Nguyễn Khánh Thu Hằng
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý về sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB. Dự án Luật thay đổi nhằm giải quyết những bất cập phát sinh, khuyến khích chuyển đổi nhập khẩu, sản xuất, sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường, hạn chế tiêu dùng hàng hoá có hại cho sức khoẻ, phù hợp xu hướng cải cách thuế TTĐB của các nước.
Luật Thuế TTĐB số 27/2008/QH12 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/4/2009 thay thế cho Luật Thuế TTĐB năm 1999, Luật sửa đổi một số điều của Luật Thuế TTĐB năm 2003, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế TTĐB và Luật Thuế giá trị gia tăng năm 2005. Luật Thuế TTĐB năm 2008 đã qua 04 lần sửa đổi, bổ sung vào năm 2014, 2016 và năm 2022 để xử lý các bất cập phát sinh trong thực tiễn và phù hợp với yêu cầu quản lý thuế trong từng giai đoạn.
Theo Bộ Tài chính, trong giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội hiện nay và thời gian tới, chính sách thuế TTĐB hiện hành vẫn còn những hạn chế nhất định cần tiếp tục được hoàn thiện để phát huy hơn nữa vai trò của thuế TTĐB. Cụ thể, đối tượng chịu thuế TTĐB còn hẹp so với thông lệ quốc tế; một số quy định về đối tượng chịu thuế, đối tượng không chịu thuế, mô tả mặt hàng tại Biểu thuế chưa thực sự rõ ràng dẫn đến vướng mắc trong thực tế thực hiện. Thuế suất thuế TTĐB đối với một số hàng hoá khi sử dụng gây tác hại đến sức khoẻ và xã hội, cũng như việc điều tiết đối với một số hàng hoá xa xỉ còn thấp chưa đạt được mục tiêu hạn chế tiêu dùng hoặc điều tiết thu nhập của người sử dụng có thu nhập cao trong xã hội. Chưa có quy định hoàn trả thuế TTĐB đối với số thuế TTĐB chưa được khấu trừ hết đối với một số mặt hàng cần khuyến khích sản xuất, tiêu dùng sản phẩm thân thiện môi trường. Những bất cập trên cùng với yêu cầu của thực tiễn đòi hỏi cần phải sửa đổi, bổ sung Luật Thuế TTĐB để giải quyết những bất cập phát sinh, khuyến khích chuyển đổi nhập khẩu, sản xuất, sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường, hạn chế tiêu dùng hàng hoá có hại cho sức khoẻ, phù hợp xu hướng cải cách thuế TTĐB của các nước.
Bộ Tài chính đề xuất chính sách mở rộng cơ sở tính thuế theo chủ trương của Đảng, Nhà nước và phù hợp với thông lệ quốc tế, bổ sung đối tượng chịu thuế và áp dụng thuế suất phù hợp. Nghiên cứu bổ sung áp thuế TTĐB đối với các sản phẩm không có lợi cho sức khỏe, môi trường và dịch vụ hạn chế sử dụng theo chủ trương của Đảng, Nhà nước như: đồ uống có đường; thức uống đại mạch và nước giải khát không cồn; thuốc lá mới và thiết bị, bộ phận, dung dịch của thuốc lá mới; kinh doanh dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng...
Bộ Tài chính đề xuất chính sách thứ hai là điều chỉnh mức thuế suất thuế TTĐB đối với một số mặt hàng có hại cho sức khỏe, một số mặt hàng nhằm góp phần bảo vệ môi trường. Nghiên cứu bổ sung áp dụng thuế tuyệt đối, áp dụng kết hợp giữa thuế suất theo tỷ lệ và mức thuế tuyệt đối đối với một số mặt hàng như thuốc lá; tăng thuế suất thuế TTĐB đối với một số mặt hàng có hại cho sức khoẻ (thuốc lá, rượu, bia) để hạn chế nhập khẩu, sản xuất, tiêu dùng; điều chỉnh thấp hơn mức thuế suất thuế TTĐB đối với một số mặt hàng thân thiện với môi trường như xe ô tô thân thiện với môi trường và khắc phục bất cập phát sinh trong thực tế.
Bộ Tài chính cũng đề xuất sửa đổi, bổ sung một số nội dung tại Luật để đảm bảo cơ sở pháp lý, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đảm bảo chính sách minh bạch và đồng bộ với quy định của pháp luật khác có liên quan. Cụ thể, nghiên cứu bổ sung quy định về đối tượng chịu thuế, đối tượng không chịu thuế TTĐB để đảm bảo cơ sở pháp lý giải quyết vướng mắc phát sinh, đồng bộ với quy định của pháp luật khác (Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế bảo vệ môi trường, Tiêu chuẩn Việt Nam về Phương tiện giao thông đường bộ - Ô tô...). Cụ thể Sửa đổi, bổ sung quy định đối tượng không chịu thuế TTĐB (xe ô tô, tàu bay, hàng hóa đã xuất khẩu bị phía nước ngoài trả lại khi nhập khẩu, hàng hóa trung chuyển) để phù hợp pháp luật chuyên ngành, tránh vướng mắc trong thực hiện, phù hợp với mục tiêu thu thuế TTĐB.
Đồng thời, sửa đổi, bổ sung quy định về căn cứ tính thuế, giá tính thuế đối với trường hợp áp dụng mức thuế tuyệt đối, trường hợp áp dụng thuế tỷ lệ và thuế tuyệt đối (phương pháp tính thuế hỗn hợp); bổ sung quy định về giá tính thuế TTĐB đối với hàng hóa, dịch vụ mới bổ sung vào đối tượng chịu thuế TTĐB và một số trường hợp đặc thù. Cụ thể, bổ sung quy định giá tính thuế TTĐB đối với hàng hóa, dịch vụ mới thuộc đối tượng chịu thuế. Bổ sung giá tính thuế TTĐB đối với trường hợp bán hàng chịu thuế TTĐB kèm theo dịch vụ cho thuê một phần hoặc bộ phận của hàng hóa đó.
Bộ tài chính đề xuấ sửa đổi, bổ sung quy định về hoàn thuế, khấu trừ thuế TTĐB. Cụ thể, Bổ sung nội dung quy định cho hoàn trả thuế TTĐB đối với số thuế TTĐB chưa được khấu trừ hết đối với trường hợp sử dụng nguyên liệu xăng khoáng để sản xuất, pha chế xăng sinh học. Nghiên cứu lại quy định về hoàn thuế tiêu thụ đặc biệt đối với trường hợp doanh nghiệp chuyển đổi sở hữu, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, chấm dứt hoạt động để phù hợp với Luật Doanh nghiệp.
Bộ Tài chính còn đề xuất sửa đổi, bổ sung về điều khoản hướng dẫn thi hành theo hướng giao Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các điều: Điều 2. Đối tượng chịu thuế TTĐB; Điều 3. Đối tượng không chịu thuế TTĐB; Điều 6. Giá tính thuế TTĐB và Điều 8. Hoàn thuế TTĐB của Luật này. Đồng thời, bổ sung quy định cụ thể tại Điều 11 khi các sản phẩm có hại cho sức khỏe (thuốc lá mới) được phép nhập khẩu, sản xuất, lưu hành thì áp dụng thuế suất thuế TTĐB theo quy định của Luật thuế TTĐB.
Tài liệu tham khảo
1. Dự thảo luật thuế TTĐB sửa đổi
2. https://mof.gov.vn/webcenter/portal/btcvn/pages_r/cd/du-thao-van-ban/dtvb-chi-tiet-gop-y-du-thao?id=10305
3. https://lsvn.vn/de-xuat-4-chinh-sach-tai-du-thao-luat-thue-tieu-thu-dac-biet-sua-doi1677378263.html
» Danh sách Tập tin đính kèm:
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: