Ảnh hưởng của áp lực quỹ thời gian kiểm toán lên hành vi giảm chất lượng kiểm toán. Tổng quan nghiên cứu và đề xuất hướng nghiên cứu tương lại.
Effect of audit time pressure on audit quality reduction behavior. Research overview and suggestions for future research directions.
Nguyễn Thị Khánh Vân
Khoa kế toán Đại học Duy Tân
Tóm tắt
Áp lực quỹ thời gian kiểm toán và và hành vi giảm chất lượng kiểm toán (CLKT) đang là vấn đề được các doanh nghiệp kiểm toán quan tâm. Bài báo đã thực hiện một nghiên cứu tổng kết các lý luận và các nghiên cứu có liên quan trên thế giới và tại Việt Nam. Điều này góp phần bổ sung vào cơ sở lý luận về ảnh hưởng của áp lực quỹ thời gian kiểm toán đến hành vi giảm CLKT tại Việt Nam, làm cở sở cho việc đề xuất hướng nghiên cứu về chủ đề này trong tương lai.
Từ khóa: Kiểm toán, áp lực quỹ thời gian, giảm chất lượng kiểm toán, hành vi giảm chất lượng kiểm toán
Abstract
The pressure of audit time and the behavior of reducing audit quality (audit quality) are issues of concern to audit firms. The article has carried out a review of relevant theories and studies in the world and in Vietnam. This contributes to the theoretical basis of the influence of audit time pressure on the reduction of audit quality in Vietnam, as a basis for proposing research directions on this topic in the future.
Keywords: Audit, time pressure, audit quality reduction, audit quality reduction behavior
1. Giới thiệu
Tại Việt Nam, cùng với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, sự tăng cường ứng dụng khoa học công nghề (KHCN) vào trong quá trình quản lý kinh doanh đã làm ảnh hưởng đáng kể trong việc vận hành doanh nghiệp và đã có những ảnh hưởng trực tiếp vào lĩnh vực Kế toán- Kiểm toán. Kiểm toán báo cáo tài chính (BCTC) đã trở thành một nhu cầu cần thiết nhằm cung cấp thông tin tài chính tin cậy cho các cổ đông và các nhà đầu tư, trong đó CLKT đóng một vai trò quan trọng. Cùng với sự gia tăng không ngững về số lượng các công ty hoạt động trong lĩnh vực kiểm toán đã làm cho các công ty kiểm toán luôn đứng trước những rủi ro đến từ môi trường kinh doanh, tính cạnh tranh ngày càng cao, áp lực từ khách hàng. Điều này buộc các công ty kiểm toán quan tâm nhiều hơn vào giá phí kiểm toán nhằm gia tăng ưu thế trong quá trình cạnh tranh. Với áp lực giảm giá phí kiểm toán đến từ sự cạnh tranh khiến các công ty kiểm toán phải cắt giảm nguồn lực phân bổ trong kiểm toán, mà cụ thể là cắt giảm quỹ thời gian kiểm toán điều này có thể dẫn đến hành vi làm giảm chất lượng kiểm toán của các kiểm toán viên (KiTV). Trong phạm vi nghiên cứu này, tác giả muốn tổng kết một số vấn đề lý luận cơ bản và tổng quan các nghiên cứu liên quan đến mối quan hệ giữa áp lực quỹ thời gian kiểm toán và hành vi giảm chất lượng kiểm toán .
2. Cơ sở lý thuyết về áp lực quỹ thời gian kiểm toán và hành vi giảm chất lượng kiểm toán
Áp lực quỹ thời gian
Theo DeZoort and Lord (1997) thì áp lực quỹ thời gian là nhận thức của một người liên quan đến khả năng họ thực hiện nhiệm vụ được giao, trong một thời hạn cụ thể. Các tác giả này cho rằng việc hoàn thành nhiệm vụ kịp thời gian là một khía cạnh quan trọng của việc thực hiện nhiệm vụ.
Theo Kelley và cộng sự (2005), áp lực quỹ thời gian kiểm toán liên quan đến việc quỹ thời gian đã được lập trong kế hoạch kiểm toán nhỏ hơn tổng số thời gian thực tế để hoàn thành nhiệm vụ. Đồng thời tác giả còn cho rằng trong lĩnh vực kiểm toán áp lực quỹ thời gian kiểm toán được phân chia làm 2 loại: áp lực quỹ thời gian và áp lực thời hạn.
● Áp lực quỹ thời gian xảy ra khi quỹ thời gian được phân bổ cho một cuộc kiểm toán nhỏ hơn so với số lượng thời gian kiểm toán thực tế để hoàn thành một cuộc kiểm toán. Điều này ảnh hưởng đến hành vi của KiTV liên quan đến việc họ thực hiện hành vi không đúng chức năng kiểm toán để hoàn thành đúng mục tiêu về thời hạn.
● Áp lực về thời hạn là áp lực sức ép xảy ra khi mà KiTV cần hoàn thành báo báo kiểm toán theo đúng thời hạn đã được đặt ra.
Handoko và cộng sự (2020) quan niệm rằng áp lực quỹ thời gian trong lĩnh vực kiểm toán là áp lực đối với KiTV trong việc hoàn thành nhiệm vụ và trách nhiệm của mình theo đúng mục tiêu về thời gian, với mục tiêu này xuất phát từ một phần của hợp đồng kiểm toán.
Từ những khái niệm về áp lực quỹ thời gian kiểm toán nêu trên thì áp lực quỹ thời gian kiểm toán có thể được hiểu chung nhất là áp lực thời gian để thực hiện và hoàn thành một công việc cụ thể trong một khoản thời gian có giới hạn trong một cuộc kiểm toán.
Chất lượng kiểm toán
Theo DeAngelo (1981) thì chất lượng của dịch vụ kiểm toán được định nghĩa là khả năng mà KiTV nhất định sẽ: (a) phát hiện ra khiếm khuyết trong hệ thống kế toán của khách hàng và (b) báo cáo các khuyết điểm này”.
Copley and Doucet (1993) phát biểu rằng “Chất lượng kiểm toán là mức độ phù hợp với chuẩn mực kiểm toán”
Watkins và cộng sự (2004) cho rằng chất lượng kiểm toán là:
· Mức độ mà một cuộc kiểm toán tuân thủ các chuẩn mực kiểm toán (CMKT);
· Khả năng KiTV phát hiện ra các sai sót trọng yếu trong BCTC và báo cáo về những lỗi này;
· Khả năng không ban hành một báo cáo kiểm toán không đủ tiêu chuẩn khi có lỗi, và;
· Tính chính xác tổng thể của thông tin được KiTV báo cáo.
Đồng thuận quan điểm của tác giả DeAngel (1981) Gul và cộng sự (2013) cũng cho rằng: “CLKT được xác định bởi khả năng của KiTV trong việc phát hiện ra các vi phạm về chuẩn mực kế toán và khuyến khích KiTV để báo cáo những vi phạm đó, tức là CLKT được đánh giá là sản phẩm của năng lực và tính độc lập của KiTV”.
CLKT là một sự bảo đảm về chất lượng sẽ được sử dụng để so sánh điều kiện thực tế với điều kiện dự kiến. Để báo cáo kiểm toán được lập bởi KiTV có chất lượng cao thì KiTV phải thực hiện công việc của mình một cách chuyên nghiệp và độc lập, tuân thủ các CMKT, thu thập đầy đủ bằng chứng và thực hiện đầy đủ các giai đoạn của thủ tục kiểm toán” là phát biểu của tác giả (Francis và Yu, 2009; Neri và Russo, 2014).
Theo CMKT Việt Nam số 220 (VSA 220) và CMKT quốc tế số 220 (ISA 220) thì CLKT được định nghĩa là sự thỏa mãn của những người sử dụng báo cáo kiểm toán vào độ tin cậy và khách quan vào ý kiến kiểm toán.
Vì vậy, có thể khẳng định CLKT là việc cung cấp mức đảm bảo cao trong một cuộc kiểm toán mà ở đó KiTV có đủ bằng chứng thích hợp, đầy đủ để có thể đưa ra ý kiến về BCTC trình bày trung thực và hợp lý.
Hành vi giảm chất lượng kiểm toán
Theo tác giả Malone và Roberts (1996) cho rằng “Hành vi làm giảm CLKT là những hành động mà KiTV thực hiện trong cuộc một kiểm toán làm giảm hiệu quả thu thập bằng chứng”. Tác giả còn cho rằng hành vi giảm CLKT là hành động của KiTV trong việc thực hiện kế hoạch kiểm toán có ảnh hưởng trực tiếp đến CLKT. Hành vi giảm CLKT được Herrbach (2001) định nghĩa là “Việc thực hiện thủ tục kiểm toán yếu kém làm giảm mức độ thu thập bằng chứng cho cuộc kiểm toán, vì vậy bằng chứng thu thập được là không đáng tin cậy, sai lệch hoặc không đầy đủ về số lượng hoặc chất lượng”.
Coram và cộng sự (2004) cho rằng hành vi giảm CLKT được xác định là những hành vi cố ý của KiTV trong quá trình thực hiện kiểm toán, điều này làm giảm hiệu quả của việc thu thập bằng chứng kiểm toán. Gundry & Liyanarachchi (2007), Kasigwa và cộng sự (2013) đã tổng hợp các hành vi làm giảm CLKT thường gặp trong các cuộc kiểm toán từ các nghiên cứu trước bao gồm:
● Kết thúc sớm một bước kiểm toán trong kế hoạch kiểm toán mà không thực sự thực hiện các thủ tục bắt buộc.
● Chấp nhận lời giải trình thiếu tính thuyết phục của khách hàng để thay thế cho các bằng chứng khác.
● Đưa ra những đánh giá hời hợt về tài liệu của khách hàng.
● Cắt giảm khối lượng công việc mà không thực hiện một thủ tục thay thế.
● Nghiên cứu không đầy đủ về các nguyên tắc kế toán
● Sử dụng mẫu thiên vị.
● Bỏ qua một số mục nghi vấn trong quá trình kiểm toán.
● Báo cáo sai lệch thời gian thực tế dành cho cuộc kiểm toán.
Tóm lại, hành vi giảm CLKT được hiểu là hành động mà KiTV thực hiện làm giảm hiệu quả thu thập bằng chứng trong cuộc kiểm toán ảnh hưởng trực tiếp đến CLKT.
3. Tổng quan các nghiên cứu về ảnh hưởng áp lực quỹ thời gian kiểm toán đến hành vi giảm CLKT.
Trên thế giới đã có rất nhiều nghiên cứu chứng minh được rằng có mối quan hệ giữa áp lực quỹ thời gian đến hành vi giảm CLKT.
Coram & Woodliff (2008) đã thực hiện một khảo sát về áp lực quỹ thời gian và hành vi giảm CLKT trong số các KiTV tại Úc. Thông qua nghiên cứu tác giả đã chỉ ra rằng tại nước Úc tỷ lệ KiTV gặp áp lực về thời gian kiểm toán chiếm tỷ lệ cao, hơn 50% KiTV cho rằng quỹ thời gian kiểm toán đáp ứng cho một cuộc kiểm toán là chỉ “thỉnh thoảng”. Áp lực về quỹ thời gian đối với các KiTV ở mức độ cao và nhiều KiTV đã đôi lần áp dụng hành vi làm giảm CLKT chiếm đến 63% tổng số người tham gia khảo sát, điều này hàm ý rằng áp lực quỹ thời gian kiểm toán sẽ tác động thuận chiều đến hành vi làm giảm CLKT của KiTV.
Nghiên cứu của Gundry và Liyanarachchi (2007) đã chứng minh rằng áp lực quỹ thời gian kiểm toán có mối quan hệ thuận chiều với hành vi KiTV thực hiện "kết thúc sớm một bước trong chương trình kiểm toán" đây là một hành vi làm giảm CLKT của KiTV (Beta = + 0.182; F = 4:788; p = 0:03), môi trường kiểm toán luôn phức tạp và áp lực quỹ thời gian kiểm toán chỉ là một trong số những lời giải thích cho hành vi giảm CLKT, tác giả còn cho rằng KiTV có khả năng kết thúc sớm một bước kiểm toán khi họ bị áp lực về thời gian. Tác giả đề xuất rằng các công ty kiểm toán phải cố gắng giảm thiểu những tác động bất lợi lên quỹ thời gian kiểm toán, để thực hiện điều này công ty kiểm toán thực hiện bằng cách không nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đạt được quỹ thời gian trong kế hoạch kiểm toán.
Nghiên cứu tại Malaysia của Nor, Smith & Ismail, Z. (2009) cung cấp bằng chứng cho thấy hành vi giảm CLKT ở Malaysia và kết quả chỉ ra rằng những KiTV làm việc tại công ty thuộc nhóm Big 4 ít gặp áp lực bỡi quỹ thời gian kiểm toán hơn nhóm công ty ngoài Big 4. KiTV không thuộc nhóm công ty Big 4 có xu hướng tham gia vào hành vi giảm CLKT với tỷ lệ hơn 70% cho rằng “đôi khi” thực hiện các hành giảm CLKT. KiTV tham gia vào hành vi giảm CLKT như là: “kiểm tra chứng từ một cách hời hợt” để giảm khối lượng công việc kiểm toán, một vài KiTV thì thực hiện hành vi “không nghiên cứu kỹ nguyên tắc kế toán” và “chấp nhận những giải trình thiếu tính thuyết phục của khách hàng”. Một phát hiện tệ nhất là tất cả các KiTV tham gia vào nghiên cứu này thừa nhận đã tham gia vào ít nhất một loại hành vi giảm CLKT, điều này có thể cho thấy rằng khi KiTV gặp áp lực quỹ thời gian kiểm toán thì KiTV có xu hướng ngày càng gia tăng tham gia vào các hành vi giảm CLKT.
Nghiên cứu của Jais và cộng sự (2016) với mục tiêu là xem xét hành vi giảm CLKT bởi KiTV bằng cách “kết thúc sớm một bước kiểm toán trong kế hoạch kiểm toán” hay không, kết quả cho thấy rằng gần như một nửa số người được hỏi trong cuộc khảo sát thường thực hiện kết thúc sớm một bước kiểm toán trong kế hoạch kiểm toán. Nguyên nhân của hành vi này là do công việc kiểm toán gấp rút, họ bị áp lực về thời gian phân bổ cho một cuộc kiểm toán không đủ so với khối lượng công việc và không có sự giám sát của KiTV cấp cao. Hầu hết những người được hỏi đều đồng ý rằng KiTV độc lập thực hiện hành vi giảm CLKT thông qua hành vi “kết thúc sớm một bước kiểm toán” điều này sẽ ảnh hưởng đến niềm tin của người sử dụng đối với độ tin cậy của báo cáo kiểm toán.
Nghiên cứu tại các doanh nghiệp kiểm toán nhỏ ở Thụy Điển của Svanström, (2016). Căn cứ vào kết quả trả lời khảo sát của 235 KiTV trong các công ty kiểm toán nhỏ ở Thụy Điển, kết quả nghiên cứu của tác giả cho rằng áp lực thời gian gây ra hậu quả tiêu cực nghiêm trọng bỡi một loạt các hành vi không đúng chức năng của KiTV, điều này đồng nghĩa với việc khi KiTV gặp áp lực thời gian họ sẽ thực hiện những hành vi không đúng chức năng, hành vi giảm CLKT là một trong những phản ứng không đúng chức năng của KiTV, tác giả cho rằng áp lực thời gian vẫn là mối quan tâm đối với những công ty kiểm toán có quy mô nhỏ, vì vậy CLKT trở nên có rủi ro cao khi KiTV đối diện với áp lực thời gian. Do nghiên cứu trên loại hình doanh nghiệp nhỏ nên khả năng có sự tương đồng về kết quả và tính trung thực của câu trả lời. Trong tương lai cần mở rộng nghiên cứu sâu hơn trên các loại hình công ty.
Một nghiên cứu khác tại Thụy điển của Pernilla Broberg và cộng sự (2017), nhằm giải thích áp lực quỹ thời gian ảnh hưởng đến CLKT. CLKT được tác giả đo lường bởi hành vi giảm CLKT bao gồm: “Kết thúc sớm một bước kiểm toán; Chấp nhận lời giải trình thiếu tính thuyết phục của khách hàng và báo cáo không đúng thời gian kiểm toán. Tác giả đã chứng minh rằng áp lực về quỹ thời gian có mối quan hệ với CLKT. KiTV gặp áp lực thời gian cao trong một cuộc kiểm toán họ sẽ có xu hướng tham gia vào hành vi giảm CLKT nhiều hơn thông qua những hành vi kết thúc sớm một bước kiểm toán và chấp nhận lời giải trình thiếu tính thuyết phục của khách hàng. Nhưng đây không phải là yếu tố duy nhất mà còn liên quan đến các biến kiểm soát khác như là giới tính, kinh nghiệm, số lượng khách hàng, quy mô công ty. Nghiên cứu cũng đóng góp một ý nghĩa thực tiễn cho thấy rằng công ty kiểm toán cần xem xét và đánh giá giữa các nguồn lực sẵn có và thiết lập ngân sách thời gian cho mỗi nhiệm vụ trong cuộc kiểm toán. KiTV trải qua áp lực thời gian,
Gaol & Berliana (2019) đã thực hiện một nghiên cứu với mục đích xem xét vai trò của vị trí kiểm soát của KiTV trong việc điều chỉnh mối quan hệ giữa áp lực quỹ thời gian và hành vi giảm CLKT. Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra rằng có một mối quan hệ thuận chiều giữa áp lực quỹ thời gian và hành vi giảm CLKT.
Nghiên cứu của Amiruddin và cộng sự (2019) nhằm xác định các mối quan hệ giữa áp lực thời gian, xung đột nơi làm việc với gia đình, sự mơ hồ về vai trò và căng thẳng trong công việc, với hành vi giảm CLKT. Thông qua nghiên cứu tác giả cũng đã chứng minh được áp lực thời gian có ảnh hưởng tích cực đến hành vi giảm CLKT. Đồng thời tác giả còn chỉ ra rằng áp lực thời gian càng cao ảnh hưởng đến căng thẳng công việc càng cao và ảnh hưởng đến hành vi giảm CLKT. Đồng thuận với những kết quả nghiên cứu trên. nghiên cứu của tác giả Intan Kalvika Sari Putu và cộng sự (2020) đã chứng minh rằng áp lực quỹ thời gian có ảnh hưởng đến hành vi giảm CLKT.
Bên cạnh những thành tựu mà các tác giả trên thế giới đã chứng minh rằng áp lực quỹ thời gian có ảnh hưởng thuận chiều đến hành vi giảm CLKT. Tại Việt Nam cũng đã có nhiều nghiên cứu tập trung vào kiểm tra mối quan hệ này.
Nghiên cứu của tác giả Trần Thị Kim Liên (2016) với mục tiêu là xác định ảnh hưởng của áp lực ngân sách thời gian kiểm toán đến những phản ứng của KiTV thông qua hành vi giảm CLKT và báo cáo không đầy đủ thời gian, kết quả đã chỉ ra rằng áp lực thời gian là nhân tố tác động thuận chiều đến hành vi làm giảm CLKT và hành vi báo cáo không đầy đủ thời gian kiểm toán thực tế.
Hoàng Thị Mỹ Linh (2018) đã thực hiện một nghiên cứu xác định ảnh hưởng của đạo đức nghề nghiệp của KiTV tác động đến CLKT tại công ty kiểm toán ở TP. HCM, tác giả đã chỉ ra rằng thời gian kiểm toán có quan hệ thuận chiều đến CLKT. Thời gian kiểm toán chiếm tỷ lệ 7.65% ảnh hưởng đến CLKT, vì vậy cần phải hạn chế áp lực thời gian trong một cuộc kiểm toán. Bên cạnh đó tác giả đã đề ra giải pháp để giảm áp lực thời gian thì KiTV có thể tiến hành kiểm toán sơ lược trong năm kiểm toán. Thời gian thực hiện kiểm toán và áp lực khối lượng công việc sẽ là áp lực làm giảm CLKT.
Nghiên cứu của Hồ Thanh Vinh (2020) chỉ ra rằng khi giảm ngân sách thời gian kiểm toán sẽ ảnh hưởng đến tính độc lập của kiểm toán viên, biến này là trung gian giữa áp lực thời gian và sự hoài nghi nghề nghiệp. Tại TP. HCM khi KiTV bị áp lực về thời gian sẽ làm giảm tính độc lập và sẽ làm giảm thái độ hoài nghi nghề nghiệp từ đó ảnh hưởng đến CLKT.
Nghiên cứu mới nhất đề cập đến ảnh hưởng của áp lực thời gian đến CLKT là nghiên cứu của Lê Thanh Trà (2021). Kết quả nghiên cứu thu đã hàm ý rằng trong kế hoạch kiểm toán tại các công ty kiểm toán, nếu thiết lập quỹ thời gian kiểm toán hạn hẹp sẽ tạo nên áp lực cho KiTV từ đó sẽ làm gia tăng hành vi giảm CLKT.
4. Đề xuất hướng nghiên cứu tương lai
Qua những nghiên cứu đã được thực hiện trước đây trên thế giới đa phần kết quả nghiên cứu đã chứng minh rằng áp lực quỹ thời gian kiểm toán có ảnh hưởng thuận chiều đến hành vi giảm CLKT. Về khía cạnh những nghiên cứu liên quan đến áp lực quỹ thời gian kiểm toán đến hành vi giảm CLKT tại Việt Nam thì các công trình nghiên cứu vẫn còn hạn chế. Vì vậy, sự cần thiết phải thực hiện những nghiên cứu thực nghiệm có lien quan về ảnh hưởng của áp lực quỹ thời gian lên hành vi giảm chất lượng kiểm toán để giúp các công ty kiểm toán có những điều chỉnh phù hợp nhằm đảm bảo chất lượng kiểm toán, duy trì niềm tin công chứng đối với nghề nghiệp kiểm toán. Trong tương lại cần thực hiện các nghiên cứu mở rộng làm rõ các hành vi làm giảm CLKT của KiTV dưới áp lực quỹ thời gian kiểm toán; Nghiên cứu sự tương tác giữa các nhân tố khác như tính cách, vị trí công tác của KiTV, các mối quan hệ gia đình với công việc và áp lực quỹ thời gian có ảnh hưởng đáng kể đến hành vi giảm CLKT,… nhằm giúp cho các nhà quản lý tại các công ty kiểm toán có những hiểu biết sâu hơn về ảnh hưởng của áp lực quỹ thời gian kiểm toán đến hành vi giảm CLKT từ đó có kế hoạch phân bổ quỹ thời gian kiểm toán phù hợp, làm cơ sở để doanh nghiệp kiểm toán nâng cao CLKT. Từ đó góp phần nâng cao giá trị và uy tín của công ty tạo nên một lợi thế cạnh tranh cho công ty kiểm toán Việt Nam.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số
Chuẩn mực kiểm toán quốc tế số 220
Hồ Thanh Vinh (2020) “Ảnh hưởng của áp lực giảm ngân sách về thời gian đến tính độc lập và sự hoài nghi nghề nghiệp của kiểm toán viên tại TP HCM”. Luận văn thạc sĩ Trường đại học Kinh tế TP HCM.
Hoàng Thị Mỹ Linh (2018) “Ảnh hưởng của đạo đức nghề nghiệp của kiểm
toán viên tới chất lượng kiểm toán tại các công ty kiểm toán ở TP HCM” Luận
văn thạc sĩ Trường đại học Kinh tế TP HCM.
Lê Thanh Trà (2021), “Ảnh hưởng của áp lực quỹ thời gian kiểm toán, tính cách của kiểm toán viên đến hành vi giảm chất lượng kiểm toán tại các công ty kiểm toán ở TP Hồ Chí Minh” Luận văn thạc sĩ Trường đại học Kinh tế TP HCM.
Trần Thị Kim Liên (2016) “Nghiên cứu thực nghiệm về áp lực thời gian kiểm toán với phản ứng của kiểm toán viên tại công ty kiểm toán Việt Nam” Luận văn thạc sĩ Trường đại học Kinh tế TP HCM.
Danh mục tài liệu tiếng anh
Amiruddin và cộng sự (2019) “The Effects Of Time Pressure, Work-Family Conflict And Role Ambiguity On Work Stress And Its Effect On Audit Quality Reduction Behavior” International Journal of Law and Management (2019).
Copley, P. A., & Doucet, M. S. (1993). The impact of competition on the quality of governmental audits. Auditing, 12(1),88.
Coram, P., Ng, J., & Woodliff, D. (2003). “A survey of time budget pressure and reduced audit quality among Australian auditors”. Australian Accounting Review, 13(29), 38-44.
Coram, P., Ng, J. and Woodliff, D.R. (2004), “The effect of risk of misstatement on the propensity to commit reduced audit quality acts under time budget pressure”, Auditing: A Journal of Practice and Theory, Vol. 23, pp. 159-67.
DeZoort, F. T. dan Lord, A. T. 1997. “A Review and Syntesis of Pressure Effects in Accounting”. Journal of Accounting Literature, 16(1): 28-86.
DeAngelo, L. E. (1981). “Auditor size and audit quality”. Journal of accounting and economics, 3(3), 183-199.
Gaol, L., & Berliana, M. (2019). “Time Budget Pressure, Auditor Locus Of Control And Audit Quality Reduction Behavior”. Auditor Locus Of Control And Audit Quality Reduction Behavior (August 20, 2019).
Gundry, L. C., & Liyanarachchi, G. A. (2007) “Time budget pressure, auditors' personality type, and the incidence of reduced audit quality practices”. Pacific Accounting Review.
Gul, F. A., Wu, D., & Yang, Z. (2013). “Do Individual Auditors Affect Audit Quality? Evidence from Archival Data”. The Accounting Review, 88(6).Refita, W. S., Febrianto, R., & Kartika, R. Factors Affecting the Reduced
Handoko, B. L., & Pamungkas, H. R. (2020). “Effect of Independence, Time Budget Pressure, and Auditor Ethics on Audit Quality”. International Journal of Psychosocial Rehabilitation, 24(9).
Herrbach, O. (2001). “Audit quality, auditor behavior and the psychological
contract”. The European Accounting Review, 787-802
Jais, K. M., Nawawi, A., & Salin, A. S. A. P. (2016). “Reduction of audit quality by auditors of small and medium size audit firms in Malaysia: A case of premature sign-off of audit documents”. Journal of Accounting, Business and Management (JABM), 23(2), 1-12.
Kasigwa, G., Munene, J. C., Ntayi, J. and Nkote, I., (2013), “Reduced audit quality behavior among auditors in Uganda”, African Journal of Accounting, Economics, Finance and Banking Research, Vol. 9 No. 9, pp. 25-37
Kelley, T., Margheim, L. and Pattison, D. (2005), “An empirical analysis of
the effects of auditor time budget pressure and time deadline pressure”,
Journal of Applied Business Research, Vol. 21, pp. 23-35.
Malone, C. F., & Roberts, R. W. (1996). “Factors associated with the incidence of reduced audit quality behaviors”. Auditing: A Journal of Practice & Theory, 49-64
Nor, M. N. M., Smith, M., & Ismail, Z. (2009). “Auditors’ perception of time budget pressure and reduced audit quality practices: a preliminary study from malaysian context”. Journal of Edith Cowan University.
Pernilla Broberg và cộng sự (2017), “Explaining the influence of time budget pressure on audit quality in Sweden”, Journal of Management & Governance, 21(2), 331-350.
Svanström, T. (2016). “Time pressure, training activities and dysfunctional
auditor behaviour: evidence from small audit firms”. International Journal of
Auditing, 20(1), 42-51.
Watkins, A. L., Hillison, W., & Morecroft, S. E. (2004). Audit quality: A synthesis of theory and empirical evidence. Journal of accounting literature, 23, 153.
Willett, C. and Page, M. (1996), “A survey of time budget pressure and irregular auditing practices among newly qualified UK chartered accountants”, British Accounting Review, Vol. 28, pp. 101-2
» Danh sách Tập tin đính kèm:
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: