TÌM HIỂU VỀ PHÂN TÍCH TÀI CHÍNH DỰ ÁN
Th.S Lê Thị Huyền Trâm
BM Kiểm toán và phân tích
Hoạt động theo dự án là một hoạt động có kế hoạch, được kiểm tra để đảm bảo cho một tiến trình chung với các nguồn lực và môi trường đã được tính toán nhằm thực hiện những mục tiêu nhất định. Công tác thẩm định dự án đầu tư thường được tiến hành thông qua nhiều phương pháp chính. Mỗi phương pháp thể hiện một cách thức tiếp cận riêng, hàm chứa phương thức vận dụng riêng, có ưu điểm & khuyết điểm riêng.
Bài viết tìm hiểu thêm về phân tích tài chính dự án
Từ khóa: dự án, phương pháp, thẩm định
1. Mục đích của phân tích tài chính dự án
Phân tích tài chính dự án nhằm đánh giá tính khả thi của dự án về mặt tài chính thông qua viêc:
- Xem xét nhu cầu và sự đảm bảo các nguồn lực tài chính cho việc thực hiện có hiệu quả dự án đầu tư
- Dự tính các khoản chi phí, lợi ích và hiệu quả hoạt động của dự án trên góc độ hạch toán kinh tế của đơn vị thực hiện dự án. Có nghĩa là xem xét những chi phí sẽ phải thực hiện kể từ khi soạn thảo cho đến khi kết thúc dự án, xem xét những lợi ích mà đơn vị thực hiện dự án sẽ thu được do thực hiện dự án. Trên cơ sở đó xác định các chỉ tiêu phản ảnh hiệu quả tài chính của dự án
- Đánh giá độ an toàn về mặt tài chính của dự án đầu tư. Độ an toàn về mặt tài chính được thể hiện qua:
+ An toàn về nguồn vốn huy động
+ An toàn về khả năng thanh toán các nghĩa vụ tài chính ngắn hạn và khả năng trả nợ
+ An toàn cho các kết quả tính toán
2. Vai trò của phân tích tài chính dự án
- Phân tích tài chính dự án không chỉ có vai trò quan trọng đối với chủ đầu tư mà còn đối với các cơ quan có thẩm quyền quyết định đầu tư của nhà nước và của các đơn vị tài trợ vốn cho dự án
+ Đối với chủ đầu tư: Phân tích tài chính dự án cung cấp các thông tin cần thiết giúp các chủ đầu tư quyết định có nên đầu tư không vì mục tiêu của họ là đầu tư vào đâu thì sẽ mang lại lợi nhuận cao nhất. Ngay cả đối với các tổ chức hoạt động không vì mục đích lợi nhuận thì phân tích tài chính cũng là nội dung rất được quan tâm. Các tổ chức này cũng muốn chọn những giải pháp thuận lợi dựa trên cơ sở chi phí tài chính rẻ nhất nhằm đạt được mục tiêu cơ bản của mình
+ Các cơ quan có thẩm quyền quyết định đầu tư của nhà nước: phân tích tài chính là 1 trong những căn cứ quan trọng để các cơ quan này xem xét cho phép đầu tư đối với các dự án có sử dụng nguồn vốn của nhà nước
+ Các đơn vị tài trợ vốn cho dự án: Phân tích tài chính là căn cứ quan trọng để quyết định tài trợ vốn cho dự án. Dự án có khả năng trả nợ khi dự án đó phải được đánh giá là khả thi về mặt tài chính. Có nghĩa là dự án đó phải đạt được hiệu quả tài chính và có độ an toàn cao về mặt tài chính
- Phân tích tài chính còn là cơ sở để tiến hành phân tích khía cạnh kinh tế - xã hội
3. Yêu cầu của phân tích tài chính dự án
- Nguồn số liệu sử dụng phân tích tài chính phải đầy đủ và đảm bảo độ tin cậy cao, đáp ứng mục tiêu phân tích
- Phải sử dụng phương pháp phân tích phù hợp và hệ thống các chỉ tiêu để phản ảnh đầy đủ các khía cạnh tài chính của dự án
- Phải đưa ra được nhiều phương án để từ đó lựa chọn phương án tối ưu
Phân tích tài chính dự án đầu tư là cơ sở để các chủ đầu tư, nhà nước hay cơ quan có thẩm quyền quyết định xem một dự án có được đầu tư hay không. Nhà phân tích tài chính sẽ xem xét trên nhiều khía cạnh tài chính và nền kinh tế xã hội hiện nay để đánh giá hiệu quả tài chính dự án.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Th.S Huỳnh Lợi( 2010), Giáo trình kế toán quản trị, Nhà xuất bản Thống kê
2. Th.S Võ Ngàn Thơ(2009), Quản trị dự án đầu tư
3. Nguyễn Tấn Bình (2010), Quản trị tài chính ngắn hạn, Nhà xuất bản Thống kê
4. Bùi Xuân Phong (2006) Quản trị dự án đầu tư, NXB Bưu chính viễn thông.
5. https://gakinhte.wordpress.com/2014/05/25/dau-tu-5-cac-phuong-phap-tham-dinh-du-an-dau-tu/
» Danh sách Tập tin đính kèm:
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: