NHỮNG KHÁC BIỆT GIỮA LẬP VÀ TRÌNH BÀY BÁO CÁO KẾT QUẢ HOẠT ĐỘNG KINH DOANH THEO IAS 1 VÀ VAS 21
Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh (BCKQHĐKD) là một báo cáo dễ hiểu, thông dụng và quan trọng trong hệ thống báo cáo tài chính. Báo cáo này cung cấp thông tin về kết quả kinh doanh, đó là lợi nhuận. Tuy nhiên, khi đối chiếu BCKQHĐKD được lập và trình bày theo chuẩn mực kế toán Việt Nam so sánh với chuẩn mực kế toán quốc tế, hiện nay tồn tại một sự khác biệt giữa lập và trình bày kết quả lợi nhuận kế toán.
1. Những điểm khác biệt giữa lập và trình bày báo cáo hoạt động kinh doanh theo IAS 1 và VAS 21
1.1. Điểm xuất phát của lợi nhuận gắn với giá trị vốn
Khái niệm lợi nhuận tổng hợp đã chỉ ra điểm xuất phát của lợi nhuận gắn với giá trị vốn. Vì lợi nhuận kế toán là tất cả những khoản thu nhập chi phí và các giao dịch ảnh hưởng đến vốn chủ sở hữu (không kể các khoản có nguồn gốc từ chủ sở hữu). Như vậy, ngoài những kết quả đã thực hiện và đi vào lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh, những khoản dự trữ trong vốn chủ sở hữu cũng được tập hợp và trình bày trong thành phần lợi nhuận tổng hợp khác. Điểm xuất phát của lợi nhuận gắn với giá trị vốn này theo IAS hoàn toàn khác biệt với khái niệm lợi nhuận kế toán theo VAS. Về bản chất, các yếu tố thu nhập và chi phí đều làm ảnh hưởng đến vốn chủ sở hữu, lợi nhuận kế toán theo VAS nằm trong mối tương quan với yếu tố thu nhập và chi phí thể hiện sự biến động vốn chủ sở hữu. Tuy nhiên, do lợi nhuận kế toán theo VAS không xuất phát từ giá trị vốn, nên có những khoản dự trữ khác ảnh hưởng đến vốn chủ sở hữu nhưng lại được trình bày ở trạng thái tĩnh trên Bảng cân đối kế toán mà không được xem là kết quả lợi nhuận kế toán.
1.2. Các yếu tố của báo cáo về kết quả kinh doanh
Vì khác nhau ở điểm xuất phát của lợi nhuận gắn với giá trị vốn, nên định nghĩa về các yếu tố của hai báo cáo: BCKQHĐKD và Báo cáo lợi nhuận tổng hợp có điểm khác biệt:
- Các yếu tố của Báo cáo lợi nhuận tổng hợp gồm thu nhập và chi phí. Định nghĩa yếu tố thu nhập và chi phí theo IAS 1 hiểu theo ý nghĩa toàn diện , đó là tất cả kết quả từ hoạt động sản xuất kinh doanh thông thường, hoạt động khác và kể cả những giao dịch và sự kiện khác ảnh hưởng vốn chủ sở hữu (không kể các giao dịch có nguồn gốc từ chủ sở hữu) làm tăng/giảm tài sản và nợ phải trả. Tất cả các yếu tố này được trình bày trên Báo cáo lợi nhuận tổng hợp, góp phần đo lường sự gia tăng trong giá trị tài sản thuần trong kỳ.
- Trong khi đó, VAS 21 yêu cầu trình bày các yếu tố thu nhập và chi phí nhưng các yếu tố này không nêu rõ về các giao dịch và sự kiện khác, ví dụ : chênh lệch tỷ giá, chênh lệch đánh giá lại tài sản, đây là các khoản dự trữ do điều chỉnh lại giá trị của tài sản/nợ phải trả mà kết quả chưa đi vào lợi nhuận thực hiện trong kỳ.
1.3. Vốn và bảo toàn vốn
Khi nghiên cứu về các lý thuyết lợi nhuận, chúng ta đã tiếp cận rất nhiều khái niệm lợi nhuận kinh tế và lợi nhuận kế toán. Rõ ràng là, các nhà nghiên cứu đã đưa ra vấn đề về vốn (năng lực kinh tế) và bảo toàn vốn (không thay đổi ở điểm cuối kỳ so với đầu kỳ). Để đo lường lợi nhuận, các kế toán viên đã đặt ra các nguyên tắc kế toán và dựa trên chứng cớ khách quan để đưa ra kết quả lợi nhuận kinh tế. Cùng với sự phát triển kinh tế và sự thay đổi giá trị tiền tệ, vấn đề đo lường lợi nhuận lại tiếp tục được nghiên cứu và hoàn thiện để đảm bảo kết quả lợi nhuận đạt được sau khi vốn được bảo toàn. IASB đã đề cập đến khái niệm vốn và bảo toàn vốn trong các IAS. Lợi nhuận tổng hợp cũng là kết quả lợi nhuận kế toán sau khi đã bảo toàn vốn. Bởi vì, những lợi ích cũng như rủi ro liên quan đến tài sản hiện hữu đã được tính toán và dự trữ trong lợi nhuận tổng hợp để đảm bảo vốn được bảo toàn. Khái niệm bảo toàn vốn đã tạo cầu nối giữa vốn và lợi nhuận bởi vì nó chỉ ra được điểm xuất phát của việc xác đinh lợi nhuận. VAS không đề cập đến khái niệm vốn và bảo toàn vốn.
1.4. Phương pháp đo lường các đối tượng kế toán
IAS/IFRS yêu cầu trình bày BCTC nhằm giúp các đối tượng sử dụng BCTC hiểu rõ hơn về bản chất của các nghiệp vụ kinh tế, đòi hỏi nhiều hơn xét đoán nghề nghiệp trong việc đưa ra cách xử lý kế toán thích hợp và đề nghị sử dụng giá trị hợp lý như một cơ sở đo lường chủ yếu nhằm tăng tính đáng tin cậy và thích hợp của thông tin trình bày trên BCTC. Giá trị hợp lý của tài sản và nợ phải trả là “giá trị đầu ra” của tài sản hay nợ phải trả. Giá trị đầu ra có thể được xác định trực tiếp từ thị trường hay ước tính bằng cách sử dụng các kỹ thuật định giá. Từ quan điểm này, làm phát sinh các khoản lãi/lỗ được ghi nhận như là một khoản dự trữ liên quan đến sự thay đổi giá trị tài sản thuần. Các khoản này gọi là lợi nhuận tổng hợp khác (gồm lãi/lỗ đánh giá lại tài sản, lãi/lỗ đối với quỹ lợi ích nhân viên, lãi/lỗ từ chuyển đổi BCTC, lãi/lỗ đánh giá công cụ tài chính…) và được trình bày trên Báo cáo lợi nhuận tổng hợp. Trong khi đó, vấn đề cốt lõi của đo lường lợi nhuận theo VAS dựa trên phương pháp giá gốc. Việc đánh giá lại tài sản được thực hiện khi có quyết định của Nhà nước. Giá trị đánh giá lại dựa trên bảng giá do Nhà nước quy định hoặc Hội đồng định giá tài sản xác lập. Chênh lệch tỷ giá hối đoái được phản ánh trên Bảng cân đối kế toán trong giai đoạn đầu tư xây dựng cơ bản và khi chuyển đổi BCTC của hoạt động ở nước ngoài (phản ánh trên BCTC hợp nhất).
2. Hạn chế của thông tin về kết quả kinh doanh theo VAS 21
2.1. Bản chất của lợi nhuận
Về bản chất thì lợi nhuận là sự gia tăng giá trị tài sản thuần trong kỳ. Từ những khác biệt giữa VAS và IAS đã trình bày ở phần trên về vấn đề vốn và bảo toàn vốn chưa được đề cập trong VAS, cũng như đo lường các đối tượng kế toán theo nguyên tắc giá gốc được chấp nhận, cho thấy rằng lợi nhuận kế toán theo VAS chưa tiến đến gần bản chất của nó. Chỉ khi nào xác định điểm xuất phát của việc đo lường lợi nhuận gắn với giá trị vốn, thì lợi nhuận sẽ tiến đến gần hơn với bản chất của nó. Hiện nay, thấy rằng việc trình bày thông tin lợi nhuận trên BCKQHĐKD theo VAS-21 chưa tập hợp tất cả những giao dịch ảnh hưởng đến vốn (không kể các khoản có nguồn gốc từ chủ sở hữu) mà chỉ trình bày kết quả thu nhập, chi phí đã thực hiện, như vậy đã bỏ sót một phần những giao dịch ghi nhận trực tiếp vào vốn chủ sở hữu như: chênh lệch tỷ giá, chênh lệch đánh giá lại tại sản,…Do đó, thông tin lợi nhuận kế toán trên BCKQHĐKD là chưa toàn diện.
2.2. Giá trị mong đợi nhận được trong tương lai đối với nguồn lực hiện tại và rủi ro từ sự thay đổi giá trị tài sản
Xuất phát từ việc đo lường các đối tượng kế toán theo giá gốc, thông tin về lợi nhuận kế toán chỉ dựa trên những kết quả đã thực hiện trong quá khứ làm gia tăng giá trị tài sản thuần mà không phản ánh giá trị mong đợi nhận được cũng như rủi ro đối với nguồn lực hiện hữu. Người sử dụng thông tin về kết quả lợi nhuận, ngoài việc đánh giá khả năng sinh lợi và năng lực hoạt động trong quá khứ, còn mong đợi ở kết quả lợi nhuận những dòng tiền mà doanh nghiệp có thể nhận được trong tương lai từ nguồn lực của mình. Để phản ánh giá trị mong đợi này, cần phải cộng thêm vào kết quả lợi nhuận kế toán những thay đổi trong giá trị tài sản so với giá gốc chưa được ghi nhận để phản ánh đúng giá trị tương lai sẽ nhận được. Cũng như phải dự trữ trước những rủi ro sẽ gánh chịu trong thông tin về kết quả lợi nhuận giúp cho người sử dụng khả năng dự đoán để đưa ra các quyết định kinh tế. Xét trong dài hạn, tất cả những thay đổi giá trị tài sản sẽ được ghi nhận hết vào kết quả lợi nhuận, tuy nhiên thông tin về lợi nhuận kế toán hiện nay làm chậm trễ kết quả lợi nhuận thực sự. Như vậy là đã từ chối một phần quan trọng của toàn bộ bức tranh hoạt động của doanh nghiệp. Nếu nói rằng tối đa hóa lợi nhuận là mục tiêu sống còn của một doanh nghiệp, bằng cách chỉ nhìn vào một phần bức tranh hoạt động của các kết quả đã đạt được trong quá khứ, lợi nhuận kế toán làm cho việc đánh giá sự thành công của nhà quản trị trong việc tạo ra lợi nhuận kém chính xác hơn. Hạn chế này không đáp ứng được nhu cầu của người sử dụng thông tin về kết quả kinh doanh đó là khả năng dự đoán.
3. Kết luận
Nghiên cứu chuẩn mực kế toán quốc tế về lập và trình bày Báo cáo lợi nhuận tổng hợp là cơ sở để hoàn thiện cho chuẩn mực kế toán Việt Nam và các Chế độ kế toán liên quan đến việc công bố thông tin về lợi nhuận trên báo cáo tài chính. Để hoàn thiện hơn nữa, cần có những nghiên cứu tiếp theo về vấn đề đo lường các đối tượng kế toán để tiến đến một xu thế chung là lợi nhuận kế toán đạt được sau khi đã bảo toàn vốn.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bộ Tài Chính (2006), Chuẩn mực kế toán số 21 – Trình bày báo cáo tài chính, theo Quyết định số 234/2003/QĐ-BTC, Bộ Tài Chính, Hà Nội.
2. Bộ Tài Chính (2006), Chuẩn mực kế toán số 14 – Doanh thu và thu nhập khác, theo Quyết định số 149/2001/QĐ-BTC, Bộ Tài Chính, Hà Nội.
3. International Accounting Standards Board, IAS 1 Presentation of Financial Statements, IASCF
4. Vũ Hữu Đức, Trần Thị Giang Tân và Nguyễn Thế Lộc (2010), “Chuẩn mực kế toán Việt Nam-Những vấn đề chung và các yếu tố của báo cáo tài chính”, Nxb Thống kê, Hà Nội.
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: