Mức trợ cấp thai sản sẽ có thay đổi vào ngày 01/07/2023
Ths. Võ Hồng Hạnh
Kể từ ngày 01/7/2023 -mức hưởng trợ cấp một lần khi sinh con, nhận con nuôi và mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sau thai sản sẽ tăng lên - theo Điều 3 Nghị quyết 69/2022/QH15.
Chế độ thai sản là quyền lợi mà người lao động được hưởng khi tham gia đóng Bảo hiểm xã hội bắt buộc. Vậy chế độ thai sản là gì? Quyền lợi hưởng khi người lao động mang thai năm 2023 như thế nào? Chế độ thai sản đối với người lao động làm việc tại doanh nghiệp có những điểm mới gì đáng chú ý trong năm 2023?
1. Chế độ thai sản là gì?
Chế độ thai sản là một trong những quyền lợi mà người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc được hưởng (bao gồm cả lao động nam và nữ) trong quá trình thai sản từ khi khám thai đến khi nuôi con nhỏ. Chế độ nhằm bảo đảm, hỗ trợ một phần thu nhập và sức khỏe cho lao động nữ khi mang thai, sinh con, nuôi con nhỏ, thực hiện các biện pháp tránh thai và cho lao động nam khi có vợ sinh con.
Người lao động hưởng chế độ cần đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của Pháp luật, cụ thể như sau:
2. Điều kiện hưởng chế độ thai sản năm 2023
Căn cứ theo Điều 31, Luật BHXH số 58/2014/QH13 ban hành năm 2014 của Quốc Hội và Nghị định 115/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định người lao động được hưởng chế độ bảo hiểm thai sản khi đáp ứng đủ đồng thời cả 2 điều kiện về đối tượng thụ hưởng và thời gian tham gia đóng BHXH bắt buộc theo quy định. Cụ thể;
2.1 Điều kiện về đối tượng hưởng
Người lao động thuộc một trong các trường hợp sau:
a) Lao động nữ mang thai;
b) Lao động nữ sinh con;
c) Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi;
d) Người lao động nữ đặt vòng tránh thai, thực hiện các biện pháp triệt sản;
đ) Lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ;
e) Người lao động nam đang đóng BHXH có vợ sinh con;
2.2 Điều kiện về thời gian đóng BHXH
Đây cũng là câu trả lời cho câu hỏi: "Đóng bảo hiểm xã hội bao lâu thì được hưởng chế độ thai sản?" được nhiều người lao động quan tâm. Theo đó,
Người lao động quy định tại các điểm b, c và d phải đóng BHXH từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.
Người lao động quy định tại điểm b khoản 1 Điều này đã đóng BHXH từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng BHXH từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.
Như vậy, người lao động đáp ứng đủ cả 2 điều kiện tại mục 2.1 và 2.2 kể trên có thể làm hồ sơ hưởng thai sản theo đúng quy định.
Trường hợp không được hưởng bảo hiểm thai sản khi người lao động chỉ đáp ứng được 1 trong 2 điều kiện hoặc cả 2 điều kiện kể trên.
3. Chế độ thai sản đối với người lao động làm việc tại doanh nghiệp trong năm 2023
Mức lương cơ sở tăng từ 1.490.000 đồng/tháng lên 1.800.000 đồng/tháng kể từ ngày 01/07/2023 (theo Điều 3 Nghị quyết 69/2022/QH15). Điều này dẫn đến một số thay đổi trong mức hưởng của chế độ thai sản, cụ thể như sau:
- Kể từ ngày 01/7/2023, tăng mức hưởng trợ cấp một lần khi sinh con, nhận con nuôi
Căn cứ Điều 38 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, lao động nữ sinh con hoặc người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi thì được trợ cấp một lần cho mỗi con bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng lao động nữ sinh con hoặc tháng người lao động nhận nuôi con nuôi. Trường hợp sinh con nhưng chỉ có cha tham gia bảo hiểm xã hội thì cha được trợ cấp một lần bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng sinh con cho mỗi con.
Theo đó, kể từ ngày 01/07/2023, mức hưởng trợ cấp một khi sinh con hoặc nhận con nuôi sẽ tăng từ 2.980.000 đồng lên 3.600.000 đồng.
- Kể từ ngày 01/7/2023, tăng mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sau thai sản:
Theo quy định tại khoản 3 Điều 41 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, mức hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản một ngày bằng 30% mức lương cơ sở.
Do đó, khi mức lương cơ sở tăng sẽ dẫn đến việc tăng mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sau thai sản kể từ ngày 01/7/2023, cụ thể tăng từ 447.000 đồng/ngày lên 540.000/ngày.
Điều 3. Về thực hiện chính sách tiền lương - Nghị quyết 69/2022/QH15
1. Chưa thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21 tháng 5 năm 2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII trong năm 2023. Từ ngày 01 tháng 7 năm 2023 thực hiện tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức lên mức 1,8 triệu đồng/tháng; tăng 12,5% lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội cho đối tượng do ngân sách nhà nước bảo đảm và hỗ trợ thêm đối với người nghỉ hưu trước năm 1995 có mức hưởng thấp; tăng mức chuẩn trợ cấp người có công bảo đảm không thấp hơn mức chuẩn hộ nghèo khu vực thành thị và tăng 20,8% chi các chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở. Từ ngày 01 tháng 01 năm 2023, thực hiện điều chỉnh tăng phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở theo Kết luận số 25-KL/TW ngày 30 tháng 12 năm 2021 của Bộ Chính trị.
2. Tiếp tục thực hiện cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù đối với các cơ quan, đơn vị đang thực hiện các cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù ở trung ương được cấp có thẩm quyền quy định đối với một số cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước cho tới khi thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21 tháng 5 năm 2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII; mức tiền lương và thu nhập tăng thêm hằng tháng tính theo mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2023 theo cơ chế đặc thù bảo đảm không vượt quá mức tiền lương và thu nhập tăng thêm bình quân năm 2022 (không bao gồm phần tiền lương và thu nhập tăng thêm do điều chỉnh hệ số tiền lương theo ngạch, bậc khi nâng bậc, nâng ngạch).
…Như vậy, mức hưởng trợ cấp một lần khi sinh con, nhận con nuôi và mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sau thai sản sẽ tăng lên kể từ ngày 01/7/2023.
Ths. Võ Hồng Hạnh
TLTK:
Thuvienphapluat.vn
» Danh sách Tập tin đính kèm:
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: