CẠNH TRANH VỀ GIÁ TRONG BỐI CẢNH LÃI SUẤT GIẢM
Gần đây, trên thị trường tài chính tiền tệ liên tiếp đón nhận những thông tin về việc giảm lãi suất huy động. Trong điều kiện cung tiền của nền kinh tế đang được nới lỏng thì việc Ngân hàng nhà nước tiếp tục hạ lãi suất huy động chính là một tín hiệu tích cực, một động thái đáng mừng đối với việc cung cấp vốn cho các doanh nghiệp trong quá trình sản xuất kinh doanh của mình. Ngược lại, các ngân hàng nhỏ sẽ tiếp tục khó khăn hơn trong thanh khoản, nhất là khi phải cạnh tranh huy động với các ngân hàng lớn.
1. Lãi suất cho vay của các ngân hàng và tác động đến hoat động của doanh nghiệp
Trong quan hệ tín dụng giữa doanh nghiệp và Ngân hàng, lãi suất cho vay phản ánh giá cả của đồng vốn mà người sử dụng vốn là các doanh nghiệp phải trả cho người cho vay là các Ngân hàng thương mại. Đối với các doanh nghiệp, lãi suất cho vay hình thành nên chi phí vốn và là chi phí đầu vào của quá trình sản xuất kinh doanh. Do đó, mọi sự biến động về lãi suất cho vay trên thị trường cũng đều ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả sản xuất kinh doanh hay nói cách khác là tác động trực tiếp đến lợi nhuận của doanh nghiệp và qua đó điều chỉnh các hành vi của họ các hoạt động kinh tế. Khi lãi suất cho vay của Ngân hàng thương mại tăng sẽ đẩy chi phí đầu vào và giá thành sản phẩm tăng lên, làm suy giảm lợi nhuận cũng như khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, gây ra tình trạng thua lỗ, phá sản trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Xu hướng tăng lãi suất Ngân hàng sẽ luôn đi liền với xu hướng cắt giảm, thu hẹp quy mô và phạm vi của các hoạt động sản xuất kinh doanh trong nền kinh tế. Ngược lại, khi lãi suất Ngân hàng giảm sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp giảm chi phí, hạ giá thành, nâng cao hiệu quả kinh doanh và khả năng cạnh tranh. Lãi suất cho vay thấp luôn là động lực khuyến khích các doanh nghiệp mở rộng đầu tư, phát triển các hoạt động sản xuất kinh doanh và qua đó kích thích tăng trưởng trong toàn bộ nền kinh tế.
Ở nước ta, do điều kiện thị trường tài chính chưa phát triển, các kênh huy động vốn đối với doanh nghiệp còn rất hạn chế nên nguồn vốn từ các Ngân hàng luôn đóng một vai trò hết sức quan trọng, do đó, lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại luôn có tác động rất lớn đến hoạt động của các doanh nghiệp. Trong những năm trước đây, dưới sức ép của tình trạng lạm phát tăng cao và tác động từ các giải pháp chống lạm phát của Chính phủ, mặt bằng lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại trên thị trường đã có những biến động bất thường và gây ra nhiều xáo trộn trong nền kinh tế, trong đó khu vực doanh nghiệp là nơi chịu nhiều ảnh hưởng nhất. Việc canh tranh lãi suất huy động ở mức cao giữa các ngân hàng thương mại đã đẩy thị trường tài chính vào tình trang hỗn độn chưa từng thấy, lãi suất huy động cao nhất là 19-20%/năm. Theo đó lãi suất cho vay được đẩy lên đúng bằng lãi suất tối đa, 21%/năm. Những tác động tiêu cực của lãi suất đến các doanh nghiệp trong những năm vừa qua có thể khái quát lại như sau:
- Do lãi suất cho vay tăng cao, hiệu quả sản xuất kinh doanh của hầu hết các doanh nghiệp đã bị giảm sút, nhiều doanh nghiệp bị thua lỗ, khả năng trả nợ bị suy giảm.
- Lãi suất vay cao, cùng với nguồn cung tín dụng bị hạn chế đã dẫn đến tình trạng hầu hết các doanh nghiệp buộc phải cơ cấu lại hoạt động sản xuất kinh doanh, cắt giảm việc đầu tư, thu hẹp quy mô và phạm vi hoạt động.
- Nhiều doanh nghiệp có quy mô nhỏ, vốn ít, không chịu đựng được mức lãi suất cao, không có khả năng huy động vốn để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh đã phải ngừng hoạt động, giải thể và phá sản.
Đến thời điểm hiện tại, bằng nhiều giải pháp của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, mặt bằng lãi suất đã liên tục được điều chỉnh giảm, nguồn cung tín dụng được nới lỏng, cùng với chính sách kích cầu thông qua hỗ trợ lãi suất vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong nền kinh tế đã có dấu hiệu phục hồi trở lại, nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp cũng như số tiền giải ngân cho nền kinh tế của các ngân hàng thương mại đã tăng trở lại. Điều đó cho thấy các tác động tích cực của lãi suất trong bối cảnh cả nước đang tập trung thực hiện các giải pháp kích cầu, chống suy giảm kinh tế, đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu đang diễn ra lan rộng.
Tính đến thời điểm hiện tại, các ngân hàng thương mại đều đưa lãi suất các kỳ hạn 1 đến 5 tháng lĩnh lãi cuối kỳ xuống bằng mức 6%. Các doanh nghiệp trên thị trường đã được tiếp cận với nguồn lãi suất cho vay ở mức bình quân 10%/năm, hoặc các doanh nghiệp xuất nhập khẩu thì được hưởng những gói lãi suất ưu đãi hơn ở mức 7 – 8%/năm. Điều này đã làm cho các doanh nghiệp có nhiều thuận lợi hơn trong công tác sản xuất kinh doanh cũng như mạnh dạn hơn trong việc thực hiện các dự án của mình.
2. Giải pháp cân đối giữa giảm lãi suất hỗ trợ các doanh nghiệp trong khi vẫn đảm bảo thu nhập cho các Ngân hàng thương mại
Trên cơ sở phân tích, đánh giá những tác động của lãi suất cho vay đối với hoạt động của doanh nghiệp, từ đó có các giải pháp tối ưu nhằm khai thác các tác động tích cực và hạn chế các tác động tiêu cực của lãi suất nhằm đạt được các mục tiêu trong hoạt động kinh doanh cũng những hoạt động điều tiết nền kinh tế luôn là yêu cầu đặt ra đối với cả các ngân hàng thương mại, các doanh nghiệp và các cơ quan quản lý vĩ mô.
Đứng trên giác độ của mỗi bên, các định hướng và giải pháp cụ thể khi xử lý vấn đề lãi suất cần phải thực hiện như sau:
- Đối với các ngân hàng thương mại,nguồn thu về lãi suất cho vay là nguồn thu nhập nuôi sống hoạt động của Ngân hàng và theo bản năng, Ngân hàng nào cũng muốn cho vay lãi suất cao. Tuy nhiên, xét về bản chất kinh tế thì lãi suất tiền vay có lại nguồn gốc từ lợi nhuận hoạt động của doanh nghiệp, do đó, các ngân hàng thương mại chỉ có thể “sống” được khi hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp có hiệu quả và phát triển. Vì vậy, khi thực hiện chính sách lãi suất, các ngân hàng thương mại nên:
- Phân tích và đánh giá chính xác mức sinh lời của doanh nghiệp để từ đó xác định lãi suất cho vay hợp lý, đảm bảo đôi bên cùng có lợi.
- Nâng cao khả năng dự báo và thực hiện tốt vai trò tư vấn về lãi suất cho vay đối với khách hàng để giúp doanh nghiệp phòng ngừa và hạn chế rủi ro cho chính mình và cho cả Ngân hàng.
- Cung cấp các sản phẩm phái sinh làm công cụ phòng ngừa rủi ro lãi suất cho các doanh nghiệp.
- Thực hiện thường xuyên và kịp thời các chính sách ưu đãi, chia sẻ khó khăn về lãi suất với các khách hàng gặp khó khăn trong khả năng của mình, qua đó hỗ trợ khách hàng phát triển bền vững và gắn bó với Ngân hàng.
- Phát huy vai trò của Hiệp hội Ngân hàng trong việc thực hiện chính sách lãi suất ổn định, đồng nhất, để vừa đảm bảo lợi ích kinh doanh của Ngân hàng vừa tránh những xáo trộn về mặt bằng lãi suất gây ảnh hưởng đến nền kinh tế.
Đối với các doanh nghiệp,lãi suất tiền vay là chi phí đầu vào nên để đảm bảo hoạt động kinh doanh có lãi và phát triển bền vững, doanh nghiệp cần phải:
- Tính toán và dự báo thật đầy đủ, chính xác về chi phí lãi vay khi xem xét, đánh giá hiệu quả và quyết định thực hiện đối với các phương án/dự án sản xuất kinh doanh.
- Tích cực và chủ động thực hiện các công cụ phòng ngừa rủi ro về lãi suất thông qua việc khai thác, sử dụng các sản phẩm phái sinh để bảo hiểm các rủi ro do biến động lãi suất trên thị trường.
- Trích lập đầy đủ các quỹ dự phòng về tài chính trong hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm tạo nguồn lực dự phòng, giúp cho doanh nghiệp đứng vững trong các cú sốc về lãi suất.
- Sử dụng thận trọng và linh hoạt công cụ đòn bẩy tài chính trong hoạt động kinh doanh nhằm đạt được mục tiêu gia tăng lợi nhuận trong điều kiện lãi suất thấp, đồng thời hạn chế rủi ro thua lỗ khi lãi suất biến động ngoài dự đoán.
- Thường xuyên tăng cường năng lực tự chủ về tài chính, đa dạng hóa các kênh huy động vốn, tránh việc phụ thuộc quá lớn vào nguồn vốn vay Ngân hàng.
Đối với các Cơ quan quản lý vĩ mô, lãi suất là một công cụ điều tiết vĩ mô hết sức nhạy cảm, có tác động lớn đến nhiều đối tượng trong nền kinh tế, vì vậy, để đảm hiệu quả tối ưu khi sử dụng công cụ này thì các nhà làm chính sách cần:
- Có lộ trình, giải pháp khuyến khích phát triển đồng bộ các thị trường tài chính, đa dạng hóa các kênh huy động vốn trong nền kinh tế để nhằm đáp ứng nhu cầu vốn ngày càng tăng của doanh nghiệp, hạn chế tình trạng tín dụng đen, thị trường tài chính ngầm phát triển tự do không có kiểm soát.
- Điều hành chính sách lãi suất một cách linh hoạt, kịp thời, duy trì mặt bằng lãi suất ổn định, phù hợp cơ chế thị trường trên cơ sở xử lý tốt mối quan hệ về lợi ích của người gửi tiền, các Ngân hàng và người vay tiền.
- Hạn chế sử dụng các biện pháp hành chính trong điều hành lãi suất, làm biến dạng sự vận động của lãi suất để đảm bảo lãi suất trong nền kinh tế vận động theo cơ chế thị trường, giúp cho các chủ thể tham gia thị trường có thể dự báo, đưa ra các giải pháp đối phó phù hợp.
- Tăng cường năng lực dự báo kinh tế và sớm đưa ra các giải pháp điều tiết mang tính đón đầu để tránh các cú sốc về lãi suất, gây tổn thương cho các chủ thể trong nền kinh tế.
- Trong bối cảnh suy giảm kinh tế hiện nay, cần thực hiện triệt để và kiên trì giải pháp hỗ trợ lãi suất, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi doanh nghiệp có thể tiếp cận được sự hỗ trợ của Chính phủ nhằm phát huy tốt nhất hiệu ứng từ gói kích cầu này đối với toàn bộ nền kinh tế.
Ths. Mai Thị Quỳnh Như
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: