Bàn về phát triển về hình thức thanh toán không dùng tiền mặt
ThS. Nguyễn Khánh Thu Hằng – Đại học Duy Tân
0972211486
Tóm tắt
Hiện nay với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, dịch vụ kinh doanh thương mại điện tử trở nên “thời thượng” và sôi động, theo đó hình thức thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng được sử dụng nhiều và rộng rãi. Tuy nhiên, hình thức thanh toán này hiện nay vẫn còn nhiều vấn đề bất cập, đòi hỏi những giải pháp quyết luyệt, để thúc đẩy hơn nữa hình thức thanh toán hiện đại này.
Từ khoá: Thanh toán không dùng tiền mặt, thương mại điện tử, …
Hình thức thanh toán không dùng tiền mặt
Thanh toán không dùng tiền mặt là hình thức thanh toán trong đó không có sự xuất hiện của tiền mặt mà thanh toán bằng cách trích một số tiền từ tài khoản người chi trả chuyển trả vào tài khoản của người được hưởng theo lệnh của chủ tài khoản. Đây là hình thức thanh toán tiền hàng hoá, dịch vụ của khách hàng thông qua vai trò trung gian của ngân hàng.
Thực hiện hình thức thanh toán bằng tiền mặt mang lại nhiều ưu điểm như: Tiết kiệm được lượng tiền mặt lưu thông sẽ đỡ tốn chi phí phát hành, bảo quản, thay thế tiền mới, tiền dễ bị mất cắp, tiền giả. Hình thức thanh toán này mang lại an toàn, nhanh chóng, thuận tiện cho người trả tiền vì không phải mang theo lượng tiền mặt lớn, ngân hàng sẽ chuyển tiền khi khách hàng có yêu cầu và tiền phí giao dịch này rất thấp. Khi các bên tham gia thanh toán bắt buộc các bên phải mở tài khoản và gửi tiền trong tài khoản vì vậy lượng tiền cất giữ trong dân cư sẽ giảm đi làm tăng khả năng thanh toán của ngân hàng thương mại góp phần tạo tiền và tập trung vốn cho nên kinh tế.
Ngoài ra, khi giao dịch qua ngân hàng thì Nhà nước sẽ kiểm soát được nguồn tiền của các tổ chức kinh tế, làm tăng tính minh bạch của các giao dịch và hạn chế tình trạng rửa tiền góp phần tăng cường khả năng tài chính của quốc gia.
Phong cách sống không sử dụng tiền mặt đã được phát triển tại nhiều nước tiên tiến, nay đã bắt đầu chuyển mình tại Việt Nam khi các tổ chức tài chính lần lượt vào cuộc chơi với nhiều ưu đãi hấp dẫn cho người dùng. Trong số đó rất nhiều ngân hàng đã triển khai loạt khuyến mãi khi khách hàng trải nghiệm dịch vụ Mobile Banking, Internet Banking và trên các ví điện tử liên kết với ngân hàng,…
Ngày 22/11/2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt. Sau đó, Chính phủ Việt Nam cũng có rất nhiều động thái để khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt. Cụ thể, năm 2016, Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2016 – 2020 cũng đwocj ban hành và thực hiện. Tại đề án, Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành, tỉnh thành thúc đẩy mạnh thanh toán điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 trong năm 2019.
Mới đây, tại Nghị quyết số 02/NQ-CP, ngày 01/01/2019 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021, chính phủ cũng đặt ra yêu cầu các ngân hàng thương mại, tổ chức trung gian thanh toán áp dụng tiêu chuẩn cơ sở QR Code để đảm bảo khả năng tương thích giữa các giải pháp thanh toán trên nền QR Code.
Cũng đầu năm 2019, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư số 02/2019/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 23/2014/TT-NHNN hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sửa đổi, bổ sung thêm 02 đối tượng được mở tài khoản thanh toán. Cụ thể: Một là, các cá nhân mở tài khoản thanh toán tại ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài là người từ đủ 18 tuổi trở lên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật Việt Nam; Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự; Người chưa đủ 15 tuổi, người hạn chế năng lực hành vi dân sự, người mất năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật Việt Nam mở tài khoản thanh toán thông qua người đại diện theo pháp luật; Người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định của pháp luật Việt Nam mở tài khoản thanh toán thông qua người giám hộ. Hai là, tổ chức được thành lập, hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam bao gồm: tổ chức là pháp nhân, doanh nghiệp tư nhân, hộ kinh doanh và các tổ chức khác được mở tài khoản thanh toán tại ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định của pháp luật.
Mục tiêu của thông tư trên cũng nhằm tăng số lượng người có tài khoản ở ngân hàng, qua đó thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam.
Những động thái trên cho thấy, Chính phủ Việt Nam rất tích cực trong công cuộc phát triển thanh toán không dùng tiền mặt nhằm góp phần tái cấu trúc hệ thống ngân hàng một cách thiết thực và hiệu quả thông qua việc đa dạng hoá các dịch vụ ngân hàng, đáp ứng các nhu cầu của xã hội, cũng như hoà nhập với các nền kinh tế trên thế giới, đặc biệt là trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0.
Cùng với ngân hàng, các tổ chức phi ngân hàng cũng tham gia sân chơi thanh toán không dùng tiền mặt. Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, đến năm 2018 có 26 tổ chức không phải là ngân hàng được cơ quan này cấp phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, trong đó có 23 tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử, tập trung những tính năng nạp tiền điện thoại, thanh toán qua mã QR, thanh toán hoá đơn dịch vụ cước điện thoại di động, hoá đơn điện nước, internet, các khoản vay tài chính, vay trả góp, vay tiêu dùng, mua vé máy bay, vé xem phim, vé xe, bảo hiểm, … Trong số đó, ví điện tử thuộc công ty fintech, như: MoMo, Payoo, Vimo, Moca, … có tốc độ phát triển khá nhanh. Đơn cử như ví điện tử MoMo thuộc công ty Cổ phần dịch vụ di động trực tuyến (M_Service) hiện đã tiếp cận gần 10 triệu người dùng, mở 100.000 điểm chấp nhận thanh toán, ohucj vụ hơn 3,5 triệu khách hàng qua các dịch vụ tại quầy ở khu vực Nông thôn. Payoo đã liên kết với hơn 10.000 điểm trên toàn quốc thanh toán hơn 350 loại hoá đơn tiện ích khác nhau, ước tính giá trị giao dịch năm 2018 vào khảon 3 tỷ USD, tăng gần 50% so với năm trước đó. Moca có khoản 5 triệu người dùng. Bên cạnh đó các công ty viễn thông tham gia, như: tập đoàn VNPT có VNPT Pay là đơn vị fintech triển khai và vận hành các dịch vụ tài chính số để cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán. Viettel xây dựng hệ sinh thái thanh toán điện tử ViettelPay,…
Nhờ vậy, ở Việt Nam, tỷ lệ tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán trong vòng 10 năm qua đã giảm tương đối mạnh.
Giải pháp đẩy mạnh sử dụng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt
Mặc dù đã có những bước tiến lớn, nhưng thực tế, sự phổ biến của thanh toán không dùng tiền mặt vẫn chưa như kỳ vọng. Dữ liệu từ Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử ở Việt Nam đang ở mức 25% mỗi năm, thuộc hàng nhanh nhất khu vực, trong đó có nhiều ngành tăng vượt bậc, như: bán lẻ trực tuyến, dịch vụ chuyển phát,… Nhưng, về thanh toán trực tuyến, thống kê từ Ngân hàng thế giới (WB), Việt Nam có lượng giao dịch phi tiền mặt thấp khu vực và chỉ đạt 4,9%, trong khi tỷ lệ này ở Trung Quốc là 26,1%, Thái Lan 59,7% và Malaysia là 89%. Hiện 40% dân số Việt Nam đã có tài khoản ngân hàng, nhưng vẫn có đến 90% chi tiêu hàng ngày bằng tiền mặt, và 99% sử dụng tiền mặt khi thanh toán các mặt hàng dưới 100.000 đồng (Bạch Đông, 2019).
Theo kết quả khảo sát của Sapo (2019) với hơn 5000 chủ cửa hàng, thì hình thức thanh toán phổ biến nhất của các cửa hàng là chuyển khoản ngân hàng (hơn 90% cửa hàng được khảo sát có sử dụng), nhưng trả tiền trực tiếp tại cửa hàng là hình thức thanh toán thường được sử dụng thường xuyên nhất (tối thiểu 1-2 lần/tuần) – 75% cửa hàng sử dụng thường xuyên. Còn các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt qua thẻ tín dụng, ghi nợ, ví điện tử và QR Code, chỉ khoản 17% - 40% các cửa hàng được khảo sát có sử dụng.
Mặt khác, vẫn còn rủi ro tìm ẩn về tính bảo mật thông tin khi thanh toán theo hình thức này. Do đó thanh toán không dùng tiền mặt vẫn còn hạn chế, chưa được đông đảo người dân sử dụng và lý do không chỉ đơn giản là thói quen của người tiêu dùng, mà là sự trải nghiệm không dùng tiền mặt chưa thực sự thuận lợi bằng dùng tiền mặt. Và, khi dùng thẻ thanh toán, thì người dân sẽ tốn khoản phí để duy trì việc sử dụng thẻ, điều này một số người dân không muốn mất phí đó nên đã không sử dụng thẻ.
Do đó, để thúc đẩy và hình thành rõ nét hơn nữa thói quen thanh toán không sử dụng tiền mặt, trong thời gian tới cần lưu ý những giải pháp sau:
Về phía Nhà nước:
Cần ban hành quy định cụ thể về hành lang pháp lý liên quan đến hình thức thanh toán không dùng tiền mặt để khuyến khích người dân sử dụng.
Thực tiễn phát triển nhanh và mạnh các hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt như thời gian qua đã đặt ra các yêu cầu đòi hỏi nhất định về cơ sở pháp lý điều chỉnh các hoạt động, dịch vụ thanh toán mới. Những nội dung cần hoàn thiện không chỉ là hệ thống các văn bản liên quan đến các hoạt động thanh toán nói chung trong nền kinh tế, cả thanh toán bằng tiền mặt và thanh toán không dùng tiền mặt, mà cần tạo lập một môi trường cạnh tranh công bằng, đảm bảo khả năng tiếp cận thị trường và tiếp cận dịch vụ đối với các chủ thể có chức năng tương tự như nhau; hình thành cơ chế bảo vệ khách hàng hữu hiệu và đảm bảo quy trình giải quyết tranh chấp hiệu quả và khách quan.
Đặc biệt, cần phân định rõ quyền hạn, trách nhiệm của các chủ thể tham gia hoạt động thanh toán, trên cơ sở đó, kiểm soát rủi ro pháp lý thích hợp và đảm bảo phù hợp các chuẩn mực, thông lệ quốc tế được các định chế tài chính, tiền tệ quốc tế khuyến nghị hoặc được áp dụng chung ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cần xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu tập trung và cho phép chia sẻ, kết nối để thanh toán dịch vụ công. Đặc biệt, cần tích hợp và nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin của các đơn vị cung ứng dịch vụ công để tương thích và kết nối với các giải pháp thanh toán điện tử.
Ngoài ra, muốn phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, thì trước hết phải giúp cho người dân hiểu rõ những tiện ích của phương tiện này. Nếu người dân có hiểu biết đầy đủ hơn, thì họ sẽ cảm thấy an toàn hơn, thuận tiện và thoả mái hơn khi sử dụng dịch vụ mà ngân hàng cung cấp, từ đó tất yếu nảy sinh nhu cầu sử dụng. Vì thế cần tập trung cho công tác tuyên truyền về loại hình thanh toán này nhiều hơn nữa với người dân.
Về phía ngân hàng:
Hiện đại hoá hệ thống thanh toán điện tử của ngân hàng xây dựng được kết cấu hạ tầng hiện đại để cung cấp các sản phẩm dịch vụ đa dạng, ngày càng thoả mãn hơn các nhu cầu của khách hàng, giảm chi phí vận hành, tăng cường hiệu quả quản lý và tăng hiệu quả kinh doanh. Trong thời gian này, việc cần thiết là Cá cần tích hợp các loại thẻ với các thẻ thanh toán mà người dân đang sử dụng phổ biến để giảm thủ tục đăng ký mở thẻ và thẻ này có thể sử dụng trong nhiều hệ thống ngân hàng.
Các ngân hàng thương mại nên tập trung mở rộng vai trò của mình trong hệ sinh thái công nghệ số bằng cách hợp tác với các công ty trung gian thanh toán nhằm cung cấp đa dạng tiện ích, phục vụ nhu cầu hàng ngày cho khách hàng sử dụng thẻ của họ như mua sắm trực tuyến, liên kết với các ví điện tử để chuyển tiền, mua vé xem phim, mua vé tàu, vé máy bay, đặt khách sạn, …
Kết luận
Hình thức thanh toán không dùng tiền mặt sẽ làm giảm một lượng lớn tiền mặt trong lưu thông, góp phần giảm lạm phát và giúp nhà nước kiểm soát được lượng tiền của các tổ chức kinh tế cũng như trong dân cư. Vì vậy, muốn hình thức thanh toán không dùng tiền mặt sử dụng rộng rãi thì phía ngân hàng cũng cần cố gắng để đa dạng hóa dịch vụ sản phẩm cho người dân sử dụng, ngược lại các đơn vị cung cấp hàng hóa, dịch vụ có thể là cá thể, các đơn vị doanh nghiệp, các bộ, ban, ngành cần có chính sách, phương thức để khuyến khích người dân sử dụng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Thẻ ATM, thẻ tín dụng hay các ví điện tử... đang trở nên khá phổ biến với người dân trong các hoạt động thanh toán. Mặc dù thanh toán điện tử đang được đẩy mạnh, thanh toán di động đã trở thành xu hướng rõ nét ở nhiều nước nhưng tiền mặt vẫn còn được sử dụng nhiều trong các giao dịch nhỏ, lẻ. Tuy nhiên, xã hội không tiền mặt cũng có những vấn đề quan ngại trước những rủi ro tiềm ẩn về tính bảo mật, an toàn dữ liệu và an ninh mạng nên nhà nước cần có biện pháp để giám sát chặt chẽ an ninh mạng đảm bảo quyền lợi của người sử dụng.
Tài liệu tham khảo
» Danh sách Tập tin đính kèm:
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: