NGHIỆP VỤ HUY ĐỘNG VỐN TẠI CÁC NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI
Huy động vốn là hoat động mang tính truyền thống của hầu hết ngân hàng ngoại trừ một số ngân hàng không được phép thực hiện theo quy định của pháp luật. Thực tế, nhờ huy động vốn mà ngân hàng có nguồn tài sản phục vụ cho các nghiệp vụ tín dụng, đầu tư …và được đảm bảo về thanh khoản.
A. Các loại hình huy động vốn và cách vận hành
I. Tài khoản tiền gửi thanh toán không kỳ hạn
Tài khoản tiền gửi thanh toán là tài khoản mà khách hàng mở tại ngân hàng với mục đích gửi, giữ tiền hoặc thực hiện các giao dịch thanh toán qua ngân hàng bằng các phương tiện thanh toán như thẻ, séc, uỷ nhiệm chi, uỷ nhiệm thu…. Khi đó ngân hàng quản lý tài khoản của khách hàng và đảm nhận việc chi trả đúng theo yêu cầu của chủ tài khoản (được ghi trên séc, uỷ nhiệm chi, uỷ nhiểm thu) phù hợp với số dư khả dụng trên tài khoản. Chủ tài khỏan là đối tượng sở hữu tài khoản và ngân hàng chỉ làm theo lệnh của đối tượng này. Chủ tài khoản có thể là cá nhân hoặc tổ chức
Khách hàng có thể thương lượng với ngân hàng để rút vượt số dư trên tài khoản. Nếu thuận đề nghị của khách hàng, ngân hàng cho khách hàng vay khoản chi vượt số dư có này. Đó là tiện ích mở rộng dành cho khách hàng được gọi là “thấu chi tài khoản”. Giá trị và thời hạn của “thấu chi tài khoản” trước tiên phải được sự thu xếp và đồng ý của ngân hàng và khách hàng.
1. Đối tượng được mở tài khoản tiền gửi thanh toán
a) Cá nhân:
Là công dân Việt Nam có năng lực pháp luật dân sự và năng lực hành vi dân sự; cá nhân nước ngoài có năng lực pháp luật dân sự và năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật nước mà người đó là công dân.
Đối với người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người hạn chế năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật: mọi thủ tục mở và sử dụng tài khoản tiền gửi phải thực hiện thông qua người giám hộ, người đại diện theo pháp luật.
b) Tổ chức ( tổ chức kinh tế, xã hội, đoàn thể…) bao gồm:
Tổ chức Việt Nam được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Tổ chức nước ngoài được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật nước mà Tổ chức đó được thành lập.
2. Các hình thức tài khoản tiền gửi thanh toán
Tuỳ vào đối tượng khách hàng có các hình thức sau:
Tài khoản tiền gửi của tổ chức: là tài khoản mà chủ tài khoản là người đại diện theo pháp luật hoặc đại diện theo uỷ quyền của tổ chức mở tài khoản.
Tài khoản tiền gửi của các đồng chủ tài khoản: là tài khoản có ít nhất hai người trở lên cùng đứng tên mở tài khoản. Đồng chủ tài khoản có thể là cá nhân và/hoặc người đại diện hợp pháp của tổ chức.
Tài khoản tiền gửi của cá nhân: là tài khoản mà chủ tài khoản là một cá nhân độc lập đứng tên mở tài khoản.
Nguyên tắc vận hành của các loại tài khoản cá nhân và doanh nghiệp là như nhau. Tuy nhiên, do sự khác nhau về tình trạng pháp lý của các đối tượng này, ngân hàng sẽ yêu cầu khách hàng điền thông tin vào các mẫu biểu khác nhau cũng như yêu cầu khách hàng sẽ xuất trình bản sao các loại chứng từ pháp lý khác nhau. Ví dụ, khách hàng cá nhân sẽ được ngân hàng yêu cầu xuất trình giấy chứng minh hoặc hộ chiếu trong khi doanh nghiệp được yêu cầu xuất trình Giấy phép kinh doanh, bảng điều lệ của tổ chức và những quyết định, ủy quyền mở tài khoản. Để biết chi tiết cho từng đối tượng, xem thêm ở phần Hồ sơ mở tài khoản tiền gửi thanh toán.
Ngân hàng sẽ yêu cầu chủ tài khỏan điền các thông tin để điều hành tài khoản theo ý chí của chủ tài khoản. Ví dụ: các thông tin ủy quyền điều hành tài khoản, các thông tin về hạn mức ký lệnh chi tiền của những người được ủy quyền.
Thêm vào đó, một số ngân hàng ở nước ngoài và Việt Nam khác có thiết kế tài khoản tiền gửi thanh toán riêng cho đối tượng khách hàng là người không cư trú (quy định này cũng có thể được áp dụng cho tài khoản tiền gửi tiết kiệm). Nguyên tắc sau đây được quy định trong quy định quản lý ngoại hối dùng để xác định người không cư trú:
Không phải là công dân nước Việt Nam và cư trú ở Việt Nam có thời hạn dưới 12 tháng.
Công dân Việt Nam cư trú ở nước ngoài có thời hạn từ 12 tháng trở lên (trừ các trường hợp công dân Việt Nam học tập, chữa bệnh, du lịch hoặc làm việc cho cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự, văn phòng đại diện của các tổ chức Việt Nam tại Nước ngoài)
Doanh nghiệp nước ngoài;
3. Mở tài khoản tiền gửi thanh toán.
Hồ sơ yêu cầu mở tài khoản tiền gửi thanh toán:
a) Đối với tổ chức gồm các giấy tờ sau:
Phiếu đăng ký thông tin khách hàng
Giấy đề nghị mở tài khoản
Các giấy tờ chứng minh việc tổ chức được thành lập theo quy định của pháp luật
Các giấy tờ chứng minh tư cách đại diện hợp pháp của chủ tài khoản
Chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của cá nhân đứng tên mở tài khoản
b) Đối với đồng chủ tài khoản gồm các giấy tờ sau:
Giấy đề nghị mở tài khoản
Các giấy tờ chứng minh tư cách đại diện hợp pháp của người đại diện cho tổ chức tham gia tài khoản đồng sở hữu
Hợp đồng quản lý và sử dụng tài khoản chung của các đồng chủ tài khoản
Chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của cá nhân đứng tên mở tài khoản
c) Đối với cá nhân gồm các giấy tờ sau
Giấy đề nghị mở tài khoản
Các giấy tờ chứng minh tư cách của người đại diện, người giám hộ hợp pháp của người chưa thành niên, người mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự.
Chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của cá nhân đứng tên mở tài khoản
Thông thường Ngân hàng yêu cầu khách hàng xuất trình bản chính hoặc bản sao có xác nhận của cơ quan cấp bản chính hoặc có công chứng, chứng thực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho các giấy tờ trong hồ sơ yêu cầu mở tài khoản.
Khi ngân hàng nhận các giấy tờ chứng từ để đối chiếu kiểm tra, cần cẩn thận để đảm bảo rằng các chứng từ thật, không bị giả mạo. Thí dụ, kiểm tra lớp nhựa bao bọc ngoài thẻ chứng minh không bị rách hở và ảnh trên thẻ không bị thay đổi.
Khi sao y chứng từ để lưu, phải đảm bảo rằng bản sao rõ nét và chữ viết rõ ràng dễ đọc. Đảm bảo rằng chứng từ có thể sử dụng được, ngay cả khi có nghi ngờ hoặc phục vụ việc thanh tra kiểm tra về sau. Thông thường, bản sao chứng minh nhân dân cũ có thể không nhận dạng được khách hàng, số thẻ chứng minh và ngay cả tên khách hàng cũng khó đọc được.
4. Sử dụng tài khoản tiền gửi thanh toán
Chủ tài khoản hoặc người được uỷ quyền của chủ tài khoản có thể thực hiện các giao dịch bằng tiền mặt hoặc sử dụng các phương tiện thanh toán để gửi, rút tiền mặt hoặc thanh toán bằng chuyển khoản trên tài khoản.
Người giám hộ, người đại diện theo pháp luật có đầy đủ quyền và trách nhiệm trong việc sử dụng tài khoản của người chưa thành niên, người mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự mà mình làm giám hộ, đại diện. Người giám hộ, người đại diện theo pháp luật của chủ tài khoản không được ủy quyền cho cá nhân, tổ chức khác được sử dụng tài khoản của người mà mình giám hộ, đại diện.
Việc sử dụng tài khoản đồng chủ tài khoản phải thực hiện theo đúng các nội dung cam kết và thoả thuận trong hợp đồng quản lý và sử dụng tài khoản chung. Thông báo của ngân hàng liên quan đến sử dụng tài khoản cho 1 đồng chủ tài khoản được coi như thông báo cho tất cả các đồng chủ tài khoản.
Việc uỷ quyền sử dụng tài khoản và sử dụng tài khoản uỷ quyền phải thực hiện theo quy định của pháp luật. Việc uỷ quyền chỉ có hiệu lực khi chủ tài khoản lập và gửi giấy uỷ quyền cho ngân hàng theo đúng quy định.
Chủ tài khoản có quyền sử dụng số dư có và hạn mức thấu chi (nếu được ngân hàng cấp) thông qua các lệnh thanh toán, các dịch vụ thanh toán hợp pháp, hợp lệ.
Chủ tài khoản có quyền yêu cầu ngân hàng cung cấp các thông tin về các giao dịch thanh toán và số dư trên tài khoản của mình đồng thời có quyền yêu cầu ngân hàng đóng, phong toả hoặc thay đổi cách thức sử dụng tài khoản khi cần thiết.
Ngân hàng có quyền chủ động trích tài khoản của khách hàng để thanh toán các nghĩa vụ thanh toán theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;các khoản nợ đến hạn, quá hạn; các khoản lãi, chi phí phát sinh trong quá trình quản lý tài khoản và cung ứng các dịch vụ thanh toán theo quy định; và các trường hợp khác theo thoả thuận giữa ngân hàng và khách hàng.
Ngân hàng có quyền từ chối thực hiện các lệnh thanh toán của khách hàng trong các trường hợp khách hàng không thực hiện đầy đủ các yêu cầu về thủ tục thanh toán, lệnh thanh toán không hợp lệ, không khớp đúng với các yếu tố đã đăng ký; khách hàng không có đủ số dư trên tài khoản đảm bảo cho việc thực hiện các lệnh thanh toán.
Huy động vốn thông qua hình thức tiền gửi thanh toán là việc khách hàng ký gửi nguồn tiền vào ngân hàng. Khi đó mọi giao dịch của khách hàng đều được thể hiện trong sổ phụ tài khoản tiền gửi mà ngân hàng có trách nhiệm cung cấp cho khách hàng như một nghĩa vụ pháp lý.
5. Lãi suất tài khoản tiền gửi thanh toán
Ở Việt Nam đa số ngân hàng đều chi trả lãi khi khách hàng gửi tiền gửi thanh toán trong khi đó các ngân hàng ở nước ngoài thì không phải chi trả lãi cho loại hình huy động vốn này. Tuy nhiên, việc tính và chi trả lãi ở các ngân hàng Việt Nam tuỳ thuộc vào quy định riêng của mỗi ngân hàng, ví dụ có thể khác nhau ở chỗ:
- Tính lãi cho toàn bộ số dư có trên tài khoản
- Tính lãi trên số dư có trừ đi số dư tối thiểu phải duy trì trên tài khoản theo quy định
- Tính lãi và nhập vốn mỗi ngày
- Tính lãi hàng ngày và nhập vốn cuối mỗi tháng hoặc mỗi quý, nửa năm, năm…
Ngân hàng thương mại không quy định số dư có tối thiểu để tính tiền lãi. Việc quy định tiền lãi của các khoản tiền gửi thanh toán được tính mỗi ngày căn cứ vào số dư có cuối ngày và nhập vốn vào ngày làm việc cuối mỗi tháng. Công thức tính lãi của tài khoản thanh toán là phương thức tính lãi đơn:
Tiền lãi mỗi ngày = số dư có cuối ngày x lãi suất (%/tháng)/30.
6. Một số quy định về phong toả/đóng tài khoản tiền gửi thanh toán
a) Tài khoản tiền gửi thanh toán được phong toả theo một trong các trướng hợp sau:
Khi có thỏa thuận giữa chủ tài khoản và Ngân hàng thương mại;
Khi có quyết định hoặc yêu cầu bằng văn bản của người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật;
Các trường hợp khác do pháp luật quy định.
Việc sử dụng tài khoản phong tỏa, số tiền bị phong tỏa, thời gian bị phong tỏa, xử lý các lệnh thanh toán qua tài khoản trong thời gian phong tỏa thực hiện theo đúng nội dung phong tỏa.
Việc phong toả được chấm dứt khi: (i) Kết thúc thời hạn thỏa thuận phong tỏa tài khoản giữa chủ tài khoản với Ngân hàng thương mại hoặc (ii) Người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật ra quyết định hoặc yêu cầu bằng văn bản việc chấm dứt phong tỏa hoặc (iii) Theo quy định của pháp luật
b) Tài khoản thanh toán được đóng trong các trường hợp sau:
Ngân hàng thương mại thực hiện đóng tài khoản tiền gửi thanh toán khi: (i) chủ tài khoản yêu cầu; (ii) cá nhân có tài khoản bị chết, mất tích hoặc mất năng lực hành vi dân sự; (iii) tổ chức có tài khoản chấm dứt hoạt động theo quy định của pháp luật.;
- Ngân hàng thương mại có quyền quyết định việc đóng tài khoản tiền gửi thanh toán khi : (i) Chủ tài khoản vi phạm pháp luật trong thanh toán hoặc vi phạm thỏa thuận với Ngân hàng thương mại; (ii) Tài khoản tiền gửi có số dư bằng 0 (không) và đã ngưng sử dụng trong vòng 6 (sáu) tháng (kể từ thời điểm Tài khoản tiền gửi có số dư bằng 0).
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: