CƠ CẤU TỔ CHỨCTẠI CÁC NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI TRONG THỜI ĐIỂM CẠNH TRANH THỊ PHẦN NĂM 2015
Trong điều kiện kinh tế hiện tại của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đã ảnh hưởng khá tiêu cực đến các doanh nghiệp trong vấn đề tìm kiếm thi trường, tăng trưởng doanh thu…, các ngân hàng thương mại, cũng không tránh khỏi những của tác động của nền kinh tế. Khi doanh thu, các chỉ tiêu kinh doanh và kế hoạch lợi nhuận không đạt trong khi nợ xấu liên tục gia tăng buộc các Ngân hàng phải có các động thái điều chỉnh kế hoạch về chi phí và một trong những biện pháp đó là cơ cấu lại nhân sự để phù hơp hơn với chiến lược tăng cường bán hàng, giới thiệu sản phẩm dịch vụ đến khách hàng để chiếm lĩnh thị phần.
1. Cơ cấu tổ chức của một ngân hàng thương mại trong thời điểm gia tăng thị phần hiện tại
Sự xâm nhập thị trường tài chính của các Ngân hàng nước ngoài, sự sáp nhập của các Ngân hàng có quy mô nhỏ trong nước và chuyển đổi mô hình của các Ngân hàng thương mại tầm trung đang trên đà phát triển đã và đang tạo ra những chia sẻ về thị phần dẫn đến cạnh tranh ngày càng khốc liệt hơn giữa các ngân hàng.
Áp lực về thanh khoản khiến cho các ngân hàng nhỏ không đáp ứng được phải tìm cách huy động bằng mọi giá dẫn đến việc hàng loạt ngân hàng “xé rào” để lách trần lãi suất huy động. Các ngân hàng cạnh tranh khốc liệt trên thị trường khách hàng tiền vay khiến cho thị phần dành cho mỗi ngân hàng bị thu hẹp lại. Do đó, các ngân hàng có xu hướng dịch chuyển nhiều hơn sang các hoạt động phi tín dụng như các sản phẩm về dịch vụ tiền gửi, dịch vụ chuyển tiền du học, kinh doanh ngoại hối hay các dịch vụ về thanh toán quốc tế để để có thể đảm bảo được kế hoạch về lợi nhuận…
Để tăng khả năng cạnh tranh lẫn nhau bằng cách hướng đến lấy chất lượng dịch vụ và chất lượng chăm sóc khách hàng làm nền tảng, các ngân hàng phải tiến hành cấu trúc lại bộ máy hoạt động trên tiêu chí phục vụ tối đa nhu cầu và tối đa lợi ích dành cho hệ khách hàng của mình. Và cơ cấu tổ chức của một ngân hàng thương mại trong thời điểm gia tăng thị phần hiện tại lấy khách hàng làm trọng tâm cho đến thời điểm hiện tại như sau:
Cơ cấu của Ban lãnh đạo của một Ngân hàng thương mại cổ phần hiện đại gồm có 1 giám đốc và 2 Phó giám đốc điều hành, trong đó Giám đốc sẽ điều hành tổng quát các công tác quản lý hoạt động kinh doanh và quản trị nhân sự. Một Phó giám đốc sẽ thực hiện công tác chỉ đạo về tác nghiệp các hoạt động về kế toán, luân chuyển chứng từ và quản lý công tác thẩm định hồ sơ tín dụng, Phó Giám đốc còn lại sẽ thực hiện công tác chỉ đạo về hoạt động kinh doanh của chi nhánh bằng cách vạch ra chiến lược kinh doanh, thu hút khách hàng về giao dịch, hỗ trợ và giám sát việc triển khai thực hiện.
Các phòng ban chức năng thực hiện các nghiệp vụ ngân hàng bây giờ cũng có sự thay đổi để phù hợp hơn phục vụ tốt hơn trong công tác chăm sóc khách hàng. Sự thay đổi này tạo ra một đội ngũ bán hàng chuyên nghiệp hơn gọi là các chuyên viên quan hệ khách hàng, tạo ra tính chuyên biệt và đội ngũ nhân viên chuyên sâu hơn về sản phẩm của mỗi mảng để phục vụ khách hàng.
Các chuyên viên khách hàng này có nhiệm vụ thực hiện chức năng cung cấp các sản phẩm dịch vụ tài chính phục vụ cho các cá nhân có nhu cầu về vốn tín dụng, huy động, chuyển tiền, ngoại hối, thanh toán quốc tế và du học….. , họ được chia thành từng tổ để bán các sản phẩm tài chính cho các khách hàng như tổ chuyên cung cấp các sản phẩm cho nhóm khách hàng cán bộ nhân viên các công ty nhà nước, hành chính sự nghiệp, tổ chuyên cung cấp các sản phẩm cho nhóm khách hàng tiểu thương và tổ cung cấp các sản phẩm cho các khách hàng cá nhân khác… Công việc chủ yếu của các chuyên viên khách hàng hằng ngày không còn tập trung vào công tác xử lý hồ sơ tín dụng nữa, mà chỉ đi bán các sản phẩm dịch vụ ngân hàng, công tác xử lý hồ sơ chỉ chiếm phần nhỏ trong thời gian tác nghiệp hằng ngày.
Đồng thời thực hiện chức năng cung cấp các sản phẩm dịch vụ tài chính phục vụ cho các doanh nghiệp có nhu cầu về vốn tín dụng, huy động, chuyển tiền, ngoại hối và thanh toán quốc tế….. với công việc hằng ngày là tiếp xúc, gặp gỡ các doanh nghiệp và cung cấp các gói sản phẩm về tài chính mà các doanh nghiệp có nhu cầu, bán chéo các sản phẩm dịch vụ tài chính cá nhân cho các cán bộ nhân viên đang công tác tại các doanh nghiệp có quan hệ giao dịch tài chính với chi nhánh ngân hàng.
Bộ phận bán hàng tại quầy lúc này có vai trò rất quan trọng đối với các Ngân hàng thương mại, là nơi bắt buộc phải để lại ấn tượng tốt đối với khách hàng trong lần đầu tiên đến giao dịch, thực hiện hầu hết các chức năng của ngân hàng thương mại với áp lực phải giải quyết công việc vừa nhanh chóng vừa chính xác và vui vẻ, thân thiện với khách hàng. Vì áp lực bán hàng đã được bộ phận chuyên viên khách hàng san sẻ vì vậy công việc chính của bộ phận xử lý giao dịch là thực hiện tốt giao dịch, làm hài lòng khách hàng và bán chéo các sản phẩm tài chính.
2. Những khó khăn và giải pháp khi triển khai mô hình mới
- Khó khăn:
Lượng cán bộ nhân viên dôi dư do không còn phù hợp với mô hình hoạt động mới: trên thực tế thì hầu hết các ngân hàng đều không có chủ động sa thải nhân viên, tuy nhiên, với cơ cấu hoạt động mới thì việc điều chuyển nhân sự sang những bộ phận khác nhau là điều không thể tránh khỏi, điều này đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến các cán bộ nhân viên phải thay đổi công việc, dẫn đến một bộ phận nhân viên khi thay đổi từ công việc trước đây sang công việc mới (chủ yếu là phải đi bán hàng, tiếp thị) cảm thấy không còn phù hợp với công việc hiện tại nên đã chủ động xin nghỉ trong khi vẫn chưa tìm được công việc mới do không chịu nổi áp lực về kinh doanh. Điều này đã dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp trong nền kinh tế tăng cao và dễ dẫn đến tâm lý bất ổn của các cán bộ nhân viên còn lại làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh chung của ngân hàng.
Thị trường tài chính ngân hàng hiện tại cạnh tranh khá khốc liệt, tình trạng một số ngân hàng nhỏ thiếu thanh khoản đã chạy đua gay gắt về lãi suất huy động, bên cạnh đó, để có thể mời một khách hàng mục tiêu về giao dịch, các ngân hàng sẵn sàng san sẻ một phần lợi nhuận lại cho các cá nhân có tiếng nói quan trọng trong doanh nghiệp, điều này dẫn đến một số cán bộ nhân viên doanh nghiệp vì lợi ích cá nhân sẽ tư vấn cho ban lãnh đạo chọn lựa ngân hàng không đúng dẫn đến phát sinh thêm chi phí tài chính không đáng có ảnh hưởng đến lợi nhuận.
Để có thể cạnh tranh thu hút được lượng khách hàng về giao dịch với ngân hàng, các chi nhánh ngân hàng cần có một lực lượng bán hàng có trình độ chuyên môn và kinh nghiệm, trong lúc khâu đào tạo không đáp ứng kịp cho nhu cầu phát triển. chính vì điều này dẫn đến việc các ngân hàng áp dụng chính sách ưu đãi để thu hút các nhân sự có kinh nghiệm của ngân hàng khác về làm việc để tận dụng kinh nghiệm, mối quan hệ thị trường và tiết giảm chi phí đào tạo. Tuy nhiên quá trình tuyển dụng các nhân sự này còn chưa chặt chẽ dẫn đến việc các ngân hàng không thể nắm hết được về nhân sự mới tuyển dụng (về trình độ chuyên môn, đạo đức, tỷ lệ nợ quá hạn….) dẫn đến rủi ro cho ngân hàng.
Hiện nay nguồn tuyển yêu thích của các ngân hàng lại là nhân sự của ngân hàng khác. Điều này không quá khó hiểu bởi ngân hàng tuyển luôn ưu tiên những người đã làm ở ngân hàng khác để tận dụng kinh nghiệm, rút ngắn thời gian đào tạo, tiết kiệm chi phí đào tạo, đặc biệt là tận dụng các mối quan hệ, khách hàng đã hình thành. Cho nên khi nhận hồ sơ của các ứng viên đã từng làm ở những ngân hàng thương mại trước đây, quá trình xem xét hồ sơ còn chưa chặt chẽ dẫn đến việc các ngân hàng không thể nắm hết được về nhân sự mới tuyển dụng (về trình độ chuyên môn, đạo đức, tỷ lệ nợ quá hạn….) dẫn đến rủi ro cho ngân hàng trong quá trình hoạt động.
- Giải pháp:
Trên thực tế các ngân hàng hầu như không muốn thay đổi cơ cấu nhân sự, tuy nhiên, trước bối cảnh nền kinh tế bị khủng hoảng thì họ vẫn phải thực hiện điều mà mình không hề mong muốn. Vấn đề này gây nên những ảnh hưởng không tốt trong những vấn đề bất cập đã nêu ở trên. Trong giai đoạn này, điều cần thiết nhất phải thực hiện đó chính là cần có những biện pháp để phục hồi và thúc đẩy nền kinh tế, khi nền kinh tế có tín hiệu phục hồi, hoạt động kinh doanh khả quan hơn, yêu cầu nối lại hoặc đẩy mạnh các nghiệp vụ, mở rộng hoạt động đang thúc đẩy nhu cầu nhân sự “ấm” trở lại.
Chặt chẽ trong khâu tuyển dụng, áp dụng các biện pháp về chế đọ đãi ngộ để giữ chân nhân viên giỏi, từ đó tiết được chi phí trong công tác tuyển dụng và đào tạo mới nhân sự. Điều này sẽ làm cho công tác phục vụ khách hàng được ổn định hơn giảm thiểu rủi ro trong công tác tuyển dụng nhân sựu và tuyển dụng nhân viên có chuyên môn chưa tốt trong vấn đề tìm kiếm nhân sự.
Các ngân hàng thương mại có thể xem nguồn nhân sự dôi ra từ các ngân hàng khác như là nguồn tuyển dụng của mình, tuy nhiên trong quá trình tuyển dụng cần phải xem xét kỹ lưỡng những vấn đề có liên quan đến đối tượng được tuyển dụng như: hồ sơ, tư cách đạo đức, nhân thân.. để tránh các vấn đề rủi ro có thể xảy đến cho ngân hàng trong hoạt động kinh doanh
Ths. Mai Thị Quỳnh Như
Tài liệu tham khảo:
(1): http://kinhtevadubao.vn/chi-tiet/101-2267-nam-2015--tiep-tuc-tai-co-cau-mot-so-to-chuc-tin-dung.html
(2): http://www.tapchitaichinh.vn/Trao-doi-Binh-luan/Nam-2015-phai-tao-ra-dot-pha-moi-trong-tai-co-cau-ngan-hang/57677.tctc
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: