Ứng dụng mô hình SEM trong nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng kiểm toán
Ths.Nguyễn Thị Khánh Vân
Khoa Kế toán – Đại học Duy Tân Đà Nẵng
254 Nguyễn Văn Linh – TP Đà Nẵng
Tóm Tắt:
Xây dựng mô hình lý thuyết và lựa chọn phương pháp kiểm định giả thuyết lý thuyết và khái niệm phù hợp là vấn đề đang được đặt ra đối với các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học xã hội. Bằng phương pháp phân tích, tổng hợp tài liệu tác giả đã đề xuất mô hình nghiên cứu lý thuyết về tác động của cạnh tranh lên chất lượng kiểm toán Việt Nam thông qua tính độc lập của KTV và luận giả qui trình ứng dụng mô hình SEM về mặt lý thuyết trong kiểm tra giả thuyết cho mô hình nghiên cứu.
Từ khóa: chất lượng kiểm toán, mô hình SEM, chất lượng dịch vụ kiểm toán
1. Giới thiệu
Xuất phát từ những đặc điểm riêng biệt của dịch vụ kiểm toán, thị trường kiểm toán hiện nay đang thu hút sự chú ý và tranh luận của những nhà hoạch định chính sách và cả những người hành nghề. Các công ty kiểm toán Big4 đã thống lĩnh thị trường kiểm toán Việt Nam. Theo báo cáo kết quả hoạt động 2017 của Bộ Tài chính, 4 công ty kiểm toán Big4 được sắp xếp theo thứ tự doanh thu là: E&Y, PwC, Deloitte và KPMG với thị phần là 49,78% doanh thu toàn ngành kiểm toán năm 2017. Cho thấy mức độ tập trung của thị trường kiểm toán Việt Nam khá cao, sự đa dạng trong lựa chọn công ty kiểm toán của khách hàng thấp. Như vây, một câu hỏi được đặt ra, liệu sự cạnh tranh của thị trường có ảnh hưởng đến chất lượng kiểm toán Việt Nam hay không? Mối quan hệ của cạnh tranh và chất lượng kiểm toán là gì?
Trong giới hạn phạm vi nghiên cứu, bài báo tập trung xây dựng mô hình lý thuyết nghiên cứu tác động của cạnh tranh lên chất lượng kiểm toán Việt Nam thông qua tính độc lập của KTV. Đồng thời, nghiên cứu dự định sử dụng mô hình phương trình cấu trúc (SEM) để điều tra ảnh hưởng của cạnh tranh thị trường kiểm toán đến chất lượng kiểm toán thông qua tính độc lập của kiểm toán viên
2. Tổng quan nghiên cứu
Chất lượng kiểm toán
DeAngelo (1981) xác định Chất lượng kiểm toán là khả năng phát hiện và báo cáo các sai phạm trọng yếu trong báo cáo tài chính của đơn vị được kiểm toán”. Trong đó, khả năng phát hiện sai phạm phụ thuộc vào năng lực của kiểm toán viên; việc báo cáo các sai phạm phụ thuộc và liên quan đến tính độc lập của kiểm toán viên đối với công ty khách hàng. Định nghĩa này phản ánh hai khía cạnh chính có liên quan đến chất lượng kiểm toán đang được quan tâm là năng lực của công ty kiểm toán (hoặc chuyên gia kiểm toán và kinh nghiệm) và mức độ độc lập. Đồng thời nhấn mạnh KTV có thể thành công hoặc thất bại trong việc phát hiện những sai sót của tài liệu.
Theo chuẩn mực kiểm toán quốc tế và Việt Nam số 220 (ISA 220&VSA 220), chất lượng kiểm toán chính là mức độ thỏa mãn về tính khách quan và độ tin cậy vào ý kiến kiểm toán của những đối tượng sử dụng dịch vụ kiểm toán, đồng thời có những ý kiến đóng góp nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý tài chính, kế toán của công ty khách hàng với thời gian được định trước và giá phí thích hợp. Theo quan điểm này, để đánh giá chất lượng kiểm toán, cần đánh giá mức độ thỏa mãn của các đối tượng sử dụng về chất lượng dịch vụ kiểm toán. Đối tượng sử dụng bao gồm: Đơn vị được kiểm toán, các nhà đầu tư, ngân hàng, khách hàng, nhà cung cấp và các cơ quan quản lý nhà nước.
Chất lượng kiểm toán được nhìn nhận dưới nhiều góc độ khác nhau cũng như luôn tồn tại một khoảng cách về mức độ yêu cầu của các đối tượng sử dụng đối với chất lượng kiểm toán. Từ các quan điểm trên, theo ý kiến của tác giả, chất lượng kiểm toán chính là sự đảm bảo rằng báo cáo tài chính phản ánh trung thực tình hình tài chính cơ bản của công ty, dựa trên hệ thống báo cáo tài chính và đặc điểm vốn có của đơn vị đó
Đo lường chất lượng kiểm toán
Chất lượng kiểm toán không thể quan sát được nên khó có thể thực hiện đo lường nó.
Một số biến đã được sử dụng để đo lường trực tiếp chất lượng kiểm toán như: Báo cáo tài chính phù hợp với GAAP, kết quả KSCL, tỷ lệ kiện tụng, tỷ lệ giữa ý kiến hoạt động liên tục có liên quan đến các doanh nghiệp bị phá sản. Krishnan & Schauer (2000) đã nghiên cứu mối quan hệ giữa quy mô DNKT và sự tuân thủ các yêu cầu của CMKiT. Krishnan & Schauer phát hiện ra rằng DNKT càng lớn sự tuân thủ yêu cầu CMKiT càng cao. Geiger & Raghunandan (2002) xem xét liệu việc kiểm toán đã đưa ra sự quan tâm trong các năm trước cho khách hàng Mỹ đã kê khai phá sản. Họ phát hiện ra rằng KTV ít có khả năng đưa ra một quan điểm liên tục trong năm đầu kiểm toán so với những năm sau đó, điều này trái với lo ngại của một số Nhà nghiên cứu cho rằng một mối quan hệ lâu dài giữa khách hàng và KTV sẽ ảnh hưởng xấu đến CLKT. Các biện pháp đo lường trực tiếp CLKT khác như đánh giá việc thực thi quy định của Ủy ban Chứng khoán (Dechow & cộng sự, 1996). Tuy nhiên, các biện pháp đo lường trực tiếp CLKT gặp khó khăn trong thực tế do hạn chế từ việc tiếp cận dữ liệu, mức độ do khái quát kết quả không cao.
Nhóm nghiên cứu áp dụng biện pháp đo lường chất lượng kiểm toán gián tiếp như: quy mô DNKT, nhiệm kỳ KTV, mức độ chuyên ngành, giá phí kiểm toán, uy tín. Biện pháp gián tiếp phổ biến nhất về CLKT là quy mô DNKT. DeAngelo (1981) cho rằng quy mô của DNKT là một chỉ số về CLKT vì các DNKT lớn được trang bị nhiều hơn. Các nghiên cứu khác cũng thực hiện nghiên cứu mối quan hệ giữa quy mô DNKT và CLKT (Krishnan & Schauer, 2000; Ajmi, 2009; Lawrence & cộng sự (2011). Ghosh & Mood (2005) lập luận rằng nhiệm kỳ của KTV có thể có ảnh hưởng xấu đến CLKT. KTV có nhiệm kỳ kiểm toán dài sẽ đánh mất tính độc lập của mình để giữ mối quan hệ chặt chẽ với khách hàng. Theo Wooten (2003), DNKT có nhiều khách hàng trong cùng một ngành mang lại việc hiểu biết sâu hơn những rủi ro kiểm toán đặc trưng của một ngành cụ thể.
3. Phương pháp nghên cứu
Dưa vào các mô hình nghiên cứu chất lượng kiểm toán của Wooten (2003), Duff (2004), Tritschler (2013), Defond & Zhang (2014), cùng các nghiên cứu khác kết hợp với thực tiễn thị trường kiểm toán Việt Nam, tác giả đề xuất mô hình nghiên cứu hình 1. Trong mô hình này, chất lượng kiểm toán chịu ảnh hưởng của tính cạnh tranh của thị trường thông qua tính độc lập KTV được đại diện bởi biến thay thế là dịch vụ phi kiểm toán và nhiệm kỳ kiểm toán
Đo lường các biến:
Biến phụ thuộc: Chất lượng kiểm toán có thể được đo bằng nhiều tiêu chí khác nhau. Theo kết quả nghiên cứu của Phan Văn Dũng (2015), chất lượng kiểm toán có thể được đo bằng 4 biến đặc trưng: (1) Khả năng phát hiện và báo cáo về sai sót trọng yếu trên BCTC; (2) Mức độ tuân thủ các CMKiT và các quy định của pháp luật về kiểm toán; (3) Tính chuyên nghiệp, năng lực và trình độ chuyên môn của KTV; (4) Năng lực lãnh đạo, điều hành của BGĐ DNKT.
Biến độc lập:
Đo lường sự độc lập của kiểm toán viên
Do việc cung cấp dịch vụ phi kiểm toán và nhiệm kỳ kiểm toán viên-khách hàng dài được coi là mối đe dọa chính đối với sự độc lập của kiểm toán viên. Việc cung cấp dịch vụ phi kiểm toán và nhiệm kỳ kiểm toán-khách hàng được sử dụng rộng rãi làm biến cho sự độc lập của kiểm toán viên (Tepalagul & Lin, 2015). Trong nghiên cứu, tác giả sử dụng cả việc cung cấp dịch vụ phi kiểm toán và nhiệm kỳ kiểm toán-khách hàng làm biến thay thế để đo lường sự độc lập của kiểm toán viên. Nhiệm kỳ kiểm toán-khách hàng (TENURE) được đo bằng độ dài của mối quan hệ kiểm toán viên-khách hàng trong nhiều năm. Việc cung cấp dịch vụ phi kiểm toán (NAS) được tính bằng tỷ lệ phí phi kiểm toán so với tổng phí phải trả cho công ty kiểm toán trong mỗi năm tài chính của khách hàng.
Đo lường sự cạnh tranh thị trường kiểm toán Việt Nam
Lý thuyết cạnh tranh (Hotelling, 1929) được áp dụng để đo lường cạnh tranh thị trường kiểm toán là thị phần của công ty kiểm toán liên quan đến thị phần của các đối thủ cạnh tranh trong cùng thị trường khu vực. Do đó, trong nghiên cứu, tác giả sử dụng biện pháp của Numan và Willekens (2012) làm thước đo chính cho cạnh tranh thị trường kiểm toán và sử dụng thước đo nồng độ chỉ số Herfindahl trong phân tích độ mạnh.
Thước đo mức độ cạnh tranh của chỉ số Herfindahl được tính bằng tổng bình phương của thị phần của mỗi công ty kiểm toán về phí kiểm toán kiếm được từ các khách hàng trong khu vực. Số đo sẽ được nhân với (-1) nhằm phản ánh kết quả càng cao, cạnh tranh thị trường kiểm toán càng mạnh.
Giả thuyết nghiên cứu
H1: Việc cung cấp dịch vụ phi kiểm toán không ảnh hưởng đến chất lượng kiểm toán.
H2: Nhiệm kỳ của công ty kiểm toán không ảnh hưởng đến chất lượng kiểm toán.
H3: Cạnh tranh thị trường kiểm toán không ảnh hưởng đến chất lượng kiểm toán.
H4: Cạnh tranh thị trường kiểm toán không điều tiết mối liên hệ giữa tính độc lập của kiểm toán viên và chất lượng kiểm toán.
H4a: Cạnh tranh thị trường kiểm toán không điều tiết mối quan hệ giữa dịch vụ phi kiểm toán và chất lượng kiểm toán.
H4b: Cạnh tranh thị trường kiểm toán không điều tiết mối liên hệ giữa nhiệm kỳ công ty kiểm toán và chất lượng kiểm toán.
Sử dụng mô hình phương trình cấu trúc (SEM) để kiểm tra các mối quan hệ giả thuyết
SEM là một phương pháp trong nhóm các phương pháp thống kê cho phép phân tích đồng thời một loạt các phương trình cấu trúc. SEM cung cấp khả năng tiến hành kiểm tra các giả thuyết mạnh mẽ hơn và cung cấp nhiều lợi thế hơn các kỹ thuật khác (ví dụ: hồi quy bội và phân tích đường dẫn) (Smith & Langfield-Smith, 2004). Sức mạnh của SEM làm cho nó trở thành một phương pháp ngày càng phổ biến để kiểm tra các mô hình lý thuyết trong nghiên cứu khoa học xã hội. Một lợi thế quan trọng của SEM là khả năng xây dựng các biến tiềm ẩn và kiểm tra mối quan hệ giữa các biến tiềm ẩn và biến quan sát. Một biến tiềm ẩn được định nghĩa là một khái niệm không quan sát được, chỉ có thể được xấp xỉ bởi các biến quan sát; do đó, một biến tiềm ẩn thường được xây dựng từ một số chỉ số (Hair, Black, Babin, Anderson, & Tatham, 2006).
SEM bao gồm một mô hình đo lường và một mô hình cấu trúc và thường tiến hành theo một quy trình hai bước.
Bước đầu tiên là kiểm tra mô hình đo lường. Nghiên cứu đo lường chất lượng kiểm toán được biểu thị bởi bốn biến đặc trưng trong mô hình 2 là Khả năng phát hiện và báo cáo về sai sót trọng yếu trên BCTC (DEQ); Mức độ tuân thủ các CMKiT và các quy định của pháp luật về kiểm toán (COMQ); Tính chuyên nghiệp, năng lực và trình độ chuyên môn của KTV (PRO); Năng lực lãnh đạo, điều hành của BGĐ DNKT (MANQ). Bốn tiêu chí này được đo theo thang đo Linker 5 mức.
Sau đó, tác giả sử dụng phân tích nhân tố khám phá (CFA) được nhúng trong mô hình phương trình cấu trúc để đánh giá tính hợp lệ của cấu trúc chất lượng kiểm toán. Xác định hệ số của mô hình đo lường thể hiện sự đóng góp của từng thước đo chỉ báo cho biến tiềm ẩn, chất lượng kiểm toán. Nếu hệ số tải của một tiêu chí của biến tiềm ẩn là không đáng kể, nó cho thấy rằng tiêu chí không nắm bắt được biến tốt và nên được loại bỏ khỏi mô hình đo lường.
Sau khi mô hình đo lường được thỏa mãn, một mô hình cấu trúc bao gồm tất cả các liên kết được đề xuất giữa các biến quan sát và biến tiềm ẩn sẽ được kiểm tra. Như mô tả trong Hình 1, mô hình cấu trúc cho thấy các liên kết từ tính độc lập của kiểm toán viên được chỉ định bởi NAS và khách hàng kiểm toán viên với chất lượng kiểm toán, liên kết trực tiếp từ cạnh tranh thị trường kiểm toán đến chất lượng kiểm toán và tác động điều tiết của cạnh tranh thị trường kiểm toán đối với các liên kết đó. Sau khi cả mô hình đo lường và mô hình kết cấu được tạo ra, SEM đồng thời kiểm tra cả mô hình đo lường và mô hình kết cấu.
Trên đây là mô hình lý thuyết nghiên cứu được đề xuất và những gợi ý cơ bản về thế mạnh cũng như cách thức ứng dụng mô hình SEM trong kiểm định giả thuyết nghiên cứu. Bài báo cần được tiến tục phát triển nghiên cứu thực nghiệm trên cơ sở nguồn số liệu khảo sát thực tiễn tại các công ty kiểm toán Việt Nam.
Tài liệu thám khảo
Bộ tài chính, Tổng hợp từ Báo cáo tổng kết hoạt động năm 2017 của Bộ Tài chính
Bộ Tài chính (2012), Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 220 - Kiểm soát chất lượng hoạt động kiểm toán, (Ban hành theo thông tư số 214/2012/TT--BTC ngày 06 tháng 12 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Tài chính)
Chuẩn mực quốc tế về kiểm soát chất lượng đối với kiểm toán báo cáo tài chính, ISA 220 - Quality Control for an Audit of Financial Statements, được hiệu đính có hiệu lực 15/12/2009
Phan Văn Dũng (2015), Các nhân tố tác động đến chất lượng kiểm toán của các doanh nghiệp Kiểm toán Việt Nam theo định hướng tăng cường năng lực cạnh tranh trong điều kiện hội nhập, LATS, Đại học kinh tế TP HCM.
Ajmi, J. A. (2009). Audit firm, corporate governance, and audit quality: Evidence from Bahrain. Advances in Accounting, 64–74
DeAngelo, L. E. (1981). Auditor size and audit quality. Journal of Accounting and Economics, 3(3), 183-199. doi: http://dx.doi.org/10.1016/0165-4101(81)90002-1
DeFond, M., & Zhang, J. (2014). A review of archival auditing research. Journal of Accounting and Economics, 275–326.
Duff, A. (2004). Auditqual: Dimensions of audit quality. Institute of Chartered Accountants of Scotland.
Krishnamurthy, S., Zhou, J., & Zhou, N. (2006). Auditor reputation, auditor independence, and the stock-market impact of Andersen's indictment on its client firms. Contemporary Accounting Research, 23(2), 465-490
Schneider, A., Church, B. K., & Ely, K. M. (2006). Non-audit services and auditor independence: A review of the literature. Journal of Accounting Literature, 25, 169-211
Tepalagul, N., & Lin, L. (2015). Auditor independence and audit quality: A literature review. Journal of Accounting, Auditing & Finance, 30(1), 101-121. doi: 10.1177/0148558X14544505
Wooten, T. C. (2003). Research About Audit Quality. The CPA Journal, 48-64.
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: