Nguyễn Thị Khánh Vân
Trong lĩnh vực kiểm toán, trọng yếu là một khái niệm thường xuyên được nhắc đến, đặc biệt là trong kiểm toán BCTC. Trọng yếu là khái niệm chỉ tầm quan trọng của một thông tin kế toán mà trong trường hợp cụ thể, nếu các thông tinđó bị trình bày sai lệch hoặc bị bỏ sót sẽ làm thay đổi hoặc ảnh hưởng tới quyết định của những người sử dụng thông tin.
Chuẩn mực Kiểm toán Việt Nam Số 320 định nghĩa về trọng yếu:
Trọng yếu: Là thuật ngữ dùng để thể hiện tầm quan trọng của một thông tin (một số liệu kế toán) trong báo cáo tài chính. Thông tin được coi là trọng yếu có nghĩa là nếu thiếu thông tin đó hoặc thiếu tính chính xác của thông tin đó sẽ ảnh hưởng đến các quyết định kinh tế của người sử dụng báo cáo tài chính;
Mức trọng yếu: Là một mức giá trị do kiểm toán viên xác định tùy thuộc vào tầm quan trọng và tính chất của thông tin hay sai sót được đánh giá trong hoàn cảnh cụ thể. Mức trọng yếu là một ngưỡng, một điểm chia cắt chứ không phải là nội dung của thông tin cần phải có. Tính trọng yếu của thông tin phải được xem xét cả trên phương diện định lượng và định tính;
Mức trọng yếu thực hiện: Là một mức giá trị hoặc các mức giá trị do kiểm toán viên xác định ở mức thấp hơn mức trọng yếu đối với tổng thể báo cáo tài chính nhằm giảm khả năng sai sót tới một mức độ thấp hợp lý để tổng hợp ảnh hưởng của các sai sót không được điều chỉnh và không được phát hiện không vượt quá mức trọng yếu đối với tổng thể báo cáo tài chính. Trong một số trường hợp, “mức trọng yếu thực hiện” có thể hiểu là mức giá trị hoặc các mức giá trị do kiểm toán viên xác định thấp hơn mức hoặc các mức trọng yếu của một nhóm các giao dịch, số dư tài khoản hoặc thông tin thuyết minh trên báo cáo tài chính.
Thông tin được coi là trọng yếu có nghĩa là nếu thiếu thông tin đó hoặc thiếu tính chính xác của thông tin đó sẽ ảnh hưởng đến các quyết định của người sử dụng BCTC. Mức trọng yếu tuỳ thuộc vào tầm quan trọng và tính chất của thông tin hay của sai sót được đánh giá trong hoàn cảnh cụ thể. Mức trọng yếu là một ngưỡng, một điểm chia cắt chứ không phải là nội dung của thông tin cần phải có. Tính trọng yếu của thông tin phải xem xét cả trên phương diện định lượng và định tính”
Như vậy, mức trọng yếu là một ngưỡng, một điểm chia cắt chứ không phải là nội dung của thông tin cần phải có. Mức trọng yếu là lượng sai lệch tối đa có thể chấp nhận được của thông tin trên BCTC. Vượt trên mức sai lệch này sẽ làm người đọc BCTC hiểu sai về tình hình tài chính của đơn vị được kiểm toán. Tuy nhiên, một sai phạm dù nhỏ nhưng có thể làm nảy sinh các vấn đề liên quan khác có tác động dây chuyền, ảnh hưởng nghiêm trọng đến mức độ hợp lý và mức độ tin cậy của BCTC hoặc làm thay đổi bản chất của thông tin trên BCTC và có thể dẫn đến việc hiểu sai của người sử dụng BCTC về bản chất các thông tin tài chính của đơn vị thì cũng được coi là trọng yếu. Chính vì thế, trọng yếu, xét trong quan hệ với nội dung kiểm toán, là khái niệm chung chỉ rõ tầm cỡ và tính hệ trọng của sai phạm có ảnh hưởng tới tính đúng đắn của việc nhận thức, đánh giá đối tượng kiểm toán và việc sử dụng thông tin đã đánh giá đó để đưa ra quyết định quản lý. Trên góc độ
người sử dụng thông tin, một thông tin được coi là trọng yếu và cần phải được trình bày trên BCTC nếu nó có khả năng ảnh hưởng tới các quyết định của người sử dụng.
Như vậy, khái niệm trọng yếu bao hàm hai mặt liên quan tới nhận thức đối tượng: Quy mô và bản chất của sai phạm.
Về quy mô, trọng yếu được xem xét trên hai góc độ: Quy mô tuyệt đối và quy mô tương đối. Quy mô tuyệt đối là một con số tuyệt đối thể hiện mức quan trọng mà không cần cân nhắc thêm bất kỳ một yếu tố nào khác. Tuy nhiên, trong thực tế rất khó ấn định một con số cụ thể về mức trọng yếu, đặc biệt là khi có yếu tố ảnh hưởng tiềm ẩn: Một số tiền cụ thể có thể là trọng yếu đối với công ty này nhưng lại là quá nhỏ đối với một công ty khác. Vì thế, đưa ra một con số tuyệt đối về mức trọng yếu để áp dụng cho các đơn vị khác nhau là điề không thể. Vì vậy, mức trọng yếu thường được xác định theo quy mô tương đối hơn là theo quy mô tuyệt đối. Quy mô tương đối là mối quan hệ tương quan giữa giá trị của đối tượng
cần đánh giá với trị số của một chỉ tiêu làm số gốc. Số gốc thường khác nhau
trong mỗi tình huống. Chẳng hạn, với báo cáo kết quả kinh doanh, số gốc có thể là doanh thu, thu nhập thuần hoặc bình quân thu nhập của mấy năm gần nhất. Ví dụ, KTV có thể đánh giá nếu tổng hợp các sai phạm mà có tỷ lệ nhỏ hơn 5% so với giá trị lợi nhuận thuần thì được xem là không trọng yếu nhưng nếu lớn hơn 10% thì chắc chắn trọng yếu; với bảng cân đối kế toán, số gốc có thể là giá trị tài sản ngắn hạn hoặc tổng tài sản… Ngoài ra, xem xét về quy mô của trọng yếu, chú ý không chỉ quy mô tuyệt đối hay quy mô tương đối mà cả mức độ ảnh hưởng luỹ kế của đối tượng xem xét. Theo Đoạn 07, Chuẩn mực Kiểm toán Việt Nam Số 320: “KTV cần xem xét tới khả năng có nhiều sai sót là tương đối nhỏ nhưng tổng hợp lại có ảnh hưởng trọng yếu đến BCTC, như: một sai sót trong thủ tục hạch toán cuối tháng có thể trở thành một sai sót trọng yếu, tiềm tàng nếu như sai sót đó cứ tiếp tục tái diễn vào mỗi tháng”. Có nhiều sai phạm khi xem xét một cách cô lập thì chúng không đủ trọng yếu do quy mô nhỏ. Tuy nhiên, nếu cộng dồn tất cả những sai phạm sẽ phát hiện thấy sự liên quan và tính hệ thống của sai phạm và khi đó những sai phạm đó được xem là trọng yếu.
Như vậy, quy mô trọng yếu được xác định tuỳ thuộc vào đối tượng kiểm
toán cụ thể, khách thể kiểm toán (với đặc điểm hoạt động kinh doanh và quy mô khác nhau)… Khi đó, quy mô của các sai phạm không chỉ được đánh giá bằng con số tuyệt đối mà phải đặt trong tương quan với toàn bộ đối tượng kiểm toán. Mặt khác, việc đánh giá tuỳ thuộc vào điều kiện cụ thể để xem xét riêng biệt hay cộng dồn các sai phạm.
Về bản chất, khái niệm trọng yếu gắn với tính hệ trọng của vấn đề xem xét. Xem xét mặt định tính chỉ cần thiết khi nó ảnh hưởng đến bản chất của khoản mục hay vấn đề đang được đánh giá. Liên quan tới vấn đề này, tất cả các nghiệp vụ, khoản mục được xem là trọng yếu thường bao gồm:
Thứ nhất, Các khoản mục, nghiệp vụ có gian lận hoặc chứa đựng khả năng gian lận
Với cùng một quy mô tiền tệ, gian lận thường được chú trọng hơn sai sót bởi gian lận luôn liên quan tới tính trung thực và độ tin cậy của ban giám đốc và những người có liên quan. Do đó, một hành vi gian lận luôn được coi là trọng yếu dù quy mô nhỏ. Các khoản mục, nghiệp vụ có gian lận hoặc chứa đựng khả năng gian lận thường bao gồm:
Một là, Các nghiệp vụ đấu thầu và giao thầu, giao dịch không hợp pháp Những nghiệp vụ này thường chứa đựng khả năng gian lận vì thường có sự móc nối, phối hợp giữa bên giao thầu và bên nhận thầu để thu lợi cho một số cá nhân…;
Hai là, Các nghiệp vụ thanh lý tài sản Tài sản khi hết thời hạn khấu hao hoặc không còn cần thiết cho sử dụng thì được thanh lý. Trong nhiều trường hợp, tài sản vẫn còn sử dụng được nhưng lại được thanh lý với giá thấp do có sự liên kết giữa người tiến hành thanh lý và người mua tài sản thanh lý;
Ba là, Các nghiệp vụ về tiền mặt Tiền mặt có đặc điểm là gọn nhẹ, dễ di chuyển, cất trữ. Các nghiệp vụ về tiền mặt thường xảy ra với số lượng lớn, diễn ra thường xuyên hàng ngày, hang giờ, vì vậy dễ sai sót và thậm chí có gian lận phát sinh liên quan đến tiền mặt;
Bốn là, Các nghiệp vụ về mua bán và thanh toán Trong các quan hệ mua bán và thanh toán dễ có sự liên kết giữa các cá nhân trong đơn vị với bên mua hoặc bên bán để kiếm lợi cho bản thân nên cũng chứa đựng khả năng gian lận cao.
Năm là, Các nghiệp vụ bất thường
Đây là các nghiệp vụ xảy ra không thường xuyên, không dự tính trước hoặc có dự tính nhưng khả năng xảy ra thấp. Các nghiệp vụ này ảnh hưởng trực tiếp tới kết quả kinh doanh của doanh nghiệp và thường có khả năng gian lận và sai sót;
Sáu là, Các nghiệp vụ phân chia quyền lợi
Các nghiệp vụ này thường chứa đựng khả năng gian lận cao vì hầu như ai cũng muốn thu lợi cho bản thân mình;
Bảy là, Các nghiệp vụ cố ý bỏ ngoài sổ sách
Tất cả các nghiệp vụ đã phát sinh thì phải được ghi sổ. Nếu đơn vị cố ý bỏ ngoài sổ sách thì đó là biểu hiện của hành vi gian lận;
Tám là, Các nghiệp vụ xảy ra vào cuối kỳ quyết toán hoặc thuộc loại nghiệp vụ mới phát sinh.
Các nghiệp vụ này thường liên quan tới việc điều chỉnh kết quả kinh doanh tại thời điểm kết thúc kỳ kế toán và đó chính là hành vi gian lận. Các nghiệp vụ thuộc loại mới phát sinh cũng thường chứa đựng khả năng gian lận cao;
Chín là, Các khoản mục, chứng từ có sửa chữa
Do được sửa chữa nên các khoản mục, chứng từ này làm sai lệch các thông tin trên BCTC một cách có chủ ý và được coi là hành vi gian lận.
Thứ hai, Các khoản mục, nghiệp vụ có sai sót lớn hoặc mang tính hệ
trọng gồm:
Một là, Các khoản mục, nghiệp vụ phát hiện có sai sót ở quy mô lớn;
Hai là, Các nghiệp vụ vi phạm quy tắc kế toán và pháp lý nói chung. Các
sai phạm này xuất phát từ nguyên nhân không do lỗi cố ý nhưng chỉ khi có
ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính trung thực và hợp lý của thông tin tài chính
mới được xem là sai phạm trọng yếu. Nếu vi phạm bắt nguồn từ việc cố ý thì nó được coi là gian lận và mức độ ảnh hưởng của nó có thể lớn hơn, sai phạm
xảy ra chắc chắn là sai phạm trọng yếu;
Ba là, Các khoản mục, nghiệp vụ có sai sót lặp lại nhiều lần. Đây là những sai sót có tính hệ thống, nếu không được điều chỉnh kịp thời thì có thể sẽ tiếp tục sai phạm trong các kỳ sau. Hơn nữa, tổng hợp các sai sót nhỏ này sẽ là một sai sót lớn và ảnh hưởng nghiêm trọng đến BCTC;
Bốn là, Các khoản mục, nghiệp vụ có ảnh hưởng nghiêm trọng đến kỳ sau. Chẳng hạn, đối với khoản mục chi phí trả trước dài hạn, nếu có sai sót trong việc ghi nhận giá trị của khoản mục này thì quá trình phân bổ chi phí không những ảnh hưởng đến kỳ kinh doanh đang kiểm toán mà còn ảnh hưởng đến các kỳ kinh doanh tiếp theo;
Năm là, Các khoản mục, nghiệp vụ là đầu mối hoặc gây hậu quả lien quan đến nhiều khoản mục, nghiệp vụ khác. Ví dụ, hàng tồn kho bị đánh giá sai sẽ làm ảnh hưởng tới giá vốn, lợi nhuận… Khi có sai phạm xảy ra ở các khoản mục đầu mối này sẽ gây ra phản ứng dây chuyền dẫn tới sai sót ở các khoản mục khác, vì vậy sai sót đó được đánh giá là trọng yếu;
Sáu là, Các sai phạm làm ảnh hưởng tới xu hướng về lợi nhuận. Các sai
phạm này được xem là trọng yếu vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến nghĩa vụ của
doanh nghiệp với nhà nước và là chỉ tiêu được nhiều người quan tâm. Ví dụ,
sai phạm nhỏ nhưng làm kết quả kinh doanh đang từ lỗ chuyển sang lãi hoặc
ngược lại thì vẫn được đánh giá là trọng yếu.
Xem xét về mặt bản chất của các sai phạm sẽ cung cấp thông tin bổ sung giúp cho KTV đánh giá toàn diện các sự kiện. Tất cả các khoản mục, nghiệp vụ thuộc về bản chất của đối tượng kiểm toán đều liên quan trực tiếp đến nhận thức đúng đối tượng và đưa ra ý kiến kiểm toán, và do đó không thể bỏ qua.
Như vậy, khái niệm trọng yếu đã đặt ra yêu cầu xác định các sai phạm với
nguyên tắc là không được bỏ sót các sai phạm có quy mô lớn và có tính hệ
trọng. Vi phạm nguyên tắc này sẽ tạo ra rủi ro kiểm toán.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Bộ Tài chính (2012), Thông tư số 214/2012/TT-BTC ban hành hệ thống Chuẩn mực Kiểm toán Việt Nam, Trang Web của Bộ Tài chính.
Nguyễn Quang Quynh, Nguyễn Thị Phương Hoa (2016), Giáo trình Lýthuyết Kiểm toán, NXB Tài chính, Hà Nội
» Danh sách Tập tin đính kèm:
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: