Dương Thị Thanh Hiền
Sự thay đổi trong môi trường kinh doanh theo xu thế toàn cầu hóa, cùng sự phát triển của khoa học kỹ thuật và sự thay đổi trong hành vi khách hàng, dẫn đến sự cạnh tranh ngày càng gay gắt, tính bất định trong môi trường hoạt động ngày càng cao và những yêu cầu ngày càng khắt khe. Điều này, buộc các DN phải chủ động thay đổi trong tổ chức hoạt động, quản trị chi phí và đánh giá thành quả trong DN (Johnson và Kaplan, 1987). Thực tiễn cho thấy, việc vân dụng kế toán quản trị (KTQT) truyền thống dần không thể đáp ứng nhu cầu thông tin cho việc ra quyết định (Sarchah và cộng sự, 2019), trong khi đó về mặt thành quả doanh nghiệp thì một số nghiên cứu lại nhận thấy việc vận dụng KTQT hiện đại sẽ giúp cải thiện thành quả hoạt động (TQHĐ) của doanh nghiệp (Doan Ngoc Phi Anh, 2016; Nuhu và cộng sự, 2016).
1. Việc vận dụng kế toán quản trị
Kế toán quả trị (KTQT) được xem xét như là thông tin kế toán dùng để kiểm soát và lập kế hoạch cho nhà quản trị (Nishimura, 2003). Hệ thống này cung cấp thông tin cho những người trong tổ chức, để giúp họ đưa ra quyết định tốt hơn, cải thiện tính hữu hiệu và hiệu quả của các hoạt động hiện hữu, bằng cách cung cấp thông tin tài chính và phi tài chính có liên quan (Drury, 2015).
Nghiên cứu về vận dụng KTQT chủ yếu tập trung ở hai khía cạnh kỹ thuật và thông tin KTQT. Trong đó, khía cạnh về vận dụng KTQT có phần được quan tâm và phổ biến hơn. Theo Nuhu và cộng sự (2016), vận dụng KTQT được định nghĩa, là các phương pháp, thủ tục, quy trình hoặc quy tắc khác nhau được sử dụng trong DN để hỗ trợ cơ sở hạ tầng và quy trình kế toán quản lý của tổ chức. Các vận dụng KTQT này có thể được phân thành truyền thống và hiện đại (Kaplan và Johnson, 1987). Theo đó, các vận dụng KTQT truyền thống là những phương pháp đã được phát triển trước những năm 1980 như: lập ngân sách; phân tích lợi nhuận khối lượng và chi phí; lợi tức đầu tư.
Tuy nhiên, các vận dụng KTQT truyền thống hiện nay không đáp ứng được nhu cầu của các nhà quản lý, do sự tùy tiện trong việc phân bổ chi phí (Kaplan và Johnson, 1987). Vì vậy, một số vận dụng KTQT mới đã được phát triển, để khắc phục những hạn chế của phương thức KTQT truyền thống và đáp ứng nhu cầu của môi trường kinh doanh đang thay đổi (Wu và cộng sự, 2007). Các vận dụng KTQT có thể được phân tách thành năm nhóm chức năng cụ thể, gồm: Hệ thống chi phí; Lập ngân sách; Đánh giá hiệu quả hoạt động; Hệ thống hỗ trợ quyết định và Phân tích chiến lược (Abdel-Kader và Luther, 2006; Maziriri, 2017).
2. Thành quả hoạt động
Thành quả của doanh nghiệp được hiểu, đo lường theo nhiều khía cạnh khác nhau qua thời gian. Trước đây, thành quả được hiểu một cách đơn giản là hiệu quả (effectiveness) trong việc sử dụng các nguồn lực để tạo ra lợi nhuận trong kinh doanh, tức là sự so sánh giữa yếu tố đầu ra và đầu vào để đánh giá năng suất lao động, lợi nhuận của doanh nghiệp (Georgopoulos và Tannenbaum, 1957). Trong những năm gần đây, cùng với sự thay đổi của phương thức quản lý doanh nghiệp và môi trường kinh doanh, khái niệm thành quả (performance) được sử dụng với phạm vi tổng quát hơn để đo lường nhiều khía cạnh hoạt động của doanh nghiệp
Sandberg (2003) định nghĩa thành quả hoạt động của doanh nghiệp là khả năng đóng góp của doanh nghiệp về việc làm, sự sáng tạo xuyên suốt quá trình hình thành, sinh tồn và tăng trưởng của doanh nghiệp. Một số các nghiên cứu khác đề cập đến trách nhiệm xã hội đạt được của doanh nghiệp khi nói đến thành quả hoạt động của doanh nghiệp. Như vậy, có thể xem thành quả là một chỉ số hay mục tiêu cần đạt được của doanh nghiệp (Samsonowa, 2011).
Theo truyền thống, thành quả chủ yếu đo lường theo thang đo tài chính, qua các chỉ tiêu doanh số, ROE, ROA...
Kaplan và Norton (1984) là những người tiên phong và đề xuất các ý tưởng đo lường thành quả qua các chỉ tiêu phi tài chính, thể hiện qua: sự hài lòng khách hàng, sự đổi mới sáng tạo trong tổ chức, các vấn đề liên quan đến nội bộ và người lao động như sự hài lòng của nhân viên. Ý tưởng của hai học giả này đã ảnh hưởng lớn đến đo lường thành quả phi tài chính, vận dụng trong các nghiên cứu KTQT.
3. Tổng quan về việc vận dụng kế toán quản trị đến thành quả hoạt động của doanh nghiệp
Nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến vận dụng KTQT không thể không xem xét đến thành quả của doanh nghiệp. Luận cứ này xuất phát từ quan điểm của lý thuyết ngữ cảnh, theo đó sự bất ổn của môi trường kinh doanh là động lực để thúc đẩy các doanh nghiệp tìm kiếm các công cụ quản trị, các phương thức sản xuất để tồn tại và phát triển. Kết quả của việc tồn tại và phát triển thể hiện qua thành quả của doanh nghiệp. Như vậy có thể thấy mối quan hệ biện chứng giữa nhân tố ảnh hưởng – công cụ kế toán quản trị và thành quả của doanh nghiệp khi xem xét kế toán là một công cụ cho quản lý.
Vận dụng kế toán quản trị là cách thức cung cấp thông tin để giúp các nhà quản lý đưa ra các quyết định kinh tế sáng suốt và hỗ trợ họ trong việc nâng cao cả giá trị khách hàng và giá trị cổ đông (Langfield-Smith và cộng sự, 2006). Do vậy, nhiều nghiên cứu đã ủng hộ quan điểm rằng việc sử dụng KTQT nhiều hơn có liên quan tích cực đến thành quả hoạt động (Chenhall và Langfield-Smith, 1998; Abernethy và Lillis, 1995; Hoque và cộng sự, 2001; Baines và Langfield-Smith, 2003; Chenhall và Moers, 2007; Tuan Mat và Smith, 2014).
Với phương pháp tiếp cận chủ quan, Chenhall và Langfield-Smith (1998a) nhận thấy, hầu hết kỹ thuật KTQT truyền thống mang lại nhiều lợi ích cho các DN sản xuất Úc hơn là kỹ thuật KTQT hiện đại. Luther và Longden (2001) so sánh lợi ích từ vận dụng KTQT, giữa 77 DN Vương Quốc Anh và 139 DN Nam Phi, trong giai đoạn từ năm 1996 đến 2002. Kết quả cho thấy, lợi ích tại các công ty Nam Phi tốt hơn so với các DN tại Vương Quốc Anh. Khi nhận thấy, trong 47 DN vận dụng KTQT được khảo sát thì có đến 36 DN vận dụng KTQT được vận dụng và mang lại lợi ích thực tiễn của DN, chủ yếu là từ các kỹ thuật KTQT truyền thống. Những kết quả tương tự được tìm thấy trong các nghiên cứu từ những quốc gia phát triển khác, như: tại Thổ Nhĩ Kỳ (Yalcin, 2012); tại Phần Lan (Hyvönen, 2005); và tại Hy Lạp (Angelakis và cộng sự, 2010).
Tại Việt Nam, nghiên cứu về mối liên hệ giữa vận dụng KTQT và thành quả hoạt động đã được quan tâm và có nhiều nghiên cứu thực hiện ở nhiều cấp độ khác nhau tại Việt Nam. Cụ thể, nghiên cứu của Đoàn Ngọc Phi Anh (2012), Nguyễn Hữu Bình và cộng sự (2020), Trịnh Hiệp Thiện (2019), Đỗ Thị Hương Thanh (2019)..... Hầu như, trong mối liên hệ giữa vận dụng KTQT và thành quả hoạt động đều có mối liên hệ thuận chiều. Trong đó, các nghiên cứu đều chỉ ra rằng các doanh nghiệp vận dụng KTQT càng nhiều thì càng đem lại những hiệu quả nhất định trong hoạt động kinh doanh.
4. Kết luận
Trong nội dung bài viết, tác giả đã hệ thống các nghiên cứu liên quan về lợi ích và thành quả từ vận dụng KTQT trên thế giới và ở Việt Nam. Hầu hết, các bằng chứng từ những nghiên cứu trích dẫn ở các nước phát triển và đang phát triển cho thấy, KTQT truyền thống đã và đang được sử dụng phổ biến và mang lại lợi ích cao hơn so với KTQT hiện đại. Đa số các bằng chứng đều cho thấy tính tích cực của vận dụng KTQT đến thành quả DN. Một số kết quả khẳng định, KTQT hiện đại giúp cải thiện thành quả tốt hơn so với KTQT truyền thống.
Tài liệu tham khảo
» Danh sách Tập tin đính kèm:
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: