TÌM HIỂU VỀ CÁCH PHỔ BIẾN THẺĐIỂMCÂN BẰNG
ThS. Nguyễn Thị Hồng Sương
Phương pháp Thẻ điểm cân bằng (Balanced Score Card – BSC) là hệ thống xây dựng kế hoạch và quản trị chiến lược, được tổ chức kinh doanh, tổ chức phi lợi nhuận và chính phủ sử dụng nhằm định hướng hoạt động kinh doanh theo tầm nhìn và chiến lược của tổ chức, nâng cao hiệu quả truyền thông nội bộ và bên ngoài, theo dõi hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp so với mục tiêu đề ra. Nó mang đến cho các nhà quản lý và các quan chức cấp cao trong các tổ chức một cái nhìn cân bằng hơn về toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp hoặc tổ chức. Bài viết sau đi phân tích sâu về cách phổ biến thẻ điểm cân bằng trong doanh nghiệp.
Từ khóa: Thẻ điểm cân bằng, phổ biến, doanh nghiệp.
Khái niệm thẻ điểm cân bằng (BCS)
Thẻ điểm cân bằng là một hệ thống nhằm chuyển hóa tầm nhìn và chiến lược của tổ chức thành những mục tiêu và thước đo cụ thể thông qua việc thiết lập một hệ thống đo lường thành quảhoạt động trong một tổ chức trên bốn khía cạnh tài chính, khách hàng, hoạt động kinh doanh nội bộ, học tập và phát triển.
Phổ biến thẻ điểm cân bằng trong doanh nghiệp
Vì BSC về cơ bản là một tác nhân thay đổi nên rất cần thiết để đưa ra chiến lược và kế hoạch phổ biến. Các mục tiêu của kế hoạch có thể gồm: xây dựng nhận thức, đào tạo về các khái niệm căn bản, tạo ra sự ràng buộc và cam kết, khuyến khích tham gia, tạo ra lòng nhiệt tình và cung cấp kết quả cho các cổ đông. Phương pháp câu hỏi “W5”: who - ai, what - cái gì, when “ khi nào, where - ở đâu và why - tại sao có thể được sử dụng để đưa ra các yếu tố của kế hoạch.
(1) Các mục tiêu cho kế hoạch phổ biến BSC
Việc xem xét tầm nhìn và các mục tiêu được coi như điểm bắt đầu của nỗ lực hoạch định phổ biến. Hãy tự hỏi tại sao lại đưa ra kế hoạch phổ biến và mong muốn đạt được kết quả gì? Sự tập trung chính là đào tạo các bên liên quan chủ chốt hay là giành được sự ủng hộ của nhân viên tuyến đầu. Các mục tiêu nên thể hiện được những thuộc tính đặc trưng về triển khai và văn hoá của tổ chức, hầu hết các tổ chức đều dựa vào một vài khái niệm sau:
- Xây dựng nhận thức về BSC ở tất cả các cấp độ của tổ chức.
- Đào tạo về các khái niệm BSC căn bản cho tất cả những người liên quan.
- Tạo ra sự cam kết của các bên liên quan chủ chốt trong việc triển khai.
- Khuyến khích việc tham gia của mọi người vào quy trình.
- Tạo ra lòng nhiệt tình đối với BSC.
- Đảm bảo các kết quả của nhóm được phổ biến nhanh chóng và hiệu quả.
Việc đề ra mục tiêu cho kế hoạch phổ biến thường dẫn tới việc phát triển hình ảnh chủ đạo hoặc ẩn dụ mà có thể dùng để “tạo thương hiệu” một cách sáng tạo cho việc triển khai.
(2) Các yếu tố của kế hoạch phổ biến
Cách đơn giản nhất để lập kế hoạch là sử dụng phương pháp
“5W”: who - ai, what - cái gì, when - khi nào, where - ở đâu và why - tại sao.
+ Mục đích/thông điệp (cái gì/tại sao)
Yếu tố này mô tả nội dung thông tin được xác định trong kế hoạch. Tất cả kế hoạch phổ biến đều chứa các thông điệp chính cần phải gắn liền với việc truyền tải thông tin. Sáng kiến BSC có thể chứa nhiều thông điệp chính, bao gồm: làm thế nào để BSC trở nên phù hợp với việc thực thi chiến lược, vai trò của BSC trong mối liên hệ với những sáng kiến thay đổi khác hoặc triết lý quản lý được đại diện bởi BSC. Các thông điệp thông tin phải phù hợp theo từng vai trò và trách
nhiệm của các nhóm khán giả khác nhau.
+ Khán giả (ai)
Đề cập đến những cá nhân hay nhóm cụ thể được nhận biết là người sẽ đòi hỏi các thông điệp trong suốt quy trình thực thi. Tùy thuộc vào quy mô và phạm vi của đợt giới thiệu mà sẽ có loại khán giả nào. Hãy lên kế hoạch để đưa vào danh sách nhóm quản lý cấp cao, ban chỉ đạo nếu thấy cần thiết, nhóm quản lý cấp trung, tất cả nhân viên và nhóm BSC.
+ Tần suất (khi nào)
Nhu cầu thông tin của các nhóm khán giả sẽ quyết định khối lượng thông tin cần cung cấp, nhưng cần đưa ra nhiều hơn mức cần thiết để đảm bảo thấu hiểu vùng suy nghĩ thường bị che khuất của nhân viên.
+ Phương tiện truyền tải (ở đâu/ như thế nào)
Mô tả phương pháp được lựa chọn để phổ biến thông điệp và sẽ phụ thuộc vào nhu cầu khán giả. Hãy cân nhắc tất cả những khả năng: họp mặt trực tiếp, thuyết trình nhóm, bộ thông điệp, kế hoạch dự án, thư điện tử, thư báo, thuyết trình bằng video, hội thảo, bảng tin, quay sổ xố, các cuộc thi, thông điệp in trên phiếu thanh toán, minh họa, biển chỉ đường, cuộc họp hội đồng…, tạo ra trang web để quảng bá về BSC, cung cấp các cơ hội đào tạo.
+ Chủ thể phổ biến (ai)
Đây là tổ chức hoặc nhóm chịu trách nhiệm về nội dung và chuyển tải thông điệp. Dựa trên thông điệp và các nhu cầu của đối tượng, sẽ có nhiều loại chủ thể phổ biến khác nhau. Ví dụ, nhiều cuộc phổ biến chính thức thường sẽ bắt nguồn từ người hỗ trợ điều hành trong khi các thành viên nhóm BSC có thể viết bài báo. Cuối cùng, điều được quyết định phổ biến sẽ tùy thuộc vào chủ thể nhưng phải có danh sách thuật ngữ trong kế hoạch phổ biến. Hầu hết mọi tổ chức đều dùng những thuật ngữ có phần hơi khác nhau để mô tả các thuật ngữ trong quản lý hiệu suất. Ví như “sáng kiến” ở tổ chức này có thể được hiểu như “mục tiêu” ở tổ chức khác là “Các yếu tố thành công then chốt” hoặc là “các chỉ số hiệu suất cốt yếu”... nhiều nhân viên có thể từng quen thuộc với sáng kiến quản lý hiệu suất ở một công ty khác và sử dụng những thuật ngữ hoàn toàn khác. Muốn BSC thúc đẩy quy trình làm việc nhóm, hợp tác và chia sẻ thông tin, điều này sẽ cho thấy sự khó khăn nếu các nhân viên nói một ngôn ngữ khác với nhóm thực thi. Ví dụ một tổ chức đã suýt chấm dứt sáng kiến BSC khi thấy càng ngày nhóm BSC càng sử dụng những khái niệm có ý nghĩa khác biệt với suy nghĩ của các nhà quản lý. Cuối cùng, nhóm đã phải lao vào một chiến dịch mở rộng để đào tạo toàn bộ nhóm quản lý về từ vựng trong việc giới thiệu công cụ và đảm bảo rằng họ chia sẻ những mục tiêu chung.
Đừng coi sự thành công của các nỗ lực phổ biến là điều hiển nhiên. Để đảm bảo rằng các hoạt động phổ biến đến được với các đối tượng hướng đến, hãy sử dụng nỗ lực đo lường tính hiệu quả của việc phổ biến. Hãy thường xuyên khảo sát các đối tượng hướng đến trong suốt quá trình và đánh giá các nỗ lực theo những tiêu chí sau:
- Không giao tiếp. Những người chưa từng nghe về thực thi BSC;
- Nhận thức. Những người đã nghe về sáng kiến nhưng không biết nó là gì;
- Hiểu khái niệm. Những người hiểu được BSC với bất cứ ảnh hưởng cá nhân nào;
- Hiểu chiến lược. Những người hiểu cả về các ảnh hưởng mang tính cá nhân và tổ chức của BSC;
- Chấp nhận. Những người sẽ ủng hộ BSC và các thay đổi mà nó mang lại.
Bảng 1. Tóm tắt bảng kế hoạch phổ biến dự án BSC
Đối tượng |
Mục đích |
Tần suất |
Phương tiện truyền tải |
Người phổ biến |
Nhóm điều hành |
- Giành được sự cam kết - Loại bỏ các cản trở - Báo cáo tiến trình - Tránh sự ngạc nhiên |
2 tuần/lần |
Liên lạc trực tiếp |
Đại diện lãnh đạo - người hỗ trợ thực thi BSC |
Đối tượng |
Mục đích |
Tần suất |
Phương tiện truyền tải |
Người phổ biến |
Quản lý |
- Truyền tải mục đích - Giải thích các khái niệm - Báo cáo tiến hành - Giành được sự cam kết |
2 tuần/lần |
- Thư điện tử - Các cuộc họp quản lý - Các bài báo |
Trưởng nhóm/ các thành viên nhóm BSC |
Tất cả nhân viên |
- Truyền tải mục đích - Giải thích khái niệm - Báo cáo tiến hành - Loại bỏ sự hiểu sai khái niệm |
Hàng tháng hoặc 1 tuần/ lần |
- Thư điện tử - Các thư tín - Các cuộc họp/ đại hội |
Các thành viên nhóm BSC |
Nhóm dự án |
- Theo dõi tiến trình - Phân công công việc - Xem lại các mong muốn |
- Họp nhóm - Các bản ghi nhớ |
Trưởng nhóm BSC |
KẾT LUẬN
BSC là một hệ thống quản lý nhằm thiết lập, triển khai thực hiện và giám sát việc đạt được các chiến lược, các mục tiêu của tổ chức một cách khoa học.BSC được thiết lập dựa trên các tiêu chí như: Sự hỗ trợ, chiến lược,nhu cầu, ủng hộ của những người tham gia, phạm vi, dữ liệu và nguồn lực. Từ đó giúp tổ chức phát hiện ra các cơ hội cải tiến, đột phá nhằm đem lại sự thành công & phát triển bền vững ở hiện tại và tương lai trong môi trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020” .Thẻ điểm cân bằng, nội dung cơ bản và hướng dẫn áp dụng, Nhà xuất bản Hồng Đức.
2. Robert S. Kaplan, David P. Norton (1992), The Balanced Scorecard: Measure That Drive Performance, Harvard Business Review.
3. Robert S. Kaplan and David P. Norton (1996). Balanced Scorecard: Translating strategy into Action, Harvard Business School Press Boston Massachusetts.
» Danh sách Tập tin đính kèm:
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: