LÝ THUYẾT NỀN LIÊN QUAN ĐẾN THỰC HIỆN KẾ TOÁN TRÁCH NHIỆM XÃ HỘI TRONG DOANH NGHIỆP
ThS Lê Thị Huyền Trâm
Khoa Kế toán – Đại học Duy Tân
Email: lehuyentram1606@gmail.com
TÓM TẮT:
Vấn đề thực hiện trách nhiệm xã hội (Corporate Social Responsibility - CSR) ngày càng nhận được sự quan tâm trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Bên cạnh đó còn là mối quan tâm của nhiều doanh nghiệp (DN) bởi vì một doanh nghiệp muốn phát triển thì cần phải chú trọng đến hình ảnh của mình. Một trong những biện pháp quan trọng là thực hiện tốt trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Việc thực hiện tốt kế toán trách nhiệm xã hội (KTTNXH) sẽ góp phần nâng cao uy tín của doanh nghiệp. Bài viết này đi sâu hơn về các lý thuyết nền liên quan đến thực hiện kế toán trách nhiệm xã hội trong các doanh nghiệp.
1. Đặt vấn đề
Cùng với xu thế phát triển và hội nhập, CSR ngày càng được quan tâm bởi các nhà đầu tư, khách hàng, cơ quan quản lý và các bên liên quan. Kế toán trách nhiệm xã hội là một trong những vấn đề được đề cập, ở cả góc độ nghiên cứu lý luận và ứng dụng thực tiễn tại các DN. KTTNXH là yêu cầu cần thiết trong đó KTTNXH cần phải cung cấp thông tin về mặt xã hội, về môi trường, về hoạt động kinh doanh cho nhà quản trị. Công bố trách nhiệm xã hội của DN là công bố tự nguyện và được giải thích bằng nhiều lý thuyết, trong đó, lý thuyết các bên liên quan, lý thuyết hợp pháp và lý thuyết đại diện được sử dụng phổ biến để đo lường mối quan hệ giữa CSR và đánh giá thị trường.
2. Giới thiệu về kế toán trách nhiệm xã hội
* Kế toán trách nhiệm xã hội
Có nhiều cách định nghĩa khác nhau về CSR của DN. Khái niệm kế toán trách nhiệm xã hội (social responsibility accounting- SRA) là khoa học quan sát, đo lường, tính toán, ghi chép, xử lý và phân tích thông tin về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp như: trách nhiệm bảo vệ môi trường, trách nhiệm đóng góp cho cộng đồng xã hội, trách nhiệm đảm bảo lợi ích cho cổ đông và người lao động trong doanh nghiệp. KTTNXH được coi là công cụ hỗ trợ việc thiết lập các mục tiêu xã hội của tổ chức bằng cách xem xét đầy đủ các nhu cầu của doanh nghiệp.
KTTNXH là một thuật ngữ bắt nguồn từ việc doanh nghiệp hoạt động phải thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đối với vấn đề bảo vệ môi trường, việc làm của ngườii lao động... Trên thế giới, thuật ngữ trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp được đề cập trong cuốn sách của H.R.Bowen với nhan đề “Trách nhiệm xã hội của doanh nhân” (Social Responsibilities of the Businessmen) (1953) nhằm mục đích tuyên truyền và kêu gọi người quản lý tài sản không làm tổn hại đến các quyền và lợi ích của người khác, ..
Ở Việt Nam trong những năm gần đây thường sử dụng định nghĩa trách nhiệm xã hội doanh nghiệp của Hội đồng Kinh doanh thế giới vì sự phát triển bền vững như sau:” Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (Corporate Social Responsibility – CSR) là sự cam kết của doanh nghiệp đóng góp vào việc phát triển kinh tế bền vững, thông qua những hoạt động nhằm nâng cao chất lượng đời sống của người lao động và các thành viên gia đình họ, cho cộng đồng và toàn xã hội, theo cách có lợi cho cả doanh nghiệp cũng như phát triển chung của xã hội”.
* Vai trò của kế toán trách nhiệm xã hội trong doanh nghiệp
Thứ nhất, xét ở góc độ doanh nghiệp, KTTNXH sẽ góp phần nâng cao giá trị thương hiệu và uy tín của công ty. Khi doanh nghiệp thực hiện KTTNXH có thể giúp doanh nghiệp tăng giá trị thương hiệu và uy tín đáng kể, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp khả quan, thúc đẩy người tiêu dùng tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp mình hơn. Ngoài ra, KTTNXH có thể đem lại hiệu quả lớn hơn trong kinh doanh bằng việc góp phần giảm chi phí và tăng năng suất.
Thứ hai, thực hiện KTTNXH giúp thu hút được nhân tài vì năng suất lao động của doanh nghiệp phục thuộc chủ yếu vào hệ thống nhân sự. Một doanh nghiệp có đội ngũ nhân viên giỏi, giàu kinh nghiệm sẽ góp phần tạo nên giá trị của doanh nghiệp. Để thực hiện điều này, doanh nghiệp phải đảm bảo môi trường làm việc tốt cho nhân viên, bao gồm bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, chăm sóc sức khỏe, ...
Thứ ba, KTTNXH hạch toán tài sản và các khoản nợ về môi trường, các khoản nợ phải trả về xã hội, về môi trường liên quan đến chi phí xã hội và môi trường bên ngoài, cung cấp các thông tin về tài sản, nguồn vốn.
Thứ tư, thực hiện KTTNXH sẽ góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp thông qua việc doanh nghiệp tạo cho người lao động công việc tốt, đảm bảo cuộc sống, các vấn đề về an sinh xã hội được quan tâm. Có nhiều doanh nghiệp quan tâm đến cộng đồng thông qua việc đóng góp vào các hoạt động như quỹ vì người nghèo, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn…góp phần thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo cho đất nước.
3. Các lý thuyết có liên quan đến thực hiện KTTNXH
* Lý thuyết đại diện (Agency Theory)
Theo Michael Jensen và William Meckling (1976): lý thuyết đại diện (agency theory) là một lý thuyết kinh tế quản lý nghiên cứu về mối quan hệ giữa người đại diện và người được đại diện. Lý thuyết này cho rằng, khi người được đại diện (principal) ủy quyền cho người đại diện (agent) thực hiện một số nhiệm vụ hoặc quyết định thay cho mình, thì các lợi ích của hai bên không trùng khớp và có thể dẫn đến một mối quan hệ xung đột. Lý thuyết đại diện cũng cho rằng, các chi phí đại diện (agency costs) là kết quả của mối quan hệ xung đột giữa người đại diện và người được đại diện, bao gồm chi phí giám sát (monitoring) hoặc chi phí xây dựng cơ chế khuyến khích (incentive mechanism) để đảm bảo rằng, người đại diện sẽ hoạt động đúng với lợi ích của người được đại diện.
Lí thuyết các bên liên quan được khởi đầu từ nghiên cứu của Freman (1984) về quản trị tổ chức và đạo đức kinh doanh “Quản trị chiến lược: Cách tiếp cận từ các bên liên quan”. Lý thuyết này cho rằng các hoạt động của công ty là kết quả trực tiếp từ áp lực các bên liên quan khác nhau, liên quan đến quyền lực (Jawahar & McLaughlin, 2001) hoặc các yêu cầu hợp pháp (Hill & Jones, 1992; Langtry, 1994). (Mitchell, Agle, & Wood, 1997) chỉ ra tác động của các bên liên quan phụ thuộc vào 3 yếu tố: quyền lực; tính hợp pháp; mức độ cần thiết. Lí thuyết các bên liên quan này cho rằng tổ chức có nghĩa vụ phải đối xử công bằng giữa các bên liên quan, trong trường hợp các bên liên quan có xung đột lợi ích, doanh nghiệp phải có nghĩa vụ đạt được sự cân bằng tối ưu giữa chúng.
Vì nhu cầu của các bên liên quan thì khác nhau và luôn thay đổi nên tổ chức sẽ tập trung vào đáp ứng nhu cầu của các bên liên quan có lợi ích lớn và trực tiếp và cho rằng lợi ích của các bên còn lại cũng được thỏa mãn thông qua việc tổ chức đó theo đuổi chiến lược kinh doanh và báo cáo thông tin phù hợp với các chuẩn mực và giá trị xã hội.
Lí thuyết hợp pháp được bắt nguồn trong nghiên cứu về tính hợp pháp trong chính trị của nhà kinh tế và xã hội học người Đức Max Weber (1922) “Các khái niệm xã hội học” (Concepts in Sociology). Lý thuyết hợp pháp cho rằng, hoạt động của tổ chức phải theo các giá trị hoặc chuẩn mực xã hội mà tổ chức đó hoạt động. Theo đó, các DN không thể tách rời khỏi xã hội và xã hội tạo ra tính hợp pháp dựa trên các DN (Craig Deegan, 2002). Hay nói cách khác, DN phải tìm kiếm những giải pháp nhằm đảm bảo các hoạt động nằm trong phạm vi và quy chuẩn xã hội. Do những tác động ngày càng nghiêm trọng từ các hoạt động của doanh nghiệp đến môi trường dẫn tới xã hội và cộng đồng luôn mong đợi doanh nghiệp có các ứng xử phù hợp với trách nhiệm môi trường và sẽ đánh giá các hoạt động của họ đối với môi trường.
Lý thuyết đại diện, lý thuyết các bên liên quan cũng như lý thuyết hợp pháp cũng chỉ giải thích một phần về CSR. Do đó, cần phải sử dụng kết hợp với các quan điểm lý thuyết bổ sung khác và các nghiên cứu có liên quan để có cái nhìn toàn diện hơn về CSR và các vấn đề có liên quan.
Theo lý thuyết thể chế thì quyết định của tổ chức không chỉ được điều khiển bởi các mục tiêu về hiệu quả, mà còn chịu ảnh hưởng bởi các ràng buộc như: hiến pháp, luật, phong tục, tập quán, đạo lý, các quy chuẩn về chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa. Do áp lực của các ràng buộc này, do áp lực chi phối bởi các quy định chuẩn mực, quy tắc trong thể chế, các tổ chức thay đổi hành vi, thay đổi mô hình tổ chức, chiến lược, quy trình hoạt động, phương pháp tổ chức, công bố thông tin... phù hợp với môi trường về thể chế, trên cơ sở đó làm tăng khả năng để phát triển, tồn tại hợp pháp trong mối quan hệ với các bên liên quan.
4. Kết luận
Phát triển bền vững là con đường tất yếu, đặc biệt là bảo vệ môi trường và đảm bảo an sinh xã hội. Chính vì vậy, việc thực hiện CSR ngày càng được xã hội quan tâm. Khi DN thực hiện tốt trách nhiệm xã hội thì ngoài việc có lợi cho doanh nghiệp, có thể đáp ứng nhu cầu thông tin đa dạng khác nhau bởi vì các nhà đầu tư, cổ đông, ngân hàng thì sẽ góp phần phát triển bền vững cho đất nước. Tại Việt Nam, việc thực hiện trách nhiệm xã hội là hoàn toàn phù hợp vì chúng ta đang gặp phải vấn nạn về môi trường, các hậu quả do doanh nghiệp hoạt động kinh doanh để lại. Vì vậy, việc vận dụng các lý thuyết nền về kế toán trách nhiệm xã hội là cần thiết các chủ thể kinh tế trong đó có doanh nghiệp phải có trách nhiệm để góp phần giải quyết, giúp đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế đất nước trong ngưỡng của hội nhập.
-----------------------------------------------------
Tài liệu tham khảo
[1] PGS.TS Nguyễn Đình Tài, Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp: vấn đề đặt ra hôm nay và giải pháp
[2] TS. Huỳnh Đức Lộng, Những nghiên cứu về kế toán trách nhiệm xã hội, tạp chí Kế toán- kiểm toán số tháng 1/2016
[3] Th.S Lê Thị Bảo Như, Th.S Nguyễn Thị Phương Thảo, Thực hiện kế toán trách nhiệm xã hội tại Việt Nam, tạp chí Công Thương, 2020
[4] Bowen H. (1953), Social Responsibilities of Businessman, Newyork Haper Publishing.
[5] Brown & Dacin (1997), The Company and the Product: Corporate Associations and Consumer 5. Product Responses, Journal of Marketing, Vol. 61, No. 1 (Jan., 1997), pp. 68-84.
» Danh sách Tập tin đính kèm:
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: