ThS. Nguyễn Khánh Thu Hằng- Đại học Duy Tân
ThS. Nguyễn Thị Đoan Trang – Đại học Duy Tân
0972211486
Tóm tắt
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang dự thảo Thông tư quy định về việc áp dụng lãi suất rút trước hạn tiền gửi tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, thay thế Thông tư 04/2011/TT-NHNN ngày 10/3/2011. Bài viết này trao đổi về việc áp dụng lãi suất rút trước hạn tiền gửi tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Từ khoá: Tổ chức tín dụng, lãi suất, rút trước hạn, …
Theo biểu lãi suất huy động tiết kiệm của các NH, những kỳ hạn càng dài thì lãi suất càng cao, thế nhưng tâm lý khách hàng sợ cần tiền đột xuất nên thường chọn kỳ hạn gửi ngắn để tránh rút trước hạn gây mất lãi nhiều. Lãi suất không kỳ hạn của các ngân hàng hiện nay ở mức gần 0%, dao động từ 0,1 - 0,3%/năm, nên nếu có cần tiền đột xuất mà rút và bị tính lãi không thời hạn thì coi như không còn bao nhiêu lãi. Ví dụ: Khách hàng gửi 200.000.000 VNĐ tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng sẽ được hưởng lãi suất 6%/năm. Tiền lãi dự kiến thu về khi gửi đúng hạn = 200.000.000*(6%/12) * 6 = 6.000.000 VNĐ. Tuy nhiên sau 2 tháng khách hàng quyết định rút 50.000.000 VNĐ ra thì lúc này số tiền khách hàng gửi sẽ được hưởng lãi tiền gửi không kỳ hạn là 0.1%/năm. Tiền lãi thu về thực tế lúc này = 200.000.000*(0.1%/12) * 2 = 33.333 VNĐ. Sau đó khách hàng sẽ gửi lại 150.000.000 VNĐ theo lãi suất hiện tại và kỳ hạn mới bắt đầu từ lúc khách hàng gửi 150.000.000 VNĐ này vào ngân hàng. Như vậy có thể thấy khi khách hàng rút triền trước hạn thì số tiền lãi nhận được sẽ nhỏ hơn rất nhiều so với khi tất toán sổ tiết kiệm đúng hạn. Điều này làm khách hàng mất đi một khoản lợi ích.
Vì vậy, Theo quy định tại Thông tư số 04, tổ chức tín dụng áp dụng lãi suất tối đa bằng mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn thấp nhất của tổ chức tín dụng theo từng đồng tiền trong trường hợp tổ chức, cá nhân rút tiền gửi trước hạn; mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn này là thấp nhất tại thời điểm tổ chức, cá nhân rút tiền gửi trước hạn. Tuy nhiên, thời gian qua có một số khó khăn và vướng mắc đối với một số tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh thành phố thực hiện theo thông tư 04 này. Vì vậy, theo Ngân hàng Nhà nước, để có cơ sở pháp lý cho các tổ chức tín dụng áp dụng thống nhất quy định lãi suất đối với trường hợp rút tiền gửi trước hạn, tạo điều kiện phát triển các sản phẩm huy động vốn ngày càng đa dạng, đáp ứng nhu cầu thị trường trong bối cảnh thị trường tiền tệ hiện nay; đồng thời để đảm bảo đồng bộ của các quy định pháp luật có liên quan (Thông tư 48, Thông tư 49 và Thông tư 01), cần xem xét, nghiên cứu ban hành Thông tư quy định về việc áp dụng lãi suất rút trước hạn tiền gửi tại tổ chức tín dụng thay thế Thông tư 04.
Dự thảo Thông tư có 8 điều, trong đó nêu rõ: Rút trước hạn tiền gửi là trường hợp khách hàng rút một phần hoặc toàn bộ tiền gửi trước ngày đến hạn hoặc ngày chi trả hoặc ngày thanh toán của khoản tiền gửi; TCTD và khách hàng phải thỏa thuận việc rút trước hạn tiền gửi, vì về bản chất, việc rút một phần trước hạn tiền gửi làm thay đổi về kỳ hạn và lượng tiền gửi theo hướng kỳ hạn của phần tiền gửi rút trước hạn bị thu ngắn và lượng tiền gửi giảm so với số tiền gửi ban đầu của khách hàng tại TCTD.
Dự thảo Thông tư quy định cụ thể đối với trường hợp khách hàng rút trước hạn toàn bộ tiền gửi và trường hợp khách hàng rút trước hạn một phần tiền gửi để tạo cơ sở pháp lý cho các TCTD áp dụng thống nhất quy định lãi suất đối với trường hợp rút tiền gửi trước hạn; đồng thời, tạo điều kiện để TCTD phát triển các sản phẩm huy động vốn ngày càng đa dạng, đáp ứng nhu cầu thị trường trong bối cảnh thị trường tiền tệ hiện nay, cụ thể:
Trường hợp 1: Khách hàng rút trước hạn toàn bộ tiền gửi: TCTD áp dụng mức lãi suất tối đa bằng mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn thấp nhất của TCTD đó theo đối tượng khách hàng và/hoặc theo loại đồng tiền đã gửi tại thời điểm khách hàng rút trước hạn tiền gửi. Ví dụ: KH A có khoản tiền gửi tiết kiệm 100.000.000 VNĐ với kỳ hạn 6 tháng (01/01/N – 01/07/N), Lãi suất là 6%/năm. Đến ngày 1/2/N Khách hàng A này đến rút tiền trước hạn 100.000.000VNĐ, NH sẽ áp dụng mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn thấp nhất vào ngày 1/2/N là 0,1%/năm.
Trường hợp 2: Khách hàng rút trước hạn một phần tiền gửi:
a- Đối với phần tiền gửi rút trước hạn, TCTD áp dụng mức lãi suất tối đa bằng mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn thấp nhất của TCTD đó theo đối tượng khách hàng và/hoặc theo loại đồng tiền đã gửi tại thời điểm khách hàng rút trước hạn phần tiền gửi. Ví dụ: KH A có khoản tiền gửi tiết kiệm 100.000.000 VNĐ với kỳ hạn 6 tháng (01/01/N – 01/07/N), Lãi suất là 6%/năm. Đến ngày 1/2/N Khách hàng A này đến rút tiền trước hạn 40.000.000VNĐ, NH sẽ áp dụng mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn thấp nhất vào ngày 1/2/N là 0,1%/năm đối với khoản tiền 40.000.000 VNĐ
b- Đối với phần tiền gửi còn lại, TCTD và khách hàng thỏa thuận mức lãi suất không vượt quá mức lãi suất đang áp dụng đối với khoản tiền gửi mà khách hàng rút trước hạn một phần. Mức lãi suất này được áp dụng cho toàn bộ kỳ hạn gửi tiền. Ví dụ: KH A có khoản tiền gửi tiết kiệm 100.000.000 VNĐ với kỳ hạn 6 tháng (01/01/N – 01/07/N), Lãi suất là 6%/năm. Đến ngày 1/2/N Khách hàng A này đến rút tiền trước hạn 40.000.000VNĐ, NH sẽ áp dụng mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn thấp nhất vào ngày 1/2/N là 0,1%/năm đối với khoản tiền 40.000.000 VNĐ. Khoảng tiền 60.000.000 VNĐ còn lại thì NH và KH sẽ thoả thuận nhưng không vượt quá mức lãi suất 6%/năm và được áp dụng cho cả kỳ hạn từ 01/01/N -01/07/N. Như vậy, khi khách hàng được rút một phần tiền gửi tiết kiệm khi cần mà vẫn bảo toàn được phần lãi đối với số tiền gửi còn lại sẽ tạo tâm lý an tâm lựa chọn những kỳ hạn gửi dài có lãi suất cao hơn sẽ giúp khách hàng có lợi hơn khi lựa chọn kỳ hạn gửi tiết kiệm.
Hình thức tiền gửi rút trước hạn bao gồm tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn, tiền gửi có kỳ hạn, chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu và trái phiếu của tổ chức tín dụng phát hành và các hình thức nhận tiền gửi có kỳ hạn khác theo quy định tại Luật các tổ chức tín dụng.
Tiền gửi có kỳ hạn chính là khoản tiền nhàn rỗi hoặc khoản tiền đầu tư của khách hàng được gửi tại ngân hàng với một kỳ hạn cụ thể. Mức lãi suất hàng kỳ mà khách hàng được hưởng sẽ được ấn định ngay từ thời điểm mở sổ tiết kiệm và kéo dài cho đến cuối kỳ hạn. Kỳ hạn gửi tiền tiết kiệm rất linh động. Khách hàng có thể lựa chọn kỳ hạn theo tuần, theo tháng, theo quý hoặc theo năm và chỉ có thể nhận đủ tiền lãi nếu rút tiền tại thời điểm đã thỏa thuận trong hợp đồng với khách hàng. Trong trường hợp đến ngày tất toán mà khách hàng không đến nhận tiền thì ngân hàng sẽ chủ động quay vòng cả vốn và lãi thêm một kỳ hạn nữa. Và lúc này, mức lãi suất tiền gửi sẽ được áp dụng bằng với mức lãi suất hiện hành tại thời điểm bấy giờ. Hiện nay trên thị trường tài chính, hầu hết mọi ngân hàng đều hỗ trợ khách hàng mở sổ tiết kiệm có kỳ hạn với hạn mức tối thiểu là 1 triệu đồng. Gửi tiết kiệm có kỳ hạn là một trong những hình thức gửi tiền mang lại lợi ích lớn nhất cho người dùng.
Kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu (gọi là giấy tờ có giá) là bằng chứng xác nhận nghĩa vụ trả nợ giữa tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phát hành với người mua giấy tờ có giá trong một thời hạn nhất định, điều kiện trả lãi và các điều kiện khác. Cụ thể:
Chứng chỉ tiền gửi là bằng chứng xác nhận nghĩa vụ trả nợ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phát hành đối với người mua trong một thời hạn nhất định, điều kiện trả lãi và các điều kiện khác. Hiểu một cách đơn giản, chứng chỉ tiền gửi là một loại giấy tờ có giá do ngân hàng phát hành để huy động vốn từ các tổ chức và cá nhân khác. Tương tự sổ tiết kiệm, ngân hàng phát hành chứng chỉ tiền gửi để chứng nhận quyền sở hữu của khách hàng đối với một khoản tiền gửi có kỳ hạn tại ngân hàng. Chứng chỉ tiền gửi có ba loại chính là: Chứng chỉ tiền gửi ghi danh: Là giấy tờ có giá phát hành theo hình thức chứng chỉ hoặc ghi sổ có ghi tên người sở hữu; Chứng chỉ tiền gửi vô danh: Là giấy tờ có giá phát hành theo hình thức chứng chỉ không ghi tên người sở hữu. Chứng chỉ tiền gửi vô danh thuộc quyền sở hữu của người nắm giữ chứng chỉ tiền gửi; Chứng chỉ tiền gửi ghi sổ: Là loại chứng chỉ tiền gửi không thể chuyển nhượng, được bán theo mệnh giá và trả lãi vào ngày đáo hạn.
Kỳ phiếu là một văn bản có nội dung cam kết trả tiền vô điều kiện do người lập phiếu phát ra, hứa trả một số tiền nhất định cho người hưởng lợi hoặc theo lệnh của người này trả cho người khác quy định trong kỳ phiếu đó.
Tín phiếu là chứng chỉ ghi nhận khoản nợ ngắn hạn được phát hành theo phương thức do pháp luật quy định để vay tiền. Tín phiếu xác nhận quyền chủ nợ, quyền được hưởng lợi tức ổn định của người sở hữu và nghĩa vụ tương ứng của chủ thể phát hành. Vì vậy, tín phiếu có nghĩa là phiếu làm tin cho người sở hữu nó. Cách thức phát hành tín phiếu do pháp luật quy định tùy thuộc vào loại tín phiếu và ai là người phát hành. Tín phiếu được chia thành 2 loại là: Tín phiếu kho bạc là công cụ vay nợ ngắn hạn của chính phủ do Kho bạc phát hành để bù đắp cho những thiếu hụt tạm thời của ngân sách nhà nước. Tín phiếu kho bạc thuộc loại chứng khoán chiết khấu, nghĩa là nó không được nhà phát hành trả lãi, tuy nhiên lại được bán với mức giá chiết khấu tức là giá thấp hơn mệnh giá. Khi đến hạn, nhà đầu tư được nhận lại đủ mệnh giá, vì vậy phần chênh lệch giữa mệnh giá chứng khoán và giá mua chứng khoán chính là lãi của nhà đầu tư. Và Tín phiếu Ngân hàng Nhà nước là loại công cụ nợ do ngân hàng nhà nước phát hành với mục đích là hút tiền về nhằm thắt chặt chính sách tiền tệ. Tín phiếu do Ngân hàng Nhà Nước phát hành cho các tổ chức tín dụng hoạt động trên lãnh thổ nước Việt Nam. Tổ chức đó có hoạt động, tính pháp lý rõ ràng, có tài khoản thành toán bằng đồng tiền Việt tại Ngân hàng Nhà Nước. Tín phiếu được ngân hàng phụ trách phát hành, hạch toán, thanh toán bằng đồng Việt Nam.
Trái phiếu là loại chứng khoán xác nhận nghĩa vụ nợ của TCTD, doanh nghiệp hoặc chính phủ với người nắm giữ. Đơn vị phát hành trái phiếu phải trả lợi tức cho người sở hữu trái phiếu và hoàn trả khoản tiền vay khi trái phiếu đáo hạn. Thu nhập của trái phiếu được gọi là lợi tức - là khoản tiền lãi được trả cố định thường kỳ cho người nắm giữ và không phụ thuộc vào tình hình kinh doanh của đơn vị phát hành. Trái phiếu là chứng khoán nợ, vì vậy khi công ty bị giải thể hoặc phá sản, người nắm giữ trái phiếu được ưu tiên thanh toán trước cổ đông nắm giữ cổ phiếu. Khác với người nắm giữ cổ phiếu, trái chủ (người nắm giữ trái phiếu) không có quyền tham gia vào hoạt động của công ty. Có nhiều loại trái phiếu khác nhau, được phân loại tuỳ theo đơn vị phát hành (trái phiếu doanh nghiệp, trái phiếu chính phủ), lợi tức (lãi suất cố định, lãi suất thả nổi, lãi suất bằng 0), mức độ đảm bảo thanh toán, hình thức và tính chất trái phiếu...
Thông tư này quy định về việc áp dụng lãi suất rút trước hạn hoặc chi trả trước hạn hoặc thanh toán trước hạn tiền gửi theo thỏa thuận (sau đây gọi là rút trước hạn tiền gửi) của tổ chức (không bao gồm tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài), cá nhân gửi tiền tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Thông tư này không điều chỉnh đối với trường hợp tổ chức tín dụng và khách hàng đã thỏa thuận về việc không rút trước hạn tiền gửi. Đối với các khoản tiền gửi có kỳ hạn tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được sử dụng làm tài sản bảo đảm để thực hiện các nghĩa vụ theo thỏa thuận giữa các bên, việc áp dụng lãi suất rút tiền gửi trước hạn được thực hiện theo quy định tại văn bản riêng của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Trường hợp văn bản riêng của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có quy định việc áp dụng Thông tư này hoặc các nội dung liên quan đến lãi suất rút trước hạn không được quy định tại văn bản riêng, thì thực hiện theo quy định tại Thông tư này.
Tổ chức tín dụng phải niêm yết công khai lãi suất rút trước hạn tiền gửi tại địa điểm giao dịch của tổ chức tín dụng và đăng tải trên trang thông tin điện tử (nếu có) của tổ chức tín dụng. Đối với các thỏa thuận lãi suất rút trước hạn tiền gửi trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành, tổ chức tín dụng và khách hàng tiếp tục thực hiện theo thỏa thuận đã cam kết cho đến ngày đến hạn, ngày chi trả hoặc ngày thanh toán của khoản gửi tiền; hoặc thỏa thuận thực hiện theo quy định tại Thông tư này.
Kết luận
Khi ban hành Thông tư quy định về việc áp dụng lãi suất rút trước hạn tiền gửi tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài sẽ mang lại lợi ích cho khách hàng. Khách hàng có thể rút một phần tiền gửi của mình với lãi suất không kỳ hạn và phần tiền gửi còn lại vẫn giữ nguyên kỳ hạn với mức lãi suất thỏa thuận không vượt quá mức lãi suất đang áp dụng đối với khoản tiền gửi mà khách hàng rút trước hạn một phần. Điều này sẽ giúp khách hàng yên tâm gửi một khoản tiền có kỳ hạn lớn để hưởng lãi suất cao nhưng có thể rút một phần tiền gửi có kỳ hạn nhưng không bị mất đi phần lãi tương ứng với số tiền gửi có kỳ hạn còn lại. Như vậy, khách hàng sẽ gửi tiết kiệm kỳ hạn dài hơn để có được mức lãi suất cao vì không còn lo lắng mất hết lãi khi rút 1 khoản tiền trong số tiền đang gửi tiết kiệm.
Tài liệu tham khảo
1. Dự thảo Thông tư quy định về việc áp dụng lãi suất rút trước hạn tiền gửi tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài
2. Thông tư 04/2011/TT-NHNN ngày 10/03/2011, “Quy định áp dụng lãi suất trong trường hợp tổ chức, cá nhân rút tiền gửi trước hạn tại TCTD”
3. https://thebank.vn/blog/14187-rut-tien-gui-tiet-kiem-truoc-thoi-han-duoc-hay-khong.html
» Danh sách Tập tin đính kèm:
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: