Dương Thị Thanh Hiền
Xu hướng phát triển bền vững ngày càng gia tăng, đòi hỏi các doanh nghiệp cần triển khai công tác kế toán trách nhiệm xã hội (TNXH) bên cạnh công tác kế toán truyền thống. Ngoài ra nghiên cứu tác động của thực hiện kế toán TNXH đến hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp sẽ đánh giá được tính tích cực khi thực hiện kế toán TNXH. Bài viết bàn về kế toán TNXH và tác động của kế toán TNXH đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp
1. Kế toán trách nhiệm xã hội
Kế toán TNXH (Social Responsibility Accounting - SRA) được hình thành qua thời gian với các yêu cầu đòi hỏi không ngừng của xã hội cũng như tình hình kinh tế, chính trị, xã hội của mỗi quốc gia, của thế giới và quan điểm của các nhà nghiên cứu, các tổ chức quốc tế có liên quan. Cho đến nay có nhiều tên gọi phản ánh một hay nhiều nội dung của kế toán trách nhiệm xã như Kế toán xã hội (Social Accounting – AC), kế toán xanh (Green Accounting - GA), kế toán xã hội và môi trường (Social and Environmental Accounting - SEA), kế toán phát triển bền vững (Sustainability Accounting - SA) ….
Theo Mathews (1993), kế toán trách nhiệm xã hội là việc công bố thông tin tài chính và thông tin phi tài chính, thông tin định tính và thông tin định lượng về các hoạt động của một tổ chức, có ảnh hưởng đến nhiều đối tượng liên quan.
Tầm quan trọng của kế toán TNXH được đúc kết từ hai yếu tố cơ bản là trách nhiệm giải trình (accountability) và tính bền vững (sustainability) (Gray và cộng sự, 2014).
Trong đó, trách nhiệm giải trình là trách nhiệm cung cấp thông tin cho những người có quyền đối với doanh nghiệp về các hoạt động gắn liền với TNXH của doanh nghiệp. Một chủ thể (có thể là cá nhân hay tổ chức) càng có tầm ảnh hưởng lớn đến cộng đồng, xã hội càng phải có trách nhiệm lớn trong việc cung cấp các thông tin về hoạt động của mình (con người, tài nguyên, quản trị, ảnh hưởng cộng đồng...) đến các đối tượng mà nó tác động hoặc ảnh hưởng. Trách nhiệm giải trình dựa trên một nền tảng quan trọng là “dân chủ”. Đây là một động lực quan trọng thúc đẩy các mối quan hệ kinh tế xã hội, đồng thời cũng thúc đẩy sự cần thiết của việc vận dụng kế toán TNXH.
Tính bền vững là việc sử dụng các nguồn lực một cách cân bằng giúp duy trì các nguồn lực trong tương lại. Việc áp dụng kế toán TNXH giúp doanh nghiệp kết nối với cộng đồng, xã hội gia tăng sự chấp nhận từ xã hội từ đó giúp doanh nghiệp tồn tại và phát triển bền vững hơn.
Kế toán TNXH sẽ phản ánh các tài sản và các khoản nợ về môi trường và xã hội của doanh nghiệp bao gồm các tài sản vô hình (thương hiệu, sự trung thành của khách hàng, mạng lưới khách hàng, quy trình quản lý, văn hóa doanh nghiệp, kỹ năng làm việc của người lao động …) các khoản nợ tiềm tàng, nợ phải trả về xã hội và môi trường liên quan đến đến chi phí xã hội như chi phí xử lý chất thải, chi phí xử lý nước…. Kế toán TNXH sẽ cung cấp các kỹ thuật để ghi nhận, phản ánh và trình bày các thông tin khác nhau về tài sản, nguồn vốn, doanh thu, chi phí và kết quả hoạt động liên quan đến kinh tế, môi trường và xã hội trên báo cáo tài chính của doanh nghiệp, trên báo cáo CSR, trên báo cáo thường niên hay báo cáo phát triển bền vững (Sustainability Report – SR).
Tóm lại, kế toán TNXH ghi nhận nguồn lực của một DN tạo ra giá trị gia tăng không chỉ phụ thuộc vào vốn sản xuất, vốn tài chính, mà còn phụ thuộc vào vốn con người, xã hội và tự nhiên. Điều này có nghĩa, các khoản chi trả cho người lao động, chi bảo vệ môi trường và chi cho các chương trình cộng đồng có thể được tái đầu tư vào các tài sản và tạo ra của cải cho DN.
2. Kế toán trách nhiệm xã hội và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp
Trước đây, thành quả được nhìn nhận một cách đơn giản là hiệu quả kinh doanh, tức là sự so sánh giữa yếu tố đầu ra và đầu vào để đánh giá năng suất lao động, lợi nhuận của doanh nghiệp (Georgopoulos & Tannenbaum, 1957). Phát triển cùng với nhu cầu quản lý, khái niệm về thành quả mở rộng hơn, không chỉ dừng lại ở việc đánh giá hiệu quả kinh doanh mà còn quan tâm đến khả năng tiếp cận các nguồn lực và sử dụng nguồn lực một cách hiệu quả để cải tiến quá trình quản lý (Yuchtman & Seashore, 1967). Đến những năm thập niên 80 và 90, các nhà nghiên cứu quan tâm đến nhiều khía cạnh khác nhau trong hoạt động của doanh nghiệp vì vậy các khái niệm về thành quả hoạt động tiếp tục được mở rộng về phạm vi và nội dung.
Hệ thống đo lường hiệu quả đóng một vai trò quan trọng trong các tổ chức vì nó có ảnh hưởng đến sự thành công của các tổ chức đồng thời là nguồn thông tin để chuyển đổi các thông tin tài chính vào các hoạt động trong nội bộ doanh nghiệp. Thông thường, các nguồn thông tin tài chính qua các số liệu được cung cấp ở các bảng cân đối kế toán, báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh, báo cáo lưu chuyển tiền tệ (Yeniyurt, 2003). Các tổ chức cũng sử dụng các chỉ số như một phương pháp đánh giá hoạt động tài chính. Để đạt được mục tiêu của họ, các tổ chức chủ yếu phụ thuộc vào các biện pháp đánh giá hiệu quả để kiểm soát và cải tiến quy trình và so sánh thành quả của các bộ phận và đánh giá nhân viên. Xem xét các tài liệu nghiên cứu trước đây, mặc dù thành quả hoạt động là một thuật ngữ mơ hồ và khó định nghĩa (David, 1999), một số tác giả đã đưa ra các khái niệm về thành quả hoạt động.
Đã có rất nhiều nghiên cứu sử dụng các lý thuyết khác nhau để lý giải cho việc thực hiện TNXH và tác động đến thành quả hoạt động của doanh nghiệp. Ví dụ lý thuyết về tính tính chính đáng (Legitimacy theory), lý thuyết tổ chức (Institutional theory), lý thuyết chính trị (political theory), lý thuyết các bên có liên quan (Stakeholder theory), lý thuyết bất cân xứng thông tin (Asymmetric information theory) và lý thuyết đại diện (Agency theory). Bài nghiên cứu này sử dụng các lý thuyết là lý thuyết về các bên có liên quan, lý thuyết dựa trên nguồn tài nguyên, lý thuyết đại diện, lý thuyết về tính chính đáng vì tính bền vững của các lý thuyết này đối với nghiên cứu về TNXH và TQHĐ. Tuy nhiên, các kết quả nghiên cứu đều khẳng định rằng kế toán TNXH ở khía cạnh xã hội và kinh tế đều có tác động đến hiệu quả hoạt động ở tất cả các khía cạnh tài chính, học hỏi và phát triển,
3. Kết luận
Kế toán TNXH là một khái niệm còn mới ở Việt Nam. Việc triển khai áp dụng kế toán TNXH sẽ trở thành một nhu cầu thiết thực đối với mọi loại hình doanh nghiệp. Các nhân tố ảnh hưởng đến việc thực hiện kế toán TNXH của doanh nghiệp bao gồm chiến lược hoạt động của doanh nghiệp, văn hoá doanh nghiệp và quy mô của doanh nghiệp bao gồm cả thời gian hoạt động, số lượng lao động và quy mô vốn./..
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần quan tâm thực hiện kế toán TNXH song song với việc phải nâng cao hiệu quả hoạt động. Từ việc tham gia tích cực vào các hoạt động thể hiện trách nhiệm xã hội như các dự án từ thiện, hỗ trợ và chăm lo đến phúc lợi nhân viên và giảm thiểu thiệt hại môi trường có thể gây tốn kém và phát sinh gánh nặng tài chính cho các doanh nghiệp (Barnett & Salomon, 2006). Do đó, thực hiện TNXH tốt và vẫn đảm bảo gia tăng hiệu quả hoạt động, đặc biệt ở khía cạnh tài chính là vấn đề đáng quan tâm của các nhà quản lý và các học giả, đặc biệt trong lĩnh vực kế toán. Kết quả thực nghiệm của đa số các nghiên cứu về tác động của kế toán TNXH đến hiệu quả hoạt động tại Việt Nam cho thấy kế toán TNXH có tác động tích cực đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.
4. Tài liệu tham khảo
» Danh sách Tập tin đính kèm:
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: