Nghiên cứu sự cần thiết và khả năng áp dụng việc công bố báo cáo phát triển bền vững tại các doanh nghiệp thuộc tập đoàn xăng dầu Việt Nam
NCS Lê Anh Tuấn1, PGS.TS Nguyễn Xuân Hưng2
1 Khoa Kế toán, Đại học Duy Tân
2. Khoa Kế toán-kiểm toán, Đại học kinh tế TP.HCM
Tóm tắt:
Mục đích của nghiên cứu này sẽ đánh giá thực trạng công bố thông tin PTBV (trên ba khía cạnh: kinh tế, xã hội và môi trường) và đánh giá khả năng áp dụng việc công bố báo cáo phát triển bền vững tại các doanh nghiệp thuộc tập đoàn xăng dầu Việt Nam. Trên cơ sở nghiên cứu thực trạng việc công bố thông tin trên báo cáo PTBV của các quốc gia trên thế giới, nhóm nghiên cứu sẽ chỉ ra sự cần thiết về việc công bố báo cáo phát triển bền vững tại các doanh nghiệp ở Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp thuộc tập đoàn xăng dầu Việt Namnói riêng. Sau đó, nhóm nghiên cứu sẽ sử dụng các phương pháp nghiên cứu để đánh giá khả năng áp dụng việc công bố báo cáo phát triển bền vững tại các doanh nghiệp thuộc tập đoàn xăng dầu Việt Nam.
Abstract:
The purpose of this research was to assess current stage of Sustainable Business Reporting (including 3 perspectives: economy, social, and environment) and also assess possibility of applying Sustainable Business Reporting at companies belonging to the Vietnam Oil and Gas Group. Basing on foundation from researches around the world with regard to Sustainable Business, research group points out the essential of establishing Sustainable Business Reporting at Vietnamese companies in general, more specifically companies belonging to the Vietnam Oil & Gas Group. Then, group will apply research methodologies to assess possibility of applying Sustainable Business Reporting at these companies.
Key words: Sustainable Business Reporting, Petro, Vietnam
Từ khóa: Báo cáo PTBV, xăng dầu, Việt Nam.
Phát triển bền vững nói chung và báo cáo phát triển bền vững nói riêng là những vấn đề đang được nhiều nhà nghiên cứu không những trong nước mà trên thế giới quan tâm, tìm hiểu, phân tích và thảo luận. Trong những năm gần đây, các quốc gia thường xuyên tiến hành tổ chức các hội thảo hoặc diễn đàn toàn cầu liên quan đến vấn đề xây dựng báo phát triển bền vững, các chỉ tiêu liên quan đến phát triển bền vững cũng như vai trò của kế toán trong phát triển bền vững của doanh nghiệp. Tại các quốc gia phát triển như Anh, Mỹ, Úc,…vấn đề phát triển bền vững đã được đặt ra từ rất lâu từ những thập niên 70 của thế kỉ trước.
Theo hướng dẫn của GRI, một báo cáo điển hình cần đề cập đến các lĩnh vực sau: tầm nhìn và chiến lược; Hồ sơ công ty; Cơ cấu quản trị và hệ thống quản lý; Chỉ số nội dung GRI; Tiêu chuẩn thực hiện (kinh tế, xã hội và môi trường) (Adams và Narayanan, 2007). Tiêu chí hoạt động được chia thành "cốt lõi" hoặc "bổ sung". Tiêu chí 'cốt lõi' được sử dụng để xác định các tiêu chí áp dụng chung và được giả định là quan trọng đối với hầu hết các công ty trong khi các tiêu chí 'bổ sung' đề cập đến các thực tiễn đang nổi lên có thể hoặc không áp dụng được đối với tất cả các doanh nghiệp.
2. Các nghiên cứu nổi bật trên thế giới về báo cáo PTBV liên quan đến lĩnh vực xăng dầu
Trên thế giới đã có rất nhiều nghiên cứu lý thuyết về vấn đề phát triển bền vững liên quan đến lĩnh vực kế toán. Trong đó, đã có rất nhiều nghiên cứu thực nghiệm và kiểm định các nhân tố ảnh hưởng đến việc thiết lập và công bố thông tin phát triển bền vững liên quan đến lĩnh vực xăng dầu hay dầu khí. Các nghiên cứu này được thực hiện tại các quốc gia khác nhau, loại hình doanh nghiệp khác nhau và thời điểm khác nhau. Nhưng đều cho thấy rằng vấn đề công bố thông tin phát triển bền vững chịu tác động của một số yếu tố chủ yếu. Sau đây, tác giả xin tóm lược một vài nghiên cứu liên quan:
Thứ nhất, Craswell, A. T. & Taylor, S. L. (1992), Discretionary disclosure of reserves by oil and gas companies: an economic analysis. Journal of Business, Finance and Accounting, 19(2), 295-308. Tác giả bài báo cố gắng làm tăng sự hiểu biết của chúng ta về công bố thông tin một cách tự nguyện nói chung và đặc biệt là quyết định của các công ty dầu khí của Úc tiết lộ thông tin trong các báo cáo hàng năm của họ về lượng dự trữ dầu mỏ mà họ ước tính được. Không giống như một số nghiên cứu trước đây, tác giả của bài báo tập trung vào một quyết định tiết lộ thông tin trong một ngành công nghiệp cụ thể. Nghiên cứu của tác giả bái báo được đặt nền tảng cho quan điểm cho rằng quyết định cung cấp thông tin trong báo cáo hàng năm về dự trữ phụ thuộc vào doanh nghiệp phải đối mặt với các bên liên quan (Uensen và Meckling, 1976). Trong bối cảnh này, quyết định công bố thông tin được xem như một phương tiện để giảm thiểu các chi phí phát sinh liên quan với các bên. Theo đó, tác giả cho rằng việc công bố thông tin phụ thuộc vào các yếu tố cơ bản sau: (1) Đòn bẩy đầu tư, (2) Quy mô công ty, (3) rủi ro dòng tiền, (4) chất lượng của kiểm toán viên, (5) tách quyền sở hữu và kiểm soát và (6) chi phí dự kiến phát hành.
Thứ hai,Hackston D, Milne MJ. (1996), Some determinants of social and environmental disclosures in New Zealand companies. Accounting, Auditing and Accountability Journal 9(1): 77–108.
Tác giả bài báo sử dụng phương pháp hỗn hợp để tổng hợp các nhân tố ảnh hưởng đến việc tiết lộ thông tin môi trường và xã hội của các doanh nghiệp tại New Zealand. Các biến độc lập mà tác giả kiến nghị kiếm định ảnh hưởng đến biến phụ thuộc công bố thông tin môi trường và xã hội là: (1) quy mô công ty, (2) khả năng sinh lời, (3) ngành nghề kinh doanh, (4) quốc gia mà doanh nghiệp cung cấp báo cáo. Sau khi chỉ ra những nhân tố ảnh hưởng đến việc công bố thông tin môi trường và xã hội thì tác giả còn cho rằng có một số yếu tố sẽ ảnh hưởng đến việc công bố thông tin môi trường và xã hội đó là thời gian hoạt động của công ty, số lượng vốn của công ty, quan điểm điều hành của nhà quản lý và ủy ban trách nhiệm xã hội tại doanh nghiệp. Tiến hành lấy mẫu 50 doanh nghiệp lớn trên thị trường chứng khoản New Zealand tính đến cuối năm 1992, mẫu chính xác thu thập là 47 doanh nghiệp đã chỉ ra rằng cả 4 nhân tố trên đều ảnh hưởng ít nhiều đến việc công bố thông tin môi trường và xã hội tại New Zealand.
Thứ ba, José V. Frias-Aceituno, Lázaro Rodríguez-Ariza và Isabel M. Garcia-Sánchez (2012), Explanatory Factors of Integraed Sustainability and Financial Reporting. Business Strategy and the Environment
Tác giả bài báo đã chỉ ra rằng có năm nhân tố chính ảnh hưởng đến việc thiếp lập báo cáo phát triển bền vững dựa trên các lý thuyết: 1. Quy mô công ty: Quy mô công ty càng tăng thì mức độ cần thiết để cung cấp các thông tin tài chính đặc biết là các thông tin phi tài chính (xã hội, môi trường) ngày càng tăng 2. Khả năng sinh lợi: Câu hỏi về khả năng sinh lợi của công ty và việc công khai thông tin tự nguyện thông qua báo cáo phát triển bền vững là một vấn đề phức tạp.. Các công ty có lợi nhuận sẽ công bố thông tin nhằm phân biệt mình với những doanh nghiệp kém thành công hơn, chi phí huy động vốn ở mức thấp nhất có thể và ngăn ngừa việc giảm giá cổ phiếu. 3. Lĩnh vực kinh doanh: Ngành kinh doanh là một biến thường được sử dụng để tính toán lượng thông tin do các công ty cung cấp. Giả định rằng các công ty hoạt động trong cùng ngành sẽ áp dụng các mô hình tương tự về thông tin mà họ cung cấp cho thế giới bên ngoài; nếu không, điều này có thể giải thích bởi thị trường là thông tin không được kiểm chứng 4.Vị trí ngành: Nếu ngành nghề kinh doanh của công ty là độc quyền thì nên công bố minh bạch nhiều hơn về ảnh hưởng của hoạt động sản xuất kinh doanh đến môi trường và xã hội 5. Cơ hội tăng trưởng: Tác giả chỉ ra rằng chính sách minh bạch thông tin của công ty là một đặc điểm cụ thể ảnh hưởng đến lợi ích tăng trưởng của công ty đó. Những yếu tố này có nghĩa là các doanh nghiệp chỉ có thể nhận được vốn từ bên ngoài bằng cách đưa ra những thông tin chính xác hơn
Bên cạnh năm nhân tố ở trên thì nghiên cứu này còn thu thập thông tin về xếp hạng của các doanh nghiệp được đánh giá theo sự tuân thủ của GRI, biến về quốc gia và thời gian phân tích.
Thứ tư, Ndukwe O. Dibia, John Chika Onwuchekwa (2015), Determinants of Environmental Disclosures in Nigeria: A Case Study of Oil and Gas Companies. International Journal of Finance and Accounting
Bài báo bàn về Các yếu tố quyết định về Tiết lộ Môi trường ở Nigeria: Nghiên cứu điển hình của các công ty dầu khí. Nghiên cứu này là một phân tích thực nghiệm các yếu tố quyết định tiết lộ thông tin môi trường sử dụng các công ty dầu khí ở Nigeria. Cụ thể, mục tiêu nghiên cứu là xem xét hiệu quả của quy mô doanh nghiệp, lợi nhuận, đòn bẩy và loại hình công ty kiểm toán đối với công bố thông tin môi trường. Thiết kế nghiên cứu cắt ngang đã được sử dụng để thực hiện nghiên cứu. Một mẫu của 15 công ty thu được từ các ngành dầu khí trên thị trường chứng khoán Nigeria trong những năm tài chính 2008-2013 đã được sử dụng cho nghiên cứu này. Dữ liệu thứ cấp có nguồn gốc từ các báo cáo hàng năm của các công ty đã lấy mẫu và kỹ thuật hồi quy được sử dụng làm phương pháp phân tích dữ liệu. Phát hiện của nghiên cứu chỉ ra rằng thứ nhất; có một mối quan hệ đáng kể giữa quy mô công ty và công bố trách nhiệm xã hội của công ty. Thứ hai không có mối quan hệ đáng kể nào giữa Lợi nhuận và trách nhiệm công bố thông tin của công ty. Thứ ba, không có mối quan hệ nào giữa đòn bẩy kinh doanh và trách nhiệm xã hội của công ty. Cuối cùng, không có mối quan hệ đáng kể giữa loại công ty kiểm toán và công bố trách nhiệm xã hội của công ty. Nghiên cứu kết luận rằng giả thuyết xây dựng báo cáo về môi trường một cách tự nguyện, minh bạch như là một điểm yếu cho các công ty báo cáo về ảnh hưởng của họ đối với môi trường và nó là trách nhiệm của sự không cẩn thận của một số thực thể doanh nghiệp liên quan đến báo cáo về xã hội và môi trường. Nghiên cứu khuyến cáo rằng nên khuyến khích các doanh nghiệp tiết lộ thông tin về môi trường nhiều hơn và minh bạch hơn.
Bảng 1.1 Bảng tổng hợp các nghiên cứu nước ngoài
Năm/Tác giả nghiên cứu |
Tên công trình nghiên cứu |
Phương pháp nghiên cứu |
Kết quả |
1981/Trotman KT, Bradley GW |
Associations between social responsibility disclosure and characteristics of companies |
Phương pháp nghiên cứu chủ yếu là phương pháp nghiên cứu hỗn hợp. Sử dụng lý thuyết nền để đưa ra các nhân tố. |
- Các doanh nghiệp có quy mô càng lớn thì mức độ công bố thông tin càng tăng. - Các công ty muốn giảm thiểu rủi ro trong kinh doanh nên công khai thông tin về trách nhiệm xã hội - Các công ty kinh doanh trong các lĩnh vực khác nhau đều gặp phải áp lực từ xã hội bắt buộc phải công bố thông tin tình hình sản xuất kinh doanh ảnh hưởng đến môi trường xã hội |
1996/Deegan C, Gordon B. |
A study of the environmental disclosure practices of Australian corporations |
Phương pháp nghiên cứu hỗn hợp. Phương pháp nghiên cứu định tính dựa vào các lý thuyết nền đưa ra các yếu tố. Phương pháp định lượng đo lường mức độ của các yếu tố đó. |
Đánh giá xem việc công bố các thông tin về môi trường có khách quan hay không, có chiều hướng tăng về chất lượng thông tin và sự minh bạch về thông tin công bố. |
2014/Vinal Mistry, Umesh Sharma, Mary Low |
"Management accountants' perception of their role in accounting for sustainable development: An exploratory study |
Phương pháp nghiên cứu định tính. Sử dụng cơ sở các lý thuyết nền để thu thập thông tin |
Các nhân viên kế toán quản trị trong DN có quy mô nhỏ và vừa gặp phải khó khăn trong việc xây dựng cũng như cung cấp các thông tin liên quan đến phát triển bền vững so với các kế toán viên trong các doanh nghiệp có quy mô lớn hơn |
2016/GRI–Global Reporting Initiative |
G4 Sustainability Reporting Guidelines |
Phương pháp nghiên cứu định tính |
Xây dựng bộ chỉ tiêu liên quan đến PTBV của doanh nghiệp một cách khái quát. Giúp cho doanh nghiệp có thể dựa vào đó để xây dựng các chỉ tiêu liên quan đến PTBV cho doanh nghiệp mình. |
2016/Zabihollah Rezaee |
Business sustainability research: A theoretical and integrated perspective |
Phương pháp định tính. Sử dụng lý thuyết nền và tổng hợp các nghiên cứu trước đây. |
Đưa ra 5 vấn đề cơ bản liên quan đến PTBV của doanh nghiệp: kinh tế, quản trị, xã hội, đạo đức và môi trường. Tổng hợp 5 dòng nghiên cứu chính liên quan đến PTBV tại doanh nghiệp từ trước đến nay. |
Determinants of the Corporate Decision to Disclose Social Information |
Phương pháp định lượng |
Quyết định tiết lộ thông tin xã hội chịu tác động bốn yếu tố: Hiệu ứng xã hội, tầm nhìn chính trị, các chỉ số tài chính và hiệu quả kinh tế của doanh nghiệp |
|
1992/Craswell, A. T. & Taylor, S. L. |
Discretionary disclosure of reserves by oil and gas companies: an economic analysis |
Phương pháp hốn hợp. Sử dụng mô hình kiểm định |
Việc tiết lộ mức độ dự trữ dầu mỏ tại các đon vị kinh doanh tại Úc chịu tác động bới các yếu tố như quy mô công ty, chi phí dự kiến phát sinh |
1996/Hackston D, Milne MJ |
Some determinants of social and environmental disclosures in New Zealand companies |
Phương pháp hỗn hợp. Phương pháp định tính thông qua việc tổng hợp tài liệu đưa ra các nhân tố |
Có 4 nhân tố ảnh hưởng đến việc công bố thông tin môi trường và xã hội đó là: quy mô công ty, khả năng sinh lời, ngành nghề kinh doanh và quốc gia sở hữu doanh nghiệp và doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm báo cáo |
2012/José V. Frias-Aceituno, Lázaro Rodríguez-Ariza và Isabel M. Garcia-Sánchez |
Explanatory Factors of Integraed Sustainability and Financial Reporting |
Phương pháp hốn hợp. |
Tác giả chỉ ra các nhân tố ảnh hướng đến việc công bố thông tin phát triển bền vững dựa trên các nghiên cứu trước: quy mô, khả năng sinh lời, lĩnh vực kinh doanh, vị trí ngành nghề kinh doanh, cơ hội tăng trưởng. Bên cạnh đó đề cập đến xếp hạng GRI. |
2013/(Renard Y.J. Siew, Maria C.A. Balatbat, David G. Carmichael |
The relationship between sustainability practices and financial performance of construction companies |
Phương pháp nghiên cứu định tính |
Cho thấy sự tác động tích cực khi các doanh nghiệp trình bày các thông tin phí tài chính (môi trương, sức khỏe và an toàn cho người lao động,…) |
2015/Ndukwe O. Dibia, John Chika Onwuchekwa |
Determinants of Environmental Disclosures in Nigeria: A Case Study of Oil and Gas Companies |
Phương pháp hỗn hợp |
Chỉ có hai yếu tố quy mô công ty và khả năng sinh lời có ảnh hưởng đến việc công bố thông tin trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Hai nhân tố là đòn bẩy kinh doanh và chất lượng công ty kiểm toán không ảnh hưởng đến việc tiết lộ thông tin |
3. Sự cần thiết phải thiết lập và công bố các thông tin liên quan đến PTBV tại các doanh nghiệp thuộc tập đoàn xăng dầu Việt Nam
3.1 Ảnh hưởng trên phương diện kinh tế
Theo báo cáo tài chính của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, 9 tháng đầu năm 2017, Petrolimex nộp ngân sách 28.299 tỷ đồng, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm 2016.
Bên cạnh đó, tổng doanh thu thuần hợp nhất của các đơn vị thành viên Petrolimex trên tất cả lĩnh vực kinh doanh: Xăng dầu, gas, dầu mỡ nhờn, vận tải xăng dầu, thiết kế, cơ khí, xây lắp, bảo hiểm… là 112.427 tỷ đồng, tăng 27,7% so với cùng kỳ. Doanh thu tăng chủ yếu do giá dầu thô thế giới (WTI) bình quân 9 tháng năm 2017 là 49,36 USD/thùng, tăng 19,5% so với cùng kỳ năm 2016 (giá bình quân 9 tháng năm 2016 là 41,31 USD/thùng). Tổng lợi nhuận hợp nhất trước thuế là 3.546 tỷ đồng, đạt 75,7% kế hoạch và bằng 87,3% so với cùng kỳ.
Cụ thể: Lợi nhuận trước thuế hoạt động kinh doanh xăng dầu của toàn tập đoàn đạt 1.814 tỷ đồng, tương đương 51,2% tổng lợi nhuận hợp nhất. Hoạt động kinh doanh ngoài xăng dầu, tổng lợi nhuận trước thuế đạt 1.732 tỷ đồng, tương đương 48,8% tổng lợi nhuận hợp nhất (hoá dầu, nhựa đường, hóa chất đạt 507 tỷ đồng; gas: 141 tỷ đồng; nhiên liệu hàng không: 269 tỷ đồng; bảo hiểm, ngân hàng đạt 162 tỷ đồng...).
Tổng lợi nhuận sau thuế hợp nhất 9 tháng năm 2017 đạt 2.906 tỷ đồng. Trong đó, lợi nhuận của tập đoàn trong lợi nhuận hợp nhất là 2.546 tỷ đồng. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu hợp nhất là 12,5%.
Trong quý IV/2017, Petrolimex sẽ triển khai đồng bộ kinh doanh xăng RON 92 E5 trên toàn quốc thay thế xăng RON 92 từ 1/1/2018 theo Quyết định 53/2012/QĐ-TTg ngày 22/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống; đánh giá và lựa chọn kinh doanh nhiên liệu sạch tiêu chuẩn Euro IV, Euro V từ 1/1/2018 theo Quyết định 49/2011/QĐ-TTg ngày 1/9/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với xe ôtô, xe mô tô hai bánh sản xuất lắp ráp và nhập khẩu mới.
3.2 Ảnh hưởng trên phương diện môi trường
Ảnh hưởng của việc kinh doanh xăng dầu đến môi trường rất lớn nhưng việc kiểm soát các vấn đề về môi trường như kiểm soát lượng khí thải, ô nhiễm không khí, ô nhiễm môi trường nước,… vẫn còn nhiều bất cập. Có thể kể đến những ảnh hưởng về lượng khí thải do các công ty kinh doanh xăng dầu gây ra khi bán các sản phẩm này cho người tiêu dùng làm tăng lượng khí thải độc hại trong không khí từ đó dẫn đến giảm chất lượng không khí gây ra các bệnh về đường hô hấp cho người dân. Hệ quả của việc sử dụng xăng dầu quá nhiều cũng là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nóng lên của trái đất, biến đổi khí hậu,…Từ trước đến nay, tại Việt Nam chưa có tổ chức nào đứng ra công bố về những ảnh hưởng này của việc sử dụng xăng dầu đến toàn xã hội và gần như rất thờ ơ về những nguy hại này đối với môi trường. Lĩnh vực kinh doanh xăng dầu là một trong những lĩnh vực khá phức tạp, ảnh hưởng rất lớn đến nhiều mặt của nền kinh tế, việc các cửa hàng xăng dầu kinh doanh tại các khu dân cư cũng gây nên ô nhiễm về hơi xăng dầu có thể gây rất nhiều nguy hại cho sức khỏe của người dân xung quanh vì bản chất của xăng dầu bốc hơi rất nhanh. Ô nhiễm nguồn nước tại các kho, bồn chứa xăng dầu đặc biệt là khi súc hoặc vệ sinh các bồn chứa này thì lượng nước thải nếu không được xử lý triệt để sẽ làm cho hệ sinh thái trên nước ảnh hưởng rất nghiêm trọng. Đó là chưa kể đến các trường hợp rủi ro từ các sự cố tràn dầu sẽ làm nguy hại đến môi trường nước, gây mất cân bằng hệ sinh thái tự nhiên ảnh hưởng đến việc phát triển bền vững,…Tuy nhiên, những vấn đề nêu trên không được công bố thông tin rõ ràng trên các báo cáo của Tập đoàn cũng như báo cáo của các cơ quan chức năng có liên quan.
3.3 Ảnh hưởng trên phương diện xã hội
Sự thay đổi liên tục của giá xăng dầu chủ yếu theo xu hướng tăng khiến các doanh nghiệp và người dân không có thời gian chuẩn bị và điều chỉnh lại hành vi sử dụng xăng dầu, do vậy sẽ ảnh hưởng bất lợi đến kế hoạch sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống người dân.
Về mặt ngắn hạn, bao hàm những yếu tố tiêu cực dễ nhận thấy như: tâm lý tiêu dùng của người dân xáo trộn, sức ép tăng giá lên những mặt hàng có liên quan đến sử dụng xăng dầu, gây sốc trên thị trường chứng khoán, bất lợi cho khu vực kinh doanh khi yếu tố đầu vào tăng giá và quan trọng nhất là tác động trực tiếp đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI).
Tuy nhiên, về mặt dài hạn, thì tăng giá xăng dầu xem ra lại có những biểu hiện tích cực, cụ thể là giảm sức ép của thâm hụt ngân sách do thuế khoá hoặc vay nợ nước ngoài, hạn chế buôn lậu xăng dầu qua biên giới, ngăn ngừa đầu cơ xăng dầu trục lợi, và tránh được những méo mó trên thị trường do các hình thức trợ cấp (chẳng hạn, quỹ bình ổn) tạo nên. Ngoài ra, giá xăng dầu tăng hơn sẽ khiến các doanh nghiệp điều chỉnh hành vi kinh tế của mình theo hướng tiết kiệm và sử dụng nhiên liệu hiệu quả hơn.
Vấn đề xăng dầu ảnh hưởng đến chỉ số giá hàng tiêu dùng (CPI) được các nhà kinh tế phân tích khá kỹ. Theo đó, xăng dầu có “quyền số” 2% trong tổng thể giá hàng tính CPI. Nghĩa là mức tăng giá xăng dầu kỳ này của Việt Nam 20% thì sẽ tác động trực tiếp đến CPI: 20% nhân với 2% là khoảng 0.4%.
Còn ở góc độ xăng dầu ảnh hưởng đến chi tiêu các hộ gia đình, thì các phân tích và nghiên cứu cho thấy, xăng dầu chiếm khoảng gần 2.5% chi tiêu của các hộ gia đình. Như vậy, khi xăng dầu tăng giá 20%, đồng nghĩa, ngân sách chi tiêu thực của người dân nói chung giảm đi khoảng 0.5%.
Tóm lại, Tập đoàn xăng dầu Việt Nam có quy mô hoạt động rộng khắp, đóng góp ngân sách với số tiền rất lớn. Bên cạnh đó, các công ty kinh doanh xăng dầu trực thuộc tập đoàn kinh doanh những sản phẩm có ảnh hưởng rất lớn đến môi trường và xã hội. Chính vì vậy việc thiết lập và công bố các chỉ tiêu liên quan đến PTBV là một nhiệm vụ rất quan trọng nhằm đảm bảo niềm tin của khách hàng, nhà đầu tư và toàn xã hội.
4. Thực trạng công bố thông tin PTBV tại các doanh nghiệp thuộc tập đoàn xăng dầu Việt Nam
Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam có tên giao dịch quốc tế là Vietnam National Petroleum Group, viết tắt là Petrolimex, được thành lập ngày 01/12/2011, tiền thân là Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam, trước đó là Tổng Công ty Xăng dầu mỡ được thành lập theo Nghị định của Bộ Thương nghiệp, sau được thành lập lại theo Quyết định 828/QĐ-TTg ngày 31/5/2011 của Thủ tướng Việt Nam.Petrolimex là doanh nghiệp nhà nước được xếp hạng đặc biệt, có quy mô toàn quốc, bảo đảm phần lớn thị phần xăng dầu cả nước.
Tập đoàn Xăng dầu Vệt Nam có: 42 Công ty thành viên, 34 Chi nhánh và Xí nghiệp trực thuộc các Công ty thành viên 100% vốn Nhà nước, 23 Công ty cổ phần có vốn góp chi phối của Tập đoàn, 3 Công ty Liên doanh với nước ngoài và 1 Chi nhánh tại Singapore.
Là doanh nghiệp nhà nước trọng yếu, được xếp hạng đặc biệt, có quy mô toàn quốc, bảo đảm 60% thị phần xăng dầu cả nước; Petrolimex luôn phát huy vai trò chủ lực, chủ đạo bình ổn và phát triển thị trường xăng dầu, các sản phẩm hoá dầu đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế của đất nước và bảo đảm an ninh quốc phòng...
Mặc dù là đơn vị có quy mô, thị phần rất lớn và kinh doanh các mặt hàng có ảnh hưởng rất lớn đến môi trường và xã hội tại Việt Nam. Nhưng những công ty thành viên trực thuộc tập đoàn và ngay cả tập đoàn Xăng dầu Việt Nam cũng chưa thật sự quan tâm đến việc công bố các thông tin liên quan đến mục tiêu PTBV (kinh tế, xã hội và môi trường). Trong các báo cáo tài chính của các công ty thành viên và ngay cả của tập đoàn thì chỉ đề cập đến những thông tin và chỉ số tài chính chứ chưa có các thông tin để làm rõ ảnh hưởng của việc kinh doanh xăng dầu tác động đến môi trường và xã hội như thế nào. Đây thực sự là vấn đề rất lớn ảnh hưởng đến việc có thể thu hút vốn đầu tư từ bên ngoài trong xu hướng cổ phần hóa và niêm yết trên thị trường chứng khoản của tập đoàn.
Nhà đầu tư, người tiêu dùng và người dân toàn xã hội quan tâm nhiều đến việc kinh doanh của tập đoàn có ảnh hưởng gì đến sức khỏe, môi trường sống. Tập đoàn có sử dụng các khoản thuế (bảo vệ môi trường, GTGT,,…) để tái đầu tư hay quan tâm đến việc bảo vệ môi trường từ việc khí thải do sử dụng các sản phẩm của tập đoàn hay không? Để đảm bảo sự phát triển bền vững thì ngay từ lúc này, các nhà quản lý vĩ mô của tập đoàn nên xây dựng một lộ trình để đảm bảo rằng việc công bố các chỉ số liên quan đến PTBV một cách sớm nhất có thể.
5. Khả năng áp dụng việc công bố báo cáo PTBV tại các doanh nghiệp thuộc tập đoàn xăng dầu Việt Nam
Như đã trình bày ở trên, đã có rất nhiều quốc gia bắt buộc hoặc khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh có niêm yết trên thị trường chứng khoán phải công bố báo cáo PTBV. Các nghiên cứu chỉ ra rằng, các doanh nghiệp kinh doanh các sản phẩm đặc thù như xăng dầu, dầu mỏ,…cần phải có sự tự nguyện khi công bố các thông tin này. Tập đoàn xăng dầu Việt Nam không thể nằm ngoài xu thế đó. Để có thể nâng cao khả năng công bố thông tin này, tập đoàn có thể tham khảo một số báo cáo mẫu, khuôn khổ và các mô hình đã được sử dụng tại các quốc gia trên thế giới.
5.1Sáng kiến Báo cáo Toàn cầu (GRI)
GRI được thành lập vào năm 1997 bởi Tổ chức Hợp tác vì Môi trường (CERES) với mục đích tạo ra một khuôn khổ báo cáo về tính bền vững trên toàn cầu (GRI, 2011). Kể từ đó, hai phiên bản kế tiếp của Hướng dẫn GRI thế hệ thứ ba đã được phát hành là G3 và G3.1 (một phiên bản cập nhật của G3). Cách tiếp cận tham vấn đa bên có liên quan được sử dụng để tạo ra các hướng dẫn của G3.1 với sự nhấn mạnh hơn về tính rõ ràng, mục đích của tiêu chí cũng như quá trình báo cáo. Bổ sung ngành là hướng dẫn cụ thể cho các ngành công nghiệp khác nhau được cung cấp. Gần đây, một hướng dẫn thế hệ thứ tư (G4) đã được xây dựng. G4 bao gồm các đề xuất thay đổi đối với các chủ đề như khủng bố, Chống Tham nhũng và Khí thải nhà kính (GHG). Các hướng dẫn này không ràng buộc về mặt pháp lý và có tính chất tự nguyện(Adams và Narayanan, 2007).
Theo hướng dẫn của GRI, một báo cáo điển hình cần đề cập đến các lĩnh vực sau: tầm nhìn và chiến lược; Hồ sơ công ty; Cơ cấu quản trị và hệ thống quản lý; Chỉ số nội dung GRI; Tiêu chuẩn thực hiện (kinh tế, xã hội và môi trường) (Adams và Narayanan, 2007). Tiêu chí hoạt động được chia thành "cốt lõi" hoặc "bổ sung". Tiêu chí 'cốt lõi' được sử dụng để xác định các tiêu chí áp dụng chung và được giả định là quan trọng đối với hầu hết các công ty trong khi các tiêu chí 'bổ sung' đề cập đến các thực tiễn đang nổi lên có thể hoặc không áp dụng được đối với tất cả các doanh nghiệp. Chất lượng được định nghĩa trong các nguyên tắc GRI là tiêu chí phản ánh "những tác động đáng kể về kinh tế, môi trường và xã hội của công ty hoặc ảnh hưởng đáng kể tới các đánh giá và quyết định của các bên liên quan" (GRI, 2011).
5.2 Khuôn khổ DPSIR
Kristensen (2004) định nghĩa khuôn khổ DPSIR như là một chuỗi liên kết nhân quả bắt đầu với một tập hợp các động lực (tức là các thành phần kinh tế, các hoạt động của con người) chuyển thành áp lực (tức là chất thải, lượng khí thải) vào các trạng thái (như thể chất, hóa học và sinh học) và Các tác động (tức là các hệ sinh thái, sức khoẻ con người, các chức năng) cuối cùng dẫn đến các đáp ứng chính trị (như ưu tiên, thiết lập mục tiêu và tiêu chí) (Kristensen, 2004). Khung này là một mở rộng mô hình ứng phó áp lực của nhà nước Anthony Friend (OECD, 2003) vào năm 1970 và sau đó được Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) (UNEP, 2006) thông qua. Nó hiện đang được sử dụng như một cách tiếp cận hợp nhất để báo cáo bởi Cơ quan Môi trường châu Âu (EEA). Hình 2 minh hoạ các mối quan hệ giữa các mối quan hệ nhân quả. Động lực được định nghĩa là nhu cầu, ví dụ, động lực của một cá nhân sẽ là tìm chỗ ở, thực phẩm và nước. Động lực thúc đẩy các hoạt động của con người như vận chuyển hoặc sản xuất thực phẩm gây áp lực lên môi trường như phát thải trực tiếp, sản xuất chất thải và tiếng ồn. Hậu quả trực tiếp của những áp lực này, tình trạng môi trường bị ảnh hưởng, đây có thể là điều kiện vật lý, hóa học hoặc sinh học (chất lượng không khí, chất lượng nước hoặc chất lượng đất). Những thay đổi trong các trạng thái này ảnh hưởng đến chất lượng của các hệ sinh thái. Do những tác động này, phản ứng của cả nhà xã hội và các nhà hoạch định chính sách có thể ảnh hưởng đến bất kỳ phần nào của chuỗi DPSIR (Kristensen, 2004).
5.3 Dự án tiết lộ khí thải Cácbon (CDP)
CDP là một tập đoàn phi lợi nhuận độc lập nắm giữ một trong những cơ sở dữ liệu lớn nhất về việc tiết lộ lượng phát thải khí nhà kính, chiến lược sử dụng nước và biến đổi khí hậu trên phạm vi toàn cầu. Điểm số công bố cácbon đánh giá các công ty chỉ dựa trên chất lượng và tính đầy đủ của việc tiết lộ của họ (CDP tuyên bố rằng những điểm số này không phải là một thước đo dự báo về kết quả hoạt động của công ty vì nó không đưa ra bất kỳ phán quyết nào về hành động của một công ty để giảm nhẹ sự thay đổi khí hậu) (CDP, 2010). Các yếu tố được xem xét bao gồm các rủi ro đặc thù của công ty và các cơ hội tiềm năng phát sinh từ sự thay đổi khí hậu và thực tiễn quản lý dữ liệu nội bộ tốt để giúp công ty hiểu được lượng phát thải khí nhà kính.
6. Kiến nghị
Từ các nhận định trên, để có thể áp dụng việc công bố báo cáo PTBV tại các đơn vị kinh doanh thuộc tập đoàn xăng dầu Việt Nam cần có các biện pháp cụ thể sau:
Thứ nhất, Tìm hiểu và lựa chọn theo một tiêu chuẩn trong việc công bố báo cáo PTBV. Cụ thể ở đây, theo tác giả tập đoàn xăng dầu Việt Nam nên lựa chọn công bố thông tin PTBV theo tiêu chuẩn báo cáo GRI nhưng phải có sự điều chỉnh bổ sung các tiêu chí ở các khung thể chế khác như dự án tiết lộ khí thải các bon (CDP), khuôn khổ DPSIR,…Có thể loại bỏ một số tiêu chí không phù hợp với đơn vị của mình.
Thứ hai, Tái cơ cấu bộ máy kế toán tại các đơn vị thuộc tập đoàn xăng dầu Việt Nam. Sau khi đã lựa chọn được mẫu báo cáo PTBV có tiêu chuẩn phù hợp với đơn vị thì nên thay đổi cơ cấu tổ chức kế toán ngay từ các đơn vị thành viên cho đến tập đoàn. Không chỉ chú trọng vào việc công bố các thông tin về kinh tế, các đơn vị kế toán phải được xây dựng theo chức năng trong đó bộ phận kế toán quản trị đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng các mẫu biểu liên quan đến việc thu thập các thông tin liên quan đến tình hình sản xuất kinh doanh ảnh hưởng đến khía cạnh môi trường và xã hội.
Thứ ba, Cơ quan quản lý cụ thể là bộ tài nguyên môi trường, bộ khoa học công nghệ và bộ tài chính nên khuyến khích các công ty, tập đoàn lớn áp dụng việc công bố các thông tin về môi trường, trách nhiệm xã hội. Bên cạnh đó, nên xây dựng một thể chế kiểm soát các tác động của việc hoạt động sản xuất kinh doanh đến môi trường và trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp này. Vai trò quản lý nhà nước về các hoạt động này là rất lớn, cần phải tuyên truyền cho doanh nghiệp thấy được lợi ích của việc phát triển nhưng phải đảm bảo sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Cần có một cơ chế quản lí và kiểm soát lượng khí thải trong hoạt động sản xuất kinh doanh, không đánh đổi môi trường để đổi lấy sự phát triển của nền kinh tế không bền vững
Tài liệu tham khảo:
Ahmed Belkaoui, Philip G. Karpik, (1989). Determinants of the Corporate Decision to Disclose SocialInformation, Accounting, Auditing & Accountability Journal, Vol. 2 Issue
Ahmed, K. & Nicholls, D. (1994). The Impact of Non-Financial Company Characteristics on Mandatory Disclosure Compliance in Developing Countries: The Case of Bangladesh. The International Journal of Accounting, 29(1), 62-77
Belal, A. R. (2001). A Study of Corporate Social Disclosures in Bangladesh. Managerial Auditing Journal,16(5), 274-289.
Bewley, K. & Li, Y. (2000). Disclosure of environmental information by Canadian manufacturing companies: a voluntary disclosure perspective. Advances in Environmental Accounting and Management 1, 201-226.
Carroll, A. B. (1999). Corporate social responsibility: Evolution of a definitional construct. Business and Society, 38(3), 268-295.
Connors, E. & Gao, L. S. (2009). The impact of environmental risk on the cost of equity capital. Working paper presented at the Financial Management Association 2009 Annual Meeting.
Craswell, A. T. & Taylor, S. L. (1992). Discretionary disclosure of reserves by oil and gas companies: an economic analysis. Journal of Business, Finance and Accounting, 19(2), 295-308.
Deegan, C. & Rankin, M. (1999). The environmental reporting expectations gap: Australian evidence. British Accounting Review 31, 313-346.
Deegan C, Gordon B. (1996). A study of the environmental disclosure practices of Australian corporations. Accounting and Business Research 26(3):187–199.
Renard Y.J. Siew, Maria C.A. Balatbat, David G. Carmichael, (2013) The relationship between sustainability practices and financial performance of construction companies, Smart and Sustainable Built Environment, Vol. 2 Issue: 1, pp.6-27.
Trotman, K. T. & Bradley, G. W. (1981). Association between Social Responsibility Disclosure and Characteristics of Companies. Accounting, Organisations and Society, 6(4), 355-362
Vinal Mistry, Umesh Sharma, Mary Low, (2014). Management accountants' perception of their role in accounting for sustainable development: An exploratory study. Pacific Accounting Review, Vol. 26 Issue: 1/2, pp.112-133
Watts, R. L. & Zimmerman, J. L. (1990). Positive accounting theory: A ten year perspective. The Accounting Review, 65(1), 131-156.
https://www.petrolimex.com.vn/gioi-thieu/gioithieu petrolimex/qua_trinh_hinh_thanh_va_phat_trien.html (truy cập ngày 30/05/2018)
https://vi.wikipedia.org/wiki/T%E1%BA%ADp_%C4%91o%C3%A0n_X%C4%83ng_d%E1%BA%A7u_Vi%E1%BB%87t_Nam (truy cập ngày 30/05/2018)
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: