Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 24/2024/TT-BTC hướng dẫn chế độ kế toán hành chính sự nghiệp thay thế Thông tư 107/2017/TT-BTC ngày 10 tháng 10 năm 2017.
Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2025 và áp dụng từ năm tài chính 2025.
Thông tư 24/2024/TT-BTC hướng dẫn chứng từ kế toán, danh mục hệ thống tài khoản và phương pháp hạch toán tài khoản kế toán; danh mục mẫu sổ và phương pháp lập sổ kế toán; danh mục mẫu báo cáo và phương pháp lập và trình bày báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán ngân sách; quy định về lưu trữ hồ sơ, tài liệu kế toán của các đơn vị hành chính, sự nghiệp. Một số nội dung thay đổi trong Thông tư:
1. Về chứng từ kế toán: Bỏ quy định về việc ban hành mẫu chứng từ kế toán bắt buộc để các đơn vị chủ động trong quá trình thực hiện và phù hợp trong bối cảnh áp dụng công nghệ thông tin.
2. Về tài khoản kế toán và hướng dẫn hạch toán kế toán: - Bố trí, sắp xếp lại các tài khoản đã có trên hệ thống tài khoản theo Thông tư 107/2017/TT-BTC nhằm phản ánh đúng bản chất nghiệp vụ kinh tế phát sinh tại các đơn vị và tháo gỡ các vướng mắc mà các đơn vị đã phản ánh trong quá trình thực hiện, cập nhật một số tài khoản đã có chấp thuận thêm sau khi ban hành Thông tư 107/2017/TT-BTC. Theo đó bổ sung các tài khoản mới bao gồm tài khoản 135, 142, 341, 342, 518, 641, 812; sắp xếp lại các tài khoản cũ như tài khoản 121, 137, 141, 241, 338, 353, 411, 431, 531, 611, 612, tài khoản ngoài bảng và đồng thời bỏ một số tài khoản như tài khoản 337, 366, 468.
- Bổ sung tài khoản để phản ánh các nghiệp vụ mới được phát sinh theo cơ chế tài chính như TK 143, 229, 352.
- Bổ sung tài khoản để phản ánh các nghiệp vụ liên quan đến quản lý hàng dự trữ quốc gia gồm các tài khoản 145, 151, 157, 158, 345, 351.
- Bổ sung nguyên tắc hạch toán các tài khoản, đặc biệt là các nguyên tắc ghi nhận doanh thu, chi phí, đảm bảo thống nhất trong quá trình thực hiện và trình bày được đầy đủ số liệu phát sinh trong năm trên báo cáo tài chính của đơn vị trên cơ sở quy định của Chuẩn mực kế toán công Việt Nam.
- Khắc phục tồn tại trong việc kế toán nhận kinh phí và theo dõi nguồn mua sắm TSCĐ, hàng tồn kho, nguồn cải cách tiền lương của đơn vị
- Hướng dẫn hạch toán rõ quan hệ phải thu, phải trả trong nội bộ đơn vị kế toán, trong đơn vị dự toán cấp 1 để có cơ sở đối chiếu và cung cấp thông tin cho hợp nhất BCTC.
- Hướng dẫn hạch toán liên quan đến nhận kinh phí ủy quyền, ủy thác để chi trả cho các đối tượng có liên quan theo quy định.
- Hướng dẫn hạch toán việc mua sắm TSCĐ, vật tư, nguyên liệu dự trữ để cấp phát cho các đơnvị kế toán khác ngoài mua sắm tập trung
- Hướng dẫn hạch toán các khoản dự phòng;
- Hướng dẫn hạch toán chi phí xây dựng cơ bản chờ phê duyệt quyết toán để đảm bảo việc trình bày tài sản trên BCTC chính xác, đầy đủ;
- Sửa đổi một số nội dung liên quan đến hạch toán các nghiệp vụ phát sinh trong hoạt động liên doanh, liên kết; hạch toán ghi nhận doanh thu, chi phí, các quỹ phù hợp với kết cấu tài khoản mới;
3. Về đối tượng: Quy định rõ về tổ chức bộ máy trong một đơn vị gồm đơn vị kế toán, đơn vị hạch toán phụ thuộc và đầu mối chi tiêu. Trên cơ sở đó xác định mối quan hệ trong việc chấp hành chế độ kế toán, lập báo cáo, mở tài khoản và hạch toán kế toán.
4. Về sổ kế toán: Chỉ quy định về danh mục sổ kế toán, nguyên tắc lập sổ kế toán và các nội dung tối thiểu cần phải có trên sổ kế toán mà không quy định mẫu biểu để các đơn vị chủ động trong quá trình thực hiện và thiết kế mẫu sổ phù hợp với hoạt động của mình;
5. Về Báo cáo quyết toán:
Bổ sung thêm một số chỉ tiêu báo cáo theo đề nghị của các đơn vị chức năng có liên quan để đảm bảo đầy đủ thông tin trên báo cáo. Đồng thời hướng dẫn rõ về việc lập báo cáo quyết toán đối với các trường hợp đơn vị thuộc ngân sách cấp trên nhận được hỗ trợ từ ngân sách cấp dưới và đơn vị thuộc ngân sách cấp dưới được ngân sách cấp trên cấp kinh phí ủy quyền, để có đầy đủ số liệu tổng hợp quyết toán ngân sách.
6. Về báo cáo tài chính
- Quy định rõ về các trường hợp được điều chỉnh hồi tố số liệu vào số dư đầu năm trước đã trình bày trên BCTC để đảm bảo thống nhất trong quá trình thực hiện và đảm bảo chất lượng, độ tin cậy của thông tin, số liệu.
- Chuẩn hóa mẫu biểu BCTC trên cơ sở quy định của Chuẩn mực kế toán công Việt Nam, khắc phục một số nhược điểm trong trình bày báo cáo kết quả hoạt động, hướng dẫn thuyết minh đầy đủ thông tin trong năm trên BCTC để đảm bảo sự minh bạch tài chính của đơn vị. Bỏ mẫu báo cáo lưu chuyển tiền tệ theo phương pháp gián tiếp để thống nhất trong quá trình thực hiện và có khả năng hợp nhất số liệu từ báo cáo này.
7. Về lưu trữ hồ sơ, tài liệu kế toán và sử dụng phần mềm kế toán
- Bổ sung các quy định và hướng dẫn về lưu trữ hồ sơ, tài liệu kế toán, sử dụng phần mềm kế toán để đảm bảo thống nhất trong quá trình thực hiện theo đúng quy định của pháp luật kế toán.
- Bổ sung quy định về việc sử dụng phần mềm kế toán và các yêu cầu đối với phần mềm kế toán tại đơn vị để đảm bảo chất lượng công tác kế toán và số liệu các báo cáo.
GV
Nguyễn Thị Đoan Trang
» Danh sách Tập tin đính kèm:
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: