ĐÁNH GIÁ THỰC TRẠNG HỆ THỐNG BÁO CÁO TÀI CHÍNH DOANH NGHIỆP VIỆT NAM VÀ MỘT SỐ QUAN ĐIỂM HOÀN THIỆN
ThS. Đào Thị Đài Trang
Khoa Kế Toán – Đại học Duy Tân
daitrangdtu@gmail.com
Tóm tắt:
Báo cáo tài chính (BCTC) là sản phẩm của kế toán tài chính, là đầu ra của hệ thống thông tin kế toán.BCTC là nguồn thông tin quan trọng cho các giao dịch về vốn của doanh nghiệp, đặc biệt trên thị trường chứng khoán. Việc hoàn thiện BCTC không chỉ có ý nghĩa về mặt lý thuyết mà nó còn có ý nghĩa thực tiễn quan trọng trong việc đáp ứng một cách phù hợp nhu cầu thông tin đa dạng trong quá trình phát triển không ngừng của các nền kinh tế.Ở Việt Nam, hệ thống kếtoán và BCTC doanh nghiệp hiện nay về cơ bản đã được xây dựng theo hướng tiếp cận với thông lệ quốc tế trên cơ sở thực tiễn của Việt Nam. Tuy nhiên, trong giai đoạn hội nhập quốc tế về kinh tế và kế toán mạnh mẽ như hiện nay, tính hữu ích của thông tin kế toán.không chỉ giới hạn trong phạm vi quốc gia, các tiêu chuẩn chất lượng và công bốthông tin phải được tiếp cận theo thông lệ quốc tế, hệ thống BCTC hiện nay đã bộc lộ những tồn tại chưa được giải quyết. Bài viết trình bày một số đánh giá về hệ thống báo cáo tài chính hiện hành từ đó đề xuất một số quan điểm hoàn thiện.
Từ khóa: Báo cáo tài chính, quan điểm hoàn thiện.
1. Đánh giá thực trạng hệ thống báo cáo tài chính doanh nghiệp
1.1. Ưu điểm
Gần hai mươi năm qua, kế toán Việt Nam nói chung và hệ thống BCTC doanh nghiệp nói riêng đã có sự cải cách, đổi mới sâu sắc, toàn diện; một trong những kết quả của quá trình đổi mới đó là sự hình thành một hệ thống BCTC doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng cơ bản được yêu cầu của quá trình hội nhập và phát triển kinh tế đất nước. Điều này biểu hiện qua một số điểm chủ yếu sau :
Thứ nhất, Hệ thống BCTC doanh nghiệp nhìn chung được xây dựng trong môi trường pháp lý về kế toán cơ bản ổn định, đã khắc phục được rất nhiều hạn chế do sự chấp vá, thiếu đồng bộ của giai đoạn trước để lại.
Luật Kế toán ra đời, mới nhất là Luật kế toán Việt Nam 2017 tạo khung pháp lý cho hoạt động kế toán ở nước ta trong bối cảnh phát triển kinh tế thị trường, hội nhập kinh tế. Luật đã thừa nhận hàng loạt các khái niệm, nguyên tắc kế toán và hoạt động của nền kinh tế thịtrường…, và đã xác định "Báo cáo tài chính được lập theo chuẩn mực kế toán và chế độ kế toán dùng để tổng hợp và thuyết minh về tình hình kinh tế, tài chính của đơn vị kế toán”. Sự ra đời của 26 chuẩn mực kế toán Việt Nam cùng với các hướng dẫn thực hiện chuẩn mực, được tổng kết trong chế độ kế toán doanh nghiệp ban hành theo quyết định 15/2006/QĐ-BTC ngày 20/3/2006, tiếp tục được bổ sung bằng thông tư 161/2007/TT-BTC năm 2007, thông tư số 244/2009/TT-BTC năm 2009 và mới nhất là thông tư 200/2014/TT-BTClà những biểu hiện cụ thể về sự đồng bộ của hệ thống kế toán Việt Nam nói chung và hệ thống BCTC doanh nghiệp nói riêng.
Thứ hai, hệ thống BCTC doanh nghiệp từng bước tiếp cận và hòa hợp với chuẩn mực kế toán và thông lệ quốc tế.
Cùng với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước, hệ thống kế toán Việt Nam tiếp tục được cải cách theo hướng hòa hợp với chuẩn mực kế toán và thông lệ quốc tế. Dấu ấn cho quá trình này là sự ra đời của hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam, được xây dựng chủ yếu dựa trên hệ thống chuẩn mực kế toán quốc tế (IAS). Theo đó, mục đích của BCTC được xác định là cung cấp các thông tin về tình hình tài chính, tình hình kinh doanh và các luồng tiền của một doanh nghiệp, đáp ứng cho số đông người sử dụng trong việc đưa ra các quyết định kinh tế. Các vấn đề về nguyên tắc lập và trình bày BCTC, hệ thống báo cáo, nội dung cơ bản của báo cáo nhìn chung cũng được xây dựng hướng đến việc tiếp cận với chuẩn mực kế toán và thông lệ quốc tế về lập và trình bày BCTC. Nói cách khác, hòa hợp với thông lệ quốc tế về lập và trình bày BCTC là mục tiêu và xu thế tất yếu của Việt Nam trong quá trình phát triển và hoàn thiện hệ thống kế toán hiện nay.
Thứ ba, hệ thống BCTC hiện hành cơ bản phù hợp và đáp ứng sự phát triển kinh tế thị trường ở Việt Nam, với yêu cầu và trình độ quản lý kinh tế, tài chính cho từng loại hình doanh nghiệp Việt Nam. BCTC hiện không phải chủ yếu phục vụ cho Nhà nước mà là nguồn cung cấp thông tin quan trọng cho các nhà đầu tư, các ngân hàng, chủ nợ, đối tác và công chúng; thông tin về luồng tiền trở thành một thông tin quan trọng trên BCTC, thể hiện sức khỏe về tài chính của doanh nghiệp; các đối tượng và giao dịch của nền kinh tế thị trường được phản ánh khá đầy đủ trên BCTC… Những điều này, đã góp phần tích cực vào tạo lập môi trường đầu tư, môi trường kinh doanh lành mạnh, hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp trong nâng cao chất lượng quản trị kinh doanh.
Thứ tư, hệ thống BCTC doanh nghiệp hiện hành nhìn chung khá dễ hiểu, dễ thực hiện.
Phương pháp lập BCTC doanh nghiệp hiện hành được hướng dẫn khá chi tiết, tạo
điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện. Các chỉ tiêu trên BCTC không quá phức tạp. Nhiều vấn đề liên quan đến nguồn lực tài chính, tài sản, nguồn vốn, doanh thu, chi phí… được thuyết minh khá đầy đủ trong Bản thuyết minh BCTC, đáp ứng cơ bản nhu cầu của các đối tượng sử dụng.
1.2. Hạn chế
Hệ thống BCTC doanh nghiệp nói riêng ở Việt Nam đến nay đã đạt được những thành quả đáng kể. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, cũng bộc lộ những hạn chế cần được nghiên cứu, đánh giá một cách cụ thể nhằm xác định phương hướng và giải pháp cho con đường đổi mới và hoàn thiện hệ thống BCTC doanh nghiệp trong điều kiện hiện nay. Những hạn chế của hệ thống BCTC doanh nghiệp Việt Nam hiện hành đề cập dưới đây được đo lường không chỉ trên cơ sở của thực trạng, mà còn trên cơ sở những yêu cầu của quá trình hội nhập quốc tế về kinh tế và kế toán ở Việt Nam.
Thứ nhất, cơ sở định giá, đặc điểm chất lượng và nguyên tắc lập BCTC hưa được quy định rõ ràng và đầy đủ, thiếu tính đồng bộ.
- Giá trị hợp lý được quy định và sử dụng một cách rời rạc, chưa có hệ thống trong đánh giá và ghi nhận các yếu tố của BCTC. Trong IAS/IFRS, giá trị hợp lý được sử dụng ngày càng nhiều trong trong định giá và ghi nhận các yếu tố của BCTC. Từ năm 2009 tại Mỹ, nhóm các nước G-20 đã xác nhận lại cam kết thúc đẩy việc hội tụ hệ thống chuẩn mực BCTC quốc tế (IFRS) trong đó có đề cập đến việc sử dụng giá trị hợp lý như một cơ sở định giá chủ yếu nhằm tăng cường tính đáng tin cậy và thích hợp của thông tin trình bày trên BCTC. Tháng 5/2011, IASB phát hành IFRS 13 – Đo lường giá trị hợp lý (Fair Value Measurement)- có hiệu lực từ 01/01/2013. Trong khi đó, ở Việt Nam khái niệm về giá trị hợp lý mới bắt đầu được nhắc đến một cách chính thức trong luật kế toán áp dụng 01/01/2017. Điểm tiến bộ là giá trị hợp lý đã được áp dụng trong đánh giá lại Công cụ tài chính theo yêu cầu của chuẩn mực kế toán, Các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ được đánh giá theo tỷ giá giao dịch thực tế; Các tài sản hoặc nợ phải trả khác có giá trị biến động thường xuyên, theo yêu cầu của chuẩn mực kế toán. Tuy nhiên cho đến thời điểm này vẫn chưa có chuẩn mực chính thức nào quy định về giá trị hợp lý, danh mục các tài sản và nợ phải trả cụ thể được ghi nhận và đánh giá lại theo giá trị hợp lý, hay phương pháp đánh giá giá trị hợp lý, cũng như phương pháp kế toán ghi nhận và đánh giá lại theo giá trị hợp lý.
Thứ 2: Về mô hình BCTC
Hệ thống BCTC cứng nhắc, thiếu sự linh hoạt, chưa chú trọng đến nhu cầu sử dụng thông tin của các đối tượng có nhu cầu thông tin qua BCTC khác nhau. Việc quy định cấu trúc và nội dung của BCTC định sẵn cho các doanh nghiệp hiện nay tỏ ra không thật phù hợp. Theo thông lệ và chuẩn mực kế toán quốc tế, BCTC bao gồm một khung các yếu tố cần phải công bố, có thể được điều chỉnh cho phù hợp trong từng điều kiện cụ thể. Quy định mẫu biểu của báo cáo một cách cứng nhắc, làm triệt tiêu tính linh hoạt và đa dạng của hệ thống BCTC, không phù hợp bởi trong điều kiện các doanh nghiệp hoạt động ở các lĩnh vực khác nhau, có các thông tin đặc thù, cũng như tính trọng yếu của các khoản mục ở mỗi doanh nghiệp là khác nhau nên cần phải trình bày trên BCTC khác nhau.
- Hệ thống BCTC, một số nội dung, khoản mục trên BCTC chưa đầy đủ hoặc chưa phù hợp với thông lệ quốc tế:
* Báo cáo thay đổi vốn chủ sở hữu chưa được trình bày riêng thành một báo cáo độc lập, trong khi theo IFRS báo cáo này được trình bày thành một báo cáo riêng biệt trong hệ thống BCTC.
* Một số chỉ tiêu chưa được phân loại và trình bày phù hợp với nguyên tắc trọng yếu và tập hợp. Chẳng hạn, chỉ tiêu Hàng tồn kho (Mã số 141) là tập hợp của hàng mua đang đi đường, nguyên vật liệu, công cụ, chi phí sản xuất dỡ dang, thành phẩm, hàng hóa, hàng gửi đi bán, hàng hóa kho bảo thuế, trong khi từng khoản mục có thể trọng yếu đối với từng loại hình doanh nghiệp và cần phải trình bày riêng biệt.
* Chưa đề cập đến các khoản chiết khấu khi trình bày các khoản phải thu trên báo cáo tình hình tài chính, hiện nay, BCTHTC chỉ trình bày riêng lẻ khoản mục phải thu khách hàng mà không hề nhắc tới khoản chiết khấu giảm cho khách hàng phát sinh tỏng quá trình mua hàng như chiết khấu thanh toán…trong khi IASB quy định, các khoản phải thu cần tính đến các khoản khấu trừ, chiết khấu cho khách hàng trước hoặc ngay thời điểm thanh toán để trình bày số thuần trên báo cáo (nếu trọng yếu).
* Chưa đề cập và hướng dẫn chính thức về suy giảm giá trị tài sản đối với tài sản cố định hứu hình cũng như đánh giá lại tài sản cố định vô hình. Trong khi IASB đã quy định khá rõ về những trường hợp này.
* Các khoản đầu tư chứng khoán ngắn hạn và đầu tư chứng khoản dài hạn theo VAS được trình bày theo giá gốc, có trích lập dự phòng, luật kế toán 2017 có đề cập đến vấn đề này tuy nhiên đến nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn thực hành cụ thể. Còn IASB đã quy định các khoản này phải được đánh giá theo giá trị hợp lý, nếu có dấu hiệu khoản đầu tư bị giảm giá trị thì áo dụng chuẩn mực duy giảm giá trị tài sản.
* Lãi hoạt động kinh doanh bao gồm cả hoạt động tài chính. Theo quy định hiện hành, chỉ tiêu Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trên báo cáo KQHĐKD bao gồm cả doanh thu và chi phí tài chính (tức là bao gồm các khoản lãi/lỗ do đầu tư cổ phiếu và chi phí lãi vay). Trong khi các khoản lãi/lỗ bán cổ phiếu vốn không phải của hoạt động mang tính thường xuyên của công ty lại được hiểu là kết quả hoạt động chủ yếu của công ty. Điều này vừa không phù hợp với thông lệ quốc tế, vừa rất dễ tạo ra sự nhập nhằng về thông tin, thậm chí hiểu nhầm cho nhà đầu tư.
* Không trình bày tách biệt các hoạt động tiếp tục phát sinh khỏi các hoạt gián đoạn trong tuyết minh BCTC. Trong khi IFRS 5 đã yêu cầu làm công việc này.
* Một số thông tin có thể hữu ích cho người sử dụng chưa được quy định như một thông tin tối thiểu được trình bày trên thuyết minh BCTC như: Thuyết minh về ngày đáo hạn của các khoản nợ phải thu, phải trả trọng yếu, trích lập dự phòng các khoản đầu tư chứng khoán, trái phiếu chuyển đổi ở các công ty niêm yết, lợi nhuận tổng hợp, thuyết minh các hoạt động bị gián đoạn, các xét đoán và các khía cạnh không chắc chắn mà lãnh đạo sử dụng trong quá trình lập BCTC.
* Một số đối tượng và giao dịch có liên quan trực tiếp đến việc ghi nhận và trình bày các khoản mục trên BCTC đã phát sinh trong nền kinh tế nhưng chưa được VAS đề cập, cụ thể: về công cụ tài chính (IAS 32, IAS 39, IFRS 7, IFRS 9); thanh toán trên cơ sở cổ phiếu (IFRS 2); suy giảm giá trị tài sản (IAS 36)và đo lường giá trị hợp lý (IFRS 13).
2. Quan điểm hoàn thiện
Việt Nam đang trong quá trình xây dựng một hệ thống kế toán và BCTC hòa hợp với thông lệ và chuẩn mực kế toán quốc tế, hữu ích với nhiều đối tượng.Theo đó, luận án xác định quan điểm xuyên suốt quá trình xây dựng và hoàn thiện hệ thống BCTC là: (i)Hòa hợp với chuẩn mực kế toán và thông lệ quốc tế; (ii)Phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế ở ViệtNam; (iii)Đề cao tính linh hoạt của hệ thống BCTC, phù hợp với quy mô, đặc thù doanh nghiệp và tính đa dạng về đối tượng sử dụng thông tin.
(1)Hòa hợp với chuẩn mực kế toán và thông lệ quốc tế
Kế toán chính là ngôn ngữ chung trong kinh doanh. Xu thế toàn cầu hóa hiện nay và sự phát triển mạnh mẽ của thị trường vốn toàn cầu đặt ra yêu cầu các BCTC phải được lập trên một cơ sở thống nhất. Do đó, hòa hợp kế toán quốc tế là con đường mà bất kỳ quốc gia nào cũng phải xem xét thực hiện vì lợi ích của chính mình. Việt Nam cũng không phải là trường hợp ngoại lệ. Tuy quan điểm xây dựng hệ thống kế toán Việt Nam nói chung và hệ thống BCTC nói riêng vừa phù hợp với chuẩn mực kế toán và thông lệ quốc tế, đồng thời phù hợp với điều kiện phát triển của nền kinh tế Việt Nam là sự lựa chọn hợp lý, song, trong điều kiện hội nhập sâu và rộng như hiện nay, ở một chừng mực nào đó, chính sự chưa thống nhất cao về nội hàm của nó trong thực hiện đã góp phần làm chậm lại quá trình hội nhập quốc tế về kế toán ở Việt Nam. Mục tiêu của IASB là phát triển một bộ chuẩn mực kế toán duy nhất có chất lượng cao, dễ hiểu và có thể áp dụng trên toàn cầu để đáp ứng yêu cầu vềchất lượng, tính minh bạch và tính so sánh được của thông tin trên BCTC nhằm giúp các bên tham gia vào thị trường vốn thế giới và các đối tượng sử dụng khác ra quyết định kinh tế; thúc đẩy việc sử dụng và vận dụng nghiêm túc cácchuẩn mực này; và mang lại sự hội tụ giữa các chuẩn mực kế toán quốc gia vàchuẩn mực kế toán quốc tế. Các mục tiêu này về cơ bản phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế theo hướng hội nhập quốc tế của Việt Nam hiện nay.
(2) Phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế ở Việt Nam
Đảng và Nhà nước ta khẳng định cơ chế phát triển kinh tế hiện nay và trong giai đoạn sắp tới là chuyển mạnh sang kinh tế thị trường, thực hiện các nguyên tắc của thị trường, hình thành đồng bộ các loại thị trường và hệ thống thểchế kinh tế thị trường phù hợp với đặc điểm của nước ta. Việt Nam là quốc gia đang phát triển, cần phát triển nhanh, hài hòa các thành phần kinh tế và các loại hình doanh nghiệp.Sự phát triển đa dạng các ngành nghề, lĩnh vực, dịch vụ hoạt động trong những năm gần đây là một trong những điểm nổi bật của nền kinh tế Việt Nam trong thời kỳ hội nhập kinh tế.Chính sự phát triển đa dạng các loại hình doanh nghiệp, quy mô doanh nghiệp và ngành nghề, đặc biệt là sự phát triển của thị trường chứng khoán đã tạo ra một nhu cầu to lớn và đa dạng về đối tượng sử dụng thông tin kế toán trong nền kinh tế thịtrường ở Việt Nam hiện nay. Thông tin kế toán trở thành một kênh thông tin có ý nghĩa quan trọng đối với nhà đầu tư, người cho vay và chủ nợ, các cơ quan quản lý Nhà nước, nhà quản trị doanh nghiệp. Nói cách khác, các đặc điểm và sự phát triển của nền kinh tế thị trường ở Việt Nam đặt ra cho hệ thống kế toán Việt Nam nói chung và hệ thống BCTC nói riêng các vấn đề vừa là động lực vừa là mục tiêu hoàn thiện, đó là: hệ thống BCTC cung cấp thông tin phù hợp, hữu ích với nhiều đối tượng sử dụng trong nền kinh tế thị trường, bao gồm: nhà đầu tư, chủ nợ và các đối tượng khác; hệ thống BCTC phản ánh đầy đủ và đồng bộ các đối tượng, giao dịch phát sinh trong nền kinh tế.
(3) Đề cao tính linh hoạt của hệ thống BCTC, phù hợp với quy mô, đặcthù doanh nghiệp và tính đa dạng về đối tượng sử dụng thông tin.
Cần phải linh hoạt và đa dạng hóa BCTC, bởi vì, tính khuôn mẫu, thiếu linh hoạt, làm cho BCTC bị “ hành chính hóa”, cùng với việc chưa đặt trọng tâmvào việc đáp ứng nhu cầu sử dụng thông tin phù hợp của nhiều đối tượng sử dụng thông tin khác nhau, làm suy giảm đáng kể tính hữu ích của hệ thống BCTC. Nói cách khác, linh hoạt và đa dạng hóa BCTC sẽ góp phần nâng cao tính hữu ích của BCTC.Ở một khía cạnh khác, kinh tế thị trường ở Việt Nam hiện nay phát triển đa dạng về thành phần kinh tế, loại hình doanh nghiệp, quy mô. Điều đó đặt ra yêu cầu soạn thảo và trình bày BCTC phù hợp đặc điểm kinh doanh của các loại hình doanh nghiệp với các quy mô khác nhau, có xét tới khía cạnh cân đối giữa lợi ích và chi phí. Tính linh hoạt thể hiện ở quy định mở về phạm vi lập báo cáo, linh hoạt trong nội dung, kết cấu của báo cáo, vừa đảm bảo cung cấp thông tin tối thiểu cần thiết mang tính bắt buộc theo khuôn khổ, vừa cho phép công bố thông tin chi tiết phù hợp với quy mô, loại hình và đặc thù riêng, trên cơ sở đảm bảo các yêu cầu cơ bản của kế toán. Tính đa dạng của BCTC chính là kết quả của sự linh hoạt, trên nền tảng một hệ thống BCTC chuẩn hóa.Linh hoạt và đa dạng hóa BCTC là hai khía cạnh của cùng một vấn đề.Theo đó, linh hoạt là cơ sở của đa dạng hóa; còn đa dạng hóa là biểu hiện cụ thể của tính linh hoạt, được thực hiện trên nền tảng của sự linh hoạt.
Tài liệu tham khảo:
[1] Thông tư 200/2014/TT-BTC
[2] Chuẩn mực kế toán quốc tế trong lập và trình bày BCTC IFRS 2,7,9,13.
[3] Trịnh Lê Tân, Đào Thị Đài Trang( 2016), Tính cấp thiết trong việc triển khai áp dụng hệ thống chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế tại Việt Nam và một số kiến nghị-Kỷ yếu hội thảo Quốc gia: IFRS- Cơ hội và thách thức khi áp dụng tại việt nam.
» Danh sách Tập tin đính kèm:
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: