Dương Thị Thanh Hiền
1. Trách nhiệm xã hội
Ngày nay, nhiều doanh nghiệp đang hướng đến sự phát triển bền vững. Theo xu hướng đó, các công ty ngày càng nhận thức được rằng thành công trong hoạt động kinh doanh không chỉ xuất phát từ việc tối đa hóa lợi nhuận ngắn hạn, thay vào đó cần thêm những yêu cầu về quan tâm và thực hiện trách nhiệm xã hội (TNXH).
Trách nhiệm bao gồm những khía cạnh về kinh tế, pháp luật, đạo đức và từ thiện. Caroll (1979) đã xác định mô hình hình tháp về TNXH bao gồm 04 cấp bậc:
- Trách nhiệm kinh tế: công ty có trách nhiệm cung cấp những sản phẩm và dịch vụ mà xã hội cần để đạt được mục tiêu lợi nhuận. Trách nhiệm kinh tế thể hiện qua hiệu quả tăng trưởng, mục tiêu thành lập doanh nghiệp là lợi nhuận nhưng không phải giành được bằng mọi cách. Việc đạt được mục tiêu kinh tế, mang lại của cải cho xã hội được xem như một hình thức thực hiện TNXH của doanh nghiệp. Các trách nhiệm khác của doanh nghiệp đều dựa trên trách nhiệm kinh tế;
- Trách nhiệm pháp lý: các doanh nghiệp khi tiến hành hoạt động phải tuân thủ luật pháp; Nhà nước có trách nhiệm luật hóa các quy tắc xã hội, đạo đức vào văn bản luật, để doanh nghiệp theo đuổi mục tiêu kinh tế trong khuôn khổ đó một cách công bằng và đáp ứng được các chuẩn mực và giá trị cơ bản mà xã hội mong đợi ở họ.
- Trách nhiệm đạo đức: là những quy tắc, giá trị được xã hội chấp nhận nhưng chưa được luật hóa vào văn bản luật. Doanh nghiệp hoạt động có trách nhiệm đạo đức là làm đúng, chính đáng, đảm bảo công bằng. Những điều này thể hiện ở văn hóa doanh nghiệp, các quy tắc ứng xử với các bên liên quan như người lao động, nhà đầu tư, đối tác, người tiêu dùng.
- Trách nhiệm tình nguyện: những hoạt động từ thiện vì cộng đồng, đó không chỉ là những hoạt động mang tính từ thiện mà đòi hỏi có những hoạt động góp phần giảm nghèo, phát triển nguồn nhân lực…
Trách nhiệm đảm bảo hoạt động của doanh nghiệp hướng tới sự phát triển bền vững trên cả ba khía cạnh kinh tế, môi trường và xã hội (Carroll, 2015; Clark & cộng sự, 2016; Agudelo, 2019).
Tóm lại, TNXH được hiểu là việc thực hiện trách nhiệm của doanh nghiệp trên cơ sở phải tôn trọng pháp luật và cam kết với các bên có lợi ích liên quan, có khả năng gắn kết hoạt động kinh doanh với việc giải quyết các vấn đề xã hội, đạo đức, bảo vệ môi trường, bảo vệ quyền con người và đáp ứng các mối quan tâm của khách hàng, nhằm mục đích tối đa hóa lợi ích của các chủ sở hữu doanh nghiệp, bên có liên quan và toàn xã hội, xác định rõ, ngăn ngừa và giảm thiểu tác động tiêu cực có thể từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững.
2. Thành quả hoạt động của doanh nghiệp
Hệ thống đo lường thành quả đóng một vai trò quan trọng trong các tổ chức vì nó có ảnh hưởng đến sự thành công của các tổ chức đồng thời là nguồn thông tin để chuyển đổi các thông tin tài chính vào các hoạt động trong nội bộ doanh nghiệp. Thông thường, các nguồn thông tin tài chính qua các số liệu được cung cấp ở các bảng cân đối kế toán, báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh, báo cáo lưu chuyển tiền tệ (Yeniyurt, 2003). Các tổ chức cũng sử dụng các chỉ số như một phương pháp đánh giá hoạt động tài chính. Để đạt được mục tiêu của họ, các tổ chức chủ yếu phụ thuộc vào các biện pháp đánh giá hiệu quả để kiểm soát và cải tiến quy trình và so sánh thành quả của các bộ phận và đánh giá nhân viên.
Trong nền kinh tế chuyển đổi, quốc tế hoá, thành quả hoạt động tập trung vào năng lực và khả năng khai thác các nguồn tài nguyên hiện có như tài chính, nguồn nhân lực, khả năng đổi mới, sáng tạo, đáp ứng nhu cầu khách hàng... để đạt được mục tiêu, chiến lược kinh doanh. Thành quả hoạt động là kết quả sử dụng nguồn lực tài chính và phi tài chính để đánh giá hiệu quả kinh doanh và so sánh với mục tiêu của doanh nghiệp, hướng đến đảm bảo lợi ích của các bên có liên quan (Lebans & Euske, 2006). Thành quả là mang tính “động”, có mối quan hệ nhân quả diễn đạt những hoạt động hiện tại có thể ảnh hưởng đến các kết quả ở tương lai.
Trong các phương pháp kết hợp thước đo tài chính và phi tài chính, nhiều tranh luận cho rằng các chỉ số đo lường thành quả phi tài chính là yếu tố dẫn đạo cho các chỉ số đo lường thành quả tài chính. Ittner & Lacker (1998) lập luận rằng những cải tiến trong các vấn đề phi tài chính khác nhau như vì sự hài lòng của khách hàng, chất lượng và sự đổi mới sẽ ảnh hưởng đến thành quả tài chính trong tương lai. Một cuộc khảo sát đối với các công ty lớn của Mỹ cho thấy sự thỏa mãn khách hàng của họ chỉ có thể liên quan đến 28% với lợi nhuận kế toán và chỉ 27% cho thu nhập từ cổ phiếu (Ittner & Larcker, 1998). Hơn nữa, Anderson & cộng sự (1994) đã thực hiện một nghiên cứu để điều tra mối quan hệ giữa các phép đo phi tài chính và thành quả tài chính trong 77 công ty Thụy Điển. Họ thấy rằng sự hài lòng của khách hàng cao hơn dẫn đến lợi tức đầu tư cao hơn, sau khi kiểm soát lợi nhuận trong quá khứ và xu hướng thời gian. Ittner & Larcker (1998) đã tìm thấy rằng các sự hài lòng của khách hàng có mối quan hệ với giá trị thị trường hiện tại của công ty, nhưng không liên quan với các chỉ số kế toán.
3. Tác động của trách nhiệm xã hội đến thành quả hoạt động doanh nghiệp
Hội nhập kinh tế quốc tế giúp các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng hoạt động trên phạm vi toàn cầu. Song song với điều đó, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn phải đối mặt với các vấn đề quan trọng liên quan đến phát triển bền vững, đặc biệt liên quan đến xã hội và môi trường. Các vụ ồn ào liên quan đến ô nhiễm nghiêm trọng của nhà máy trên dòng chảy sông Thị Vải và nhiều các trường hợp an toàn sức khoẻ như phân phối sữa nhiễm độc, thành phần độc hại trong hàng tiêu dùng và dư lượng thuốc trừ sâu trong rau đã dẫn đến mối quan tâm lớn hơn đối với TNXH ở Việt Nam.
Các doanh nghiệp ở Việt Nam đã bắt đầu nhận thức và thực hiện TNXH. Những lý do để các công ty trong nước áp dụng các tiêu chuẩn về TNXH là họ hi vọng được các cơ quan chính quyền địa phương công nhận (Husted & cộng sự, 2016). Thứ hai, họ có thể cải thiện thành quả hoạt động như trong các nghiên cứu đã tìm ra tác động tích của của TNXH đến thành quả tài chính (Orlitzky & cộng sự, 2003). Thứ ba, việc thực hiện TNXH như một công cụ để chứng minh với các bên có liên quan như các nhà đầu tư, khách hàng quốc tế rằng họ có thể bù đắp những khoảng trống liên quan đến vấn đề này ở các quốc gia có nền kinh tế mới nổi (Su & cộng sự, 2016).
Mặc dầu vậy, các công ty thể hiện những động cơ rất thấp trong việc áp dụng các tiêu chuẩn về TNXH như ISO 14001 (Nguyen & cộng sự, 2019). Hơn nữa, việc áp dụng các tiêu chuẩn để thực hiện và kiểm soát TNXH tại các doanh nghiệp chưa nhiều (Wrana và Diez, 2018). Theo nghiên cứu của Bùi Thị Lan Hương (2010) cho thấy rằng trong các doanh nghiệp Việt Nam trước đây ít quan tâm đến TNXH vì các lý do chính sau: các công ty chưa có hiểu biết sâu sắc về tác động của các hoạt động xã hội và thiếu các nguồn lực tài chính cũng như một khuôn khổ pháp lý để thực thi. Những yếu tố này đã làm ảnh hưởng tiêu cực đến các công ty khi áp dụng TNXH vào chính sách hoạt động của họ.
Bên cạnh đó, việc công bố thông tin TNXH của các doanh nghiệp Việt Nam chưa được thực hiện đồng bộ. Năm 2015, Bộ tài chính ban hành Thông tư 155/2015/TT-BTC hướng dẫn về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán, quy định nội dung của báo cáo bao gồm phần trách nhiệm doanh nghiệp với môi trường, xã hội. Từ đó, các doanh nghiệp niêm yết trên các sàn chứng khoán đã quan tâm nhiều hơn đến việc công bố thông tin thể hiện ở các báo cáo thường niên. Tuy nhiên, xét về chất lượng, các báo cáo đảm bảo yêu cầu thường thuộc về các doanh nghiệp lớn, đa số báo cáo của các công ty chỉ mang tính hình thức, chưa đi vào chiều sâu.
Kết quả thực nghiệm của đa số các nghiên cứu về tác động của TNXH đến thành quả hoạt động tại Việt Nam cho thấy TNXH có tác động tích cực đến thành quả hoạt động của doanh nghiệp. Hầu hết các nghiên cứu đều đánh giá thành quả TNXH theo chỉ số mức độ CBTT TNXH thu thập trên báo cáo thường niên (Hồ Ngọc Thảo Trang và Yekini, 2014; Nguyễn Thị Ngọc Bích & cộng sự, 2015; Hồ Viết Tiến và Hồ Thị Vân Anh, 2017). Các nội dung liên quan đến TNXH được nhận xét theo nhiều khía cạnh khác nhau và không trùng lắp giữa các nghiên cứu. Mặc dầu vậy, các nội dung chưa thực sự bao quát về TNXH vì không được dựa trên những tiêu chuẩn quốc tế về CBTT TNXH như GRI, SA8000 hay ISO26000.
Tài liệu tham khảo
1. Lê Hà Như Thảo (2022), “Nghiên cứu về tác động của trách nhiệm xã hội đến thành quả hoạt động của các doanh nghiệp ở Việt Nam”, Luận án tiến sĩ, Đại học Đà Nẵng.
2. Carroll, A. B. (2015) "Corporate social responsibility: The centerpiece of competing and complementary frameworks." Organizational Dynamics, 44(2), 87–96.
3. Agudelo, M.A.L., Jóhannsdóttir L. and Davídsdóttir B. (2019) "A literature review of the history and evolution of corporate social responsibility" International Journal of Corporate Social Responsibility 4(1), 1-23.
4. Yeniyurt, Sengun. (2003) “A Literature Review and Integrative Performance Measurement Framework for Multinational Companies.” Marketing Intelligence & Planning 21(3),134–42.
5. Trang, Ho Ngoc Thao and Liafisu Sina Yekini. (2014) “Investigating the Link between CSR and Financial Performance – Evidence from Vietnamese Listed Companies Investigating the Link between CSR and Financial Performance –Evidence from Vietnamese Listed Companies.” British Journal of Arts and Social Sciences 17(I),85–101.
» Danh sách Tập tin đính kèm:
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: