Nguyễn Khánh Thu Hằng – ĐH Duy Tân
0972211486
Tóm tắt
Ngày 28/2/2023 Bộ tài chính ban hành thông tư số 13/2023/TT-BTC đã sửa đổi, bổ sung một số quy định về thuế giá trị gia tăng (GTGT). Bài viết này trao đổi về những sửa đổi, bổ sung quy định về thuế GTGT.
Từ khoá: Thuế GTGT, giá tính thuế, hoàn thuế, ….
Thuế giá trị gia tăng (GTGT) có tên viết tắt là VAT từ cụm từ tiếng Anh Value Added Tax: thuế giá trị gia tăng. Thuế GTGT có nguồn gốc từ thuế doanh thu và Pháp là nước đầu tiên trên thế giới ban hành Luật thuế giá trị gia tăng vào năm 1954. Khai sinh từ nước Pháp, thuế GTGT đã được áp dụng rộng rãi ở nhiều nước trên thế giới. Ngày nay, các quốc gia thuộc khối Liên minh Châu Âu, châu Phi, châu Mỹ La Tinh và một số quốc gia Châu á trong đó có Việt Nam đã chính thức áp dụng thuế GTGT. Thuế giá trị gia tăng (GTGT) là loại thuế gián thu và tính trên giá trị tăng thêm của hàng hóa, dịch vụ phát sinh từ quá trình sản xuất, lưu thông cho đến khi tới tay người tiêu dùng; là một trong những loại thuế quan trọng giúp cân bằng ngân sách nhà nước và đóng vai trò lớn trong xây dựng và phát triển đất nước. Thuế giá trị gia tăng có 4 đặc điểm đặc trưng đó là:
Thứ nhất, thuế GTGT là thuế gián thu vì thuế GTGT do người tiêu dùng cuối cùng chịu. Cơ sở sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp cung cấp hàng hóa, dịch vụ là người nộp thuế vào ngân sách nhà nước thay cho người tiêu dùng thông qua việc cộng thuế vào giá bán mà người tiêu dùng phải thanh toán khi mua hàng hóa, dịch vụ. Vì vậy, thuế GTGT là thuế gián thu.
Thứ hai, thuế giá trị gia tăng là thuế tiêu dùng nhiều giai đoạn không trùng lặp vì thuế GTGT đánh vào tất cả các giai đoạn luân chuyển từ sản xuất tới lưu thông, tiêu dùng. Ở từng giai đoạn, thuế chỉ tính trên phần giá trị gia tăng của giai đoạn đó, không tính trùng phần GTGT đã tính thuế ở các giai đoạn luân chuyển trước. Xét trên một hàng hóa, dịch vụ bất kỳ, tổng số thuế GTGT thu được qua tất cả các giai đoạn luân chuyển của hàng hóa, dịch vụ bằng với số thuế tính trên giá bán cho người tiêu dùng cuối cùng. Vì vậy, thuế GTGT là thuế tiêu dùng nhiều giai đoạn không trùng lặp.
Thứ ba, thuế giá trị gia tăng được đánh thuế theo nguyên tắc điểm đến vì thuế GTGT được áp dụng theo nguyên tắc điểm đến. Thuế GTGT đánh vào hàng hóa, dịch vụ phục vụ cho mục đích sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng nội địa, bất kể hàng hóa dịch vụ đó được tạo ra ở trong nước hay nhập khẩu từ nước ngoài.
Thứ tư, thuế giá trí gia tăng có phạm vi điều tiết rộng vì thuế GTGT thuộc loại thuế tiêu dùng thông thường, đánh vào hầu hết các hàng hóa, dịch vụ nên thuế GTGT có phạm vi điều tiết rộng.
Đối tượng nộp thuế giá trị gia tăng là tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT ở Việt Nam, không phân biệt ngành nghề, hình thức, tổ chức kinh doanh và tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hóa, mua dịch vụ từ nước ngoài chịu thuế GTGT bao gồm: Các tổ chức kinh doanh được thành lập và đăng ký kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp, Luật Hợp tác xã và pháp luật kinh doanh chuyên ngành khác; Các tổ chức kinh tế của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức sự nghiệp và các tổ chức khác; Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và bên nước ngoài tham gia hợp tác kinh doanh theo Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (nay là Luật đầu tư); các tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động kinh doanh ở Việt Nam nhưng không thành lập pháp nhân tại Việt Nam; Cá nhân, hộ gia đình, nhóm người kinh doanh độc lập và các đối tượng khác có hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu.
Các loại hàng hóa, dịch vụ trong trường hợp xem xét thuế GTGT được phân loại làm 3 nhóm đối tượng chính là: Đối tượng chịu thuế GTGT; Đối tượng không chịu thuế; Đối tượng không phải tính, khai, nộp thuế GTGT.
Ngày 28/2/2023, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 13/2023/TT-BTC hướng dẫn thi hành Nghị định số 49/2022/NĐ-CP ngày 29/7/2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế GTGT đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định số 12/2015/NĐ-CP, Nghị định số 100/2016/NĐ-CP và Nghị định số 146/2017/NĐ-CP và sửa đổi bổ sung Thông tư số 80/2021/TT-BTC ngày 29/9/2021 của Bộ Tài chính.
Theo đó, Thông tư số 13/2023/TT-BTC đã sửa đổi, bổ sung quy định về giá tính thuế tại Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính. Cụ thể, theo điều 1 Thông tư 13/2023/TT-BTC sửa đổi quy định về thuế GTGT trong một số trường hợp sau: Đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản, giá tính thuế giá trị gia tăng thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị định 49/2022/NĐ-CP. Giá tính thuế đối với hoạt động sản xuất điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng thực hiện theo quy định này.
Tại khoản 1 Điều 1 Thông tư 13/2023/TT-BTC quy định đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản, giá tính thuế GTGT thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị định 49/2022/NĐ-CP. Theo đó, đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản, giá tính thuế là giá chuyển nhượng bất động sản trừ giá đất được trừ để tính thuế giá trị gia tăng. Giá đất được trừ để tính thuế giá trị gia tăng được quy định cụ thể như sau: Trường hợp được Nhà nước giao đất để đầu tư cơ sở hạ tầng xây dựng nhà để bán, giá đất được trừ để tính thuế giá trị gia tăng bao gồm tiền sử dụng đất phải nộp ngân sách nhà nước theo quy định pháp luật về thu tiền sử dụng đất và tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng (nếu có). Trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất thì giá đất được trừ để tính thuế giá trị gia tăng là giá đất trúng đấu giá. Trường hợp thuê đất để xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng nhà để bán, giá đất được trừ để tính thuế giá trị gia tăng là tiền thuê đất phải nộp ngân sách nhà nước theo quy định pháp luật về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước và tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng (nếu có). Tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng quy định tại điểm a.1 và điểm a.3 khoản này là số tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng theo phương án được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, được trừ vào tiền sử dụng đất, tiền thuê đất phải nộp theo quy định pháp luật về thu tiền sử dụng đất, thu tiền thuê đất, thuê mặt nước. Trường hợp cơ sở kinh doanh nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của các tổ chức, cá nhân thì giá đất được trừ để tính thuế giá trị gia tăng là giá đất tại thời điểm nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất không bao gồm giá trị cơ sở hạ tầng. Cơ sở kinh doanh được kê khai, khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào của cơ sở hạ tầng (nếu có). Trường hợp không xác định được giá đất tại thời điểm nhận chuyển nhượng thì giá đất được trừ để tính thuế giá trị gia tăng là giá đất do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định tại thời điểm ký hợp đồng nhận chuyển nhượng. Trường hợp cơ sở kinh doanh nhận chuyển nhượng bất động sản của các tổ chức, cá nhân đã xác định giá đất bao gồm cả giá trị cơ sở hạ tầng theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 4 Nghị định 209/2013/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 3 Điều 3 Nghị định 12/2015/NĐ-CP) thì giá đất được trừ để tính thuế giá trị gia tăng là giá đất tại thời điểm nhận chuyển nhượng không bao gồm cơ sở hạ tầng. Trường hợp không tách được giá trị cơ sở hạ tầng tại thời điểm nhận chuyển nhượng thì giá đất được trừ để tính thuế giá trị gia tăng là giá đất do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định tại thời điểm ký hợp đồng nhận chuyển nhượng. Trường hợp cơ sở kinh doanh nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất của tổ chức, cá nhân thì giá đất được trừ để tính thuế giá trị gia tăng là giá ghi trong hợp đồng góp vốn. Trường hợp giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thấp hơn giá đất nhận góp vốn thì chỉ được trừ giá đất theo giá chuyển nhượng. Trường hợp cơ sở kinh doanh bất động sản thực hiện theo hình thức xây dựng - chuyển giao (BT) thanh toán bằng giá trị quyền sử dụng đất thì giá đất được trừ để tính thuế giá trị gia tăng là giá tại thời điểm ký hợp đồng BT theo quy định của pháp luật; nếu tại thời điểm ký hợp đồng BT chưa xác định được giá thì giá đất được trừ là giá đất do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định để thanh toán công trình. Trường hợp xây dựng, kinh doanh cơ sở hạ tầng, xây dựng nhà để bán, chuyển nhượng hoặc cho thuê, giá tính thuế giá trị gia tăng là số tiền thu được theo tiến độ thực hiện dự án hoặc tiến độ thu tiền ghi trong hợp đồng trừ giá đất được trừ tương ứng với tỷ lệ % số tiền thu được trên tổng giá trị hợp đồng.
Theo quy định tại Khoản 1, Điều 1 Nghị định 49/2022/NĐ-CP giá tính thuế đối với hoạt động sản xuất điện của Tập đoàn điện lực Việt Nam như sau: Đối với điện của các công ty thủy điện hạch toán phụ thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam, hạch toán phụ thuộc các Tổng công ty phát điện, giá tính thuế giá trị gia tăng để xác định số thuế giá trị gia tăng nộp tại địa phương nơi có nhà máy thủy điện được tính bằng 35% giá bán lẻ điện bình quân chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng theo quy định của pháp luật điện lực và pháp luật giá. Đối với điện của các công ty nhiệt điện hạch toán phụ thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam, hạch toán phụ thuộc các Tổng công ty phát điện, giá tính thuế giá trị gia tăng để xác định số thuế giá trị gia tăng nộp tại địa phương nơi có nhà máy nhiệt điện là giá bán điện cho khách hàng ghi trên hóa đơn theo hợp đồng mua bán điện áp dụng cho từng nhà máy nhiệt điện. Trường hợp chưa có hợp đồng mua bán điện áp dụng cho từng nhà máy nhiệt điện thì giá tính thuế giá trị gia tăng được xác định là giá bán lẻ điện bình quân chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng theo quy định của pháp luật điện lực và pháp luật giá. Đối với điện của các công ty sản xuất điện (trừ thủy điện, nhiệt điện) hạch toán phụ thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam, hạch toán phụ thuộc các Tổng công ty phát điện, giá tính thuế giá trị gia tăng để xác định số thuế giá trị gia tăng nộp tại địa phương nơi có nhà máy sản xuất điện là giá bán điện chưa có thuế giá trị gia tăng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định cho từng loại hình phát điện. Trường hợp chưa có giá bán điện do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định cho từng loại hình phát điện nêu tại Điểm 4, Điều 1, Nghị định 49/2022/NĐ-CP thì giá tính thuế giá trị gia tăng được xác định là giá bán lẻ điện bình quân chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng theo quy định của pháp luật điện lực và pháp luật giá.
Thông tư số 13/2023/TT-BTC thay thế khoản 2, khoản 3, Điều 18 bằng khoản 2 mới về đối tượng và trường hợp được hoàn thuế GTGT. Theo đó, cơ sở kinh doanh được hoàn thuế GTGT đối với dự án đầu tư theo quy định tại khoản 3 Điều 1 Nghị định số 49/2022/NĐ-CP ngày 29/7/2022 của Chính phủ. Đối với dự án đầu tư của cơ sở kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện trong giai đoạn đầu tư, theo quy định của pháp luật đầu tư, pháp luật chuyên ngành đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo quy định tại khoản 3 Điều 1 Nghị định số 49/2022/NĐ-CP, hồ sơ gồm: Bản sao một trong các hình thức Giấy phép hoặc giấy chứng nhận hoặc văn bản xác nhận, chấp thuận về kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Quy định về hoàn thuế GTGT đối với dự án đầu tư của cơ sở kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện được áp dụng kể từ ngày Nghị định số 100/2016/NĐ-CP có hiệu lực thi hành theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Nghị định số 49/2022/NĐ-CP của Chính phủ.
Trường hợp cơ sở kinh doanh thuộc đối tượng điều chỉnh tiền thuế GTGT, tiền chậm nộp, tiền phạt vi phạm hành chính về thuế (nếu có) theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Nghị định số 49/2022/NĐ-CP thì việc điều chỉnh thực hiện như sau: Trường hợp cơ quan thuế đã ban hành quyết định thu hồi tiền hoàn thuế, tính tiền chậm nộp và xử phạt vi phạm hành chính về thuế thì cơ quan thuế ra quyết định điều chỉnh theo Mẫu quyết định số 38 ban hành kèm theo Nghị định số 118/2021/NĐ-CP. Trường hợp cơ sở kinh doanh đã khai bổ sung số thuế GTGT thu hồi hoàn thì cơ sở kinh doanh và cơ quan thuế thực hiện theo Mẫu số 02/KTT ban hành kèm theo Thông tư số 80/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính để điều chỉnh lại số tiền thuế GTGT thu hồi hoàn, tiền chậm nộp. Số tiền thuế GTGT đã bị thu hồi hoàn (bao gồm trường hợp cơ sở kinh doanh chưa bù trừ số thuế GTGT bị thu hồi hoàn với số thuế GTGT phải nộp phát sinh của hoạt động sản xuất kinh doanh và trường hợp cơ sở kinh doanh đã bù trừ số thuế giá trị gia tăng bị thu hồi hoàn với số thuế GTGT phải nộp phát sinh của hoạt động sản xuất kinh doanh), số tiền chậm nộp, tiền phạt vi phạm hành chính về thuế (nếu có) đã nộp vào ngân sách nhà nước trước ngày 14/4/2023 được xử lý theo quy định tại Điều 25 và Mục 2 Chương V Thông tư số 80. Trường hợp hoàn trả số tiền thuế GTGT bị thu hồi hoàn nộp thừa sau khi đã xử lý số tiền thuế GTGT bị thu hồi hoàn theo quy định tại điểm này được thực hiện từ nguồn kinh phí hoàn thuế GTGT.
Theo điều 2 Thông tư 13/2023/TT-BTC quy định sửa đổi, bổ sung điểm a.4 khoản 2 Điều 28 Thông tư 80/2021/TT-BTC như sau: Đối với dự án đầu tư của cơ sở kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện trong giai đoạn đầu tư, theo quy định của pháp luật đầu tư, pháp luật chuyên ngành đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo quy định tại khoản 3 Điều 1 Nghị định số 49/2022/NĐ-CP ngày 29 tháng 7 năm 2022 của Chính phủ: Bản sao một trong các hình thức Giấy phép hoặc giấy chứng nhận hoặc văn bản xác nhận, chấp thuận về kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Như vậy, kể từ ngày 14/4/2023 (ngày có hiệu lực của Thông tư 13/2023/TT-BTC), hồ sơ hoàn thuế GTGT đối với dự án đầu tư của cơ sở kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện trong giai đoạn đầu tư thuộc đối tượng được hoàn thuế GTGT (quy định tại khoản 3 Điều 1 Nghị định 49/2022/NĐ-CP) bao gồm các giấy tờ sau: Giấy đề nghị hoàn trả khoản thu ngân sách nhà nước theo mẫu số 01/HT ban hành kèm theo phụ lục I Thông tư 80/2021/TT-BTC. Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đầu tư hoặc Giấy phép đầu tư đối với trường hợp phải làm thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Đối với dự án có công trình xây dựng: Bản sao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc quyết định giao đất hoặc hợp đồng cho thuê đất của cơ quan có thẩm quyền; giấy phép xây dựng. Bản sao Chứng từ góp vốn điều lệ. Bản sao một trong các hình thức Giấy phép hoặc giấy chứng nhận hoặc văn bản xác nhận, chấp thuận về kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Bảng kê hoá đơn, chứng từ hàng hoá, dịch vụ mua vào theo Mẫu số 01-1/HT ban hành kèm theo phụ lục I Thông tư 80/2021/TT-BTC, trừ trường hợp người nộp thuế đã gửi hóa đơn điện tử đến cơ quan thuế. Quyết định thành lập Ban Quản lý dự án, Quyết định giao quản lý dự án đầu tư của chủ dự án đầu tư, Quy chế tổ chức và hoạt động của chi nhánh hoặc Ban quản lý dự án đầu tư (nếu chi nhánh, Ban quản lý dự án thực hiện hoàn thuế).
Thông tư số 13/2023/TT-BTC ngày 28/2/2023 của Bộ Tài chính có hiệu lực thi hành kể từ ngày 14 tháng 4 năm 2023 sẽ giúp các doanh nghiệp thực hiện đúng quy định của Bộ tài chính.
Tài liệu tham khảo
1. Thông tư số 13/2023/TT-BTC ngày 28/2/2023 của Bộ Tài chính
3. https://baosonla.org.vn/cuc-thue-tinh-son-la/bo-tai-chinh-sua-doi-bo-sung-mot-so-quy-dinh-ve-thue-gia-tri-gia-tang-6LlRtnaVg.html
» Danh sách Tập tin đính kèm:
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: