Ths. Nguyễn Thị Tấm
Đại học Duy Tân
254- Nguyễn Văn Linh- Đà Nẵng
Công cụ tài chính phái sinh hay còn gọi là công cụ phái sinh được phát hành dựa trên cơ sở những công cụ tài chính đã có, chủ yếu nhằm phòng ngừa rủi to tài chính, phân tán rủi ro tiềm ẩn khi thực hiện các hợp đồng kinh doanh để bảo vệ hoặc tạo ra lợi nhuận cho các bên tham gia. Công cụ tài chính phái sinh là một công cụ tài chính hoặc một hợp đồng, gồm các hợp đồng kỳ hạn, hợp đồng quyền chọn, hợp đồng tương lai. IAS 32- Công cụ tài chính phái sinh ra đời và có hiệu lực thi hành từ 01/01/1996. Do tính chất phức tạp của CCTCPS cũng như thực tế áp dụng - xử lý trong phân loại, ghi nhận, đo lường, thuyết minh,... mà chuẩn mực này đã nhiều lần sửa đổi, bổ sung và về cơ bản đã được các quốc gia trên thế giới áp dụng. Ở Việt Nam, hệ thống các văn bản pháp lý liên quan trực tiếp đến kế toán CCTCPS hiện hành do Bộ Tài chính như VAS 01, VAS 10, VAS22 và NH Nhà nước ban hành (dành cho các tổ chức tín dụng, NH). Tuy nhiên, do hệ thống pháp lý chưa được hoàn thiện nên người làm kế toán chưa có cơ sở để đảm bảo cũng như đáp ứng kế toán phái sinh cho các doanh nghiệp. Bài viết này đề cập đến những khó khăn, trở ngại và các điều kiện để vận dụng kế toán công cụ tài chính phái sinh tại các doanh nghịệp hiện nay.
Từ khoá: Công cụ tài chính, phái sinh, trở ngại, điều kiện, vận dụng
1. Những khó khăn trở ngại khi vận hành kế toán công cụ tài chính phái sinh
Hiện nay, Bộ Tài chính chưa ban hành chuẩn mực kế toán liên quan trực tiếp đến CCTCPS nên việc vận hành kế toán CCTCPS còn gặp nhiều khó khăn cụ thể là:
- Khó khăn trong đo lường sau ghi nhận ban đầu.
Do yêu cầu tất cả các CCTCPS phải được đo lường theo giá trị hợp lý khi lập báo cáo về tài sản hoặc nợ phải trả. Vấn đề vướng mắc tại kế toán giá trị hợp lý cho tất cả các công cụ tài chính.
Đối với các tổ chức tín dụng, NH, tổ chức tài chính căn cứ vào quy định hiện hành, thời điểm ghi nhận ban đầu đối với phái sinh tiền tệ (chỉ có tiền tệ) là ngày bắt đầu hiệu lực hợp đồng, thời điểm xóa bỏ ghi nhận là ngày tất toán hợp đồng. Sau đó, đơn vị thường xuyên đánh giá lại, ghi nhận trên sổ kế toán theo giá trị hợp lý, đồng thời kết quả kinh doanh được xác định hợp lý trên BCTC. Việc đo lường chỉ được thực hiện cho nghiệp vụ phái sinh tiền tệ, còn các nghiệp vụ khác lại chưa được quy định cụ thể.
Ngoài ra, đối với các DN phi tài chính thì việc đo lường lại càng khó thực hiện khi mà các quy định chưa cụ thể, rõ ràng, thêm vào đó là cơ sở để đánh giá lại không có cơ sở do thiếu chuẩn đo lường về chất và về giá.
- Khó khăn khi trình bày CCTCPS
Mục đích của thuyết minh về CCTCPS, cho phép người sử dụng BCTC đánh giá mặt thành công và ý nghĩa của các công cụ phái sinh và các giao dịch tự phòng ngừa trên BCTC của công ty. Tuy nhiên, việc không hoặc chưa xác định các tài sản và các khoản nợ tại giá trị hợp lý, sẽ khó cho kế toán thực hiện việc trình bày thông tin trên BCTC. Điều này sẽ giảm đi tính dễ thấy, dễ so sánh và dễ hiểu về các rủi ro liên quan đến phái sinh dẫn đến thông tin mà kế toán trình bày có thể sẽ không tuân thủ, hoặc không đầy đủ trong công bố đặc biệt có liên quan đến giá trị hợp lý.
- Khó khăn khi công bố CCTC phái sinh
Mục đích của việc công bố các thông tin cần thiết về CCTCPS giúp người sử dụng BCTC hiểu, biết được doanh nghiệp có thực hiện phòng ngừa dòng tiền, các khoản đầu tư ròng vào các hoạt động ở nước ngoài, phòng ngừa giá trị hợp lý hay không. Việc chưa quy định cụ thể đầy đủ việc khoản mục nào sẽ công bố và mức độ trình bày gây trở ngại cho kế toán khi lập BCTC. Từ đó có thể dẫn đến DN có các giao dịch phòng ngừa, nhưng không công bố hoặc công bố không rõ ràng. Nhà quản lý sử dụng CCTCPS nhiều hơn để giảm rủi ro nhưng lại không công bố hoặc công bố nhưng không đầy đủ nếu như không bắt buộc công bố.
- Khó khăn khi hạch toán kế toán CCTCPS
Ở Việt Nam, việc sử dụng hệ thống tài khoản để thực hiện ghi sổ kế toán khi có nghiệp vụ phát sinh. Tuy nhiên, hiện tại chưa quy định hoặc hướng dẫn cụ thể số hiệu tài khoản sử dụng trong kế toán CCTCPS. Việc hạch toán lãi hoặc lỗ được đưa vào báo cáo kết quả hoạt động trong kỳ kế toán, nhưng chưa có tài khoản sử dụng đặc biệt là đối với DN phi tài chính để ghi nhận.
Tóm lại, việc công bố thông tin trên BCTC đối với CCTCPS gần như được NH Nhà nước quy định ở mức đầy đủ. Đối với các DN phi tài chính, chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể, trực tiếp về xử lý kế toán, như tài khoản sử dụng, hạch toán, đánh giá, trình bày chỉ tiêu có liên quan đến các nghiệp vụ mua /bán, giao dịch CCTCPS trên BCTC.
Do đó, việc ghi nhận trong kế toán các giao dịch phái sinh chỉ thực hiện phần lãi hoặc lỗ thực tế phát sinh, trong khi tại ngày lập BCTC phần lãi hoặc lỗ chưa phát sinh thì chưa được ghi nhận bởi chưa đủ bằng chứng đáng tin cậy. Ví dụ như, DN mua một hợp đồng tương lai trị giá 1 tỷ đồng về cà phê nhưng tại ngày lập BCTC, giá trị hàng hóa đã mua có thể giảm, chỉ còn 950 triệu đồng hoặc có thể tăng lên 1, 15 tỷ đồng, nhưng trên sổ kế toán vẫn chỉ thể hiện 1 tỷ đồng. Thực tế này, không những không phản ánh hết giá trị thực trong hệ thống sổ sách kế toán mà còn tạo kẽ hở cho tình trạng lãi giả, lỗ thật (hoặc ngược lại) so với báo cáo kế toán của DN.
2. Điều kiện vận dụng kế toán công cụ tài chính phái sinh
Để các Doanh nghiệp Việt Nam có thể vận dụng kế toán CCTCPS một cách thuận lợi thì các điều kiện có thể là:
- Điều kiện về thị trường
Xuất phát từ nhu cầu của nền kinh tế, để kế toán CCTCPS Việt Nam hội nhập kế toán quốc tế, trước hết đối với thị trường phái sinh cần phải nâng cao số lượng và chất lượng hoạt động đặc biệt chú trọng vào thị trường chính thức; Khuyến khích và mở rộng các tổ chức tham gia, nhằm thúc đẩy cho thị trường hoạt động sôi động hơn nữa. Củng cố và phát triển đầy đủ các nghiệp vụ TCPS, đồng thời chuẩn hoá các CCTCPS. Xây dựng và hoàn thiện các định chế chuyên nghiệp liên quan đến các nghiệp vụ TCPS.
- Điều kiện về môi trường pháp lý
Để tạo sự ổn định lâu dài và khuyến khích các bên tham gia thị trường, cần phải tiếp tục hoàn thiện quy định kế toán bằng cách xây dựng các chuẩn mực kế toán về nghiệp vụ phái sinh phù hợp với quy định quốc tế, cụ thể:
+ Hướng dẫn chi tiết thực hiện hạch toán kế toán CCTCPS, cách định giá, tính toán thu nhập, chi phí,... của các giao dịch phái sinh theo giá trị được điều chỉnh theo giá thị trường;
+ Xây dựng tài khoản kế toán riêng cho các nghiệp vụ phái sinh và phải đảm bảo được tính nhất quán trong việc tính toán thu nhập khi đã bù trừ phần tổn thất;
+ Trình bày thông tin về phái sinh trên BCTC cần công khai, minh bạch.
+ Thuyết minh BCTC cần phải chi tiết, đầy đủ thông qua việc nêu rõ chính sách kế toán áp dụng, xác định giá trị của phái sinh tại thời điểm lập BCTC và phân tích mức độ rủi ro liên quan đến phái sinh;
+ Hoàn thiện quy chế thanh tra, giám sát, kiểm tra công tác kế toán trong lĩnh vực phái sinh.
- Điều kiện về con người
Việc phát triển nguồn nhân lực trong công tác kế toán liên quan đến phái sinh cần phải được quan tâm trong công tác tuyển dụng và đào tạo chuyên môn. Đặc biệt là, phải có cán bộ nòng cốt hướng dẫn thực hiện và xử lý kế toán liên quan đến phái sinh, đồng thời phải có chính sách đào tạo đội ngũ kế toán am hiểu trong lĩnh vực tài chính phái sinh.
- Điều kiện về thông tin
Chuẩn mực kế toán Việt Nam hiện nay vẫn còn duy trì nguyên tắc giá gốc, nhưng đối với kế toán CCTCPS lại đo lường theo giá trị hợp lý. Khi điều chỉnh theo giá thị trường tại ngày lập BCTC, thì nhất thiết phải có kênh cung cấp thông tin cho việc định giá phái sinh. Chính vì lẽ đó nắm bắt thông tin, nắm bắt diễn biến thị trường nhằm phân tích, xử lý thông tin hiệu quả là điều kiện cần thiết để tạo điều kiện cho DN nâng cao khả năng thu thập thông tin về tỷ giá, lãi suất, giá cả hàng hoá,... trên thị trường nội địa và thế giới. Đồng thời, phục vụ công tác kế toán ghi nhận lãi /lỗ trong kỳ kinh doanh.
3. Một số kiến nghị
IAS 32 được biết và được sử dụng nhiều hơn ở nhiều quốc gia từ 1/1/1996, nhưng tại Việt Nam hiện nay hệ thống các văn bản pháp lý liên quan trực tiếp đến kế toán CCTCPS vẫn chưa được ban hành. Vì vậy, để doanh nghiệp nói chung và người làm kế toán nói riêng có thể vận dụng được kế toán CCTCPS trong các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay thì cần phải được hoàn thiện hơn theo các nội dung liên quan, cụ thể:
Về phía Nhà nước và các cơ quan chủ quản:
- Về phía các cơ quan quản lý, Bộ Tài chính cần tăng cường hỗ trợ DN triển khai áp dụng kế toán CCTCPS. Bộ tài chính cần xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về kế toán, nguyên tắc, chuẩn mực kế toán liên quan đến CCTCPS. Trong quá trình hoàn thiện các chuẩn mực kế toán đã ban hành cần tính tới cả việc cập nhật những thay đổi mới nhất trong nội dung của các chuẩn mực hiện nay. Đồng thời hoàn chỉnh hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam áp dụng giá trị hợp lý làm cơ sở đo lường.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cần tiếp tục tăng cường sự phối hợp với các chuyên gia, các công ty kiểm toán hỗ trợ DN trong các khâu đặc biệt là trong năm chuyển đổi báo cáo tài chính; phối hợp với các cơ quan quản lý khác để xây dựng các văn bản pháp lý phù hợp. Cần phát triển thị trường định giá, thị trường vốn, nhằm hỗ trợ cho DN triển khai vận dụng CCTSPS.
- Hoàn thiện cơ sở pháp lý về công cụ phái sinh: Nhà nước cần ban hành Luật về giao dịch phái sinh, thông tư hướng dẫn giao dịch phái sinh, kế toán công cụ phái sinh, nghiên cứu, hoàn thiện các chính sách về thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp; Hình thành thị trường cho các giao dịch phái sinh thông qua tổ chức thị trường sơ cấp và thứ cấp cho hàng hóa, tỷ giá, lãi suất; khuyến khích các ngân hàng và tổ chức kinh tế phát hành các công cụ tài chính phái sinh; Khẩn trương ban hành mới các chuẩn mực kế toán liên quan đến giá trị hợp lý làm cơ sở xác định giá trị công cụ tài chính phái sinh, theo đó Bộ Tài chính cần sớm nghiên cứu và ban hành các chuẩn mực kế toán liên quan đến giá trị hợp lý và công cụ tài chính như chuẩn mực về trình bày công cụ tài chính (IAS 32), chuẩn mực về ghi nhận và đo lường công cụ tài chính (IAS 39), chuẩn mực về tổn thất tài sản (IAS 36), chuẩn mực về đo lường giá trị hợp lý (IFRS 13), chuẩn mực về thuyết minh công cụ tài chính (IFRS 7) và chuẩn mực về công cụ.
- Tổ chức hội thảo khoa học, thực hiện khảo sát tại các doanh nghiệp trên phạm vi rộng; Tuyên truyền, hướng dẫn cho các doanh nghiệp nhận thức được vai trò, tác dụng, nội dung của các công cụ tài chính phái sinh, qua đó có thể vận dụng hiệu quả theo đúng quy định của pháp luật; Xây dựng cơ sở dữ liệu cho thị trường từ các cấp quản lý (Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước), doanh nghiệp; đồng thời có cơ chế tạo điều kiện để các tổ chức xếp hạng quốc tế như Standars and poor’s, Fitch, Moody’s tham gia vào việc đánh giá tín nhiệm các ngân hàng và tổ chức tài chính, doanh nghiệp tại Việt Nam làm cơ sở cho việc xác định lãi suất thực tế khi tính toán các chỉ số tài chính liên quan đến giá trị hiện tại.
Về phía các Doanh nghiệp.
Các DN là nơi trực tiếp thực hiện và vận dụng kế toán Công cụ tài chính phái sinh. Chính vì vậy, các DN cần thực hiện các công việc sau:
- Hoàn thiện cơ chế tổ chức quản lý kinh doanh tại doanh nghiệp. Đồng thời căn cứ vào đặc điểm và điều kiện cụ thể của DN để tổ chức công tác kế toán phù hợp với đặc điểm ngành và của DN.
- Cán bộ quản lý và cán bộ kế toán cần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng cũng như hiệu quả của việc thực hiện tốt công tác kế toán nói chung và kế toán CCTCPS nói riêng.
- Tổ chức đào tạo nhằm nâng cao nhận thức về hiểu biết cho đội ngũ quản lý nói chung và đội ngũ kế toán nói riêng.
4. Kết luận.
Việc xây dựng, hoàn thiện và vận dụng kế toán CCTCPS là một vấn đề hết sức cần thiết nhưng lại rất phức tạp. Nó liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp quản lý. Xem xét bối cảnh áp dụng kế toán CCTCPS của các nước trên thế giới, nhìn lại đặc điểm nền kinh tế Việt Nam thì hiện tại đối tượng tham gia giao dịch phái sinh chỉ thực hiện ở các NH thương mại với giá trị giao dịch rất thấp, không đáng kể, thậm chí chưa được các DN phi tài chính sử dụng. Lý do là, Việt Nam chưa phải là quốc gia phát triển, việc gia nhập WTO chỉ ở giai đoạn đầu, thị trường tài chính Việt Nam chưa thực sự liên thông với thị trường thế giới, mức độ tham gia thị trường của các DN thấp (do chưa có nhu cầu) hoặc ý thức và kiến thức về sử dụng phái sinh của DN còn xa lạ, mơ hồ, cộng với khuôn khổ pháp lý, các luật lệ, chính sách quản lý Nhà nước còn thiếu, cơ chế về nghiệp vụ chưa có. Đặc biệt là, hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam còn chưa có các chuẩn mực tương đồng với các chuẩn mực kế toán quốc tế về công cụ tài chính (IAS 32, IFRS 7, IFRS 9).
Việc thiếu vắng các chuẩn mực kế toán để ghi nhận, đánh giá, trình bày, thuyết minh của công cụ tài chính nói chung và CCTCPS nói riêng, sẽ ảnh hưởng đáng kể đến việc xác định kết quả tài chính, quản trị rủi ro tài chính của DN. Đồng thời, các cơ quan giám sát tài chính, NH, chứng khoán, các nhà nghiên cứu,... cũng không thể có được thông tin đầy đủ, trung thực và kịp thời.
Để đảm bảo tính hiệu lực, hiệu quả của việc vận dụng kế toán CCTCPS cần sự tham gia chỉ đạo và phối hợp giữa các cơ quan như Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước; bám sát thông lệ và chuẩn mức kế toán quốc tế nhằm nâng cao độ tin cậy đối với các nhà đầu tư, sự minh bạch của thị trường và báo cáo tài chính của doanh nghiệp.
Tài liệu tham khảo:
[1]. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Quyết định 807/2005/QĐ - NHNN, Công văn số 7404/2006/NHNN - KTTC, ngày 29/08/2006; QĐ 29/2006/QĐ-NHNN, ngày 10/07/2006; Quyết định 16/2007/QĐ - NHNN ngày 18/04/2007; QĐ 479/2004/QĐ-NHNN, ngày 29/02/2008
[2]. Bộ Tài chính,TT 210/2009/TT-BTC,ngày 6/11/2009, VAS 01, VAS 10, VAS 22.
[3]. IAS 32- Chuẩn mực về ghi nhận và đo lường công cụ tài chính, IAS 39)- Chuẩn mực về tổn thất tài sản, IAS 36- Chuẩn mực về đo lường giá trị hợp lý, IFRS 13- Chuẩn mực về thuyết minh công cụ tài chính.
[4]. David Haushalter. Financing policy, basis risk, and corporate hedging: Evidence from oil and gas producers. The Journal of Finance. 2000; 55(1): p. 107 - 152.
[5]. Keryn G. C. & Jayne M. G., 2000. Practice versus prescription in the disclosure and recognition of derivatives. Australian Accounting Review. Vol. 11 No. 2. Michael Durbin. Allaboutderivativessecondedition. McGraw Hill Professional. 2010.
» Danh sách Tập tin đính kèm:
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: