ThS Nguyễn Thị Quỳnh Giao – Đại học Duy Tân
Đặt vấn đề
Tiêu thụ đặc biệt là một trong các sắc thuế đóng góp lớn vào nguồn thu ngân sách nhà nước và góp phần quản lý tiêu dùng. Làm thế nào để nhà nước quản lý hiệu quả nguồn thu ngân sách nhưng vẫn đảm bảo không ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế và người nộp thuế là một trong những vấn đề cần phải đặt ra. Bài viết làm rõ các vấn đề cần phải hoàn thiện về chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt và kinh nghiệm quản lý thuế tiêu thụ đặc biệt của các nước hiện nay.
Thuế tiêu thụ đặc biệt
Thuế Tiêu thụ đặc biệt (“excise taxes” hoặc “excise duty”) là loại thuế được áp dụng hầu hết ở quốc gia trên thế giới với các tên gọi khác nhau như: Tại Thuỵ Điển gọi là thuế đặc biệt, tại Pháp có tên là thuế tiêu dùng đặc biệt, tại Trung Quốc có tên là thuế tiêu thụ … Loại thuế này đánh vào một số hàng hoá, dịch vụ nhằm điều tiết sản xuất và tiêu dùng của mỗi quốc gia. Tuỳ vào điều kiện xã hội, kinh tế của các nước mà danh mục các hàng hoá, dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt cũng khác nhau. Danh mục này cũng phụ thuộc lớn vào chủ trương, chính sách của nhà nước về hướng dẫn sản xuất tiêu dụng cũng như điều tiết thu nhập của xã hội. Ví dụ ở Tại Thái Lan, theo Luật Thuế TTĐB các loại hàng hóa bị đánh thuế TTĐB như: dầu mỏ và các sản phẩm dầu mỏ, một số đồ uống, một số loại sản phẩm điện tử, sản phẩm pin, thủy tinh và pha lê, mô tô, xe vận hành trên mặt nước, nước hoa và mỹ phẩm, đá granit và marble, sản phẩm làm nguy hại đến bầu khí quyển, rượu, thuốc lá, bài lá. Tại Vương quốc Anh, thuế TTĐB được đánh vào rượu bia, thức uống có cồn, sản phẩm thuốc lá, dầu hydrocarbon, các sản phẩm gây biến đổi khí hậu, nhiên liệu sinh học. Tại Hàn Quốc và Nhật Bản, loại thuế này được đánh theo đối tượng chịu thuế riêng biệt, chẳng hạn: thuế đồ uống có cồn, thuế thuốc lá, thuế ô tô, thuế xăng, thuế đồ uống có đường…
So với các quốc gia trên thế giới thị Việt Nam vẫn còn nhiều sự khác biệt về phương thức đánh thuế, danh mục hàng hoá dịch vụ chịu thuế cũng như cách thức quản lý nguồn thu thuế tiêu thụ đặc biệt một các chặt chẽ hợp lý. Cùng tác giả tìm hiểu cụ thể một số nội dung liên quan đến sắc thuế tiêu thụ đặc biệt như sau.
Thứ nhất, về danh mục hàng hoá dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt
Về cơ bản, đối tượng chịu thuế TTĐB chủ yếu là các mặt hàng có hại đến sức khỏe hoặc có tính chất cao cấp, xa xỉ cần hạn chế tiêu dùng. Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều chuyên gia cũng như so sánh với các quốc gia khác thì danh mục đánh thuế tiêu thụ đặc biệt ở nước ta vẫn còn ít. Một số mặt hàng có ảnh hưởng tiêu cực đến sức khoẻ, môi trường thậm chí xa xỉ nhưng nhà nước vẫn không đưa vào danh mục đánh thuế tiêu thụ đặc biệt.
Luật thuế TTĐB số 02/VBHN-VPQH về thuế tiêu thụ đặc biệt. Danh mục hàng hoá dịch vụ chịu thuế bao gồm 10 nhóm hàng hoá và 6 nhóm dịch vụ bao gồm:
TT |
Hàng hóa |
Dịch vụ |
1 |
Thuốc lá điếu, xì gà và chế phẩm khác từ cây thuốc lá dùng để hút, hít, nhai, ngửi, ngậm |
Kinh doanh gôn (golf) bao gồm bán thẻ hội viên, vé chơi gôn |
2 |
Rượu |
Kinh doanh mát-xa (massage), ka-ra-ô-kê (karaoke) |
3 |
Bia |
Kinh doanh đặt cược |
4 |
Xe ô tô dưới 24 chỗ, kể cả xe ô tô vừa chở người, vừa chở hàng loại có từ hai hàng ghế trở lên, có thiết kế vách ngăn cố định giữa khoang chở người và khoang chở hàng |
Kinh doanh ca-si-nô (casino); trò chơi điện tử có thưởng bao gồm trò chơi bằng máy giắc-pót (jackpot), máy sờ-lot (slot) và các loại máy tương tự |
5 |
Điều hoà nhiệt độ công suất từ 90.000 BTU trở xuống |
Kinh doanh vũ trường |
6 |
Tàu bay, du thuyền |
Kinh doanh xổ số |
7 |
Xăng các loại, nap-ta (naphtha), chế phẩm tái hợp (reformade component) và các chế phẩm khác để pha chế xăng |
|
8 |
Xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh có dung tích xi lanh trên 125cm3 |
|
9 |
Bài lá |
|
10 |
Vàng mã, hàng mã |
Hiện tại danh mục các sản phẩm chịu thuế tiêu thụ đặc biệt ở các quốc gia trên thế giới rộng hơn nhiều so với sản phẩm dịch vụ chịu thuế ở Việt Nam. Danh mục chịu thuế TTĐB của Thái Lan có 20 nhóm hàng hóa và dịch vụ, của Malaysia thu vào 17 loại hàng hóa, Hungari thu vào 22 loại hàng hóa, Thụy Điển thu vào 19 nhóm hàng hóa. Cụ thể các sản phẩm dịch vụ đánh thuế tiêu thụ đặc biệt ở các nước:
Hàng hoá là nước giải khát có ga và nước ngọt khác
Theo nghiên cứu của Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính, thuế đánh vào đồ uống có đường được áp dụng ở khá nhiều quốc gia như các nước ở châu Âu, Nam Mỹ, Bắc Mỹ, châu Á. Việc đánh thuế đặt trong bối cảnh các loại đồ uống chứa đường có tác hại đến sức khỏe của con người. Theo thống kê, trên thế giới đã có gần 40 quốc gia đã đánh thuế đối với mặt hàng nước ngọt. Nguyên tắc đánh thuế dựa trên hàm lượng đường trong sản phẩm đồ uống nước ngọt.
Nhóm mặt hàng xa xỉ như đồng hồ cao cấp, mỹ phẩm, đồ trang sức, máy ảnh sang trọng, da lông thú.
Đây là nhóm hàng hoá mà nước ta chưa đánh thuế tiêu thụ đặc biệt. Hiện tại ở Trung Quốc đã đánh thuế đồng hồ đeo tay cao cấp với mức thuế suất 20%, mỹ phẩm chịu mức thuế suất 30%, đồ trang sức từ 5% - 10%
Nhóm mặt hàng điện lạnh, điện máy với mức tiêu thụ năng lương lớn
Trong danh mục 10 hàng hoá chiu thuế tiêu thụ đặc biệt của nước ta thì chỉ có một mặt hàng về điện máy chịu thuế tiêu thụ đặc biệt đó là Điều hoà nhiệt độ công suất từ 90.000 BTU trở xuống. Tuy nhiên ở các quốc gia thì đánh thuế nhiều mặt hàng điện. Nhật Bản đánh thuế TTĐB vào rất nhiều mặt hàng điện với mục đích tạo nguồn thu phát triển tài nguyên năng lượng quốc gia.
Dịch vụ đua ngựa, đua xe đạp
Hiện tại Hàn Quốc là quốc gia đã đưa dịch vụ đua ngựa, đua xe đạp vào danh mục chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Đây là một dịch vụ xa xỉ đối với đại đa số người dân nên việc đưa nhóm dịch vụ này vào đối tượng chịu thuế là hợp lý.
Thuế dầu khí và than đá
Trong các đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt của Nhật Bản, ngoài các đối tượng chịu thuế thiêu thụ đặc biệt thông thường thì còn có nhóm đối tượng chịu thuế dầu khí và than đá. Nhật Bản cho rằng dầu khí và than đá là các đối tượng có tác động tiêu cực đến môi trường cho nên cần thiết phải đánh thuế TTĐB để hạn chế tiêu dùng.
Thứ hai, về phương thức đánh thuế tiêu thụ đặc biệt
Có ba phương pháp tính thuế TTĐB được áp dụng hiện nay đó là thuế tuyệt đối, thuế tương đối và thuế hỗn hợp. Ở nước ta hiện tại đang áp dụng phương pháp tính thuế tương đối (theo tỷ lệ % trên giá tính thuế). Ở Phương pháp này thì số thuế thu được sẽ phụ thuộc vào giá bán ra của hàng hoá dịch vụ. Hình thức có một số nhược điểm như tăng nguy cơ chuyển giá của các nhà sản xuất, không thực sự điều tiết tiêu dùng được các sản phẩm có giá rẻ nhưng có tính chất nguy hại như rượu, bia, thuốc lá. Ở các nước như Hàn Quốc, Singapore và Philippines, Trung Quốc… nhà nước đánh thuế theo cả phương thức tuyệt đối và phương thức tương đối tuỳ vào từng hàng hoá dịch vụ, thậm chí áp dụng cả phương thức hỗn hợp trên cùng 1 loại hàng hoá dịch vụ.
Thứ ba, về thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt
Nhìn chung hiện nay giống như các quốc gia khác, nước ta cũng đánh thuế TTĐB với mức thuế suất cao hơn nhiều sắc thuế như GTGT, NK, TNDN …Tuy nhiên nếu so sánh giữa mức thuế suất ở nước ta và các nước trên thế giới thì vẫn còn thấp. Ví dụ như đối với sản phẩm thuốc lá, một trong những sản phẩm gây hại cho sức khoẻ người sử dụng thì hiện tại nước ta đang đánh thuế với mức thuế suất 75%. Tuy nhiên các nước như Myanmar áp dụng mức tương đối với mức thuế suất 100%, Thái Lan áp dụng phương pháp hỗn hợp với mức 87% + 0.03 USD/ gram, Trung Quốc cũng áp dụng phương pháp thuế hỗn hợp đối với một số loại thuốc lá (đối với thuốc lá nhóm A, mức thuế suất là 45% cộng với 0,003 NDT cho mỗi điếu hay ở Singapor đánh thuế tuyệt đối với mức 0.315 usd/ điếu.
Thứ tư, về phương thức quản lý thuế
Thuế tiêu thụ đặc biệt là thuế tiêu dùng một giai đoạn, chỉ đánh vào giai đoạn nhập khẩu tiêu thụ hoặc sản xuất tiêu thụ mà không đánh trên tất cả các giai đoạn như thuế GTGT nên hiện nay nhà nước ta còn thất thoát nhiều về khoản thu về thuế này, có rất nhiều tổ chức cá nhân nhập khẩu lậu, không kê khai đầy đủ về số lượng sản phẩm bán ra đối với các doanh nghiệp sản xuất bán ra trong nước.
Các giải pháp nhằm hoàn thiện chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt
Thứ nhất, về danh mục hàng hoá dịch vụ chịu thuế
Như tác giả đã nhận định thì danh mục chịu thuế tiêu thụ đặc biệt ở nước ta còn ít hơn các quốc gia khác. Tuy nhiên không vì như vậy mà chúng ta đưa tất cả các sản phẩm chịu thuế ở các quốc gia khác vào danh mục hàng hoá dịch vụ chịu thuế mà phải xem xét điều kiện kinh tế, xã hội, văn hoá ở nước ta có phù hợp hay không. Trước đây, có nhiều tỉnh thành đề xuất đánh thuế với các mặt hàng như trà, cà phê, nước hoa, mỹ phẩm, điện thoại nhưng xét thấy đây là các sản phẩm gần như thiết yếu đối với người tiêu dùng Việt Nam nên không thực sự phù hợp khi đánh thuế TTĐB. Hay dịch vụ đua xe đua ngựa phải nộp thuế TTĐB ở Hàn Quốc nhưng Việt Nam chúng ta gần như không có loại hình dịch vụ này. Tuy nhiên các sản phẩm như nước giải khát các ga có cồn hiện tại chưa chịu thuế TTĐB, đây là nhóm sản phẩm đang được người dân sử dụng với mức độ gia tăng nhưng lại có ảnh hưởng tiêu cực đến sức khoẻ người tiêu dùng nên nhà nước cần thiết sớm đưa vào danh mục hàng hoá chịu thuế. Ngoài ra các sản phẩm điện máy điên lạnh có công suất lớn, các sản phẩm trang sức chế tác từ động vật quý hiếm cũng nên sớm đưa vào danh mục hàng hoá chịu thuế TTĐB.
Thứ hai, về phương thức đánh thuế TTĐB
Với phương thức đánh thuế tương đối hoàn toàn như hiện tại nước ta đang áp dụng thì chưa thực sự phù hợp. Đặt biệt các sản phẩm như rượu, bia, thuốc lá có giá thành không cao nhưng lại có ảnh hưởng lớn đến sức khoẻ cộng đồng thì việc áp dụng thuế theo tỷ lệ phần trăm trên giá bán sẽ không phục vụ tốt cho mục tiêu điều tiết, định hướng tiêu dùng. Nhà nước nên cân nhắc và đưa vào áp dụng sớm hơn về phương pháp tính thuế tuyệt đối cho mặt hàng rượu. bia, thuốc lá. Phương pháp này cũng sẽ giúp cho nhà nước quản lý dễ dàng hơn về số thuế thu cho NSNN vì chỉ quản lý về mặt số lượng thay vì phải kiểm soát về cả mặt số lương và giá bán như phương pháp tương đối hiện tại. Tuy nhiên nếu việc ban hành một mức thuế cố định khó khăn khi thuyết phục người dân về tính khoa học của mức thuế đó thì có thể dung hòa hai phương pháp trên, một số quốc gia đã lựa chọn việc tính thuế theo cả hai phương pháp. Đối với hàng hóa thuộc diện chịu thuế sẽ chịu đồng thời cả hai mức thuế, một mức thuế cố định trên đơn vị hàng hóa và mức thuế phần trăm tính theo giá bán. Như Thái Lan áp dụng phương pháp hỗn hợp với mức 87% + 0.03 USD/ gram, Trung Quốc áp mức thuế suất là 45% cộng với 0,003 NDT cho mỗi điếu.
Thứ ba, Về thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt
Tăng hay giảm mức thuế tiêu thụ đặc biệt trong giai đoạn hiện nay cũng cần phải cân nhắc về tác động của nó đến giá tiêu dùng, ảnh hưởng đến người sử dụng, ảnh hưởng đến nhà đầu tư và thậm chí là cơ hội việc làm của người lao động. Tuy nhiên đối với những mặt hàng có ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ của người dân như rượu, bia, thuốc lá thì đề xuất nhà nước nên xem xét tăng mức thuế TTĐB để hạn chế tiêu dùng, bảo vệ sức khoẻ cộng đồng, giảm thiểu chi phí điều trị bệnh tật cũng nhưng cải thiện năng suất lao động. Nghiên cứu mô hình ước tính của WHO cho thấy, để đạt mục tiêu quốc gia về giảm tỷ lệ hút thuốc, cần áp dụng mức bổ sung thuế tuyệt đối ở mức 5.000 đồng/bao thuốc. Khi đó tỷ lệ hút thuốc ở nam giới có thể giảm 6,3%, đạt mục tiêu Chiến lược Quốc gia về phòng chống tác hại thuốc lá, tăng doanh thu thuế thuốc lá thêm 10.700 tỷ đồng/năm và giúp tránh được 900.000 ca tử vong sớm do hút thuốc.
Thứ tư, Về phương thức quản lý thuế
Trước hết, các cơ quan chức năng cần nâng cao ý thức pháp luật cho người dân bằng cách tuyên truyền, giáo dục một cách sâu rộng tới mọi tầng lớp nhân dân thông qua các phương tiện thông tin đại chúng như sách, báo, truyền hình, truyền thanh…. Vì thuế TTĐB là loại thuế mà nhiều người đã nộp nhưng không biết. Điều này giúp cho nhà nước thực hiện tốt hơn chức năng điều tiết tiêu dùng. Bên cạnh đó nhà nước cần hoàn thiện và ban hành các văn bản pháp quy phù hợp với điều kiện kinh tế hiện tại. Rà soát và quản lý chặt chẽ các đơn vị nhập khẩu, sản xuất các sản phẩm chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, tránh trường hợp các đơn vị sản xuất, nhập khẩu trốn thuế. Ngoài ra muốn thực thi được pháp luật thuế TTĐB thì rất cần có sự gương mẫu làm việc theo pháp luật cuả đội ngũ cán bộ quản lý thuế.
Tài liệu tham khảo:
1. Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt số 02/VBHN-VPQH ngày 28/4/2016;
2. Học viện Tài chính (2019), Giáo trình Thuế, NXB Tài chính;
» Danh sách Tập tin đính kèm:
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: