ỨNG DỤNG CÔNG CỤ PHÁI SINH VÀO KINH DOANH XĂNG DẦU TẠI VIỆT NAM
Phát triển công cụ tài chính phái sinh, một trong những công cụ để phòng ngừa rủi ro để tối đa hóa lợi nhuận là vấn đề mang tính cấp bách luôn được sự quan tâm của Nhà Nước và các doanh nghiệp tiếp tham gia hoạt động kinh doanh, đặc biệt là các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.
1. Thế nào là công cụ phái sinh?
Công cụ phái sinh được hiểu là những công cụ được phát hành trên cơ sở những công cụ đã có nhằm nhiều mục tiêu khác nhau như phân tán rủi ro, bảo vệ lợi nhuận hoặc tạo ra lợi nhuận. Giá trị của công cụ phái sinh bắt nguồn từ một số công cụ cơ sở khác như tỉ giá, trị giá cổ phiếu, trái phiếu, chỉ số chứng khoán, lãi suất...
2. Một số công cụ phái sinh chủ yếu trên thị trường hàng hóa
- Hợp đồng giao ngay (spot contract ): Là loại hợp đồng mà giá cả gọi là giá giao ngay, nghĩa là việc giao hàng và thanh toán chỉ có thể diễn ra trong vòng 1 hay 2 ngày làm việc kể từ khi bản hợp đồng được ký kết.
- Hợp đồng kỳ hạn (forward contract): Là loại hợp đồng mà giá cả gọi là giá kỳ hạn, nghĩa là việc giao hàng và thanh toán sẽ là một ngày nào đó được chỉ ra trong tương lai, kể từ khi bản hợp đồng được ký kết.
- Hợp đồng giao sau (futures contract): Là loại hợp đồng có sẵn những tiêu chuẩn về số lượng, phẩm cấp hàng, chủng loại mặt hàng, điều kiện vận chuyển và giao nhận hàng,… tất cả đều được sở giao dịch tiêu chuẩn hóa, vấn đề duy nhất phải thỏa thuận là giá cả.
- Quyền chọn (options): Là một hoạt động giao dịch mà cho phép người mua nó có quyền mua (call option) hay quyền bán (put option) ở một mức giá và thời hạn được xác định trước, nhưng không bắt buộc thực hiện quyền này.
- Hợp đồng hoán đổi (Swaps Contract): Hợp đồng hoán đổi hàng hóa là giao dịch đàm phán trực tiếp giữa hai phía đối tác hay thông qua trung gian, đồng ý trao đổi một loạt những thanh toán được tính trên những cơ sở khác: thanh toán giá cả hàng hóa với mức cố định được hoán đổi cho mức giá trôi nổi, thanh toán dựa tên chỉ số giá hàng hóa A thay bằng chỉ số giá hàng hóa B, mua hoặc bán hàng hóa A thay bằng mua hoặc bán hàng hóa B và ngược lại, mua hàng ở mức giá cơ bản giao ngay và bán lại hàng với mức giá kỳ hạn,…
3. Tình hình ứng dụng công cụ phái sinh trong họat động kinh doanh xăng dầu trên thế giới
3.1. Cách thức họat động của thị trường kỳ hạn, giao sau xăng dầu
- Xăng dầu được mua bán kỳ hạn, giao trong tương lai, cả trên thị trường giao sau chính thức và giữa những người tham gia trực tiếp trên thị trường được gọi là thị trường phi tập trung OTC. Sự trao đổi thường được công nhận trong cả hợp đồng giao sau và quyền chọn. Hợp đồng giao sau chuẩn hóa trên hai trung tâm chính là the New York Mercantile Exchange (NYMEX) và International Commodities Exchange in London (ICE). Những hợp đồng quyền chọn thì được soạn bằng nhiều cách, nhưng một hợp đồng phổ biến cho phép một người tiêu dùng trả một phí đặt cọc để mua xăng dầu với một giá cố định trong tương lai. Trường hợp nếu giá lên cao hơn mức đó quyền chọn sẽ được sử dụng. Hai việc trao đổi được xem là đối thủ của nhau nhưng mỗi sự trao đổi đều có cái lý của riêng mình về giá xăng dầu. Toàn bộ những hợp đồng mua bán trao đổi trên NYMEX thì giao hàng theo kiểu Mỹ, sản phẩm dầu ngọt như là West Texas Intermediate (WTI). Cái chuẩn trên TTGS ICE áp dụng cho những kiểu khác, sản phẩm dầu ngọt tên gọi Brent. Thị trường giao sau NYMEX và ICE đứng đầu thế giới về khối lượng giao dịch, có 59,7 triệu giao dịch hợp đồng dầu trên NYMEX và 30,4 triệu giao dịch trên ICE trong năm 2005 . Cả hai đều được lưu lại trong hồ sơ khối lượng giao dịch.
- Những giao dịch được khuyến khích bởi những trung tâm dịch vụ điều phối thị trường, viết tắt là CCP. Nó cũng thực hiện chức năng của mình đối với giao dịch trên thị trường OTC. Trung tâm điều phối làm cho hợp đồng của người mua và người bán thống nhất nhau và sau đó, tổ chức cho việc chi trả và thanh toán. Điều này có nghĩa là người mua và người bán không trực tiếp chi trả với nhau. Nếu một người giao dịch vỡ nợ thì những người tham gia thị trường khác sẽ được bảo vệ bởi CCP. CCP sẽ được đền bù bằng những khoản phí chống rủi ro, được thu dưới dạng chiếc khấu của hợp đồng gọi là “margin payment”. Việc chi trả này được phản ánh ngay từ cả hai phía (có nghĩa là dù người giao dịch là người mua hay bán hợp đồng giao sau, đều phải chịu phí margin) và thu phí dựa trên giá trị của hợp đồng như một cái giá biến đổi theo thị trường.
- Có những thị trường giao dịch khác có liên quan đến hợp đồng về dầu mỏ, đáng chú ý là Tokyo Commodity Exchange (TOCOM), The Dubai Mercantile Exchange giao dịch dầu giao sau từ sau vào quí 4 của năm 2006, nhưng nó không đưa ra những chuẩn hợp đồng rõ ràng cho giao dịch.
3.2.Thị trường phi tập trung OTC
- Trong thị trường dầu phi tập trung, ngân hàng đầu tư đóng vai trò như người trung gian hoặc người làm thị trường, là cầu nối giữa người mua và bán. Hầu hết những hợp đồng phổ biến trên OTC đều dưới dạng hợp đồng hoán đổi (Swap) hay hợp đồng quyền chọn (options). Swap cho phép một người sản xuất dầu nhận một giá cố định ở một thời điểm đã thỏa thuận trong tương lai và trả phí để chống lại sự thay đổi của giá giao ngay – một cách đơn giản để bảo vệ dòng thu nhập trong tương lai. Ngược lại, một người mua dầu có thể đồng ý trả một mức giá cố định và bất chấp giá giao ngay thay đổi, qua đó làm gia tăng sự chắc chắn phí tổn cần trả để có dầu trong tương lai.
- Mặc dù hầu hết hoạt động mua bán hợp đồng hết hạn giữa ngày hiện tại và 5 năm sau kể từ ngày đó. Nhưng những người làm trung gian đã chuẩn bị để tạo ra loại hợp đồng cho thị trường quyền chọn và quyền hoán đổi trên OTC, với thời hạn dài hơn theo yêu cầu của khách hàng. Nhưng chi phí trả cho người làm thị trường thường sẽ gia tăng, làm ảnh hưởng suy giảm đến tính thanh khoản so với hợp đồng thời hạn giới hạn là 5 năm. Bởi vì, thời gian họ sẽ phải nắm giữ, hoặc tồn kho, rủi ro họ phải gánh chịu trước khi họ có thể tìm ra một người đầu tư sẵn sàng chấp nhận rủi ro thay cho họ.
- Thị trường hoán đổi hay quyền chọn xăng dầu thì hầu hết được quản lý trên thị trường OTC hơn là trên thị trường chính thức (trên 90% các hợp đồng loại này trên thị trường OTC). Điều này là bởi vì quyền hoán đổi và quyền chọn thường được sử dụng để phòng những rủi ro có thể nhìn thấy được hơn là để tích trữ hay đầu cơ. Những hợp đồng này mang tính nhu cầu cá nhân riêng lẻ hoặc tham gia cho biết, nó nhấn mạnh việc sử dụng không phải mục đích đầu cơ tích trữ và không được ưa chuộng như những HĐGS, vì HĐGS dễ mua bán, thường được giữ đến hạn thanh toán .
Việc giao dịch trao đổi trên OTC được làm thuận tiện hơn thông qua một trung tâm điều phối và người giao dịch được bảo vệ chống lại những rủi ro tín dụng. Như trong những thị trường tài chính khác, thị trường OTC có những lựa chọn để trung tâm xác minh làm rõ, chống lại rủi ro tín dụng cho người tham gia thị trường bằng cách chi trả chí phí cho những hợp đồng dài hạn. Những khoản đặt cọc này tương tự như những chi phí biên và họat động nhằm để giảm thiểu đến mức thấp nhất mức độ không chắc chắn của những hành động đưa ra. Nó cũng có thể thường dùng để chuyển nhượng lại việc mua bán của những hợp đồng OTC (do thị trường quyết định giá). Thông thường, trên thị trường hàng hóa có rất ít những thông tin có giá trị về kích cỡ của thị trường OTC về xăng dầu. Nhưng theo xếp hạng của những người tham gia thị trường, chúng ta có được cái nhìn tổng quát chung để thấy rằng thị trường OTC về xăng dầu là nơi bắt nguồn hay dẫn xuất thị trường, mang ý nghĩa rộng hơn so với giao dịch mua bán xăng dầu trên thị trường giao sau chính thức.
4. Thực trạng ứng dụng công cụ phái sinh trong họat động kinh doanh xăng dầu tại Việt Nam
4.1.Thực trạng ứng dụng công cụ phái sinh vào hoạt động kinh doanh xăng dầu
Ở Việt Nam hiện tại chưa có thị trường chính thức hay phi tập trung trong nước cho phép ứng dụng công cụ phái sinh trong hoạt động kinh doanh xăng dầu, để các DN có cơ hội tìm hiểu và ứng dụng công cụ phòng chống rủi ro. Tuy nhiên, mức độ ứng dụng công cụ phái sinh của các DN trong nước bằng cách tham gia trên thị trường nước ngoài thì chưa có số liệu thống kê để có thể biết chính xác là bao nhiêu, ở mức độ nào và hiệu quả ra sao.
Thực tiễn, trong thời gian từ tháng 07 năm 2008 đến tháng 05 năm 2009, với sự kiện Jetstar Pacific (JPA) hoạt động phòng ngừa rủi ro xăng dầu, gây ra khoản lỗ hơn 31 triệu đôla Mỹ (gần 550 tỉ đồng); qua đó chúng ta mới biết được Pacific từng ứng dụng công cụ phái sinh trong hoạt động phòng ngừa rủi ro xăng dầu, nhưng rất tiếc kết quả không như mong đợi, rủi ro biến thành tổn thất là không nhỏ.
Nhưng nhìn chung, hoạt động ứng dụng công cụ phái sinh của DN, nhất là các DN kinh doanh xăng dầu đầu mối còn ở mức độ hạn chế, không được thị trường biết đến nếu như không có những sự việc đáng tiếc như của Pacific.
Rất nhiều vấn đề còn tồn tại trong hoạt động kinh doanh xăng dầu cũng như phòng ngừa rủi ro xăng dầu của các doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu đầu mối. Họ cho thấy tâm lý lệ thuộc quá lớn vào ngân sách nhà nước. Không những doanh nghiệp đầu mối xăng dầu thuộc sở hữu nhà nước mà tệ hơn những bộ óc của nhà điều hành doanh nghiệp đó cũng thuộc “sở hữu” nhà nước. Thật buồn với kiểu suy nghĩ ta làm nhà nước chịu. Vậy đâu là trách nhiệm của người đứng đầu các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu thuộc sở hữu nhà nước? Họ làm gì để chống rủi ro giá xăng dầu? Có hay không một chiến lược kinh doanh nhập khẩu xăng dầu của những người đứng đầu các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu? Hay kinh doanh theo kiểu “nước dâng thuyền dâng theo”? Vì suy cho cùng tiền bù lỗ, hỗ trợ giá cũng từ túi người tiêu dùng mà ra. Nếu thế, việc làm đó cho ta thấy một suy nghĩ vô trách nhiệm rất lớn của những người làm công tác quản lý, điều hành thị trường xăng dầu. Trong số 11 doanh nghiệp kinh doanh nhập khẩu xăng đầu mối đã chắc chắn chưa dám áp dụng công cụ phái sinh vì đang còn chờ hướng dẫn từ Bộ tài chính về cách bù trừ lãi lỗ. Vậy hơn 14.000 hàng đại lý, tổng đại thuộc các doanh nghiệp đầu mối hay thuộc các thành phần kinh tế khác họ có dám tham gia việc bảo hộ giá cả xăng dầu. Chắc chắn là không, vì nguồn cung cho việc bán lẻ của họ cũng từ các doanh nghiệp đầu mối mà ra, các đại lý chỉ đơn giản là hưởng mức chiết khấu từ các doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu đầu mối, dù muốn cũng không thể tham gia vì nguồn cung đến với họ là duy nhất. Với các doanh nghiệp sản xuất trong nước hầu như việc tham gia bảo bộ giá cả cho xăng dầu đầu vào là khó thực hiện. Thứ nhất, nguồn cung xăng dầu cho việc sản xuất của họ cũng phần lớn là từ các doanh nghiệp đầu mối. Họa chăng thì các doanh nghiệp nếu có nhu cầu bảo hộ có thể ký hợp đồng thỏa thuận giá với nhà máy lọc dầu Dung Quất. Nhưng dường như điều này cũng khó thực hiện, vì nhà máy lọc dầu Dung Quất cũng thuộc quyền quản lý của Petrolimex, và được đầu tư với nguồn ngân sách của nhà nước. Mục đích ra đời của nhà máy lọc dầu Dung Quất nhằm tận dụng nguồn dầu thô trong nước, hạn chế nhập khầu chứ không phải vì mục đích để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có nhu cầu có thể tham gia bảo hộ bằng cách ký kết các hợp đồng mua bán thỏa thuận giá từ trước. Chỉ còn lại các công ty hàng không ở Việt Nam là có khả năng tham gia bảo hộ giá xăng dầu bằng cách tham gia trên thị trường nước ngoài, vì họ có thể tiếp nhiên liệu ở những nơi máy bay hạ cánh. Nhưng chắc rằng một điều, các công ty hàng không ở Việt Nam là một con số rất ít, trong đó Việt Nam Airline hay Pacific cũng thuộc sỡ hữu nhà nước và có thị phần lớn nhất. Nếu họ tham gia bảo hộ chắc rằng phải đợi ý kiến từ Bộ tài chính trong việc hoạch toán lãi lỗ như các doanh nghiệp kinh doanh nhập khẩu xăng dầu đầu mối mà thôi.
4.2. Nguyên nhân hạn chế việc ứng dụng công cụ phái sinh trong hoạt động kinh doanh xăng dầu
- Mức độ phát triển của thị trường hàng hóa ở Việt Nam còn lạc hậu: Việc mua bán hàng hóa chủ yếu theo thói quen và tập quán từ trước tới nay. Điển hình là việc ra đời của thị trường giao dịch kỳ hạn cà phê Buôn Ma Thuột cũng không tạo nhiều sức bật cho thị trường cà phê trong nước.
- Sự phát triển còn hạn chế của thị trường tài chính tiền tệ: Mức độ ứng dụng các công cụ phái sinh trong hoạt động tài chính tiền tệ, chứng khoán còn rất hạn chế. Trong khi chính sách tỉ giá luôn khó lường, lãi suất cũng như lạm phát luôn ở mức cao khó kiểm soát. Thị trường chứng khoán nóng lạnh thất thường, khó kiểm soát và thiếu tính chuyên nghiệp, thiếu những sản phẩm để phòng tránh rủi ro khi đầu tư. Sẽ là quá khập khiễng nếu có một thị trường hàng hóa kỳ hạn, giao sau phát triển trong một thị trường tài chính thiếu những cụ phái sinh cho phòng ngừa rủi ro hay cho mục đích đầu tư.
- Tính minh bạch và thông tin cho thị trường:
Chính sự mập mờ và thiếu minh bạch của thông tin đã dẫn đến tâm lý e ngại cũng như hạn chế các nguồn lực tài chính nhàn rỗi trong dân chúng đầu tư vào thị trường chứng khoán. Sự mập mờ và thiếu thông tin trên bất kỳ thị trường tài chính hay hàng hóa hoặc bất kỳ một thị trường nào khác cũng là hạn chế rất lớn cản trở sự phát triển hiệu quả của thị trường. Nó cũng chính là mảnh đất màu mỡ cho hoạt động đầu cơ, làm giá, thao túng thị trường. Tâm lý bầy đàn trong một thị trường thiếu thông tin minh bạch có nhiều cơ hội phát triển.
- Khung pháp lý cho thị trường phái sinh: Thị trường hàng hóa phái sinh về cà phê ra đời muộn, trong khi hành lang pháp lý cho thị trường công cụ phái sinh về tài chính tiền tệ, chứng khoán còn rất sơ sài, một phần là do mức độ phát triển và đòi hỏi về khung pháp lý của thị trường còn thấp.
- Tính xã hội hóa của kiến thức và kinh nghiệm của DN trong lĩnh vực này còn rất hạn chế:
Do các doanh nghiệp, đại lý kinh doanh nhập khẩu xăng dầu, các thành phần tham gia thị trường xăng dầu còn chưa có nhiều kiến thức và kinh nghiệm trong việc ứng dụng công cụ phái sinh để phòng chống rủi ro. Chủ yếu quen với tập quán kinh doanh mua bán truyền thống, nên những hạn chế về kiến thức và kinh nghiệm về công cụ phái sinh là rất dễ hiểu.
- Tâm lý ỷ lại : Một nguyên nhân nữa không thể không kể đến là tâm lý ỷ lại của DN xăng dầu đầu mối vào chính sách bù lỗ, hỗ trợ giá bất kể giá xăng dầu có ra sao thì hoạt động kinh doanh của các DN đầu mối cũng không mấy ảnh hưởng. Người tiêu dùng sẽ phải trả tất cả chi phí cho tâm lý ỷ lại này của nhà nhập khẩu đầu mối cũng như của các đại lý. Thể hiện qua việc giá xăng dầu có thể tăng bất cứ lúc nào, ngân sách bù lỗ, hỗ trợ có thể phình to bất kỳ lúc nào, thuế nhập khẩu xăng dầu có thể bằng 0 khi DN đầu mối không có lãi.
- Tính đồng bộ của thị trường: Một nguyên nhân nữa dẫn đến việc hạn chế ứng dụng công cụ phái sinh trong hoạt động kinh doanh xăng dầu trong nước chính là sự thiếu đồng bộ của việc ứng dụng công cụ phái sinh trong các thị trường liên quan mật thiết như tài chính tiền tệ, thị trường hàng hóa.v.v. Doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu đầu mối ngoài mối quan tâm là biến số giá cả xăng dầu nhập khẩu từ thị trường thế giới, thì ẩn số tỉ giá USD/VNĐ, hay lãi suất ngân hàng cũng thu hút sự quan tâm của doanh nghiệp khi tham gia thị trường xăng dầu. Ngoài ra, có nhiều biến số khác mà đối với một doanh nghiệp nhập khẩu hay kinh doanh xăng dầu bắt buộc phải quan tâm như chính sách thuế nhập khẩu của nhà nước, chính sách hỗ trợ giá .v.v.
5. Những đề xuất để ứng dụng công cụ phái sinh vào trong họat động kinh doanh xăng dầu tại Việt Nam giai đoạn 2012 - 2020
5.1. Đối với chính sách của Nhà nước trong họat động kinh doanh xăng dầu
5.1.1.Xóa bỏ cơ chế độc quyền
- Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia vào thị trường kinh doanh nhập khẩu xăng dầu, cũng là biện pháp để tận dụng mọi nguồn lực trong phát triển kinh tế như định hướng của Đảng và Nhà nước trong tiến trình công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước. Rõ ràng không thể có một thị trường xăng dầu theo cơ chế thị trường đúng nghĩa nếu không có sự cạnh tranh bình đẳng. Xã hội hóa kinh doanh xăng dầu không đồng nghĩa với buông lỏng, thiếu quản lý, mà xã hội hóa chính là việc minh bạch hóa thông tin, minh bạch hóa thị trường, nâng cao tính cạnh tranh của các thành phần kinh tế khi tham gia thị trường. Đó cũng chính là động lực thúc đẩy, nâng cao khả năng tìm hiểu, công tác nghiên cứu thị trường để phòng tránh những rủi ro đến từ việc giá cả xăng dầu dao động lên xuống thất thường.
5.1.2. Xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý, quản lý giám sát tầm vĩ mô
- Việc xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động kinh doanh xăng dầu cũng quan trọng không kém. Bên cạnh những quyết định hay nghị định mang tính định hướng thì các cơ quan chức năng cần phân tích, nắm bắt tình hình cùng những khó khăn trong công tác triển khai thực hiện để có những điều chỉnh, hỗ trợ, kịp thời giải quyết những khó khăn vướng mắc. Công tác giám sát tầm vĩ mô là rất quan trọng, thay vì chỉ chú trọng tới những chính sách hỗ trợ, bù lỗ ra sao. Khung pháp lý và giám sát thị trường xăng dầu sẽ không dừng lại ở thị trường mua bán đơn thuần, mà có thể ở tầm cao hơn như thị trường kỳ hạn, giao sau hàng hóa, quyền chọn.v.v. Đó là công việc mà người hoạch định, tổ chức điều hành cần phải làm nếu muốn thị trường luôn vận động và phát triển cùng với sự tiến bộ của xã hội và hội nhập kinh tế thế giới.
5.1.3. Không can thiệp quá sâu vào việc hình thành giá cả thị trường xăng dầu trong nước
Nhà nước cần làm quyết liệt hơn, đưa ra những mốc thời gian phù hợp để dần tiến tới cơ chế giá bám sát với thị trường thế giới. Nhà nước không nên can thiệp quá sâu vào việc hình thành giá cả xăng dầu như trước đây. Thay vào đó là những chính sách mang tính định hướng, sử dụng những công cụ hỗ trợ như chính sách thuế, chính sách tỉ giá cho DN kinh doanh nhập khẩu xăng dầu, thành lập các quỹ dự phòng xăng dầu, xây dựng chính sách dự trữ xăng dầu bên cạnh rổ dự trữ ngoại tệ và vàng.
5.1.4. Xây dựng kênh thông tin quốc gia về xăng dầu
- Xây dựng kênh thông tin quốc gia về xăng dầu dưới hình thức trang thông tin điện tử hay kênh truyền hình. Đó sẽ là một địa chỉ để đưa ra phân tích thông tin về tình hình biến động của giá cả xăng dầu trên thế giới, các chính sách xăng dầu của các nước, các tổ chức, giá cả xăng dầu của các thị trường hàng hóa trên thế giới, kịp thời cập nhật những yếu tố có thể dẫn đến sự thay đổi của giá cả xăng dầu.v.v. Việc ra đời của một kênh thông tin thuần Việt về xăng dầu sẽ có rất nhiều lợi ích cho cả Nhà nước, DN và người tiêu dùng. Giúp các thành phần tham gia thị trường có cái nhìn đầy đủ và chính xác hơn về diễn biến tình hình của thị trường xăng dầu, có cơ sở để đưa ra những quyết định chính xác kịp thời. Và kênh thông tin về xăng dầu mang tầm cở quốc gia này cũng sẽ là bước đệm để có thể chuẩn bị cho sự ra đời của một thị trường kỳ hạn, giao sau về hàng hóa trong đó có xăng dầu, góp phần phát triển thị trường công cụ phái sinh còn nhiều mới mẻ ở Việt Nam.
5.1.5. Bảo hiểm giá xăng dầu
- Nhà nước cần tạo điều kiện, khuyến khích các thành phần kinh tế và công ty bảo hiểm rủi ro xúc tiến ký kết các hợp đồng bảo hiểm cho giá cả xăng dầu. Sở dĩ có đề xuất này là do có thể các thành phần tham gia trên thị trường kỳ hạn chưa quen với việc ứng dụng các công cụ như hợp đồng giao sau, kỳ hạn về xăng dầu để phòng tránh rủi ro biến động giá. Hay họ còn tương đối xa lạ với việc sử dụng các quyền chọn, quyền hoán đổi khi mua ngoại tệ nhập khẩu xăng dầu trong tương lai. Các công ty bảo hiểm với nghiệp vụ thành thạo và quen thuộc với thị trường, với việc ứng dụng các công cụ phái sinh sẽ có nhiều lợi thế hơn trong việc xác định mức độ rủi ro biến động giá khi tham gia thị trường kỳ hạn, giao sau về xăng dầu hay quyền chọn tiền tệ.v.v.
5.2. Những đề xuất đối với Ngân Hàng Nhà Nước
5.2.1. Chính sách tỉ giá
- Giá xăng dầu nhập khẩu được tính bằng đồng đôla Mỹ, trong khi đó phần lớn lượng xăng dầu phục vụ cho nhu cầu thị trường trong nước đều được nhập khẩu từ nước ngoài. Do đó, một sự biến động của chính sách tỉ giá USD/VNĐ sẽ có tác động đến giá cả xăng dầu trong nước.
- Thay vì hỗ trợ, bù lỗ thì thông qua chính sách tỉ giá ưu đãi đối với các DN nhập khẩu xăng dầu sẽ giúp cơ chế giá theo thị trường không bị méo mó, đồng thời giảm sức ép của tỉ giá lên giá xăng dầu trong nước. Ngân hàng nhà nước có thể thực hiện cơ chế giá ưu đãi cho DN kinh doanh nhập khẩu dưới dạng tỉ giá mua vào của DN phục vụ nhu cầu nhập khẩu bằng tỉ giá mua vào của hệ thống ngân hàng thương mại hoặc tỉ giá bình quân liên ngân hàng, thay vì DN phải mua vào với tỉ giá bán ra của hệ thống ngân hàng thương mại như các ngành nghề khác. Thông qua chính sách tỉ giá ưu đãi sẽ giúp giá cả xăng dầu trong nước bớt phần gánh nặng do chính sách tỉ giá hướng về xuất khẩu gây ra.
5.2.2. Phát triển việc ứng dụng công cụ phái sinh trên thị trường tiền tệ, chứng khoán
- Ngân hàng nhà nước cần quan tâm phát triển thị trường công cụ phái sinh cho tiền tệ, chứng khoán, mức độ phát triển còn hạn chế của thị trường tài chính tiền tệ cũng góp phần hạn chế sự phát triển của thị trường giao dịch hàng hóa kỳ hạn, giao sau. Khi thị trường quyền chọn cho tiền tệ hay chứng khoán chỉ ở mức kiến nghị thí điểm cần thời gian để hoàn thiện sẽ giới hạn đáng kể lộ trình xây dựng một thị trường kỳ hạn, giao sau về hàng hóa trong nước. Để thị trường kỳ hạn, giao sau hàng hóa có cơ sở phát triển bền vững, đồng bộ và hài hòa thì mức độ phát triển của thị trường tài chính tiền tệ là rất quan trọng. Vì thị trường tài chính, tiền tệ là tiền đề và là chất xúc tác cho phát triển kinh tế trong đó có thị trường hàng hóa. Do đó, việc ứng dụng các công cụ phát sinh trong hoạt động tài chính tiền tệ sẽ giúp nâng cao tính chuyên nghiệp của thị trường, giúp thị trường tài chính trong nước từng bước bắt kịp với thị trường tài chính các nước tiên tiến trên thế giới. Các nhà đầu tư và hệ thống các ngân hàng, tổ chức tín dụng có nhiều hơn những công cụ để phòng chóng rủi ro trong hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như đầu tư trên thị trường tài chính tiền tệ, chứng khoán.
5.2.3. Xây dựng thị trường kỳ hạn, giao sau hàng hóa đồng bộ
Việc tạo lập một thị trường hàng hóa kỳ hạn, giao sau đồng bộ chính là quan tâm đến tính cân đối của thị trường, của nhu cầu có thật của thị trường. Tạo lập một thị trường phát triển đồng bộ cũng đồng nghĩa với việc quan tâm tính đến sự phát triển bền vững của thị trường hàng hóa trong nước. Một khi các nhu cầu bảo hộ được đáp ứng thì việc nhiệt tình tham gia thị trường của các thành phần kinh tế, các đối tượng trên thị trường sẽ tạo ra một thị trường hàng hóa kỳ hạn, giao sau sôi động và hiệu quả. Có như thế mới khuyến khích các thành phần kinh tế, các nhà sản xuất, tiêu thụ đẩy mạnh tham gia thị trường kỳ hạn, giao sau hàng hóa. Sự phát triển đồng bộ của thị trường là cách tốt nhất để tận dụng sự chuyên nghiệp và thế mạnh của từng tổ chức trong lĩnh vực họat động của mình nhằm hạn chế đến mức thấp nhất rủi ro gặp phải. Giúp công tác họat định chi phí, giá thành sản phẩm của DN không bị ảnh hưởng xấu do sự tăng giảm thất thường của giá xăng dầu. Nền kinh tế có thể giảm bớt mức tác động hay có tính chuẩn bị trước để đối phó với những biến động của giá cả xăng dầu gây ra.
5.3. Giải pháp phát triển việc ứng dụng công cụ phái sinh trong hoạt động kinh doanh xăng dầu giai đoạn 2012 – 2020
5.3.1. Xây dựng hành lang pháp lý cho thị trường phái sinh
Một trong những tiền đề quan trọng cho việc tạo lập và phát triển bền vững của bất cứ một thị trường nào cũng đòi hỏi phải có một cơ sở pháp lý đầy đủ và bao quát. Nó là cơ sở để quản lý thị trường và giải quyết những tranh chấp phát sinh nếu có. Hiện tại hành lang pháp lý cho thị trường phái sinh ở Việt Nam còn rất hạn chế, thiếu những hướng dẫn chỉ đạo cụ thể.
5.3.2. Minh bạch hóa thông tin cho thị trường
Việc minh bạch hóa thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng về nguồn xăng dầu, nguồn gốc nhập khẩu, mức giá nhập khẩu, thời hạn lưu kho, cách tính giá xăng dầu của các doanh nghiệp nhập khẩu đầu mối.v.v. là rất cần thiết. Một mặt cho thấy hoạt động kinh doanh trên là minh bạch theo cơ chế thị trường, không dưới lớp bọc bao che hay bù lỗ, hỗ trợ giá của nhà nước. Mặt khác, thông tin minh bạch về xăng dầu giúp các thành phần tham gia trên thị trường xăng dầu có cái nhìn chính xác và có cơ sở để ra quyết định đầu tư hay ứng dụng các công cụ phái sinh cần thiết để giảm thiểu đến mức thấp nhất những rủi ro mà họ phải gánh chịu khi tham gia thị trường. Việc ra đời của kênh thông tin hay dữ liệu về xăng dầu là rất hữu ích.
Thứ nhất, giúp nhà nhập khẩu xăng dầu có nhiều cơ sở dữ liệu về giá cả và các yếu tố tác động đến giá xăng dầu để ra quyết định.
Thứ hai, các nhà tiêu thụ xăng dầu trong nước có cái nhìn chính xác hơn dựa trên dữ liệu đã có để họ tự tin hơn trong quyết định tham gia ứng dụng công cụ phái sinh phòng chóng rủi ro khi tham gia thị trường.
Thứ ba, xã hội nhất là người tiêu dùng trực tiếp sẽ có cái nhìn thiện cảm hơn trong các quyết định vĩ mô của nhà nước đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu, nhất là các quyết định về giá nếu có của nhà nước mà trong thời gian qua đã gây nhiều tranh cải trong dư luận “giá tăng nhanh mạnh giảm ít, giảm nhỏ giọt”.
5.3.3. Hiện đại hóa và phát triển đồng bộ thị trường hàng hóa ở Việt Nam
Việc hiện đại hóa và phát triển đồng bộ thị trường hàng hóa sẽ giúp cho thị trường phát triển năng động và có hiệu quả hơn, trên cơ sở đó việc ứng dụng công cụ phái sinh cho các yếu tố đầu vào và đầu ra của doanh nghiệp khi tham gia thị trường có nhiều cơ sở để triển khai và phát triển hiệu quả. Một khi quá trình bảo vệ rủi ro về giá cả các yếu tố có thể ảnh hưởng đến kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp được đáp ứng thì ta có thể hy vọng hiệu ứng tính cực trong việc tham gia ứng dụng công cụ phái sinh trong hoạt động kinh doanh xăng dầu phát triển bền vững.
5.3.4. Xây dựng thị trường tài chính tiền tệ phát triển lành mạnh, hiện đại
Đối với nền kinh tế thì thị trường tài chính tiền tệ được ví như chất bôi trơn để nền kinh tế hoạt động trơn tru, thông suốt và hiệu quả. Ta biết rằng, phần lớn xăng dầu nhập khẩu từ nước ngoài được định giá bằng đồng đôla Mỹ, do đó, chính sách tỉ giá hay xu hướng của đồng đôla Mỹ trên thế giới sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến giá xăng dầu. Hơn nữa, muốn xây dựng thị trường kỳ hạn, giao sau xăng dầu hiệu quả đòi hỏi tính năng động, tính hiện đại của thị trường tài chính tiền tệ trong nước. Mức độ ứng dụng công cụ phái sinh trên thị trường tài chính tiền tệ ảnh hưởng đến mức độ triển khai và thành công của công cụ phái sinh trên thị trường hàng hóa xăng dầu.
5.3.5. Phát triển nguồn lực về công nghệ và con người
Việc xây dựng đội ngũ trí thức am hiểu sâu sắc về thị trường tài chính tiền tệ và các công cụ phái sinh khi triển khai trên thị trường tài chính tiền tệ cũng như thị trường hàng hóa, xăng dầu cần được quan tâm đặc biệt. Một khi nguồn lực về công nghệ lạc hậu, thiếu đội ngũ tri thức nắm bắt công nghệ, cũng như kiến thức về triển khai ứng dụng công cụ phái sinh trên các loại thị trường thì chúng ta khó có thể bắt kịp sự phát triển của các nước tiên tiến trên thế giới. Khó có hy vọng đi trước đón đầu thành công trong công cuộc đưa đất nước phát triển lên tầm cao mới.
5.3.6. Xây dựng cơ chế thị trường cho xăng dầu
Xây dựng thị trường xăng dầu theo cơ chế thị trường, đồng thời xã hội hóa hoạt động kinh doanh xăng dầu trong nước để thu hút mọi nguồn lực từ các thành phần kinh tế một cách hiệu quả nhất. Hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng độc quyền. Một khi các doanh nghiệp, các thành phần tham gia thị trường chủ động trong kinh doanh thì bắt buộc phải có tính chủ động trong công tác nghiên cứu nắm bắt thị trường, tìm hiểu và ứng dụng các công cụ phòng chống rủi ro hiêụ quả trong đó có việc ứng dụng công cụ phái sinh sẽ có cơ hội phát triển.
5.3.7. Xây dựng và phát triển thị trường kỳ hạn, giao sau xăng dầu dựa trên kinh nghiệm trong và ngoài nước
Ta có những bài học về quản lý điều hành, cũng như những cơ cở pháp lý hay công nghệ cần thiết để phát triển thị trường chứng khoán hơn 12 năm qua. Đó là kinh nghiệm rất quý báo cho công tác hoạch định chính sách, quản lý điều hành một thị trường. Tuy mức độ triển khai ứng dụng các công cụ phái sinh trên thị trường chứng khoán còn rất hạn chế. Bên cạnh đó ta có một thị trường kỳ hạn về cà phê Buôn Ma Thuột, tuy còn rất non trẻ nhưng qua đó ta có thể đúc kết những mặt tích cực hay những hạn chế để làm cơ sở học tập, đưa ra những giải pháp giải quyết vần đề còn tồn động của một thị trường kỳ hạn hàng hóa là cà phê.
Việc nhận diện những hạn chế về hành lang pháp lý, về công nghệ, về cơ cấu tổ chức, phương thức giao dịch, kiến thức và kinh nghiệm cần thiết khi tham gia thị trường .v.v. hay những yếu tố tích cực như về hạn chế rủi ro giá cả, rủi ro tỉ giá, mặt thuận lợi của các chế tài và pháp luật trong nước, trình tự thủ tục .v.v. giúp cho quá trình hình thành và phát triển thị trường hàng hóa nói chung và xăng dầu nói riêng luôn theo kịp nhu cầu và thời đại. Ta còn có một thị trường tài chính tiền tệ phát triển tương đối hiện đại trong thời gian qua, với mức độ ứng dụng các công cụ phòng tránh rủi ro tuy còn hạn chế nhưng đa dạng nhất trong các thị trường trong nước. Hơn nữa, lợi thế của một nước đang trong quá trình đổi mới phát triển kinh tế theo cơ chế thị trường có sự hội nhập sâu rộng với kinh tế toàn cầu, chúng ta có nhiều cơ hội để học tập cách thức triển khai và phát triển một thị trường kỳ hạn, giao sau về hàng hóa trong đó có xăng dầu từ các nước, nhất là các nước tiên tiến trong khu vực. Do có cơ cấu kinh tế và trình độ phát triển tương đối gần với chúng ta như thị trường hàng hóa SYMEX của Singapore.v.v. hay xa hơn là thị trường hàng hóa TOCOM của Nhật Bản. Hơn nữa, ta có thể đi tắt đón đầu nhờ vào sự phát triển của khoa học công nghệ và lợi thế của nước đi sau trên tinh thần học hỏi và tích lũy kiến thức, kinh nghiệm từ các loại thị trường.
Với tất cả những thuận lợi và bài học kinh nghiệm trên, đó chính là những điều rất quý báu cho công tác định hướng phát triển việc ứng dụng công cụ phát sinh vào trong hoạt động kinh doanh xăng dầu tại thị trường Việt Nam trong thời gian tới.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. PGS.TS. Trần Ngọc Thơ , TS. Nguyễn Ngọc Định – Tài Chính Quốc Tế – NXB Thống Kê năm 2005
2. TS. Nguyễn Thị Ngọc Trang – Quản trị rủi ro tài chính - NXB Thống Kê 2007
3. Website: www.dpi.hochiminhcity.gov.vn
4. Website: www.hids.hochiminhcity.gov.vn
5. Website : www. occ.treas.gov
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: