội dung của các hợp đồng kiểm toán (tức là kỳ vọng của xã hội với trách nhiệm nghề nghiệp kiểm toán).
Kết quả của nhiều nghiên cứu đã đi đến kết luận : sự khác biệt kỳ vọng đó là một thuật ngữ luôn luôn tồn tại và mang tính tất yếu trong suốt quá trình phát triển và hoàn thiện của khoa học kiểm toán.
Chúng ta có thể dễ dàng chỉ ra được sự tồn tại của thuật ngữ này trong nhận thức trên thực tế của các kiểm toán viên và trong nội dung của các chuẩn mực kiểm toán đã ban hành. Cụ thể trong chuẩn mực kiểm toán số 240 (VSA 240)-Gian lận và sai sót chỉ rõ :
“Nhà quản lý đơn vị phải chịu trách nhiệm trực tiếp đối với các sai phạm do gian lận và sai sót gây ra bằng cách thiết kế, tổ chức và duy trì thường xuyên một hệ thống KSNB nhằm ngăn ngừa, phát hiện và xử lý các gian lận và sai sót ở đơn vị mình” (Đoạn 6 VSA 240).
“ Trong quá trình kiểm toán, kiểm toán viên và công ty kiểm toán có trách nhiệm giúp đơn vị phát hiện, xử lý và ngăn ngừa gian lận và sai sót, nhưng kiểm toán viên và công ty kiểm toán không phải chịu trách nhiệm trực tiếp trong việc ngăn ngừa các gian lận và sai sót ở đơn vị mà họ kiểm toán“ (Đoạn 7-VSA 240).
Như vậy theo như nội dung của chuẩn mực trên chúng ta có thể thấy đứng dưới góc độ là kiểm toán viên và công ty kiểm toán thì trách nhiệm chính trong việc phát hiện và ngăn chặn các hành vi gian lận, sai sót thuộc về nhà quản lý đứng đầu đơn vị được kiểm toán.
Lý do mà kiểm toán viên không có trách nhiệm ngăn chặn và xử lý các gian lận, sai sót đó là vì bản chất của kiểm toán chỉ là dịch vụ xác nhận thông tin trên BCTC có trung thực và hợp lý hay không thông qua việc phát hiện các gian lận và sai sót từ các bằng chứng kiểm toán.
Trên cơ sở các gian lận và sai sót phát hiện được kiểm toán viên sẽ yêu cầu nhà quản lý điều chỉnh cho đúng với sự thật. Sau đó, kiểm toán viên sẽ kiểm tra xem đơn vị có thực hiện đúng các yêu cầu trong báo cáo kiểm toán hay không để quyết định có nên tiếp tục kiểm toán. Còn ngăn chặn và xử lý là trách nhiệm của nhà quản lý vì nhà quản lý là người xây dựng nên hệ thống kiểm soát nội bộ, xây dựng nên chính sách phát hiện các gian lận, sai sót nên họ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm với hệ thống kiểm soát nội bộ do mình xây dựng nên và đưa ra biện pháp xử lý đối với các gian lận, sai sót mà kiểm toán viên đã phát hiện được.
Một khía cạnh cần nói đến nữa của thuật ngữ sự khác biệt về kỳ vọng đó chính là khoảng cách giữa chi phí với hiệu quả của công tác kiểm toán trong quá trình thực hiện hợp đồng kiểm toán. Trên thực tế các công ty kiểm toán độc lập hiện nay đều hoạt động và cung cấp các dịch vụ của mình với mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận. Chính vì vậy luôn luôn có sự mâu thuẫn và khoảng cách nhất định giữa quan điểm thiết kế các thủ tục tìm kiếm các bằng chứng kiểm toán để nâng cao hiệu quả và chất lượng của công tác kiểm toán với quan điểm giảm thiểu chi phí ở mức hợp lý để đảm bảo mức lợi nhuận đạt được.
Sự khác biệt kỳ vọng này luôn luôn tồn tại và có ảnh hướng rất lớn đến nội dung và phương pháp thực hiện của khoa học kiểm toán. Biểu hiện cụ thể qua một số các vấn đề như sau :
Biểu hiện của “sự khác biệt về kỳ vọng” qua một số các thuật ngữ trong chuẩn mực và phương pháp kiểm toán hiện nay
Theo quan điểm của tác giả bài viết, sự khác biệt về kỳ vọng được biểu hiện thông qua một số các thuật ngữ và phương pháp trong khoa học kiểm toán như sau :
- Thuật ngữ “trung thực và hợp lý trên các khía cạnh trọng yếu”
Mục tiêu của kiểm toán BCTC đã chỉ rõ : “Kiểm toán BCTC nhằm xem xét BCTC đơn vị có được lập theo đúng chuẩn mực kế toán hiện hành hay không ? có tuân thủ luật pháp liên quan hay không ? có phản ánh trung thực hợp lý trên các khía cạnh trọng yếu hay không ?” (VSA 200).
Như vậy chúng ta hoàn toàn có thể thấy rằng trong kiểm toán, thuật ngữ “chính xác” được hạn chế trong việc trình bày và sử dụng, thay vào đó là thuật ngữ “hợp lý trên các khía cạnh trọng yếu”. Chính điều này khẳng định rằng, đối với các công chúng việc quá tin tưởng và kỳ vọng vào một BCTC được kiểm toán với độ chính xác tuyệt đối sau khi KTV kết thúc quá trình làm việc là việc làm không có thực. Thuật ngữ này cũng có hàm ý rằng : kết quả công bố với công chúng không mang ý nghĩa bảo lãnh tuyệt đối đối với tình hình, sức khỏe tài chính của doanh nghiệp được kiểm toán mà chỉ có ý nghĩa tương đối.
- Thuật ngữ “rủi ro phát hiện” và “rủi ro kiểm toán”
Trong kiểm toán, đối với quá trình thực hiện công việc thì rủi ro phát hiện và rủi ro kiểm toán luôn luôn tồn tại và có tác động quyết định đối với chất lượng của cuộc kiểm toán tại đơn vị khách hàng. Các khái niệm này đứng dưới góc độ quan điểm của cá nhân tác giả, có mối liên quan chặt chẽ với “sự khác biệt kỳ vọng” bởi lẽ “chúng” cho thấy, ngay cả khi cuộc kiểm toán được tiến hành một cách bài bản và khoa học thì vẫn không thể hạn chế đến mức không thể xảy ra những sai sót, những điểm không thích hợp trong quá trình tìm kiếm các bằng chứng để đưa ra ý kiến trên báo cáo kiểm toán.
Chuẩn mực kiểm toán số 400 (VSA 400) đã chi rõ :
Rủi ro phát hiện là rủi ro xảy ra sai sót trọng yếu trong từng nghiệp vụ, từng khoản mục trong BCTC khi tính riêng lẻ hoặc tính gộp mă trong quá trình kiểm toán, kiểm toán viên và công ty kiểm toân không phât hiện được.
Rủi ro kiểm toán là rủi ro mà kiểm toán viên và công ty kiểm toán đưa ra những ý kiến nhận xét không thích hợp khi báo cáo tài chính đã được kiểm toán còn có những sai sót trọng yếu.
- Thuật ngữ “chọn mẫu” trong kiểm toán
Ngoài các thuật ngữ kể trên thì nội dung của thuật ngữ “sự khác biệt kỳ vọng” còn được biểu hiện thông qua phương pháp chọn mẫu trong kiểm toán. Sự biểu hiện này được giải thích bởi những nguyên nhân như sau :
+ Kiểm toán viên không cần một sự chắc chắn chính xác tuyệt đối, nghĩa là kiểm toán viên không có nghĩa vụ phải xác minh rằng số liệu trên BCTC là tuyệt đối chính xác, mà chỉ có nghĩa vụ xác minh số liệu đó có trung thực, hợp lý hay không mà thôi. Mặt khác các tài liệu mà kiểm toán viên dựa vào để kiểm tra cũng chỉ có độ chính xác tương đối, vì vậy việc chấp nhận kết quả kiểm tra ở mức tương đối là điều đương nhiên.
+ Nếu kiểm tra toàn diện thì chi phí sẽ cao, tính kinh tế không đảm bảo. Một yêu cầu đặt ra cho một cuộc kiểm toán là phải có hiệu quả, nghĩa là lợi ích do kiểm toán mang lại phải lớn hơn chi phí bỏ ra cho cuộc kiểm toán. Nếu thử nghiệm 100% các nghiệp vụ và số dư tài khoản, chi phí cho cuộc kiểm toán có thể lớn hơn chi phí do sai phạm mang lại.
+ Thời gian hoàn thành cuộc kiểm toán không cho phép kiểm tra 100% nghiệp vụ và số dư tài khoản, vì nếu kiểm tra 100%, thời gian kiểm toán kéo dài, mà như vậy tác dụng của thông tin sau kiểm toán trở nên không còn nữa, thời cơ kinh doanh, đầu tư đã bị bỏ lỡ...
+ Việc kiểm tra toàn bộ 100% tổng thể vẫn chưa cung cấp được sự chắc chắn tuyệt đối, vì có thể có những nghiệp vụ và số liệu không được ghi chép, vì vậy việc suy luận ra kết quả của tổng thể dựa trên kết quả kiểm tra mẫu là có thể chấp nhận được.
Nguyên nhân hình thành nên sự khác biệt kỳ vọng trong công tác kiểm toán độc lập hiện nay
Theo nhiều kết quả nghiên cứu, các nhà khoa học đã chỉ ra hai nguyên nhân cơ bản dẫn hình thành nên “sự khác biệt kỳ vọng” trong công tác kiểm toán độc lập.[3, tr 46-49]
Thứ nhất,Do yêu cầu quá cao của xã hội đối với nghề nghiệp kiểm toán
Nhìn chung, xã hội và những người sử dụng kết quả kiểm toán thường có các yêu cầu rất khó thực thi, bởi lẻ nhiều người thường nghĩ rằng khi đã nhận xét rằng các BCTC đã được trình trung thực và hợp lý, nghĩa là kiểm toán viên phải bảo đảm rằng :
Các BCTC là chính xác.
Đơn vị sẽ không bị phá sản.
Không có gian lận tại đơn vị.
Đơn vị đã tuân thủ pháp luật.
Đơn vị đã được quản lý tốt…
Một cuộc kiểm tra thường không thể đáp ứng được những nhu cầu trên do những hạn chế tiềm tàng của kiểm toán và sâu xa hơn là khía cạnh kinh tế của vấn đề. Vì một cuộc kiểm toán nếu muốn đạt được những nhu cầu nêu trên, giả sử thực hiện được, sẽ dẫn đến chi phí rất cao và không tương xứng với mục đích sử dụng của báo cáo tài chính.
Bởi lẻ, căn cứ vào những thông tin trên báo cáo tài chính, người sử dụng sẽ ra các quyết định. Những quyết định này được đưa ra chủ yếu là dựa trên một sự hiểu biết về tổng thể của báo cáo tài chính hơn là chi tiết, vì thế người sử dụng cần được cung cấp một sự đánh giá về mức độ trung thực và hợp lý của BCTC hơn là đi sâu vào những khía cạnh khác như việc tuân thủ tất cả các quy định luật pháp hay phát hiện mọi gian lận và sai sót… Còn những vấn đề nào thuộc về trách nhiệm của người quản lý thì đã được hoặc cần được quy định bởi luật pháp.
Chính vì lẽ đó, vấn đề này cũng được thừa nhận trong VSA 200 đoạn 12 như sau : “Ý kiến của kiểm toán viên làm tăng thêm sự tin cậy của BCTC, những người sử dụng báo cáo tài chính không thể cho rằng ý kiến của kiểm toán viên là sự đảm bảo về khả năng tồn tại của doanh nghiệp trong tương lai cũng như hiệu quả và hiệu lực của bộ máy quản lý.”
Thứ hai, Dodịch vụ được các công ty kiểm toán độc lập cung cấp chưa hoàn hảo
Dịch vụ và nghề nghiệp kiểm toán cung cấp cho xã hội sở dĩ còn chưa hoàn hảo là do 2 nguyên nhân sau :
Các công ty kiểm toán và kiểm toán viên trong từng hợp đồng cụ thể có thể chưa hoàn thành hết trách nhiệm của mình, không thực hiện đúng đắn và đầy đủ các tiêu chuẩn chất lượng mà chuẩn mực đã đề ra.
Bản thân các chuẩn mực kiểm toán chưa đạt được yêu cầu hợp lý của nghề nghiệp và xã hội.
Một số các giải pháp nhằm giảm thiểu sự khác biệt kỳ vọng và nâng cao vai trò của kiểm toán trong xu thể hội nhập, phát triển hiện nay
Qua phân tích 2 nguyên nhân cơ bản ở trên, chúng ta có thể thấy để ngày càng nâng cao vai trò, chất lượng và vị thế của ngành kiểm toán độc lập cần thiết phải giảm thiếu “sự khác biệt kỳ vọng” thông qua một số các giải pháp sau :
- Tăng cường công tác tuyên truyền, giải thích cho người sử dụng các dịch vụ của kiểm toán đặc biệt là dịch vụ kiểm toán BCTC những hạn chế tiềm tàng của những cuộc kiểm toán BCTC, đặc biệt là giải thích về trách nhiệm của kiểm toán viên, trách nhiệm của nhà quản lý tại các đơn vị khách hàng kiểm toán qua các cuộc hội thảo chuyên đề, các buổi tập huấn, trao đổi thông tin của các công ty kiểm toán, của hiệp hội nghề nghiệp.
- Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ mà đặc biệt là công tác bồi dưỡng ý thức, đạo đức, trách nhiệm nghề nghiệp của đội ngũ kiểm toán viên, trợ lý kiểm toán nhằm đáp ứng yêu cầu công việc, đáp ứng sự kỳ vọng của công chúng. Theo đó, các công ty kiểm toán, hiệp hội nghề nghiệp cần kết hợp với các trường đại học, các học viện có uy tín để nghiên cứu và xây dựng chương trình đào tạo, chuyên gia đào tạo đảm bảo chất lượng.
- Tăng cường chất lượng và phạm vi của công tác kiểm soát chất lượng của hội nghề nghiệp dưới góc độ đi sâu vào kiểm soát kỹ thuật chứ không phải chỉ kiểm soát cơ cấu, trong đó có vấn đề chú trọng là kiểm soát đạo đức nghề nghiệp của các kiểm toán viên, trợ lý kiểm toán tại các công ty kiểm toán độc lập. Chúng ta nên quy định điều kiện, tiêu chuẩn chức danh của các vị trí trong công ty kiểm toán; ban hành mẫu biểu kiểm soát chất lượng đạo đức kiểm toán viên một cách cụ thể, sửa đổi điều kiện hành nghề kiểm toán theo định hướng chặt chẽ hơn.
- Nghiên cứu sửa đổi và ban hành các văn bản mới về chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp theo các chuẩn đã cập nhật, sửa đổi của Liên đoàn kế toán quốc tế (IFAC). Hiện tại quyết định 87/2005/QĐ-BTC do Bộ Tài Chính ban hành ngày 01/12/2005 về chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của những người làm việc trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán dựa trên khung quy định chuẩn của Liên đoàn kế toán quốc tế (IFAC) năm 2001 đã trở nên lạc hậu vì hệ thống chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp này đã được IFAC cập nhật, sửa đổi lại chính trong năm 2005. Chúng ta nên tách chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của kế toán với kiểm toán riêng ra thành hai chuẩn mực khác nhau với các quy định và hướng dẫn cụ thể.
- Bộ tài chính và hiệp hội nghề nghiệp cần nghiên cứu và sớm ban hành các thông tư hướng dẫn thực hiện các chuẩn mực kiểm toán quan trọng. Qua đó, giúp cho các công ty kiểm toán, các kiểm toán viên có điều kiện thuận lợi để thực hiện đầy đủ nghĩa vụ và trách nhiệm của mình nhằm đáp ứng ngày càng lớn sự kỳ vọng của khách hàng, của xã hội.
Như vậy, qua những nội dung trình bày ở trên cho thấy việc giảm thiểu sự khác biệt kỳ vọng kiểm toán là một vấn đề rất đáng quan tâm trong bối cảnh hiện nay, đòi hỏi phải có một loạt các giải pháp đồng bộ, lâu dài và từng bước thực hiện. Đối với các kiểm toán viên, công ty kiểm toán, hiệp hội nghề nghiệp đây là một trách nhiệm to lớn trong việc khẳng địnhvà nâng tầmvị thếcủa nghề nghiệp đối với niềm tin của công chúng, của cả xã hội.
-----------------------------------------
Tài liệu tham khảo :
1. Các chuẩn mực kiểm toán Việt Nam
2. Nghị định số 105/2004/NĐ-CP ngày 30/03/2004 về kiểm toán độc lập
3. Kiểm toán, BM Kiểm toán-ĐH Kinh tế TP HCM, NXB Thống kê (2004)
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: