NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN CHUNG CƠ BẢN VỀ TỔ CHỨC BỘ MÁY KẾ TOÁN TRONG CÁC ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP
Tổ chức công tác kế toán nói chung và tổ chức bộ máy kế toán nói riêng trong tất cả các loại hình đơn vị là một công tác đóng vai trò quan trọng quyết định đến tính hiệu quả, chất lượng làm việc của bộ phận kế toán. Việc hiểu rõ đặc điểm của từng loại mô hình trong tổ chức bộ máy sẽ giúp cho nhà quản lý các thông tin cần thiết để thiết lập bộ phận kế toán sao cho đảm bảo tính khoa học, tiết kiệm nhân lực, đảm bảo tính chặt chẽ qua đó hỗ trợ rất nhiều trong công tác tham mưu trong quá trình quản lý của mình. Bài viết sau đây đi vào giới thiệu những vấn đề lý luận cơ bản liên quan đến tổ chức bộ máy kế toán trong các đơn vị sự nghiệp công lập ở nước ta.
Về khái niệm tổ chức bộ máy kế toán
Theo quy định của Luật Kế toán (điều 48), yêu cầu các đơn vị sự nghiệp công lập phải “Tổ chức bộ máy kế toán, bố trí người làm kế toán hoặc thuê làm kế toán” [1]. Như vậy, tổ chức bộ máy kế toán cần được hiểu như là việc tạo ra mối quan hệ giữa các cán bộ, nhân viên kế toán cùng các phương tiện kỹ thuật ghi chép, tính toán, thông tin được trang bị để thực hiện toàn bộ công tác kế toán từ khâu thu nhận, kiểm tra, xử lý đến khâu tổng hợp, phân tích và cung cấp những thông tin kinh tế về các hoạt động của đơn vị, phục vụ công tác quản lý. Do đó, tổ chức bộ máy kế toán là một trong những nội dung quan trọng trong tổ chức công tác kế toán ở các đơn vị sự nghiệp công lập, bởi suy cho cùng thì chất lượng của công tác kế toán phụ thuộc trực tiếp vào trình độ, khả năng thành thạo, đạo đức nghề nghiệp và sự phân công, phân nhiệm hợp lý các nhân viên trong bộ máy kế toán.
Về các căn cứ để thực hiện việc tổ chức bộ máy kế toán trong đơn vị
Thông thường những nội dung chính của tổ chức bộ máy kế toán trong các đơn vị sự nghiệp công lập bao gồm xác định số lượng nhân viên cần phải có; yêu cầu về trình độ nghề nghiệp; bố trí và phân công nhân viên thực hiện các công việc cụ thể; xác lập mối quan hệ giữa các bộ phận kế toán với nhau cũng như giữa bộ phận kế toán với các bộ phận quản lý khác có liên quan, kế hoạch công tác và việc kiểm tra tình hình thực hiện kế hoạch;…
Như vậy, để tổ chức bộ máy kế toán cần phải căn cứ vào hình thức tổ chức công tác kế toán (tập trung, phân tán hay kết hợp giữa tập trung và phân tán), vào đặc điểm tổ chức và quy mô hoạt động của đơn vị, vào tình hình phân cấp quản lý, khối lượng, tính chất và mức độ phức tạp của các nghiệp vụ kinh tế, tài chính cũng như yêu cầu, trình độ của cán bộ quản lý, cán bộ kế toán. Cụ thể căn cứ vào các nội dung sau:
Một là, tổ chức quản lý của đơn vị. Tổ chức bộ máy kế toán trong đơn vị sự nghiệp công lập cần phù hợp với cơ cấu tổ chức quản lý của đơn vị (như quy mô của đơn vị và các đơn vị phụ thuộc, cơ cấu các bộ phận phòng ban trong đơn vị, cơ cấu tổ chức bộ phận tài chính kế toán).
Hai là, căn cứ khối lượng công việc kế toán. Khối lượng công việc bộ máy kế toán của đơn vị sự nghiệp công lập cần đảm nhiệm những nội dung như đảm bảo cung cấp đầy đủ thông tin kế toán theo yêu cầu, theo dõi, ghi chép các đối tượng kế toán và đối tượng quản lý chi tiết, xử lý hệ thống chứng từ kế toán, khối lượng dữ liệu cần xử lý, hạch toán trên các tài khoản kế toán cho các nghiệp vụ kinh tế tài chính phát sinh, lập và gửi báo cáo kế toán theo quy định,… Khối lượng công việc kế toán được ước tính dựa trên đặc điểm hoạt động của đơn vị, mức độ phức tạp của hoạt động, của yêu cầu thông tin và yêu cầu quản lý trong đơn vị. Căn cứ vào khối lượng công việc và mức độ phức tạp của công việc để có kế hoạch tuyển dụng nhân viên. Đồng thời sắp xếp, bố trí nhân sự cho phù hợp. Sau khi phân tích khối lượng công việc dựa vào các chính sách kế toán đã được xây dựng, các báo cáo cần được lập, người chịu trách nhiệm tổ chức bộ máy kế toán cũng sẽ xác định đầy đủ các chức năng kế toán cần có để từ đó có định hướng xây dựng bộ máy kế toán.
Ba là, đặc điểm và định hướng ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập. Công nghệ thông tin làm thay đổi cơ bản công việc của nhân viên kế toán: Giảm khối lượng công việc ghi chép, tìm kiếm, xử lý, giảm các hạn chế liên quan đến khối lượng nghiệp vụ, hạn chế về không gian và thời gian,… Nhân viên kế toán có thể chuyển từ việc ghi sổ, nhập liệu các dữ liệu kế toán sang việc kiểm soát, phân tích dữ liệu và cung cấp thông tin kế toán. Do đó, khi tổ chức bộ máy kế toán cần quan tâm đến các vấn đề như đặc điểm hệ thống trang thiết bị và cơ sở hạ tầng kỹ thuật hiện có của đơn vị sự nghiệp công lập, định hướng ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý.
Về các mô hình tổ chức bộ máy kế toán trong các đơn vị sự nghiệp công lập
Hiện nay, các đơn vị sự nghiệp công lập có thể tổ chức bộ máy kế toán theo các hình thức sau:
+ Thứ nhất : Mô hình tổ chức bộ máy kế toán tập trung:Còn gọi là mô hình một cấp. Đơn vị kế toán độc lập chỉ tổ chức một phòng kế toán trung tâm để thực hiện toàn bộ công tác kế toán từ việc xử lý chứng từ, ghi sổ kế toán tổng hợp, kế toán chi tiết, lập báo cáo kế toán, phân tích kinh tế các hoạt động. Trường hợp đơn vị kế toán có các đơn vị trực thuộc thì không có tổ chức kế toán riêng mà chỉ có nhân viên kinh tế làm nhiệm vụ thu thập chứng từ, hướng dẫn và thực hiện hạch toán ban đầu các nghiệp vụ kinh tế tài chính phát sinh thuộc phạm vi đơn vị mình, kiểm tra các chứng từ thu nhận được và định kỳ gửi toàn bộ chứng từ về phòng kế toán trung tâm.
Như vậy, ưu điểm nổi bật của mô hình tổ chức bộ máy kế toán tập trung là đảm bảo sự lãnh đạo tập trung, thống nhất đối với công tác kế toán, kiểm tra, xử lý và cung cấp thông tin kế toán một cách kịp thời tình hình hoạt động của đơn vị thông qua thông tin kế toán cung cấp, từ đó thực hiện kiểm tra, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo đơn vị đối với toàn bộ hoạt động của đơn vị; đồng thời tạo điều kiện trang bị và ứng dụng phương tiện kỹ thuật ghi chép, tính toán và thông tin hiện đại trong công tác kế toán, bồi dưỡng và nâng cao trình độ nghiệp vụ của cán bộ, nhân viên kế toán và nâng cao hiệu suất công tác kế toán.
Tuy nhiên bên cạnh những ưu điểm nêu trên, có thể thấy mô hình này không phù hợp với những đơn vị có phạm vi hoạt động rộng, các cơ sở của đơn vị phụ thuộc đặt ở xa đơn vị trung tâm. Đối với những đơn vị sự nghiệp công lập có địa bàn hoạt động phân tán thì việc kiểm tra, giám sát tại chỗ của kế toán đối với các hoạt động của các cơ sở phụ thuộc phần nào bị hạn chế, thông tin kinh tế do kế toán cung cấp cho lãnh đạo các cơ sở phụ thuộc thường không kịp thời ảnh hưởng tới sự chỉ đạo của lãnh đạo cơ sở sở phụ thuộc đối với các hoạt động ở các cơ sở phụ thuộc đó. Ngoài ra, công việc kế toán dồn vào cuối kỳ có thể ảnh hưởng đến công tác kiểm tra, đối chiếu số liệu kế toán và lập báo cáo tài chính.
Như vậy, theo chúng tôi mô hình tổ chức bộ máy kế toán tập trung thường được áp dụng thích hợp với các đơn vị sự nghiệp độc lập, có tư cách pháp nhân đầy đủ, không có sự phân tán quyền lực quản lý. Đây cũng là những đơn vị sự nghiệp có hoạt động tập trung về mặt không gian và mặt bằng hoạt động, có kỹ thuật xử lý thông tin hiện đại.
+ Thứ hai : Mô hình tổ chức bộ máy kế toán phân tán:
Còn gọi là mô hình hai cấp. Bộ máy kế toán được phân chia thành hai cấp riêng biệt là cấp trung tâm và cấp trực thuộc. Kế toán ở cả hai cấp đều tổ chức sổ kế toán và bộ máy nhân sự tương ứng để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của kế toán phân cấp.
Kế toán trung tâm thực hiện các phần hành kế toán phát sinh ở đơn vị chính, công tác tài chính và công tác thống kê trong toàn đơn vị; hướng dẫn, kiểm tra công tác kế toán ở các đơn vị trực thuộc; thu nhận, kiểm tra các báo cáo tài chính, thống kê của các đơn vị trực thuộc, gửi lên và lập báo cáo tài chính, thống kê tổng hợp cho toàn đơn vị.
Kế toán trực thuộc thực hiện toàn bộ công tác kế toán, thống kê, tài chính phát sinh ở đơn vị mình từ khâu hạch toán ban đầu, ghi sổ kế toán đến lập các báo cáo tài chính, thống kê định kỳ gửi về phòng kế toán trung tâm.
Từ những đặc điểm tổ chức bộ máy kế toán như mô tả trên, mô hình tổ chức bộ máy kế toán phân tán có ưu điểm là công tác kế toán gắn liền với các hoạt động ở các đơn vị trực thuộc, tạo điều kiện thuận lợi cho kế toán kiểm tra, kiểm soát trực tiếp các hoạt động kinh tế tài chính, phục vụ kịp thời cho lãnh đạo ở các bộ phận trực thuộc trong việc điều hành và quản lý hiệu quả các hoạt động ở bộ phận phụ thuộc đó, tạo điều kiện cho tiến hành hạch toán kinh tế nội bộ. Tuy nhiên bên cạnh những ưu điểm, mô hình này có nhiều nhược điểm như hạn chế sự lãnh đạo tập trung, thống nhất công tác kế toán trong toàn đơn vị, thông tin kinh tế về các hoạt động trong phạm vi toàn đơn vị không được xử lý và cung cấp kịp thời phục vụ toàn đơn vị không được xử lý và cung cấp kịp thời phục vụ sự lãnh đạo, điều hành và quản lý chung toàn đơn vị, không thuận tiện cho việc phân công lao động và chuyên môn hóa cán bộ kế toán.
Với nội dung, ưu điểm và nhược điểm trên, theo chúng tôi mô hình tổ chức bộ máy kế toán phân tán áp dụng thích hợp với những đơn vị có quy mô lớn, địa bàn hoạt động phân tán, chưa trang bị và ứng dụng phương tiện kỹ thuật hiện đại trong công tác kế toán.
+ Thứ ba : Mô hình tổ chức bộ máy kế toán vừa tập trung vừa phân tán:
Còn gọi là mô hình hỗn hợp. Mô hình này kết hợp đặc trưng của cả hai mô hình tổ chức bộ máy kế toán tập trung và tổ chức bộ máy kế toán phân tán. Theo mô hình tổ chức bộ máy kế toán này, ở đơn vị chính thành lập phòng kế toán trung tâm, làm nhiệm vụ hướng dẫn kiểm tra kế toán đơn vị, ở các đơn vị trực thuộc lớn, đủ trình độ quản lý được phân cấp quản lý kinh tế tài chính nội bộ ở mức độ cao thì cho tổ chức kế toán riêng. Còn ở các đơn vị trực thuộc nhỏ hoặc chưa đủ trình độ quản lý, chưa được phân cấp quản lý kinh tế, tài chính nội bộ ở mức độ cao thì không cho tổ chức kế toán riêng mà chỉ bố trí nhân viên hạch toán làm nhiệm vụ hướng dẫn hạch toán ban đầu, thu nhận và kiểm tra chứng từ ban đầu để định kỳ chuyển chứng từ về phòng kế toán trung tâm.
Trong trường hợp này công việc kế toán ở toàn đơn vị tổng thể được phân công phân cấp như sau:
Phòng kế toán trung tâm thực hiện công việc kế toán phát sinh ở đơn vị chính và ở các đơn vị trực thuộc không có tổ chức công tác kế toán riêng; hướng dẫn, kiểm tra công tác kế toán ở các đơn vị trực thuộc; thu nhận, kiểm tra báo cáo tài chính ở các đơn vị trực thuộc có tổ chức kế toán riêng gửi đến và lập báo cáo tài chính tổng hợp toàn đơn vị tổng thể; thực hiện công tác tài chính, thống kê, tổng hợp số liệu để lập báo cáo tài chính đơn vị.
Ở các đơn vị kế toán phụ thuộc có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ công việc kế toán phát sinh ở đơn vị mình, công tài tài chính, thống kê trong phạm vi đơn vị mình và định kỳ lập các báo cáo tài chính, thống kê gửi về phòng kế toán trung tâm.
Các nhân viên hạch toán ở các đơn vị trực thuộc không có tổ chức kế toán riêng thực hiện các phần hành công việc hạch toán được phòng kế toán trung tâm giao và định kỳ gửi chứng từ kế toán về phòng kế toán trung tâm.
Với những đặc điểm trên, mô hình này thích hợp với các đơn vị có quy mô lớn có nhiều đơn vị trực thuộc, hoạt động trên địa bàn vừa tập trung vừa phân tán, mức độ phân cấp quản lý kinh tế, tài chính, trình độ quản lý khác nhau.
Việc tổ chức bộ máy kế toán trong các đơn vị sự nghiệp công lập có thể thực hiện theo các mô hình khác nhau, phù hợp với đặc điểm và quy mô hoạt động của từng đơn vị. Sau khi xác định, lựa chọn mô hình tổ chức thích hợp từ các mô hình trên, các đơn vị sự nghiệp công lập có thể tổ chức phân công công việc cụ thể trong bộ máy. Theo đó kế toán trưởng hoặc phụ trách kế toán của các đơn vị có trách nhiệm phân công, bố trí nhân viên kế toán đảm trách các phần hành kế toán cụ thể. Việc phân công cán bộ kế toán phù hợp với khả năng, trình độ của từng người sẽ giúp cho quá trình thu thập, xử lý thông tin diễn ra nhanh chóng, đồng thời xác định rõ số lượng nhân viên tương ứng với khối lượng công việc nhằm tối ưu hóa bộ máy kế toán. Các phần hành kế toán chủ yếu trong các đơn vị sự nghiệp công lập gồm:
- Kế toán vốn bằng tiền: Có nhiệm vụ phản ánh số hiện có và tình hình biến động của các loại vốn bằng tiền của đơn vị, gồm tiền mặt; tiền gửi tại kho bạc, ngân hàng; vàng, bạc, kim khí quí, đá quý.
- Kế toán vật tư, tài sản: Có nhiệm vụ phản ánh số lượng, giá trị hiện có và tình hình biến động của nguyên liệu, vật liệu, công cụ, dụng cụ; phản ánh số lượng, nguyên giá và giá trị hao mòn của tài sản cố định hiện có và tình hình biến động của tài sản cố định, công tác đầu tư xây dựng cơ bản và sửa chữa tài sản tại đơn vị.
- Kế toán thanh toán: Có nhiệm vụ phản ánh các khoản nợ phải thu và tình hình thanh toán các khoản nợ phải thu của các đối tượng trong và ngoài đơn vị; phản ánh các khoản nợ phải trả, các khoản trích nộp theo lương, các khoản phải trả công chức, viên chức, các đối tượng khác, các khoản phải nộp ngân sách và tình hình thanh toán các khoản phải trả, phải nộp.
- Kế toán nguồn kinh phí, vốn, quỹ: Có nhiệm vụ phản ánh số hiện có và tình hình biến động các nguồn kinh phí hoạt động, nguồn kinh phí dự án, nguồn kinh phí theo đơn đặt hàng của nhà nước, kinh phí khác, các loại vốn, quỹ của đơn vị.
- Kế toán các khoản thu: Có nhiệm vụ phản ánh đầy đủ, kịp thời các khoản thu phí, lệ phí, thu theo đơn đặt hàng của nhà nước, thu sự nghiệp, thu hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ và các khoản thu khác phát sinh tại đơn vị và nộp các khoản thu phải nộp cho ngân sách hoặc cấp trên.
- Kế toán các khoản chi: Có nhiệm vụ phản ánh tình hình chi phí cho hoạt động, chi thực hiện chương trình, dự án, chi theo đơn đặt hàng của nhà nước đã được duyệt và việc thanh quyết toán các khoản chi đó; phản ánh chi phí các hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ và chi phí các hoạt động khác để xác định kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh.
- Kế toán tổng hợp: Có nhiệm vụ tổng hợp của các phần hành kế toán chi tiết. Đây là công việc kết nối các phần hành kế toán chi tiết, tạo ra sự hoàn chỉnh, thống nhất của hệ thống số liệu kế toán. Kết quả của phần hành kế toán tổng hợp là các báo cáo tài chính.
Như vậy, tổ chức hợp lý bộ máy kế toán với sự phân công, phân nhiệm rõ ràng, xác định mối quan hệ giữa các nhân viên kế toán với nhau, mối quan hệ giữa bộ máy kế toán với các bộ phận quản lý khác trong đơn vị là một trong những nội dung quan trọng và là yếu tố quyết định hoàn toàn tới chất lượng công tác kế toán của một đơn vị.
------------------------
Tài liệu tham khảo :
[1] Quốc hội (2003), Luật kế toán
[2] Bùi Thị Yến Linh (2014), Tổ chức công tác kế toán tại các cơ sở y tế công lập tỉnh Quảng Ngãi, Luận án tiến sĩ, Học viện tài chính
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: