TÌM HIỂU VỀ PHÂN TÍCH CƠ CẤU GIỮA CHI PHÍ BIẾN ĐỔI
VÀ CHI PHÍ CỐ ĐỊNH
Th.S Lê Thị Huyền Trâm
BM Kiểm toán và phân tích
Để tiến hành sản xuất sản phẩm và tiêu thụ sản phẩm, doanh nghiệp phải bỏ ra nhiều loại chi phí khác nhau. Tuy nhiên, nếu căn cứ theo tính chất của khoản chi phí biến động hay không biến động của khối lượng sản phẩm sản xuất và tiêu thụ thì chi phí được chia thành biến phí và định phí.
Bài viết tìm hiểu thêm về phân tích cơ cấu giữa chi phí biến đổi
Từ khóa: biến đổi, cơ cấu, cố định
1. Biến phí (chi phí biến đổi)
Chi phí biến đổi là các chi phí, xét về lý thuyết, có sự thay đổi tỉ lệ với các mức độ hoạt động. Chi phí biến đổi chỉ phát sinh khi có các hoạt động xảy ra. Tổng số chi phí khả biến sẽ tăng (hoặc giảm) tương ứng với sự tăng (hoặc giảm) của mức độ hoạt động, nhưng chi phí khả biến tính theo đơn vị của mức độ hoạt động thì không thay đổi.
Chi phí biến đổi (biến phí) gồm: biến phí nguyên vật liệu trực tiếp, biến phí nhân công trực tiếp, biến phí sản xuất chung, biến phí bán hàng và biến phí quản lý doanh nghiệp.
Trong thực tế, không phải tất cả các chi phí khả biến đều có cách ứng xử giống nhau theo mức độ hoạt động. Xét theo cách thức ứng xử khác nhau đó, chi phí khả biến còn được chia thành hai loại: chi phí khả biến thực thụ và chi phí khả biến cấp bậc.
+ Biến phí tỷ lệ
Biến phí tỷ lệ là các chi phí có sự biến đổi tỉ lệ với mức độ hoạt động. Đa số các biến phí thường thuộc loại này.
+ Biến phí cấp bậc là các chi phí khả biến không có sự biến đổi liên tục theo sự thay đổi liên tục của mức độ hoạt động. Các chi phí này chỉ biến đổi khi các hoạt động đã có sự biến đổi đạt đến một mức độ cụ thể nào đó.
2. Định phí (chi phí cố định)
Định phí là những chi phí về mặt tổng số không thay đổi trong phạm vi hoạt động của doanh nghiệp như: chi phí khấu hao tài sản cố định, tiền thuê nhà, thuê thiết bị, tiền lương bộ phận qủan lý,...
Về mặt tổng số thì định phí trong ngắn hạn thường ít thay đổi, nhưng nếu xét trên đơn vị sản phẩm thì định phí dơn vị tăng khi khối lượng giảm và ngược lại. Định phí của doanh nghiệp được chia thành định phí bắt buộc và định phí tùy ý.
+ Định phí bắt buộc: là định phí cần phải có cho hoạt động của doanh nghiệp. Loại định phí này thường liên quan đến năng lực hoạt động của doanh nghiệp để đạt được mục tiêu dài hạn của mình như: chi phí khấu hao tài sản cố định, chi phí tiền lương các bộ phận quản lý, tiền thuê văn phòng làm việc,....là định phí bắt buộc. Định phí bắt buộc có đặc điểm là ổn định lâu dài, nghĩa là khi đã có quyết định đầu tư thì chi phí này không thay đổi trong nhiều năm kinh doanh. Ngoài ra, định phí bắt buộc không thể cắt giảm đến 0 cho dù mức độ hoạt động giảm xuống khi sản xuất bị gián đoạn. Vì vậy, việc quản lý loại chi phí này liên quan đến sử dụng tối đa năng lực hoạt động và đó là phương cách để đạt được mục tiêu mong muốn.
+ Định phí tùy ý: là định phí mà nhà quản lý có thể thay đổi theo thời gian (thường trong năm kinh doanh) mà không ảnh hưởng đến khả năng đạt các mục tiêu dài hạn. Loại chi phí này gọi là chi phí có thể kiểm soát được như: chi phí quảng cáo, giao tế, chi phí nghiên cứu,...Như vậy, định phí tùy ý có 2 đặc điểm khác với định phí bắt buộc là có tính ngắn hạn và trong những trường hợp cần thiết nhà quản lý có thể cắt giảm định phí này.
Với những đặc điểm trên, phân tích cơ cấu giữa định phí và biến phí bao gồm những nội dung sau:
- Phân tích cơ cấu giữa định phí và biến phí: Do tổng biến phí luôn gắn liền với một mức sản xuất và tiêu thụ nên phân tích cơ cấu của hai loại này tại mỗi mức hoạt động sẽ chỉ ra tác động của chúng đối với lợi nhuận khi sản lượng thay đổi. Nếu định phí chiếm tỷ trọng lớn trong tổng chi phí sản xuất kinh doanh và tỷ trọng này không giảm khi số lượng sản xuất và tiêu thụ giảm thì cơ cấu định phí trong trường hợp này làm giảm đáng kể lợi nhuận.
- Phân tích cơ cấu của từng yếu tố thuộc biến phí: việc phân tích này sẽ cho thấy loại biến phí gì, phát sinh ở khâu nào, bộ phận nào ảnh hưởng đến tổng biến phí, qua đó chỉ ra khả năng cắt giảm từng yếu tố biến phí nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.
Minh họa mối quan hệ này, ta phân tích cách ứng xử chi phí, giá bán và số lượng sản phẩm tiêu thụ của hai doanh nghiệp A và B.
Hai doanh nghiệp cùng kinh doanh một loại sản phẩm, giả định giá bán như nhau là 2.000 đồng. Tổng định phí và biến phí sản xuất và tiêu thụ được cho như sau:
Nội dung chi phí |
Doanh nghiệp A |
Doanh nghiệp B |
1.Tổng định phí 2.Biến phí sản xuất và tiêu thụ |
800.000 700 |
1.000.000 1.000 |
Phân tích cơ cấu giữa định phí và biến phí tác động như thế nào khi mức sản xuất và tiêu thụ thay đổi.
Với số liệu trên, ta có:
CHI PHÍ VÀ LỢI NHUẬN CỦA DOANH NGHIỆP A
Số lượng |
Doanh thu |
Tổng biến phí |
Tổng định phí |
Tổng chi phí |
Lợi nhuận |
Tỷ trọng đ.phí (%) |
0 |
0 |
0 |
800.000 |
800.000 |
(800.000) |
100 |
500 |
1.000.000 |
350.000 |
800.000 |
1.150.000 |
(150.000) |
69,57 |
1.000 |
2.000.000 |
700.000 |
800.000 |
1.500.000 |
500.000 |
53,33 |
1.500 |
3.000.000 |
1.050.000 |
800.000 |
1.850.000 |
1.150.000 |
43,24 |
2.000 |
4.000.000 |
1.400.000 |
800.000 |
2.200.000 |
1.800.000 |
36,36 |
2.500 |
5.000.000 |
1.750.000 |
800.000 |
2.550.000 |
2.450.000 |
31,37 |
3.000 |
6.000.000 |
2.100.000 |
800.000 |
2.900.000 |
3.100.000 |
27,59 |
CHI PHÍ VÀ LỢI NHUẬN CỦA DOANH NGHIỆP B
Số lượng |
Doanh thu |
Tổng biến phí |
Tổng định phí |
Tổng chi phí |
Lợi nhuận |
Tỷ trọng đ.phí (%) |
0 |
0 |
0 |
600.000 |
600.000 |
(600.000) |
100 |
500 |
1.000.000 |
500.000 |
600.000 |
1.100.000 |
(100.000) |
54,55 |
1.000 |
2.000.000 |
1.000.000 |
600.000 |
1.600.000 |
400.000 |
37,5 |
1.500 |
3.000.000 |
1.500.000 |
600.000 |
2.100.000 |
900.000 |
28,57 |
2.000 |
4.000.000 |
2.000.000 |
600.000 |
2.600.000 |
1.400.000 |
23,08 |
2.500 |
5.000.000 |
2.500.000 |
600.000 |
3.100.000 |
1.900.000 |
19,35 |
3.000 |
6.000.000 |
3.000.000 |
600.000 |
3.600.000 |
2.400.000 |
16,67 |
Nhận xét: Khi số lượng sản phẩm sản xuất và tiêu thụ cùng tăng trong phạm vi hoạt động của doanh nghiệp thì tỷ trọng định phí trong tổng chi phí của cả hai doanh nghiệp đều giảm và ngược lại.
Khai thác năng lực tiềm tàng của doanh nghiệp sẽ làm thay đổi tỷ trọng định phí góp phần làm tăng lợi nhuận. Phân tích xu hướng cơ cấu định phí trong nhiều kỳ sẽ dự đoán được khả năng lợi nhuận của doanh nghiệp.
- So sánh hai doanh nghiệp tại mức sản xuất và tiêu thụ 2.000 sản phẩm: nếu số lượng sản phẩm giảm xuống đến mức 1.500 sản phẩm (tỷ lệ giảm 25%) thì lợi nhuận doanh nghiệp A giảm từ 1.800.000 còn 1.150.000 (tỷ lệ giảm 36,11%), trong khi lợi nhuận của doanh nghiệp B giảm từ 1.400.000 còn 900.000 (tỷ lệ giảm 35,71%).
Ngược lại, nếu số lượng sản phẩm tăng 2.500 sản phẩm thì lợi nhuận doanh nghiệp A là 2.450.000 (tỷ lệ tăng 36,11%), trong khi lợi nhuận doanh nghiệp B là 1.900.000 (tỷ lệ tăng 35,71%).
Vậy, tại cùng một mức hoạt động, doanh nghiệp nào có tỷ trọng định phí lớn thì tốc độ tăng (giảm) lợi nhuận của doanh nghiệp đó lớn hơn doanh nghiệp có tỷ trọng định phí thấp hơn khi sản lượng sản xuất và tiêu thụ thay đổi.
- Phân tích cơ cấu của từng yếu tố thuộc định phí: về nguyên tắc thì tổng định phí không thay đổi nhưng xét theo khả năng kiểm soát chi phí thì chi phí được chia thành định phí bắt buộc và định phí tùy ý. Việc phân tích này sẽ cho ta thấy tỷ trọng của từng loại định phí trong tổng định phí. Nếu định phí bắt buộc chiếm tỷ trọng lớn thì doanh nghiệp cần phải gia tăng khối lượng sản phẩm sản xuất và tiêu thụ trong phạm vi năng lực kinh doanh để làm giảm định phí đơn vị sản phẩm, góp phần làm tăng lợi nhuận. Nếu định phí tùy ý chiếm tỷ trọng lớn thì rà soát lại nội dung từng loại định phí để có hướng cắt giảm nhưng vẫn đạt mục tiêu đề ra.
Phân tích cơ cấu biến phí và định phí luôn gắn liền với những mức sản xuất và tiêu thụ. Trong một phạm vị hoạt động, khi số lượng sản phẩm sản xuất và tiêu thụ của doanh nghiệp càng tăng thì tỷ trọng định phí giảm dần, lợi nhuận của doanh nghiệp càng tăng và ngược lại. Doanh nghiệp nào có tỷ trọng định phí cao sẽ có tốc độ gia tăng lợi nhuận khi số lượng sản phẩm sản xuất và tiêu thụ tăng. Cơ cấu định phí được xem là đòn bẩy kích thích gia tăng lợi nhuận. Phân tích cơ cấu biến phí và định phí còn chỉ ra cơ hội cắt giảm định phí, biến phí, khai thác các năng lực của doanh nghiệp để gia tăng lợi nhuận.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Th.S Huỳnh Lợi( 2010), Giáo trình kế toán quản trị, Nhà xuất bản Thống kê
2. Th.S Võ Ngàn Thơ(2009), Quản trị dự án đầu tư
3. Nguyễn Tấn Bình (2010), Quản trị tài chính ngắn hạn, Nhà xuất bản Thống kê
4. Bùi Xuân Phong (2006) Quản trị dự án đầu tư, NXB Bưu chính viễn thông.
» Danh sách Tập tin đính kèm:
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: