1. Những lợi ích khi sử dụng hóa đơn điện tử
@ Đối với doanh nghiệp:
Sử dụng hóa đơn điện tử giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, giảm nhiều chi phí liên quan đến các thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế.
@ Đối với ngành thuế:
Với việc hóa đơn điện tử dần thay thế hóa đơn giấy trong mua bán hàng hóa, dịch vụ, quản lý của cơ quan thuế được thực hiện theo hướng hiện đại hóa trên nền tảng công nghệ thông tin để thu thập, tổng hợp, báo cáo dữ liệu. Hóa đơn điện tử còn giúp ngành thuế xây dựng cơ sở dữ liệu, hỗ trợ công tác thanh tra, kiểm tra, hoàn thuế, phân tích rủi ro của doanh nghiệp. Khi dùng hóa đơn điện tử thì thông tin hóa đơn của doanh nghiệp được truyền về cơ quan thuế một cách liên tục, chỉ cần tra cứu trên hệ thống, nhân viên thuế có ngay dữ liệu về doanh thu, chi phí hàng ngày của doanh nghiệp, kịp thời phát hiện ra những bất thường khi doanh nghiệp xuất hóa đơn. Sử dụng hóa đơn điện tử cũng giúp cơ quan thuế kịp thời ngăn chặn hóa đơn của các doanh nghiệp bỏ trốn, mất tích, khắc phục tình trạng làm giả hóa đơn, gian lận, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp. Sử dụng hóa đơn điện tử giúp cơ quan thuế kiểm soát chặt chẽ nguồn thu
@ Đối với cơ quan hải quan:
Hóa đơn điện tử tại các cửa khẩu có được thông tin đầy đủ về hàng hóa để việc hoàn thuế nhanh chóng, chính xác,
2. Những bất lợi hiện nay khi sử dụng hóa đơn điện tử
Việc chuyển đổi từ giao dịch hóa đơn giấy sang hóa đơn điện tử là yêu cầu tất yếu của kinh doanh hiện đại, phù hợp với thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, sau thời gian thí điểm triển khai hóa đơn điện tử tại 6 tỉnh, thành phố, đến nay đã phát sinh một số vướng mắc liên quan đến việc xuất hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế, gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Trước tiên, hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế là loại hóa đơn điện tử phải được cơ quan thuế cấp mã trước khi người bán xuất hóa đơn cho người mua.
Theo Luật Quản lý thuế có 03 trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế:
(1) Doanh nghiệp, tổ chức kinh tế sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ không phân biệt giá trị từng lần bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ;
(2) Trường hợp được xác định rủi ro cao về thuế;
(3) Trường hợp đang sử dụng hóa đơn không có mã nhưng có nhu cầu sử dụng hóa đơn có mã.
Từ quy định trên, không chỉ doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế phải sử dụng hóa đơn điện tử có mã mà phần lớn doanh nghiệp (như kinh doanh ăn uống,…) đều phải sử dụng loại hóa đơn này.
Tiếp theo là vướng mắc liên quan đến việc phải xuất hóa đơn trong ngày.
Theo Nghị định 123/2020/NĐ-CP, doanh nghiệp muốn xuất hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế, trước tiên phải lập hóa đơn, ký số rồi gửi hóa đơn để chờ cơ quan thuế cấp mã. Nghĩa là khi nào cơ quan thuế cấp mã rồi thì mới xuất hóa đơn cho người mua.
Ngoài ra, tại điểm d khoản 6 Điều 8 Thông tư 78/2021/TT-BTC, quy định người bán khi sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế được khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế thì phải có trách nhiệm chuyển dữ liệu hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế đã khởi tạo từ máy tính tiền cho cơ quan thuế ngay trong ngày thông qua tổ chức cung cấp dịch vụ nhận, truyền, lưu trữ dữ liệu điện tử.
Do đó, nếu doanh nghiệp thuộc trường hợp này thì phải thực hiện xuất hóa đơn trong ngày.
Theo nội dung đã đề cập ở trên, việc xuất hóa đơn có mã của cơ quan thuế phải thực hiện trong ngày, nên dẫn đến những trường hợp có những giao dịch diễn ra vào cuối ngày thì sẽ không thể lập/xuất hóa đơn kịp trong ngày.
Ngoài ra, do phải có thêm bước gửi hóa đơn và chờ cơ quan thuế cấp mã nên thời gian lập, xuất hóa đơn bị kéo dài, dẫn đến việc xuất hóa đơn bị chậm. Việc xuất hóa đơn còn có thể bị ảnh hưởng nếu hệ thống cấp mã bị lỗi, quá tải.
3. Gỡ vướng mắc về hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế như thế nào?
Trước tiên, doanh nghiệp cần hiểu đúng quy định về đối tượng phải sử dụng hóa đơn có mã của cơ quan thuế. Không chỉ doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế phải sử dụng mà còn áp dụng với phần lớn doanh nghiệp nếu không thuộc trường hợp được sử dụng hóa đơn không có mã.
Về việc hệ thống cấp mã bị lỗi, quá tải, cơ quan thuế cần cải thiện hệ thống đường truyền, hoàn thiện phần mềm… nhằm thực hiện được thông suốt. Hiện nay, Tổng cục Thuế cũng đã triển khai, mở rộng các kênh tiếp nhận và xử lý yêu cầu hỗ trợ của NNT. Ngoài ra, trong giai đoạn thí điểm hóa đơn điện tử có mã hiện nay cũng như đang trong lộ trình áp dụng cho tất cả các doanh nghiệp áp dụng hoá đơn điện từ có mã của cơ quan thuế nhằm mục đích cơ quan thuế phát hiện kịp thời các doanh nghiệp gian lận về thuế thì nên bỏ quy định phạt xuất hoá đơn không đúng thời điểm.
Tóm lại, khi ban hành bất kỳ một chính sách nào thì phải tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân kinh doanh một cách bình thường, không nên để xảy ra vướng mắc, bất cập. Sau giai đoạn thí điểm này, cơ quan thuế cần xem xét, đánh giá, điều chỉnh quy định cho phù hợp thực tế, từ đó đảm bảo triển khai đồng bộ hóa đơn điện tử trên cả nước từ ngày 01/7/2022.
» Danh sách Tập tin đính kèm:
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: