Một số điểm mới của luật quản lý thuế (sửa đổi)
ThS. Nguyễn Khánh Thu Hằng
Tóm tắt
Hoạt động kinh doanh thương mại điện tử nhiều năm nay đối với các cá nhân thường không thực hiện nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước. Làm Nhà nước mất đi một khoản thu khá lớn là vì chưa có quy định cụ thể về quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử. Vì vậy, Quốc hội vừa thông qua Luật Quản lý thuế sửa đổi bổ sung việc quản lý thuế thương mại điện tử hay bắt buộc sử dụng hoá đơn điện tử,… những thay đổi này bắt đầu có hiệu luật từ ngày 01/7/2022.
Từ khoá: Luật Quản lý thuế, hoá đơn điện tử, thương mại điện tử, ….
Sự cần thiết phải quản lý thuế
Quản lý thuế là một bộ phận của quản lý thu ngân sách Nhà nước và Thuế là nguồn thu chủ yếu của Ngân sách Nhà nước. Khoảng 90% nguồn thu ngân sách Nhà nước là từ thuế. Tiền thuế được coi là tài sản quốc gia dùng để phục vụ lợi ích chung của toàn xã hội. Các cơ quan Nhà nước, tổ chức, cá nhân có nghĩa vụ, trách nhiệm tham gia quản lý thuế. Khi thực hiện quản lý thuế cần đạt được các mục tiêu như đảm bảo nguồn thu ổn định cho Chính phủ, tăng hiệu suất nền kinh tế, giải quyết các vấn đề về xã hội và thể chế.
Nội dung quản lý thuế đó là: Đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế, ấn định thuế; Thủ tục hoàn thuế, miễn thuế, giảm thuế; không thu thuế; Khoanh nợ tiền thuế, tiền chậm nộp; xoá nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt; miễn tiền chậm nộp; không tính tiền chậm nộp; gia hạn nộp thuế; nộp dần tiền thuế nợ; Quản lý thông tin về người nộp thuế; Quản lý hoá đơn, chứng từ; Kiểm tra thuế, thanh tra thuế và thực hiện biện pháp phòng chống ngăn chặn vi phạm pháp luật về thuế; Cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế; Xử lý vi phạm hành chính về quản lý thuế; Giải quyết khiếu nại, tố cáo về thuế; Hợp tác quốc tế về thuế; Tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế.
Khi quản lý thuế cần tuân thủ các nguyên tắc như: Thuế là nguồn thu chủ yếu của ngân sách nhà nước. Mọi tổ chức, cá nhân có nghĩa vụ nộp thuế theo quy định của pháp luật; Cơ quan quản lý thuế, các cơ quan khác của nhà nước được giao nhiệm vụ quản lý thu thực hiện việc quản lý thuế theo quy định của Luật này và các văn bản pháp luật có liên quan đảm bảo công khai, minh bạch và đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người nộp thuế; Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm tham gia quản lý thuế theo chức trách, nhiệm vụ được giao theo quy định của pháp luật; Thực hiện cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại trong quản lý thuế; áp dụng các nguyên tắc quản lý thuế theo thông lệ quốc tế trong đó có nguyên tắc bản chất hoạt động, giao dịch quyết định nghĩa vụ thuế; nguyên tắc quản lý rủi ro và các nguyên tắc khác phù hợp với điều kiện của Việt Nam; Áp dụng biện pháp ưu tiên khi thực hiện các thủ tục về thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo quy định của pháp luật về hải quan và hướng dẫn của Chính phủ.
Khi thực hiện quản lý thuế cần tránh lạm dụng chức quyền để thực hiện những hành vi như: Thông đồng, móc nối, bao che giữa người nộp thuế và công chức, cơ quan quản lý thuế để trốn thuế; Gây phiền hà, sách nhiễu đối với người nộp thuế; Lợi dụng để chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép tiền thuế; Cố tình không kê khai hoặc kê khai thuế không đầy đủ, kịp thời, chính xác về số tiền thuế phải nộp; Cản trở công chức quản lý thuế thi hành công vụ; Sử dụng mã số thuế của người nộp thuế khác để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật hoặc cho người khác sử dụng mã số thuế của mình không đúng theo quy định của pháp luật.; Bán hàng không xuất hóa đơn theo quy định của pháp luật, sử dụng hóa đơn không hợp pháp và sử dụng không hợp pháp hóa đơn.
Những thay đổi của Luật Quản lý thuế
Thứ nhất, Luật Quản lý thuế yêu cầu bắt buộc sử dụng hoá đơn điện tử.
Hóa đơn điện tử là hóa đơn được thể hiện ở dạng dữ liệu điện tử do tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ lập, ghi nhận thông tin bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ theo quy định của pháp luật kế toán, pháp luật thuế bằng phương tiện điện tử. Hóa đơn điện tử bao gồm các loại: hóa đơn giá trị gia tăng, hóa đơn bán hàng, tem điện tử, vé điện tử, thẻ điện tử, phiếu thu điện tử, phiếu xuất kho kiêm vận chuyển điện tử hoặc các chứng từ điện tử có tên gọi khác, bao gồm cả trường hợp hóa đơn được khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu với cơ quan thuế.
Hiện nay hoạt động kinh doanh thương mại điện tử rất phát triển nên việc yêu cầu bắt buộc dùng hoá đơn điện tử để quản lý thuế là điều tất yếu. Luật cũng khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân áp dụng quy định về hóa đơn, chứng từ điện tử của Luật này có hiệu lực trước ngày 01/7/2022. Khi yêu cầu bắt buộc sử dụng hoá đơn điện tử thì người bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán phải lập hóa đơn điện tử để giao cho người mua theo định dạng chuẩn dữ liệu mà cơ quan thuế quy định và phải ghi đầy đủ nội dung theo quy định của pháp luật về thuế, pháp luật về kế toán, không phân biệt giá trị từng lần bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ. Đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán và các trường hợp xác định được doanh thu khi bán hàng hoá, dịch vụ sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ. Trường hợp hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không đáp ứng điều kiện phải sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế nhưng cần có hóa đơn để giao cho khách hàng hoặc trường hợp doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác được cơ quan thuế chấp nhận cấp hóa đơn điện tử để giao cho khách hàng thì được cơ quan thuế cấp hóa đơn điện tử có mã theo từng lần phát sinh và phải khai, nộp thuế trước khi cơ quan thuế cấp hóa đơn điện tử theo từng lần phát sinh...
Thứ hai, sửa đổi quy định về xoá nợ tiền thuế. Trước đây, một số khoản thuế đã không còn khả năng thu hồi nhưng cơ quan thuế vẫn theo dõi. Điều này làm cho Nhà nước tốn chi phí để theo dõi khoản thuế không thu này mà cơ quan thuế cũng tốn thời gian theo dõi, sổ sách cũng nhiều, lưu trữ nhiều mà điều này thực tế đã biết không có khả năng thu hồi. Vì vậy, Nhà nước đã đưa ra quy định về xoá nợ thuế. Theo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua, trong đó Điều 85 quy định rõ, có 5 trường hợp được xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt, cụ thể như sau:
Doanh nghiệp, hợp tác xã bị tuyên bố phá sản đã thực hiện các khoản thanh toán theo quy định của pháp luật về phá sản mà không còn tài sản để nộp tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt.
Cá nhân đã chết hoặc bị tòa án tuyên bố là đã chết, mất năng lực hành vi dân sự mà không có tài sản, bao gồm cả tài sản được thừa kế để nộp tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt còn nợ.
Các khoản nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt của người nộp thuế không thuộc 2 trường hợp trên mà cơ quan quản lý thuế đã áp dụng biện pháp cưỡng chế và các khoản nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt này đã quá 10 năm kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế nhưng không có khả năng thu hồi. Người nộp thuế là cá nhân, cá nhân kinh doanh, chủ hộ gia đình, chủ hộ kinh doanh, chủ doanh nghiệp tư nhân và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên đã được xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt trước khi quay lại sản xuất kinh doanh hoặc thành lập cơ sở sản xuất kinh doanh mới thì phải hoàn trả cho Nhà nước khoản nợ tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp đã được xoá.
Tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đối với các trường hợp bị ảnh hưởng do thiên tai, thảm họa, dịch bệnh có phạm vi rộng đã được xem xét miễn tiền chậm nộp và đã được gia hạn nộp thuế mà vẫn còn thiệt hại, không có khả năng phục hồi được sản xuất kinh doanh và không có khả năng nộp tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt.
Chính phủ quy định việc phối hợp giữa cơ quan quản lý thuế và cơ quan đăng ký kinh doanh, chính quyền địa phương bảo đảm các khoản tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đã được xóa phải được hoàn trả vào ngân sách nhà nước theo quy định tại trường hợp thứ 3 được xóa nợ, trước khi cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Như vậy, việc quy định khoanh nợ tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp là rất cần thiết, phù hợp với tình hình thực tế hiện nay thay vì trước đây không thể thu hồi được khoản nợ trên, nhưng theo Luật Quản lý thuế hiện hành thì cơ quan thuế vẫn phải theo dõi, quản lý, tính tiền chậm nộp đối với các khoản nợ này, dẫn đến số nợ mà cơ quan thuế phải theo dõi trên sổ sách là rất lớn dù đây chỉ là nợ ảo và nợ thuế không có khả năng thu hồi suốt thời gian qua đã tạo áp lực lớn về chi phí quản lý, nhân lực quản lý. Xuất phát từ tình hình thực tế trên, việc bổ sung quy định về khoanh nợ tại Luật Quản lý thuế (sửa đối) lần này sẽ làm giảm số nợ ảo, giảm chi phí quản lý, chi phí về nhân lực của cơ quan quản lý thuế. Muốn xoá nợ tiền thuế doanh nghiệp cần lập văn bản đề nghị xoá nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt của cơ quan quản lý thuế quản lý trực tiếp người nộp thuế thuộc diện được xoá nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt kèm theo quyết định tuyên bố phá sản đối với trường hợp doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản và các tài liệu liên quan đến việc đề nghị xoá nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt.
Thẩm quyền xoá nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt thuộc về Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đối với các trường hợp: Người nộp thuế là doanh nghiệp, hợp tác xã bị tuyên bố phá sản đã thực hiện các khoản thanh toán theo quy định của pháp luật phá sản mà không còn tài sản để nộp; Cá nhân đã chết hoặc được pháp luật coi là đã chết, mất năng lực hành vi dân sự mà không có tài sản để nộp bao gồm tài sản được thừa kế; Cá nhân, hộ kinh doanh; Doanh nghiệp thuộc trường hợp có khoản nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt dưới năm (05) tỷ đồng. Đối với khoản nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt từ năm (05) tỷ đồng đến dưới mười (10) tỷ đồng do Tổng cục trưởng Tổng cục thuế, Tổng cục trưởng Tổng cục hải quan xoá nợ. Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định xoá nợ đối với doanh nghiệp có khoản nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt từ mười (10) tỷ đồng đến dưới mười lăm (15) tỷ đồng. Thủ tướng Chính phủ quyết định xoá nợ đối với doanh nghiệp có khoản nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt từ mười lăm (15) tỷ đồng trở lên.
Thứ ba, bổ sung quy định về quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử. Hiện nay hoạt động thương mại điện tử rất phát triển và chưa có quy định cụ thể về quản lý thuế. Điều này đã làm Nhà nước thất thu một khoản thuế lớn từ hoạt động thương mại điện tử mang lại. Vì vậy, trong xu thế các hoạt động kinh doanh thương mại điện tử phát triển ngày càng rộng rãi, các ứng dụng kinh doanh online ngày càng phổ biến trong đời sống học tập, làm việc của người dân thì việc xây dựng, ban hành các quy định về quản lý thuế trong lĩnh vực này là hoạt động hết sức cần thiết. Luật quản lý thuế lấy sự kết hợp của Ngân hàng Nhà nước và ngân hàng thương mại làm trọng tâm trong việc hỗ trợ thu thuế thương mại điện tử. Đây là một yếu tố quan trọng vì sự phát triển của công nghệ thông tin dẫn đến nền kinh tế số hóa, thì mọi giao dịch của nền kinh tế được thực hiện qua giao dịch ngân hàng. Mặc dù các quy định tại luật quản lý thuế sửa đổi hiện nay chỉ mang tính chất định hướng, tuy nhiên, nó đóng vai trò là nền tảng, là cơ sở để các bộ, ngành liên quan ban hành các quy định chi tiết công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử.
Thứ tư, mở rộng quyền của người nộp thuế. Bên cạnh các quyền được quy định tại Luật quản lý thuế hiện hành, nhiều quyền mới được bổ sung tại Luật quản lý thuế sửa đổi nhằm đảm bảo tốt nhất quyền lợi của người nộp thuế như: Được biết thời hạn giải quyết hoàn thuế, số thuế không được hoàn và căn cứ pháp lý đối với số thuế không được hoàn; Được tra cứu để xem, in toàn bộ chứng từ điện tử người nộp thuế đã gửi đến Cổng thông tin điện tử của cơ quan quản lý thuế theo quy định của Luật này và của pháp luật về giao dịch điện tử; Được sử dụng chứng từ điện tử trong các giao dịch với cơ quan quản lý thuế và các cơ quan, tổ chức có liên quan; Không bị xử lý vi phạm về thuế, không tính tiền chậm nộp đối với trường hợp do người nộp thuế thực hiện theo văn bản hướng dẫn và quyết định xử lý của cơ quan thuế, cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan đến nội dung xác định nghĩa vụ thuế của người nộp thuế.
Thứ năm, kéo dài thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế TNCN. Theo quy định hiện hành tại Khoản 2 Điều 32 Luật Quản lý thuế 2006, thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế chậm nhất là ngày thứ 90 kể từ ngày kết thức năm dương lịch, hoặc năm tài chính đối với hồ sơ quyết toán năm. Tuy nhiên, Luật mới cho phép cá nhân được nộp hồ sơ quyết toán thuế trong thời hạn là 120 ngày kể từ ngày kết thúc năm dương lịch – kéo dài thêm 1 tháng so với thời hạn là 120 ngày kể từ ngày kết thúc năm dương lịch – kéo dài thêm 1 tháng so với thời hạn quyết toán của doanh nghiệp.
Thứ sáu, quản lý hoạt động chuyển giá. Khi các doanh nghiệp thực hiện các giao dịch liên kết với giá cả bất bình thường (so với giao dịch với các bên độc lập, không có quan hệ liên kết trong các điều kiện như nhau) để chuyển lợi nhuận giữa các bên có quan hệ liên kết nhằm lách thuế và trốn thuế thì đó được coi là hoạt động chuyển giá, hoạt động này là vi phạm pháp luật vì vậy trong luật quản lý thuế sửa đổi đã đưa ra hai nguyên tắc được định nghĩa rất cụ thể: Một là nguyên tắc giao dịch độc lập là nguyên tắc được áp dụng trong kê khai, xác định giá tính thuế đối với người nộp thuế có phát sinh giao dịch liên kết nhằm phản ánh điều kiện giao dịch trong giao dịch giữa các bên có quan hệ liên kết tương đương với điều kiện trong giao dịch giữa các bên độc lập (các bên không có mối quan hệ liên kết). Hai là nguyên tắc bản chất quyết định hình thức là nguyên tắc được áp dụng trong quản lý thuế đối với người nộp thuế có phát sinh giao dịch nhằm phân tích hoạt động sản xuất kinh doanh của người nộp thuế để xác định bản chất của giao dịch trên cơ sở đối chiếu với các giao dịch tương đồng, đảm bảo các giao dịch thể hiện đúng bản chất thương mại, kinh tế, tài chính phát sinh.
Để quản lý hoạt động trốn thuế thông qua chuyển giá luật quản lý thuế sửa đổi đã đưa ra ba nguyên tắc kê khai xác định giá tính thuế đối với giao dịch liên kết: Kê khai, xác định giá giao dịch liên kết theo nguyên tắc giao dịch độc lập và nguyên tắc bản chất quyết định hình thức để xác định nghĩa vụ thuế phải nộp như trong điều kiện giao dịch giữa các bên độc lập; Giá giao dịch liên kết được điều chỉnh theo giao dịch độc lập để kê khai, xác định số thuế phải nộp theo nguyên tắc không làm giảm thu nhập chịu thuế; Người nộp thuế có quy mô nhỏ, rủi ro thấp được miễn thực hiện quy định tại điểm a, điểm b khoản này và được áp dụng cơ chế đơn giản hoá trong kê khai, xác định giá giao dịch liên kết.
Thứ bảy, bổ sung chức năng cung cấp dịch vụ kế toán cho cơ quan thuế.Luật Quản lý thuế sửa đổi quy định đại lý thuế được cung cấp “Dịch vụ kế toán cho doanh nghiệp siêu nhỏ; doanh nghiệp siêu nhỏ được xác định theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa”. Quy định này cho phép các đơn vị kinh doanh đại lý thuế thêm chức năng cung cấp dịch vụ kế toán ngoài việc cung cấp dịch vụ đại lý thuế đang thực hiện, điều này phù hợp với luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, giúp những doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ tiết kiệm chi phí khi thay vì thuê hai đơn vị thực hiện hai dịch vụ (tư vấn thuế và kế toán) nay chỉ cần một đơn vị thực hiên hai nhiệm vụ trên. Các đại lý thuế cũng được mở rộng phạm vi kinh doanh, tạo điều kiện cạnh tranh lành mạnh và phát triển.
Kết luận
Cùng với sự tiến bộ của khoa học công nghệ, sự phát triển mạnh mẽ của doanh nghiệp, những tác động mới của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Luật Quản lý thuế hiện hành đã bộc lộ những khiếm khuyết, những nội dung và khoảng trống cần phải chỉnh sửa, bổ sung vì vậy luật quản lý thuế sửa đổi ban hành vào thời điểm này là hợp lý nhằm khắc phục các nhược điểm, thiếu sót của luật quản lý thuế hiện hành để đảm bảo Thuế là nguồn thu chủ yếu của Nhà nước cần được thu đúng và đầy đủ góp phần thúc đẩy đất nước phát triển.
Tài liệu tham khảo
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: