Bài Viết - ThS. Dương Thị Thanh Hiền - LÝ THUYẾT CÁC BÊN LIÊN QUAN TRONG NGHIÊN CỨU VỀ KẾ TOÁN QUẢN TRỊ MÔI TRƯỜNG
LÝ THUYẾT CÁC BÊN LIÊN QUAN TRONG NGHIÊN CỨU VỀ KẾ TOÁN QUẢN TRỊ MÔI TRƯỜNG
ThS. Dương Thị Thanh Hiền
Khoa Kế toán – Trường Đại học Duy Tân
1. Các bên liên quan (CBLQ) và Lý thuyết các bên liên quan ((Stakeholder theory)
Theo chuẩn mực kế toán Việt Nam số 26 về thông tin về các bên liên quan, thì các bên được coi là liên quan nếu một bên có khả năng kiểm soát hoặc có ảnh hưởng đáng kể đối với bên kia trong việc ra quyết định các chính sách tài chính và hoạt động. Trong đó các bên liên quan gồm: (a) Những doanh nghiệp kiểm soát, hoặc bị kiểm soát trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua một hoặc nhiều bên trung gian, hoặc dưới quyền bị kiểm soát chung với doanh nghiệp báo cáo (bao gồm công ty mẹ, công ty con, các công ty con cùng tập đoàn); (b) Các công ty liên kết (quy định tại Chuẩn mực kế toán số 07 “Kế toán các khoản đầu tư vào công ty liên kết”); (c) Các cá nhân có quyền trực tiếp hoặc gián tiếp biểu quyết ở các doanh nghiệp báo cáo dẫn đến có ảnh hưởng đáng kể tới doanh nghiệp này, kể cả các thành viên mật thiết trong gia đình của các cá nhân này. Thành viên mật thiết trong gia đình của một cá nhân là những người có thể chi phối hoặc bị chi phối bởi người đó khi giao dịch với doanh nghiệp như quan hệ: Bố, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị em ruột; (d) Các nhân viên quản lý chủ chốt có quyền và trách nhiệm về việc lập kế hoạch, quản lý và kiểm soát các hoạt động của doanh nghiệp báo cáo, bao gồm những người lãnh đạo, các nhân viên quản lý của công ty và các thành viên mật thiết trong gia đình của các cá nhân này; (đ) Các doanh nghiệp do các cá nhân được nêu ở đoạn (c) hoặc (d) nắm trực tiếp hoặc gián tiếp phần quan trọng quyền biểu quyết hoặc thông qua việc này người đó có thể có ảnh hưởng đáng kể tới doanh nghiệp. Trường hợp này bao gồm những doanh nghiệp được sở hữu bởi những người lãnh đạo hoặc các cổ đông chính của doanh nghiệp báo cáo và những doanh nghiệp có chung một thành viên quản lý chủ chốt với doanh nghiệp báo cáo. Trong việc xem xét từng mối quan hệ của các bên liên quan cần chú ý tới bản chất của mối quan hệ chứ không chỉ hình thức pháp lý của các quan hệ đó.
Thomas và Lee (1995) đã đưa ra mô hình các bên liên quan trong doanh nghiệp như hình dưới đây:
Lý thuyết các bên liên quan trong tiếng Anh gọi là Stakeholder theory. Lý thuyết các bên liên quan được khởi đầu từ nghiên cứu của Freman (1984) về quản trị tổ chức và đạo đức kinh doanh trong cuốn sách “Quản trị chiến lược: Cách tiếp cận từ các bên liên quan” (Strategic Management: A Stakeholder Approach).
Lý thuyết các bên liên quan này cho rằng tổ chức có nghĩa vụ phải đối xử công bằng giữa các bên liên quan, trong trường hợp các bên liên quan có xung đột lợi ích, doanh nghiệp phải có nghĩa vụ đạt được sự cân bằng tối ưu giữa chúng. Vì nhu cầu của các bên liên quan thì khác nhau và luôn thay đổi nên tổ chức sẽ tập trung vào đáp ứng nhu cầu của các bên liên quan có lợi ích lớn và trực tiếp và cho rằng lợi ích của các bên còn lại cũng được thỏa mãn thông qua việc tổ chức đó theo đuổi chiến lược kinh doanh và báo cáo thông tin phù hợp với các chuẩn mực và giá trị xã hội.
2. Kế toán quản trị môi trường
Các nghiên cứu trước giải thích rằng kế toán quản trị môi trường (KTQTMT) là một công cụ mới để quản lý môi trường, và KTQTMT đại diện cho một phần mở rộng của kế toán quản trị (UNDSD, 2001; IFAC, 2005).
Theo Birkin (1996), KTQTMT là một sự phát triển tiếp theo của kế toán quản trị. Jasch (2006) cũng giải thích rằng KTQTMT, như một hệ thống thông tin, không tách ra khỏi KTQT; tuy nhiên KTQTMT tập trung vào dòng chảy của vật liệu, và tính chất cân bằng của dòng luân chuyển vật chất.
Liên đoàn Kế toán quốc tế (IFAC, 2005, tr.19), định nghĩa KTQTMT là ―quá trình quản lý hiệu quả kinh tế và hiệu quả MT thông qua sự phát triển và ứng dụng hệ thống kế toán phù hợp với các vấn đề môi trường. Trong khi KTMT trong DN nói chung có thể bao gồm cả KTTC và kiểm toán môi trường, KTQTMT chỉ liên quan đến chi phí theo chu kỳ sống, kế toán chi phí (KTCP) toàn bộ, đánh giá lợi ích và chi phí, và lập kế hoạch chiến lược cho quản lý MT".
Định nghĩa do Bennett và James (1998) công bố cho rằng KTQTMT là một hệ thống thông tin cung cấp thông tin tiền tệ và phi tiền tệ để cải tiến và đánh giá hiệu quả kinh tế và môi trường của một doanh nghiệp. Định nghĩa này làm nổi bật tầm quan trọng của thông tin được tạo ra bởi KTQTMT nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế và hiệu quả môi trường trong một tổ chức.
Một tính năng quan trọng của KTQTMT là tập trung vào quản lý thông tin về giá trị và hiện vật trong quá trình ra quyết định ở một số lĩnh vực, như: cải thiện hiệu quả kinh tế và môi trường, thẩm định dự án đầu tư, xây dựng các dự án sản xuất sạch nhằm đạt được sự phát triển bền vững về kinh tế và môi trường của các tổ chức (UNDSD, 2001; Jasch, 2006; Sendroiu và cộng sự, 2006).
3. Lý thuyết các bên liên quan trong nghiên cứu về kế toán quản trị môi trường
Theo lý thuyết về các bên liên quan, một doanh nghiệp không thể tối đa hóa được giá trị mà không duy trì mối quan hệ với các bên liên quan và những cuộc tranh luận về mục tiêu của doanh nghiệp chỉ là tối đa hóa lợi nhuận hay vì lợi ích của các bên liên quan đang ngày càng tăng lên. Lý thuyết này nhấn mạnh sự thành công của một doanh nghiệp phụ thuộc vào sự bền vững của các hoạt động kinh doanh, cái mà chỉ đạt được khi xét tới nhu cầu của các bên liên quan tới nó.
Lý thuyết này được sử dụng để giải thích cho động cơ các tổ chức lựa chọn và tự nguyện áp dụng kế toán quản trị môi trường nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin về môi trường ngày càng cao từ phía các cơ quan chính phủ, các tổ chức tín dụng, nhà đầu tư và người tiêu dùng, cộng đồng. Lý thuyết các bên liên quan là một trong những lí thuyết có ảnh hưởng tới sự phát triển và ứng dụng của kế toán quản trị môi trường được sử dụng để giải thích cho kế toán quản trị chi phí môi trườn. Áp dụng kế toán quản trị chi phí môi trường trong doanh nghiệp sản xuất sẽ mang lại nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp trên cả hai khía cạnh tài chính và môi trường.
Theo lý thuyết CBLQ thì áp lực từ CBLQ càng lớn thì việc thay đổi hoạt động của DN càng cao. Khi nhu cầu về KTQTMT của DN từ CBLQ tăng lên đòi hỏi DN phải đáp ứng để đảm bảo hoạt động SXKD của mình được thuận lợi.
3. Kết luận
Lý thuyết các bên liên quan (stakeholder theory) được coi là một trong những lý thuyết trọng tâm tạo nền tảng cho sự phát triển của KTQTMT.
Tài liệu tham khảo
1. Hoàng Thị Bích Ngọc (2020). Kế toán quản trị chi phí môi trường trong các doanh nghiệp chế biến dầu khí thuộc tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam. Trường Đại học Thương mại.
2. Chuẩn mực kế toán số 26 “Thông tin về các bên liên quan” (Ban hành và công bố theo Quyết định số 234/2003/QĐ-BTC ngày 30 tháng 12 năm 2003 của Bộ trưởng Bộ Tài chính).
3. Nguyễn Thành Tài (2020). Các nhân tố ảnh hưởng đến Kế toán môi trường và tác động của nó đến kết quả hoạt động của các doanh nghiệp ngành dệt may tại Việt Nam. Đại học Kinh tế Tp. HCM