Ths Võ Hồng Hạnh
Khoa Kế toán – Trường Đại học Duy Tân
Chiều ngày 30/6/2023, Chính phủ đã chính thức ban hành Nghị định 44/2023/NĐ-CP quy định chính sách giảm thuế giá trị gia tăng theo Nghị quyết số 101/2023/QH15 ngày 24/06/2023 của Quốc hội. Vậy chính sách sẽ mang lại những đổi mới gì cho nên kinh tế?
Thực tế cho thấy, các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân về thuế, phí và lệ phí nói chung và giảm thuế giá trị gia tăng nói riêng được khẩn trương xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện được đánh giá là kịp thời, có tác động tích cực và được cộng đồng doanh nghiệp, người dân hưởng ứng, đánh giá cao.
Cụ thể trong năm 2022, nhằm mục tiêu kích cầu tiêu dùng, phục hồi và phát triển kinh tế, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 43 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10%.
Theo đánh giá của Chính phủ, người dân là đối tượng sẽ được hưởng lợi trực tiếp của chính sách này, việc giảm thuế Giá trị gia tăng đối với hàng hóa, dịch vụ chịu thuế suất thuế Giá trị gia tăng 10% sẽ góp phần giảm giá bán, từ đó góp phần giảm trực tiếp chi phí của người dân trong việc tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ phục vụ đời sống nhân dân.
Đối với doanh nghiệp, việc giảm thuế Giá trị gia tăng sẽ góp phần làm giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, từ đó giúp doanh nghiệp tăng khả năng phục hồi và mở rộng sản xuất kinh doanh, tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động.
Theo đó, kết quả thực hiện chính sách giảm thuế VAT 2% năm 2022 đã hỗ trợ doanh nghiệp, người dân khoảng 44.500 tỷ đồng, góp phần giảm giá thành hàng hoá, dịch vụ, từ đó thêm nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
Từ những tác động tích cực như vậy, Chính phủ vừa chính thức ban hành Nghị định số 44/2023/NĐ-CP (Nghị định 44) quy định chính sách giảm thuế giá trị gia tăng theo Nghị quyết số 101/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội. Nghị định 44 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2023 đến hết ngày 31/12/2023.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đề nghị cân nhắc cần kéo dài thêm thời gian thực hiện chính sách này cho đến hết năm 2024.
Bởi lẽ, chính sách ban hành cũng cần có một khoảng thời gian đủ để đảm bảo có thể hấp thụ, đưa chính sách đi vào cuộc sống, để các địa phương có thể chủ động tính toán, cân đối việc giảm nguồn thu, giảm chi hoặc ngược lại, đảm bảo cho việc lập dự toán, cân đối thu, chi năm sau, bảo đảm sự ổn định, chủ động trong việc thực hiện đủ thời gian, chính sách phát huy hiệu quả tốt nhất. Cùng với đó, cần có các chính sách khác để hỗ trợ cho doanh nghiệp nhằm tạo ra những chính sách đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, hiệu quả và toàn diện hơn, không chỉ hoạt động dịch vụ tiêu dùng mà ngay cả hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là tháo gỡ những khó khăn từ chi phí đầu vào trong sản xuất cho đến việc tìm kiếm, mở rộng thị trường cho đầu ra, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thúc đẩy phát triển nền kinh tế trong dự báo còn nhiều khó khăn, thách thức.
Theo tính toán của Bộ Tài chính, chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất giá trị gia tăng 10% xuống còn 8% áp dụng từ tháng 7 đến hết năm 2023, sẽ gây hụt thu ngân sách nhà nước khoảng 24.000 tỷ đồng. Tính riêng số thu ngân sách nhà nước năm 2023, dự kiến giảm 20.000 tỷ đồng do số thu giá trị gia tăng phải nộp của tháng 12/2023 sẽ nộp trong tháng 1/2024.
Kết luận
Thực tế, chính sách giảm thuế giá trị gia tăng là chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với người dân do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Và không thể phủ nhận rằng chính sách này sẽ giúp đỡ các doanh nghiệp, người dân giảm bớt một phần khó khăn về kinh tế và đồng thời giúp nền kinh tế nước nhà dần khôi phục.
Tài liệu tham khảo
Thuvienphapluat.vn
» Danh sách Tập tin đính kèm:
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: