KHÁI NIỆM VÀ NGUYÊN TẮC XÁC ĐỊNH CHI PHÍ MỤC TIÊU
Th.S Lê Thị Huyền Trâm
Tính giá theo chi phí mục tiêu "Target Cost" là một trong các phương pháp hiện đại trong kế toán quản trị chi phí. Tính ưu việt của phương pháp đã được thừa nhận trên thế giới vì chi phí mục tiêu là một công cụ khích lệ và tạo thuận lợi cho việc liên kết giữa các bộ phận của công nghệ sản xuất.
Định giá mục tiêu là một phương pháp đặt giá kết hợp định giá dựa trên thị trường với trọng tâm là giảm chi phí. Theo chi phí mục tiêu, giá bán trong tương lai được dự đoán bằng cách sử dụng các khái niệm dựa trên nhu cầu hoặc dựa trên cạnh tranh. Chi phí mục tiêu sau đó được xác định
bằng cách trừ đi lợi nhuận mong muốn từ giá bán dự kiến, như hình dưới đây.
Chi phí mục tiêu = Giá bán mong đợi- Lợi nhuận mong muốn
Phương pháp cho phép doanh nghiệp tạo ra các cơ sở kiểm soát ở giai đoạn sản xuất và bảo đảm các sản phẩm này đạt được mục tiêu lợi nhuận đã được xác định phù hợp với chu kỳ sống của sản phẩm.
Như vậy, chi phí mục tiêu gắn liền với lợi nhuận có thể đạt được theo chu kỳ sống của sản phẩm, định nghĩa về phương pháp chi phí mục tiêu nhấn mạnh mục tiêu dần phải đạt được và thời gian phân tích là chu kỳ sống của sản phẩm. Điều này làm cho phương pháp chi phí mục tiêu khác với phương pháp truyền thống. Từ đó chi phí mục tiêu trở thành công cụ quản trị chi phí mà nhà quản trị hoạch định chính sách hoạt động sử dụng trong các giai đoạn thiết kế và sản xuất để cải tiến quá trình sản xuất, giảm chi phí sản xuất trong tương lai. Chi phí mục tiêu được tiến hành song song với các bước quy trình chế tạo sản phẩm. Với mỗi bước của quy trình chế tạo sản phẩm, chi phí mục tiêu thực hiện nội dung khác nhau.
Ở giai đoạn nghiên cứu thị trường, nhà quản trị xác định giá bán dự kiến của sản phẩm, chuẩn bị các điều kiện sản xuất. Tiếp theo, nhà quản trị xác định được lợi nhuận mục tiêu trên cơ sở giá bán dự kiến. Dựa vào giá bán dự kiến và lợi nhuận mục tiêu, nhà quản trị xác định chi phí trần có thể chấp nhận. Các yếu tố này được coi là cố định trong phương pháp chi phí mục tiêu.
Giai đoạn kế tiếp, nhà quản trị ước tính chi phí sản xuất theo các điều kiện cụ thể của doanh nghiệp. Đây là giai đoạn định mức chi phí sản xuất mà không gắn với chi phí trần, trên cơ sở ước tính và chi phí trần, nhằm xác định chi phí mục tiêu. Do vậy, chi phí mục tiêu được xác lập dựa trên chi phí trần có thể chấp nhận và chi phí ước tính theo điều kiện của doanh nghiệp. Chi phí mục tiêu không thể vượt qua chi phí trần. Sau khi xác lập được chi phí mục tiêu, các định mức chi phí được xây dựng để kiểm soát chi phí.
Như vậy, điểm khác biệt giữa phương pháp chi phí mục tiêu và phương pháp chi phí truyền thống là việc xác lập chi phí mục tiêu không chỉ quan tâm đến điều kiện sản xuất mà còn chú ý đến cả lợi nhuận mục hiêu. Chi phí mục tiêu được xem là giới hạn chi phí để đạt được hiệu quả sản xuất mong muốn. Sau khi xác định được chi phí mục tiêu, nhà quản trị phải tổ chức quản trị chi phí theo từng giai đoạn của quy trình sản xuất từ khâu thiết kế đến khâu sản xuất, từ khâu kế hoạch đến khâu tổ chức thực hiện, làm sao cho chi phí thực tế không vượt quá chi phí mục tiêu. Điều này đòi hỏi các nhà quản trị phải tổ chức sản xuất và quản trị chi phí thật nghiêm ngặt ở tất cả các giai đoạn của quy trình sản xuất, không ngừng phát hiện những chi phí không hữu ịch hoặc không tương xứng với tầm quan trọng của sản phẩm, không ngững phát hiện các "trục trặc" trong hệ thống để "thay đổi để tốt hơn" hay "cải tiến liên tục" theo triết lý quản lý Laizen để cắt giảm chi phí theo sơ đồ sau.
2. Những nguyên tắc khi xác định chi phí mục tiêu
Phương pháp mục tiêu được mô tả như là một quá trình chi phí quản lý và kế hoạch lợi nhuận. 6 nguyên tắc chính của PP chi phí mục tiêu là:
* Giá bán quyết định chi phí: giá thị trường thường được sử dụng để xác định chi phí mục tiêu. PP chi phí mục tiêu sử dụng công thức sau: giá thị trường – lợi nhuận biên mục tiêu = CP mục tiêu.
* Tập trung vào khách hàng: Những yêu cầu của khách hàng về chất lượng, chi phí thời gian được kết hợp đồng thời trong sản phẩm và quá trình ra quyết định, hướng dẫn phân tích chi phí. Giá trị của bất kì đặt điểm và chức năng xây dựng thành phẩm phải lớn hơn chi phí của việc cung cấp những đặc điểm và chức năng đó.
* Tập trung vào thiết kế: Kiểm soát chi phí được nhấn mạnh ở giai đoạn sản phẩm và quá trình thiết kế. Vì vậy, những thay đổi phải xảy ra trước khi bắt đầu sản xuất, cắt giảm chi phí và giảm thời gian đưa ra thị trường của sản phẩm mới.
* Xem xét sự tương tác giữa các bộ phận chức năng: Chịu trách nhiệm toàn bộ sản phẩm từ ý tưởng đầu tiên đến sản xuất cuối cùng.
* Sự tương tác trong chuỗi giá trị: tất các thành viên trong chuỗi giá trị - như nhà cung cấp, nhà phân phối, người cung cấp dịch vụ, và khách hàng – đều bao gồm trong quá trình xác định chi phí mục tiêu.
6. Định hướng theo vòng đời sản phẩm: tổng chi phí toàn bộ vòng đời sản phẩm được cắt giảm thấp nhất cho cả nhà sản xuất và khách hàng.
Mô hình Target-Costing phù hợp với môi trường sản xuất tiên tiến, hiện đại, tự động hóa cao, ở Việt Nam thường được vận dụng vào các công ty sản xuất đồ điện tử, các sản phẩm viễn thông, các sản phẩm, dịch vụ sản xuất theo đơn đặt hàng...
Ví dụ: Công ty điện cơ Hà Nội đang nghiên cứu triển khai sản xuất một loạt quạt cây mang nhãn hiệu: FA2021. với những số liệu dự toán cho năm N:
Số lượng sản phẩm sản xuất và tiêu thụ 1.000 chiếc
Giá bán: 1.000.000đ/ chiếc
- Lợi nhuận mong muốn của nhà quản trị là 30%/tổng doanh thu
Chi phí mục tiêu là một công cụ khích lệ và tạo thuận lợi trong liên kết giữa các bộ phận của công nghệ sản xuất, làm thay đổi quan điểm truyền thống về kế toán quản trị chi phí. Vận dụng phương pháp kế toán chi phí mục tiêu, thực sự mang lại hiệu quả cho các nhà quản trị trong quá trình kiểm soát chi phí nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của DN, được coi như là một công cụ đánh giá hiệu quả hoạt động.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1.PGS.TS Trương Bá Thanh (2009), Giáo trình Kế toán quản trị, Nhà xuất bản giáo dục.
2. Warren, Reeve, Duchac (2014), Financial and Managerial Accounting, South Western Cengaga Learning
3. Ray H.Garirison và Eric W.Noreen (2003), Managerial Accounting, McGraw-Hil.Inc
4. https://www.tvtmarine.com/vi_VN/blog/blog-cua-chung-toi-1/post/cac-phuong-phap-xac-dinh-chi-phi-san-xuat-san-pham-hien-dai-phan-1-6
» Danh sách Tập tin đính kèm:
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: