IFRS 16 – THUÊ TÀI SẢN VÀ NHỮNG ẢNH HƯỞNG ĐẾN KẾ TOÁN THUÊ TÀI SẢN
Ths. Dương Thị Thanh Hiền
Khoa Kế toán – Đại học Duy Tân
1. Tổng quan về Chuẩn mực báo cáo tài chính số 16
Chuẩn mực Báo cáo Tài chính Quốc tế IFRS 16 – Thuê tài sản có hiệu lực áp dụng cho các năm tài chính bắt đầu hoặc sau ngày 1 tháng 1 năm 2019. Quý doanh nghiệp liệu đã sẵn sàng?
Thuê tài sản là một giải pháp tài chính quan trọng được sử dụng bởi nhiều tổ chức, doanh nghiệp vì phương pháp này cho phép họ sử dụng các tài sản thuê, nhà máy và thiết bị mà không phải chi ra một dòng tiền lớn ban đầu.
Theo Chuẩn mực Kế toán Quốc tế về Thuê tài sản hiện tại (IAS 17), bên đi thuê hạch toán các giao dịch cho thuê ngoài bảng cân đối kế toán đối với thuê hoạt động hoặc hạch toán trênbảng cân đối kế toán đối với thuê tài chính. Chuẩn mực mới yêu cầu bên đi thuê phải ghi nhận hầu hết các hợp đồng thuê trên bảng cân đối kế toán.
FRS 16 – Thuê tài sản áp dụng cho tất cả các giao dịch thuê tài sản bao gồm cả cho thuê lại, ngoại trừ: Thuê quyền khai thác hoặc sử dụng nguồn tài nguyên khoáng sản, dầu hoặc khí gas tự nhiên và các nguồn tài nguyên không thể tái tạo tương tự; Thuê tài sản sinh học (xem IAS 41 – Nông nghiệp); Các hợp đồng nhượng quyền dịch vụ (xem IFRIC 12 – Hợp đồng nhượng quyền dịch vụ); Bằng sở hữu trí tuệ được trao cho bên cho thuê (xem IFRS 15 – Doanh thu từ hợp đồng với khách hàng); và quyền của bên thuê theo hợp đồng bản quyền cho các hạng mục như phim, video, vở kịch, bản thảo, bằng sáng chế và bản quyền trong phạm vi IAS 38 – Tài sản vô hình.
IFRS 16 là vấn đề cần quan tâm, bởi:Chuẩn mực mới sẽ tác động đến tất cả các ngành kinh tế và ảnh hưởng tới toàn bộ tổ chức của doanh nghiệp.Chuẩn mực mới đồng thời sẽ tác động mạnh tới bảng cân đối kế toán, lợi nhuận và đưa ra nhiều yêu cầu thuyết minh hơn.IFRS 16 thay đổi định nghĩa của các chỉ số tài chính và EBITDA, đồng thời ảnh hưởng đến các chỉ số hiệu suất hoạt động.IFRS 16 cũng ảnh hưởng đến các mô hình kinh doanh của bên cho thuê và khi tham gia đàm phán các hợp đồng thuê tài sản.Các thay đổi về cách hướng dẫn kế toán của thuê tài sản chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Những thay đổi đối với chuẩn mực kế toán thuê tài sản tác động sâu rộng đến các quy trình, hệ thống và các hoạt động kiểm soát kinh doanh của bên thuê.Doanh nghiệp sẽ cần cách tiếp cận đa chức năng để triển khai chuẩn mực mới này chứ không chỉ chú trọng đến việc hạch toán kế toán thuê tài sản. Chuẩn mực mới sẽ có tác động đến các tỷ lệ tài chính, các khế ước vay, xếp hạng tín dụng, chi phí vay và việc nhận diện doanh nghiệp.
IFRS 16 yêu cầu bên đi thuê cũng như bên cho thuê phải công bố thông tin trên BCTC về hoạt động đi thuê và cho thuê. Đặc biệt, IFRS 16 yêu cầu bên đi thuê phải đưa ra đánh giá, quyết định cung cấp thông tin cơ bản, đáp ứng mong muốn của người sử dụng thông tin BCTC để đánh giá ảnh hưởng của việc đi thuê đối với tình hình tài chính, kết quả kinh doanh và dòng tiền hoạt động từ việc đi thuê.
Bên cho thuê tiếp tục phân loại thuê tài sản là thuê tài chính hay thuê hoạt động. Phương pháp hạch toán kế toán cho bên cho thuê theo IFRS 16 không thay đổi đáng kể so với chuẩn mực trước, IAS 17. Tuy nhiên, IFRS 16 có thể sẽ có tác động rất lớn đến việc trình bày BCTC của cả doanh nghiệp (DN) đi thuê và cho thuê.Bên thuê có thể lựa chọn áp dụng IFRS 16 cho các giao dịch thuê tài sản vô hình, ngoài các hạng mục đã liệt kê bên trên. [IFRS 16:4].
Nguồn: Tạp chí tài chính
2. Tác động của IFRS 16 đến kế toán thuê tài sản
Thứ nhất, IFRS 16 ảnh hưởng đến Bảng cân đối kế toán và các chỉ số liên quan đến Bảng cân đối kế toán như chỉ số Tổng nợ/Vốn chủ sở hữu. Bên cạnh đó, IFRS 16 cũng sẽ ảnh hưởng đến Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh do DN cần phải ghi nhận chi phí lãi vay cho nghĩa vụ thuê (nghĩa vụ thanh toán tiền thuê) và DN cũng cần phải tính khấu hao đối với “quyền sử dụng tài sản” (nghĩa là tài sản phản ánh quyền sử dụng tài sản thuê). Do đó, đối với hợp đồng thuê trước đây được phân loại là thuê hoạt động, tổng chi phí vào đầu thời gian thuê sẽ cao hơn so với IAS 17.
Thứ hai, một hệ quả khác của những thay đổi theo IFRS 16 là thu nhập lãi vay và thuế (EBIT) và thu nhập trước thuế, lãi vay và khấu hao (EBITDA) sẽ cao hơn cho các công ty có thuê hoạt động. Các DN nên xem xét tác động của IFRS 16 đối với EBIT và EBITDA vì tác động được cho là rất lớn, nhất là đối với DN có các hợp đồng vay yêu cầu cụ thể 2 chỉ số này. PwC đã tiến hành một nghiên cứu vốn thuê toàn cầu để đánh giá tác động của Chuẩn mực kế toán thuê tài sản mới trên các lĩnh vực báo cáo nợ, đòn bẩy, khả năng thanh toán và EBITDA với mẫu nghiên cứu hơn 3.000 tổ chức niêm yết lập và trình bày báo cáo theo Chuẩn mực BCTC quốc tế hoạt động ở nhiều ngành và các nước khác nhau. Nghiên cứu đã chỉ ra một số ngành sẽ bị ảnh hưởng đặc biệt bởi Chuẩn mực mới trên các thước đo chính về đòn bẩy tài chính và EBITDA.
Những nghiên cứu trên đây cho thấy, thực tế là những ngành có sử dụng nhiều thuê hoạt động sẽ bị ảnh hưởng nhất - như ngành bán lẻ với nợ trung bình sẽ tăng 98% và EBITDA 41%.
Thứ ba, hướng dẫn mới cũng sẽ thay đổi báo cáo lưu chuyển tiền tệ. Trước đây, theo IAS 17, khoản thanh toán tiền thuê liên quan đến hợp đồng thuê được phân loại là thuê hoạt động được trình bày toàn bộ ở phần lưu chuyển tiền tệ từ hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, theo IFRS 16, chỉ một phần của khoản thanh toán tiền thuê phản ánh chi phí lãi của khoản nợ cho thuê có thể được trình bày ở dòng tiền hoạt động kinh doanh (tùy thuộc vào chính sách kế toán của DN liên quan đến các khoản thanh toán lãi suất). Khoản thanh toán bằng tiền mặt cho phần gốc của khoản nợ cho thuê được phân loại trong phần lưu chuyển tiền tệ từ hoạt động tài chính. Các khoản thanh toán cho thuê ngắn hạn, cho thuê tài sản có giá trị thấp và các khoản thanh toán tiền thuê thay đổi không bao gồm trong giá trị của khoản nợ cho thuê vẫn được trình bày trong dòng tiền các hoạt động kinh doanh.
Mặc dù, về căn bản hướng dẫn kế toán không có sự thay đổi đối với bên cho thuê nhưng các thay đổi theo IFRS 16 vẫn ảnh hưởng đến đối tượng này. Cụ thể, bên cho thuê nên cập nhật các hướng dẫn mới về định nghĩa về hợp đồng thuê, cho thuê lại và kế toán giao dịch bán và cho thuê lại tài sản. Những thay đổi trong kế toán đối với bên đi thuê sẽ tác động đến nhu cầu và hành vi của bên đi thuê khi họ tham gia vào các cuộc đàm phán các hợp đồng thuê tài sản.
Tuy nhiên, những ảnh hưởng của Chuẩn mực này vượt ra ngoài BCTC của một công ty. Các DN cần phải đảm bảo họ có các hệ thống và các quy trình có thể xác định tất cả các hợp đồng thuê tài sản và tất cả các thông tin có liên quan trên cơ sở IFRS 16 mới. Trong vấn đề này các yêu cầu của IFRS16 sẽ trở nên khó khăn hơn.
3. Kết luận
Việc áp dụng IFRS nói chung và Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế số 16 – Chuẩn mực kế toán thuê tài sản (IFRS 16) nói riêng là vấn đề các doanh nghiệp Việt Nam cần quan tâm khi bước ra “sân chơi” lớn. Ðặc biệt là khi những yêu cầu mới của IFRS 16 loại bỏ gần như tất cả “Kế toán ngoài bảng cân đối kế toán” của bên đi thuê và được coi là một trong những tiến bộ lớn nhất đối với các chuẩn mực kế toán trong thập kỷ qua.
Tài liệu tham khảo
1. Hoàng Ninh Chi, Nguyễn Thị Thanh Thắm (2019), Nâng cao trách nhiệm giải trình của doanh nghiệp về kế toán thuê tài sản, Tạp chí tài chính.
2.https://tinnhanhchungkhoan.vn/chung-khoan/gioi-thieu-chuan-muc-lap-va-trinh-bay-bao-cao-tai-chinh-quoc-te-so-16-ifrs-16-thue-tai-san-250681.html
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: