ĐIỂM MỚI VỀ CHI PHÍ CHIẾT KHẤU THƯƠNG MẠI, KHUYẾN MÃI VÀ GIẢM GIÁ HÀNG BÁN THEO THÔNG TƯ 200
Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 200/2014/TT-BTC hướng dẫn Chế độ kế toán doanh nghiệp, thay thế cho Quyết định số 15/2006/QĐ-BTC và Thông tư số 244/2009/TT-BTC. Một trong số các điểm mới nổi bật của Thông tư số 200/2014/TT-BTC so với QĐ số 15/2006/QĐ-BTC và Thông tư số 244/2009/TT-BTC đó chính là sự thay đổi về chi phí chiết khấu thương mại, khuyến mãi và giảm giá hàng bán. Đây được xem là sẽ có ảnh hưởng lớn đối với báo cáo tài chính (BCTC) của doanh nghiệp và các chỉ tiêu tài chính mà chủ doanh nghiệp, các nhà đầu tư, nhà phân tích tài chính có thể rất quan tâm.
Từ khóa: thông tư 200, dự phòng, chiết khấu thương mại, khuyến mãi, giảm giá hàng bán...
Theo Chuẩn mực kế toán số 14-Doanh thu và thu nhập khác ban của Bộ Tài Chính quy định: “Chiết khấu thương mại là khoản doanh nghiệp bán giảm giá niêm yết cho khách hàng mua với số lượng lớn”. Còn “Giảm giá hàng bán là khoản giảm trừ cho người mua do hàng hóa kém phẩm chất, sai quy cách hoặc lạc hậu thị hiếu”.
1. Tài khoản dùng để hạch toán
Theo điều 81 – thông tư 200 bộ tài chính ban hành 22/12/2014 thì tài khoản được dùng để hạch toán chiết khấu thương mại là tài khoản 5211.
Bên Nợ:
- Số chiết khấu thương mại đã chấp nhận thanh toán cho khách hàng;
- Số giảm giá hàng bán đã chấp thuận cho người mua hàng;
- Doanh thu của hàng bán bị trả lại, đã trả lại tiền cho người mua hoặc tính trừ vào khoản phải thu khách hàng về số sản phẩm, hàng hóa đã bán
Bên Có:Cuối kỳ kế toán, kết chuyển toàn bộ số chiết khấu thương mại, giảm giá hàng bán, doanh thu của hàng bán bị trả lại sang tài khoản 511 “Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ” để xác định doanh thu thuần của kỳ báo cáo.
Tài khoản 521 - Các khoản giảm trừ doanh thu không có số dư cuối kỳ.
Tài khoản 521 có 3 tài khoản cấp 2
- Tài khoản 5211 - Chiết khấu thương mại:Tài khoản này dùng để phản ánh khoản chiết khấu thương mại cho người mua do khách hàng mua hàng với khối lượng lớn nhưng chưa được phản ánh trên hóa đơn khi bán sản phẩm hàng hóa, cung cấp dịch vụ trong kỳ
- Tài khoản 5212 - Hàng bán bị trả lại:Tài khoản này dùng để phản ánh doanh thu của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ bị người mua trả lại trong kỳ.
- Tài khoản 5213 - Giảm giá hàng bán:Tài khoản này dùng để phản ánh khoản giảm giá hàng bán cho người mua do sản phẩm hàng hóa dịch vụ cung cấp kém quy cách nhưng chưa được phản ánh trên hóa đơn khi bán sản phẩm hàng hóa, cung cấp dịch vụ trong kỳ
Bên bán hàng thực hiện việc hạch toán theo các trường hợp sau:
– Trường hợp 1: Giá bán trên hóa đơn là giá đã trừ chiết khấu (không thể hiện trên hóa đơn) thì doanh nghiệp bán hàng không cần sử dụng tài khoản 5211 để hạch toán chiết khấu thương mại. Doanh thu được phản ảnh là doanh thu không bao gồm chiết khấu (Doanh thu thuần)
– Trường hợp 2: Kế toán dùng tài khoản 5211 để theo dõi RIÊNG các khoản chiết khấu cho khách hàng mua hàng với số lượng khi mà nó chưa được phản ánh trên hóa đơn bán hàng. Có 2 trường hợp phát sinh cho trường hợp 2:
+ Trường hợp 2.1: Khách hàng mua hàng nhiều lần mới tích đủ số lượng để được hưởng chiết khấu thỏa mãn chính sách bán hàng của công ty. Tuy nhiên giá trị chiết khấu lớn hơn giá trị hàng hóa của hóa đơn lần cuối cùng.
+ Trường hợp 2.2.: Đối với các doanh nghiệp sản xuất hay phân phối hay siêu thị, khi mà họ chỉ xác định được số lượng bán hàng vào cuối kỳ. Như vậy vào cuối kỳ họ với tính toán được giá trị chiết khấu thương mại cho khách mua.
2. Nguyên tắc kế toán
- Khoản chiết khấu thương mại, giảm giá hàng bán, hàng bán bị trả lại phát sinh cùng kỳ tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa dịch vụ được điều chỉnh giảm doanh thu của kỳ phát sinh;
- Trường hợp sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ đã tiêu thụ từ các kỳ trước, đến kỳ sau mới phát sinh chiết khấu thương mại, giảm giá hàng bán hoặc hàng bán bị trả lại thì doanh nghiệp được ghi giảm doanh thu theo nguyên tắc:
+ Nếu sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ đã tiêu thụ từ các kỳ trước, đến kỳ sau phải giảm giá, phải chiết khấu thương mại, bị trả lại nhưng phát sinh trước thời điểm phát hành Báo cáo tài chính, kế toán phải coi đây là một sự kiện cần điều chỉnh phát sinh sau ngày lập Bảng cân đối kế toán và ghi giảm doanh thu, trên Báo cáo tài chính của kỳ lập báo cáo (kỳ trước).
+ Trường hợp sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ phải giảm giá, phải chiết khấu thương mại, bị trả lại sau thời điểm phát hành Báo cáo tài chính thì doanh nghiệp ghi giảm doanh thu của kỳ phát sinh (kỳ sau).
c) Chiết khấu thương mại phải trả là khoản doanh nghiệp bán giảm giá niêm yết cho khách hàng mua hàng với khối lượng lớn. Bên bán hàng thực hiện kế toán chiết khấu thương mại theo những nguyên tắc sau:
- Trường hợp trong hóa đơn GTGT hoặc hóa đơn bán hàng đã thể hiện khoản chiết khấu thương mại cho người mua là khoản giảm trừ vào số tiền người mua phải thanh toán (giá bán phản ánh trên hoá đơn là giá đã trừ chiết khấu thương mại) thì doanh nghiệp (bên bán hàng) không sử dụng tài khoản này, doanh thu bán hàng phản ánh theo giá đã trừ chiết khấu thương mại (doanh thu thuần).
- Kế toán phải theo dõi riêng khoản chiết khấu thương mại mà doanh nghiệp chi trả cho người mua nhưng chưa được phản ánh là khoản giảm trừ số tiền phải thanh toán trên hóa đơn. Trường hợp này, bên bán ghi nhận doanh thu ban đầu theo giá chưa trừ chiết khấu thương mại (doanh thu gộp). Khoản chiết khấu thương mại cần phải theo dõi riêng trên tài khoản này thường phát sinh trong các trường hợp như:
+ Số chiết khấu thương mại người mua được hưởng lớn hơn số tiền bán hàng được ghi trên hoá đơn lần cuối cùng. Trường hợp này có thể phát sinh do người mua hàng nhiều lần mới đạt được lượng hàng mua được hưởng chiết khấu và khoản chiết khấu thương mại chỉ được xác định trong lần mua cuối cùng;
+ Các nhà sản xuất cuối kỳ mới xác định được số lượng hàng mà nhà phân phối (như các siêu thị) đã tiêu thụ và từ đó mới có căn cứ để xác định được số chiết khấu thương mại phải trả dựa trên doanh số bán hoặc số lượng sản phẩm đã tiêu thụ.
d) Giảm giá hàng bán là khoản giảm trừ cho người mua do sản phẩm, hàng hoá kém, mất phẩm chất hay không đúng quy cách theo quy định trong hợp đồng kinh tế. Bên bán hàng thực hiện kế toán giảm giá hàng bán theo những nguyên tắc sau:
- Trường hợp trong hóa đơn GTGT hoặc hóa đơn bán hàng đã thể hiện khoản giảm giá hàng bán cho người mua là khoản giảm trừ vào số tiền người mua phải thanh toán (giá bán phản ánh trên hoá đơn là giá đã giảm) thì doanh nghiệp (bên bán hàng) không sử dụng tài khoản này, doanh thu bán hàng phản ánh theo giá đã giảm (doanh thu thuần).
- Chỉ phản ánh vào tài khoản này các khoản giảm trừ do việc chấp thuận giảm giá sau khi đã bán hàng (đã ghi nhận doanh thu) và phát hành hoá đơn (giảm giá ngoài hoá đơn) do hàng bán kém, mất phẩm chất...
đ) Đối với hàng bán bị trả lại, tài khoản này dùng để phản ánh giá trị của số sản phẩm, hàng hóa bị khách hàng trả lại do các nguyên nhân: Vi phạm cam kết, vi phạm hợp đồng kinh tế, hàng bị kém, mất phẩm chất, không đúng chủng loại, quy cách.
e) Kế toán phải theo dõi chi tiết chiết khấu thương mại, giảm giá hàng bán, hàng bán bị trả lại cho từng khách hàng và từng loại hàng bán, như: bán hàng (sản phẩm, hàng hoá), cung cấp dịch vụ. Cuối kỳ, kết chuyển toàn bộ sang tài khoản 511 - "Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ" để xác định doanh thu thuần của khối lượng sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ thực tế thực hiện trong kỳ báo cáo.
3. Bút toán hạch toán
Trường hợp 1:Chiết khấu thương mại cho người mua thuộc đối tượng chịu thuế GTGT tính theo phương pháp khấu trừ, và doanh nghiệp tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ:
Nợ TK 521 – Các khoản giảm trừ doanh thu (5211, 5213)
Nợ TK 3331 – Thuế GTGT phải nộp (thuế GTGT đầu ra được giảm)
Có các TK 111,112,131,…
– Trường hợp 2:Chiết khấu thương mại cho người mua không thuộc đối tượng chịu thuế GTGT hoặc thuộc đối tượng chịu thuế GTGT tính theo phương pháp trực tiếp:
Nợ TK 521 – Các khoản giảm trừ doanh thu (5211, 5213)
Có các TK 111, 112, 131,…
4. Đánh giá những điểm mới
Đây có thể xem là một bước tiến lớn trong chế độ kế toán doanh nghiệp Việt Nam do các hướng dẫn mới của TT200 về kế toán chi phí chiết khấu thương mại, khuyến mãi và giảm giá hàng bán rất gần với hướng dẫn trong chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS), phù hợp với nguyên tắc tôn trọng bản chất hơn hình thức.
Trường hợp khách hàng chỉ được nhận hàng khuyến mãi, quảng cáo kèm theo các điều kiện khác như phải mua sản phẩm, hàng hóa (ví dụ như mua hai tặng một) thì phải phân bổ số tiền thu được để tính doanh thu cho cả hàng khuyến mãi và giá trị hàng khuyến mãi được tính vào giá vốn vì bản chất giao dịch này là giảm giá hàng bán.
Chi phí chiết khấu thương mại, khuyến mãi theo doanh số (bao gồm cả chi phí trích trước cho các khách hàng đã đủ điều kiện hưởng chiết khấu, khuyến mãi) không còn đưa vào chi phí bán hàng như nhiều doanh nghiệp vẫn ghi nhận trước đây mà phải ghi giảm trực tiếp lên doanh thu gộp hoặc ghi nhận vào các khoản giảm trừ doanh thu tùy theo từng trường hợp cụ thể.
Theo TT200, khi phát sinh giao dịch bán hàng theo chương trình khách hàng truyền thống, doanh nghiệp sẽ không ghi nhận toàn bộ giá bán sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ vào doanh thu mà phải ghi nhận doanh thu chưa thực hiện đối với phần nghĩa vụ còn phải thực hiện với khách hàng là giá trị hợp lý của hàng hóa, dịch vụ miễn phí hoặc giảm giá. Phần doanh thu chưa thực hiện này chỉ được kết chuyển vào doanh thu trên báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh vào cuối chương trình, khi có kết luận khách hàng không đạt điều kiện để hưởng ưu đãi hoặc khi doanh nghiệp đã thực hiện việc cung cấp hàng hóa, dịch vụ ưu đãi cho khách hàng đủ điều kiện.
Một quy định mới nữa trong TT200 là cho trường hợp nhà phân phối khuyến mãi hộ nhà sản xuất (nhận hàng hóa không phải trả tiền từ nhà sản xuất để quảng cáo, khuyến mãi cho khách hàng mua hàng của nhà sản xuất): nhà phân phối chỉ theo dõi chi tiết số lượng hàng nhận từ nhà sản xuất trong hệ thống quản trị nội bộ mà không ghi nhận vào thu nhập hay các khoản phải trả nhà sản xuất như nhiều doanh nghiệp vẫn ghi nhận trước đây. Nhà phân phối chỉ ghi nhận thu nhập khác cho giá trị số hàng khuyến mãi không phải trả lại nhà sản xuất khi hết chương trình khuyến mãi.
Các quy định trên có tác động trực tiếp lên chỉ tiêu doanh thu gộp, doanh thu thuần, lợi nhuận gộp, chi phí bán hàng, hệ số biên lợi nhuận gộp (gross profit margin ratio) và hệ số biên lợi nhuận ròng (net profit margin ratio) của các doanh nghiệp là các chỉ tiêu mà chủ doanh nghiệp, nhà đầu tư và các nhà phân tích tài chính rất quan tâm; và có khả năng ảnh hưởng lớn đến chính sách bán hàng của các doanh nghiệp thường có nhiều chương trình chiết khấu, khuyến mãi và giảm giá hàng bán cho khách hàng.
Do vậy, nhà đầu tư cần xem xét các ảnh hưởng lớn này khi đánh giá tốc độ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận gộp hoặc hiệu quả của chính sách bán hàng của doanh nghiệp để có những kết luận chân thực nhất về tình hình của doanh nghiệp.
Tài liệu tham khảo:
1. 1. Thông tư 200/2014/TT-BTC ban hành ngày 22 tháng 12 năm 2014.
2.http://www.thesaigontimes.vn/128765/Thong-tu-200-khong-chi-don-thuan-la-ke toan.html
3. http://thongtu200.vn/chiet-khau-thuong-mai-la-gi-tai-khoan-cach-hach-toan/
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: