KIỂM TOÁN TRÁCH NHIỆM KINH TẾ ĐỐI VỚI CÁN BỘ LÃNH ĐẠO CỦA KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC – MỘT SỐ BẤT CẬP VÀ GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN ĐÁP ỨNG YÊU CẦU PHÒNG CHỐNG THAM NHŨNG, LÃNG PHÍ NGÂN SÁCH TÀI SẢN NHÀ NƯỚC TRONG ĐIỀU KIỆN HIỆN NAY
Trong những năm gần đây, rất nhiều sai phạm gây lãng phí, thất thoát ngân sách, tài sản của Nhà nước tại các đơn vị đặc biệt là những cơ quan, ban ngành, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã được các cơ quan bảo vệ pháp luật, kiểm toán Nhà nước phát hiện và xử lý kịp thời góp phần vào thành công chung của công tác phòng chống tham nhũng, tham ô, gian lận, tiêu cực ở các cấp. Trong quá trình đó thì trách nhiệm kinh tế trong nhiệm kỳ của đội ngũ lãnh đạo tại đơn vị nơi có hành vi sai phạm xảy ra luôn được đề cập và xem xét một cách chi tiết, cụ thể. Đây cũng chính là đối tượng kiểm toán mà các chủ thể thực hiện công tác kiểm toán đặc biệt là Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã chú trọng xem xét, thực hiện trong thời gian qua.
Nội dung của bài viết nhằm giúp người đọc hiểu kỹ hơn về sự cần thiết, các đặc trưng cơ bản của công tác kiểm toán trách nhiệm kinh tế (TNKT) của cán bộ lãnh đạo trong nhiệm kỳ; thực trạng của công tác này trong những năm vừa qua ở nước ta và các giải pháp khắc phục để nâng cao chất lượng của công tác này trong thời gian đến.
1. Một vài vấn đề liên quan đến kiểm toán trách nhiệm kinh tế đối với cán bộ lãnh đạo
Ø Thứ nhất, về tính cấp thiết và khái niệm của kiểm toán TNKT
Trong tất cả các tổ chức, cơ quan thì cán bộ lãnh đạo là những người đứng đầu chịu trách nhiệm toàn bộ và chỉ huy các hoạt động của đơn vị. Tùy theo từng đặc điểm, quy mô, phạm vi quản lý mà cán bộ lãnh đạo có thể là một cá nhân, một ban lãnh đạo hay cả một hội đồng có vai trò và trách nhiệm trước tập thể về công tác quản lý, giữ vai trò đầu tàu dẫn dắt tập thể thực thi các nhiệm vụ chính trị, kinh tế xã hội theo mục tiêu mà cả tập thể đề ra hoặc cấp trên giao phó.
Vai trò này được cụ thể hóa tùy thuộc vào phạm vi quản lý của cán bộ lãnh đạo, theo đó có 02 phạm vi được đề cập phổ biến là vai trò lãnh đạo của cán bộ quản lý trong bộ máy quản lý Nhà nước (bao gồm cả trung ương và địa phương) và cán bộ quản lý trong DNNN. Cho dù là ở phạm vi nào thì trách nhiệm kinh tế của các cán bộ này đó là phải tổ chức và điều chỉnh toàn bộ hoạt động, nghiệp vụ kinh tế ở góc độ toàn ngành, riêng từng địa phương hoặc từng DNNN cụ thể trong phạm vi quản lý của mình, tránh sự thất thoát, lãng phí, tham nhũng ngân sách, tài sản của nhà nước.
Việc cán bộ quản lý ở các cấp thực thi tốt vai trò của mình một cách trung thực, đúng pháp luật, đảm bảo tính kinh tế hiệu quả của việc thực thi nhiệm vụ trong suốt nhiệm kỳ lãnh đạo của mình đóng vai trò vô cùng cần thiết để nâng cao tính công bằng, dân chủ, minh bạch của thông tin; nâng cao hiệu quả công tác phòng và chống tham nhũng, tham ô và các hành vi sai phạm khác trong quản lý ngân sách và tài sản của Nhà nước; nâng cao uy tín, củng cố lòng tin của công chúng đối với công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, các cấp ban ngành có liên quan.
Thực thi vai trò và địa vị pháp lý của mình trong những năm vừa qua, Kiểm toán Nhà nước là cơ quan chuyên môn của nhà nước chịu trách nhiệm trước Quốc Hội về công tác kiểm tra tài chính Nhà nước, trong đó có công tác kiểm toán TNKT đối với cán bộ lãnh đạo các cấp, các DNNN.
Theo GS.TS Vương Đình Huệ và cộng sự (2003) thì : “Kiểm toán TNKT đối với cán bộ lãnh đạo là hoạt động kiểm tra và đánh giá của cơ quan KTNN về trách nhiệm kinh tế của cán bộ lãnh đạo trong thời gian nhiệm kỳ công tác thông qua việc kiểm tra, đánh giá tính trung thực, hợp pháp và hiệu quả trong hoạt động tài chính và các hoạt động kinh tế liên quan khác của địa phương, đơn vị do họ lãnh đạo” [1]
Ø Thứ hai, một số các đặc trưng cơ bản của kiểm toán TNKT
- Về bản chất thì kiểm toán TNKT là một dạng kiểm toán nghiệp vụ kết hợp bao gồm cả kiểm toán tuân thủ và kiểm toán hoạt động đặc biệt là hiệu quả của các hoạt động kinh tế, thu chi tài chính của đơn vị, tổ chức gắn liền với trách nhiệm quản lý điều hành của cán bộ lãnh đạo.
- Về phạm vi của kiểm toán TNKT chủ yếu liên quan đến tình hình thu chi tài chính và các hoạt động kinh tế của đơn vị có liên quan đến trách nhiệm quản lý trong thời gian nhiệm kỳ công tác.
- Về chủ thể kiểm toán TNKT đó là cơ quan KTNN, kiểm toán viên Nhà nước.
- Về mục tiêu của kiểm toán TNKT đó là đánh giá tính trung thực hợp pháp, hiệu quả trong quản lý hoạt động tài chính và các hoạt động kinh tế khác của cán bộ lãnh đạo qua đó quy trách nhiệm kinh tế đối với các cán bộ thuộc phạm vi kiểm toán.
- Về cơ sở pháp lý cho kiểm toán TNKT đó chính là các quy định pháp luật, chủ trương chính sách, văn kiện của Đảng, quy chế, quy định của Nhà nước, hệ thống các chuẩn mực của kiểm toán Nhà nước...
- Về đối tượng kiểm toán TNKT đó là các cán bộ lãnh đạo quản lý trong bộ máy Nhà nước và lãnh đạo các DNNN. Cụ thể bao gồm lãnh đạo các cơ quan Đảng, chính quyền và đoàn thể của trung ương và địa phương; cán bộ lãnh đạo tại các công ty Nhà nước, công ty cổ phần Nhà nước, công ty cổ phần Nhà nước giữ cổ phần chi phối, công ty TNHH Nhà nước một thành viên, nhiều thành viên; cán bộ lãnh đạo các tổ chức kinh tế Nhà nước khác.
- Về nội dung kiểm toán TNKT thì có thể thực thi thông qua một số các nội dung như sau :
+ Tình hình thu chi tài chính của đơn vị và tình hình thực hiện các dự án có cán bộ lãnh đạo được kiểm toán;
+ Tính đúng đắn, hiệu quả của những quyết định kinh tế quan trọng của cán bộ lãnh đạo trong nhiệm kỳ công tác;
+ Tính đúng đắn và hiệu quả của những hoạt động quan trọng của đơn vị có lãnh đạo được kiểm toán;
+ Tình hình thực hiện các chỉ tiêu kinh tế tổng hợp chủ yếu của đơn vị;
+ Tình hình chấp hành chính sách, chế độ, pháp luật của Đảng, Nhà nước, của đơn vị và bản thân cán bộ lãnh đạo;
- Về thời gian kiểm toán TNKT : Việc kiểm toán TNKT có thể được thực hiện theo định kỳ khi cán bộ lãnh đạo hết nhiệm kỳ, khi được điều động, luân chuyển, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, từ chức, nghỉ hưu hoặc khi DNNN tái cơ cấu, cổ phần hóa... hoặc thực hện theo yêu cầu đột xuất của cơ quan quản lý cán bộ, cơ quan kiểm tra của Đảng và nhà nước.
- Về quy trình kiểm toán TNKT có thể được chia làm 04 giai đoạn : lập kế hoạch kiểm toán, thực hiện kiểm toán, kết thúc và lập báo cáo kiểm toán, theo dõi việc sử dụng kết quả kiểm toán, việc thực thi kết luận kiểm toán.
- Về kinh phí thực hiện kiểm toán TNKT do Ngân sách nhà nước hàng năm chi trả dựa trên dự toán ngân sách của cơ quan KTNN hàng năm.
2. Một số bất cập trong công tác kiểm toán TNKT đối với cán bộ lãnh đạo của KTNN tại Việt Nam thời gian qua
Có thể nhận thấy trong quá trình quản lý điều hành phát triển kinh tế xã hội từ sau Đại hội Đảng lần thứ VI năm 1986 cho đến nay, bên cạnh những thành tựu to lớn về chính trị, kinh tế, xã hội thì những mặt trái của cơ chế thị trường cũng được bộc lộ và thể hiện rất rõ, đặc biệt trong những năm gần đây. Những yếu kém về hệ thống pháp luật, tình trạng tham nhũng tiêu cực trong bộ máy quản lý nhà nước, sự tha hóa biến chất, yếu kém về năng lực thực thi nhiệm vụ, năng lực quản lý lãnh đạo của một bộ phận không nhỏ cán bộ đã xuất hiện và ngày càng đặc biệt nghiêm trọng. Vai trò của cán bộ lãnh đạo, trách nhiệm kinh tế của cán bộ đầu tàu dẫn dắt qua các vụ án như Tameco, Epco, PMU 18 trước đây và các vụ án ở Vinashin, Vinalines.....gần đây đã thể hiện rất rõ hậu quả thiệt hại về kinh tế rất lớn cho ngân sách và tài sản của Nhà nước. Thực tiễn kiểm toán TNKT của KTNN ở nước ta trong thời gian qua về cơ bản vẫn còn tồn tại nhiều bất cập; trong đó chúng ta có thể đề cập khái quát thông qua một số vấn đề cơ bản như sau :
Ø Thứ nhất, về tính thường xuyên của công tác kiểm toán TNKT
Hầu như cơ quan KTNN ở nước tra trong những năm vừa qua chưa thực hiện một cách trực tiếp các cuộc kiểm toán TNKT đối với các cán bộ lãnh đạo quản lý ở cấp độ quản lý Nhà nước và cả cán bộ lãnh đạo tại các DNNN. Tuy nhiên thông qua hoạt động kiểm toán ngân sách, kiểm toán hoạt động các dự án, kiểm toán tuân thủ hàng năm tại các cơ quan quản lý Nhà nước, các DNNN, KTNN ở nước ta thời gian qua đã phát hiện, chấn chỉnh, ngăn ngừa nhiều hành vi tiêu cực, tham nhũng, lãng phí tài sản, nguồn vốn của Nhà nước. Trên cơ sở đó giúp cho các cơ quan ban ngành, các đơn vị DNNN, đội ngũ cán bộ lãnh đạo nhận thấy rõ các sai sót, sơ hở trong quản lý kinh tế, tài chính; chấn chỉnh kịp thời các sai phạm, khắc phục và hoàn thiện.
Ø Thứ hai, về hệ thống cơ sở pháp lý cho công tác kiểm toán TNKT
Hệ thống các văn bản pháp quy do chính KTNN ban hành liên quan đến công tác kiểm toán TNKT đối với cán bộ lãnh đạo còn chưa đầy đủ. Đặc biệt là hệ thống một cách tổng thể và chi tiết quy trình của công tác kiểm toán TNKT, quy chế tổ chức và hoạt động của đoàn kiểm toán TNKT, các chuẩn mực kiểm toán và phương pháp kiểm toán thích hợp đối với kiểm toán TNKT. Cũng chính vì điều này mà những năm vừa qua, KTNN ở nước ta vẫn chưa thể thực hiện một cách trực tiếp, trọng tâm vào việc đánh giá TNKT của cán bộ lãnh đạo mà đang dành sự chú trọng, quan tâm trong việc xác nhận số liệu về công tác tài chính, hiệu quả tài chính trong sản xuất kinh doanh, trong đầu tư dự án; chú trọng kiểm tra đánh giá tính tuân thủ pháp lý, quy định của nhà nước ở các cấp ban ngành ở trung ương và địa phương, ở tại các DNNN.
Ø Thứ ba, cơ cấu tổ chức và cơ chế phối hợp thực hiện công tác kiểm toán TNKT
Trong thời gian vừa qua, có thể dễ dàng nhận thấy trong vấn đề thực thi công tác kiểm toán TNKT đối với cán bộ lãnh đạo chúng ta đang thiếu đi cơ chế phối kết hợp một cách toàn diện liên ngành giữa các cơ quan của Đảng, các cơ quan giám sát khác trong Bộ máy Nhà nước với vai trò trực tiếp thực hiện việc kiểm toán của KTNN trong quá trình thực thi đánh giá TNKT của cá nhân lãnh đạo. Mô hình tổ chức hoạt động kiểm toán TNKT ở nước ta trong những năm qua còn lúng túng và chưa được hoạch định một cách rõ ràng, cụ thể. Bộ phận chịu trách nhiệm thực thi công tác kiểm toán TNKT đối với cán bộ lãnh đạo chưa được tổ chức một cách tách biệt rõ ràng, cụ thể thành một bộ phận độc lập trong tổng thể cơ cấu tổ chức của KTNN.
Ø Thứ tư, đội ngũ cán bộ thực hiện công tác kiểm toán TNKT
Có thể dễ dàng nhận thấy vấn đề kiểm toán TNKT đối với các cá nhân lãnh đạo đặc biệt là lãnh đạo tại các cơ quan quản lý Nhà nước, trong các tổ chức Đoàn thể và các DNNN là một nghiệp vụ kiểm toán có tính nhạy cảm và rủi ro kiểm toán khá cao. Do đó công tác kiểm toán này cần có những chủ thể kiểm toán phù hợp và chất lượng để thực thi. Thực tế cho thấy trong chức trách kiểm toán của mình, KTNN ở nước ta do chưa xây dựng được một quy chế làm việc cụ thể, quy trình kiểm toán rõ ràng và đặc biệt hệ thống các chuẩn mực, phương pháp làm việc như đề cấp đến ở trên do đó công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, kiểm toán viên chuyên trách cho công tác này còn chưa được chú trọng một cách chu đáo, khoa học và chuyên nghiệp.
Trên cơ sở một số các vấn đề mang tính thực trạng có liên quan đến công tác kiểm toán TNKT đối với cán bộ lãnh đạo trong nhiệm kỳ trình bày ở trên, chúng ta có thể thấy được rằng công tác này có vai trò và ý nghĩa hết sức cấp thiết trong công cuộc phòng chống tham nhũng, lãng phí ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên thực tiễn của công tác này những năm vừa qua ở nước ta vẫn còn tồn tại nhiều bất cập và hạn chế cơ bản. Theo quan điểm của tác giả, để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác kiểm toán TNKT của KTNN trong thời gian đến chúng ta cần thực hiện đồng bộ, cùng lúc nhiều giải pháp như sau :
3. Một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả và chất lượng của công tác kiểm toán TNKT đối với cán bộ lãnh đạo trong thời gian đến
ØHoàn thiện hơn nữa cơ sở pháp lý cho hoạt động kiểm toán TNKT đối với cán bộ lãnh đạo : Về cơ bản hiện tại nước ta được hệ thống các văn bản pháp quy cơ bản liên quan đến vấn đề trách nhiệm kinh tế của cá nhân lãnh đạo bao gồm hệ thống cơ sở pháp lý ở 3 cấp đó là : các quy định của Đảng, các quy định của Nhà nước và các quy định của chính cơ quan KTNN. Để phát huy tối đa hiệu lực của công tác kiểm toán TNKT đối với cá nhân lãnh đạo trong thời gian đến thì cần phải có những bước hoàn thiện và chi tiết hơn nữa đối với các văn kiện của Đảng, luật phòng chống tham nhũng và các văn bản hướng dẫn dưới Luật; xây dựng quy trình kiểm toán chi tiết, các văn bản quy định quy chế tổ chức triển khai kiểm toán TNKT, hệ thống các chuẩn mực, phương pháp liên quan đến công tác này.
ØXây dựng cơ cấu tổ chức và cơ chế phối hợp trong công tác kiểm toán TNKT đối với cán bộ lãnh đạo : Để phát huy tối đa địa vị pháp lý, tính chỉ đạo và độc lập trong việc thực hiện kiểm toán TNKT thời gian đến, trong cơ cấu tổ chức của Đoàn KTNN thực hiện việc kiểm toán TNKT của các cán bộ lãnh đạo, thì tùy thuộc vào vị trí lãnh đạo cần kiểm toán TNKT cần có đại diện của một số cơ quan như Ban Bí thư, Ban tổ chức trung ương, Ban nội chính trung ương, Ủy ban kiểm tra trung ương, Bộ nội vụ, Thanh tra chính phủ, Đại diện của đơn vị có cán bộ lãnh đạo được kiểm toán TNKT…..Việc xác định đúng cơ cấu tổ chức này đảm bảo tạo ra cơ chế phối hợp tốt và tính tuân thủ cao đối với công tác kiểm toán TNKT.
ØTổ chức các hội thảo, hội nghị chuyên đề ở các cấp để tham khảo, tiếp thu chọn lọc kinh nghiệm quốc tế; lấy ý kiến rộng rãi đối với công chúng, các cơ quan Đảng, đoàn thể, các ban ngành, các nhà khoa học đối với công tác kiểm toán TNKT. Trong đó nhấn mạnh đến việc tổ chức mô hình và quy trình, thời gian thực hiện, xử lý kết quả kiểm toán đối với từng cấp cán bộ lãnh đạo được kiểm toán.
ØChú trọng công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ chuyên trách cả về phẩm chất, đạo đức và chuyên môn nhằm thực thi công tác kiểm toán TNKT đối với cán bộ lãnh đạo của đội ngũ Kiểm toán viên trong bộ máy KTNN. Nên xem việc đầu tư phát triển riêng cho đội ngũ cán bộ chuyên trách thực hiện công tác này là vấn đề mang tính cấp bách, có tính chiến lược trong quá trình phát triển của KTNN nói chung, Kiểm toán các chương trình đặc biệt, Kiểm toán chuyên ngành…nói riêng. Việc tổ chức riêng biệt bộ phận kiểm toán TNKT đối với cán bộ lãnh đạo nên được tính đến trong cơ cấu tổ chức bộ máy của KTNN trong thời gian đến.
----------------------------------------------------
Tài liệu tham khảo
[1] Vương Đình Huệ và cộng sự (2003), Cơ sở lý luận và thực tiễn của việc kiểm toán trách nhiệm kinh tế trong nhiệm kỳ đối với cán bộ lãnh đạo trong bộ máy nhà nước và các đơn vị kinh tế nhà nước, Đề tài nghiên cứu của KTNN.
[2] Vương Đình Huệ, Kiểm toán trách nhiệm kinh tế đối với cán bộ lãnh đạo – Một biện pháp quan trọng trong phòng và chống tham nhũng, lãng phí,Tạp chí cộng sản, số 112.
[3] Quốc Hội (2012), Luật số 27/2012/QH13 về phòng, chống tham nhũng.
[4] Tổng Kiểm toán nhà nước (2013), Quyết định ban hành Chiến lược phát triển kiểm toán nhà nước giai đoạn năm 2013-2017.
[5] https://www.kiemtoannn.gov.vn
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: