Th.s Mai Thị Quỳnh Như
Khoa Kế toán- Đại học Duy Tân
Huy động vốn là hoạt động của pháp nhân thương mại để tạo vốn cho hoạt động kinh doanh của mình dưới các hình thức: vay vốn; phát hành, chào bán chứng khoán; Liên doanh, liên kết trong và ngoài nước; hình thành quỹ tín thác bất động sản…Huy động vốn là một trong ba quyết định quan trọng của tài chính doanh nghiệp, là tiền đề cho hoạt động sản xuất kinh doanh và mở rộng quy mô của doanh nghiệp.
Từ khóa: huy động vốn, doanh nghiệp, chứng khoán.
1.Đặt vấn đề
Đối với bất kỳ doanh nghiệp nào, muốn hoạt động kinh doanh được thì phải có vốn bởi vốn phản ánh năng lực chủ yếu để quyết định khả năng kinh doanh. Đây là một trong các nhiệm vụ không thể thiếu được trong hoạt động của doanh nghiệp . Một nguồn vốn huy động dồi dào sẽ giúp doanh nghiệp có điều kiện để mở rộng hoạt động kinh doanh, đa dạng hoá các loại hình dịch vụ, không bỏ lỡ cơ hội đầu tư, giảm thiểu rủi ro, tạo dựng được uy tín cho doanh nghiệp đó.
2, Các hình thức huy động vốn của doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán
2.1 Cổ phiếu
Cổ phiếu là loại chứng khoán xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần vốn cổ phần của tổ chức phát hành. Đặc trưng cơ bản của cổ phiếu là: có tính thanh khoản, không có thời hạn sử dụng, gắn với rủi ro và có khả năng sinh lời.
- Cổ phiếu thường: Người nắm giữ cổ phiếu thường là cổ đông của doanh nghiệp, và được nhận các quyền lợi sau:
+ Quyền trong quản lý và kiểm soát doanh nghiệp
+uyền nhận phần lợi nhuận của doanh nghiệp chia cho cổ đông hàng năm dưới hình thức cổ tức.
+ Cổ đông có quyền chuyển nhượng quyền sở hữu cổ phần cho người khác bằng cách bán lại trên thị trường chứng khoán.
Ưu điểm khi phát hành cổ phiếu thường:
· Làm tăng hệ số vốn chủ sở hữu, làm tăng sự an toàn về tài chính cho công ty.
· Giúp công ty huy động nguồn vốn lớn, dài hạn mà tránh được gánh nặng nợ
Nhược điểm khi phát hành cổ phiếu thường:
· Chi phí phát hành cổ phiếu ra công chúng thường cao hơn so với phát hành cổ phiếu ưu đãi và trái phiếu.
· Lợi tức cổ phần không được tính trừ vào thu nhập chịu thuế của công ty.
- Cổ phiếu ưu đãi:
+ Người nắm giữ cổ phiếu ưu đãi được hưởng 1 mức cổ tức cố định, xác định trước, không phụ thuộc vào kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.
+ Cổ đông ưu đãi không được hưởng quyền bỏ phiếu để bầu ra Hội đồng quản trị, cũng như thông qua các vấn đề quan trọng trong quản lý doanh nghiệp
+ Cổ phiếu ưu đãi có thể được phép chuyển đổi thành cổ phiếu thường
u điểm khi phát hành cổ phiếu ưu đãi:
· Trừ loại cổ phiếu ưu đãi biểu quyết, các loại cổ phiếu ưu đãi khác không có quyền biểu quyết, nên việc phát hành cổ phiếu ưu đãi giúp công ty tránh được việc phải chia sẻ quyền quản lý, kiểm soát với các cổ đông mới.
· Về mặt pháp lý, công ty không bắt buộc phải trả cổ tức cố định, đúng hạn, lúc này, áp lực chi trả cổ tức thường là đến từ cổ đông.
Nhược điểm khi phát hành cổ phiếu ưu đãi:
· Lợi tức cổ phiếu ưu đãi thường cao hơn so với trái phiếu.
· Cổ tức cổ phiếu ưu đãi, như đối với cổ phiếu thường, không được tính trừ vào thu nhập chịu thuế của công ty
2.2 Trái phiếu
Trái phiếu là loại chứng khoán xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần vốn nợ của tổ chức phát hành.
Đặc điểm của trái phiếu
· Có thời hạn tồn tại;
· Được hoàn vốn khi trái phiếu đáo hạn;
· Thu nhập ổn định, lãi suất được ấn định từ khi phát hành;
· Các trái chủ không có quyền tham gia quản lý, điều hành cũng như kiểm tra, kiểm soát hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp;
· Trái chủ được phân chia phần tài sản còn lại trước các cổ đông trong trường hợp thanh lý công ty.
Tương tự như phát hành cổ phiếu, các doanh nghiệp có thể thực hiện phát hành trái phiếu riêng lẻ hoặc phát hành trái phiếu ra công chúng.
Có nhiều loại trái phiếu khác nhau, được phân loại tuỳ theo đơn vị phát hành (trái phiếu doanh nghiệp, trái phiếu chính phủ), lợi tức (lãi suất cố định, lãi suất thả nổi, lãi suất bằng 0), mức độ đảm bảo thanh toán, hình thức và tính chất trái phiếu...
Ưu, nhược điểm khi phát hành trái phiếu
Ưu điểm:
· Tương tự như việc sử dụng các hình thức vay nợ khác, tiền lãi trái phiếu được tính trừ vào thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp, làm giảm số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp, có tác dụng như một “lá chắn thuế” cho doanh nghiệp.
Nhược điểm:
· Doanh nghiệp có nghĩa vụ hoàn trả gốc và lãi trái phiếu đúng hạn, không phụ thuộc vào tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, điều này là bất lợi khi tình hình kinh doanh không thuận lợi.
· Làm gia tăng hệ số nợ của doanh nghiệp, từ đó, làm gia tăng rủi ro tài chính, rủi ro vỡ nợ của doanh nghiệp.
3. Kết luận
Nhìn chung, mỗi công cụ huy động vốn đều có những ưu, nhược điểm riêng. Mỗi doanh nghiệp tùy theo từng thời điểm cần cân nhắc kỹ lưỡng để lựa chọn các công cụ huy động vốn cho phù hợp, giúp doanh nghiệp có thể nhanh chóng huy động đủ lượng vốn cần thiết và tiết kiệm tối đa chi phí sử dụng vốn của mình, đồng thời vẫn đảm bảo mức độ an toàn, tự chủ về tài chính.
Tài liệu tham khảo:
1.https://amis.misa.vn/37408/huy-dong-von-thi-truong-chung-khoan/
2.https://vnexpress.net/trai-phieu-la-gi-4293679.html
3.https://thachdo.com/vai-tro-cua-viec-huy-dong-von-trong-hoat-dong-cua-ngan-hang/#:~:text=1.-,Vai%20tr%C3%B2%20c%E1%BB%A7a%20v%E1%BB%91n%20huy%20%C4%91%E1%BB%99ng,uy%20t%C3%ADn%20cho%20ng%C3%A2n%20h%C3%A0ng.
4.https://luanvanviet.com/huy-dong-von-la-gi/
» Danh sách Tập tin đính kèm:
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: