SỰ MÂU THUẨN TRONG HƯỚNG DẪN KẾ TOÁN CÁC SỰ KIỆN PHÁT SINH SAU NGÀY KẾT THÚC KỲ KẾ TOÁN NĂM VỚI HƯỚNG DẪN KẾ TOÁN THUẾ THU NHẬP DOANH NGHIỆP TRONG THÔNG TƯ SỐ 20/2006/TT-BTC.
CERTIFICATE IN ACCOUNTING GUIDELINES EVENTS AFTER THE BALANCE SHEET DATE YEAR WITH THE GUIDANCE FOR ENTERPRISE INCOME TAX CALCULATION IN CIRCULAR No. 20/2006 / TT-BTC.
Thái Nữ Hạ Uyên, Nguyễn Khánh Thu Hằng
Khoa Kế toán, Đại học Duy Tân, Việt Nam
Faculty of Accounting, Duy Tan University, Viet Nam
Tóm tắt
Thông tư hướng dẫn thực hiện các chuẩn mực kế toán là một bộ phận hết sức quan trọng trong hệ thống kế toán. Thông tư hướng dẫn các chuẩn mực giúp kế toán thực hiện các chuẩn mực kế toán theo đúng trình tự và đảm bảo cung cấp thông tin kế toán có chất lượng cao cho các đối tượng sử dụng. Hiện nay, các thông tư hướng dẫn chuẩn mực kế toán đã hướng dẫn rất cụ thể cách thực hiện các chuẩn mực kế toán Việt Nam. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, một số hướng dẫn của thông tư còn có sự mẫu thuẩn lẫn nhau. Bài viết này sẽ tập trung vào sự mâu thuẩn trong hướng dẫn kế toán các sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc kỳ kế toán năm với hướng dẫn kế toán thuế thu nhập doanh nghiệp trong thông tư số 20/2006/TT-BTC
Từ khóa: Sự kiện, kế toán, kết thúc, kỳ kế toán, mâu thuẫn …
Abstract
The Circular guiding the implementation of accounting standards is a very important part of the accounting system. The Circular guides the standards that enable accountants to implement accounting standards in the right order and to ensure the provision of high quality accounting information to the users. Currently, the circulars guiding the accounting standards have guided very specifically how to implement Vietnamese accounting standards. However, to date, some of the guidelines of the circular have been contracdictory. This article will focus on the contradiction in accounting guidelines for events arising after the balance sheet date with the guidance for corporate income tax accounting in Circular No. 20/2006 / TT-BTC.
Keywords: events, accounting, finish,accounting period, conflict
Ngày 20 tháng 3 năm 2006 Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 20/2006/TT-BTC hướng dẫn kế toán thực hiện sáu (06) chuẩn mực kế toán ban hành theo Quyết định số 12/2005/QĐ-BTC, trong đó có hướng dẫn Chuẩn mực kế toán số 23 – Các sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc kỳ kế toán năm. Nội dung hướng dẫn phần lớn đã đáp ứng được yêu cầu công việc thực tiễn tại các doanh nghiệp, tuy nhiên vẫn còn một số điểm chưa phù hợp khi áp dụng vào thực tế và có liên quan đến các chuẩn mực kế toán khác.
Theo Thông tư hướng dẫn thì doanh nghiệp phải điều chỉnh các số liệu đã ghi nhận trong sổ kế toán và các thông tin đã trình bày trong báo cáo tài chính hoặc ghi nhận những khoản mục mà trước đó chưa được ghi nhận để phản ánh các sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc kỳ kế toán năm cần điều chỉnh.
Trường hợp sau ngày kết thúc kỳ kế toán năm đến ngày phát hành báo cáo tài chính, doanh nghiệp nhận được thông tin về các sự kiện xác nhận nghĩa vụ hiện tại vào ngày kết thúc kỳ kế toán năm đòi hỏi phải điều chỉnh khoản dự phòng đã được ghi nhận từ trước, ghi nhận những khoản dự phòng mới hoặc ghi nhận những khoản nợ phải thu, nợ phải trả mới. Liên quan đến các khoản điều chỉnh dự phòng thì theo Thông tư số 20/2006/TT-BTC ngày 20 tháng 3 năm 2006, sau khi điều chỉnh dự phòng kế toán sẽ điều chỉnh thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp và điều chỉnh chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành, Cụ thể:
Trường hợp sau ngày kết thúc kỳ kế toán năm đến ngày phát hành báo cáo tài chính, doanh nghiệp nhận được thông tin cung cấp bằng chứng về một tài sản bị tổn thất trong kỳ kế toán năm, hoặc giá trị của khoản tổn thất được ghi nhận từ trước đối với tài sản này cần phải điều chỉnh thì xử lý như sau:
Ví dụ:Trường hợp sau ngày kết thúc kỳ kế toán năm đến ngày phát hành báo cáo tài chính, doanh nghiệp bán hàng tồn kho và có bằng chứng về giá trị thuần có thể thực hiện được vào ngày kết thúc kỳ kế toán năm của hàng tồn kho bị giảm giá thì doanh nghiệp phải căn cứ vào giá bán hàng tồn kho để tính toán số dự phòng giảm giá hàng tồn kho phải lập cho lượng hàng tồn kho này. Căn cứ vào số dự phòng phải lập và số dự phòng đã lập, kế toán phải điều chỉnh trên sổ kế toán khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho như sau:
a. Trường hợp số dự phòng giảm giá hàng tồn kho phải lậplớn hơnsố dự phòng đã lập:
Căn cứ chênh lệch giữa số dự phòng phải lập lớn hơnsố dự phòng đã lập, kế toán điều chỉnh sổ kế toán như sau:
(1) Ghi tăng số dự phòng giảm giá hàng tồn kho và ghi tăng giá vốn hàng bán:
Nợ TK 632: Chênh lệch số dự phòng phải lập > số dự phòng đã lập
Có TK 229 - Dự phòng giảm giá hàng tồn kho.
(2) Kết chuyển tăng giá vốn hàng bán để xác định kết quả, ghi:
Nợ TK 911 – Xác định kết quả kinh doanh
Có TK 632 – Giá vốn hàng bán.
(3) Điều chỉnh giảm Thuế TNDN phải nộp (nếu có), ghi:
Nợ TK 3334 - Thuế thu nhập doanh nghiệp
Có TK 8211 – Chi phí thuế TNDN hiện hành.
Đồng thời kết chuyển giảm chi phí thuế TNDN hiện hành sang TK 911 (nếu đã thực hiện bút toán kết chuyển cuối kỳ), ghi:
Nợ TK 8211 – Chi phí thuế TNDN hiện hành
Có TK 911 – Xác định kết quả kinh doanh.
(4) Điều chỉnh giảm lợi nhuận chưa phân phối (nếu đã thực hiện bút toán kết chuyển cuối kỳ), ghi:
Nợ TK 421 (4212 - Lợi nhuận chưa phân phối năm nay)
Có TK 911 – Xác định kết quả kinh doanh.
b. Trường hợp số dự phòng giảm giá hàng tồn kho phải lập nhỏ hơnsố dự phòng đã lập:
Căn cứ chênh lệch giữa số dự phòng phải lập nhỏ hơnsố dự phòng đã lập, kế toán điều chỉnh sổ kế toán theo cách sau:
(1) Ghi giảm dự phòng giảm giá hàng tồn kho và ghi giảm giá vốn hàng bán
Nợ TK 229 - Dự phòng giảm giá hàng tồn kho
Có TK 632: Chênh lệch số dự phòng phải lập < số dự phòng đã lập.
(2) Kết chuyển giảm giá vốn hàng bán để xác định kết quả, ghi:
Nợ TK 632 – Giá vốn hàng bán
Có TK 911 – Xác định kết quả kinh doanh.
(3) Điều chỉnh tăng thuế TNDN phải nộp (nếu có), ghi:
Nợ TK 8211 – Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành
Có TK 3334 - Thuế thu nhập doanh nghiệp.
Đồng thời kết chuyển tăng chi phí thu nhập doanh nghiệp hiện hành sang TK 911 (Nếu đã thực hiện bút toán kết chuyển cuối kỳ), ghi:
Nợ TK 911 – Xác định kết quả kinh doanh
Có TK 8211 – Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành.
(4) Điều chỉnh tăng lợi nhuận chưa phân phối (Nếu đã thực hiện bút toán kết chuyển cuối kỳ), ghi:
Nợ TK 911 – Xác định kết quả kinh doanh
Có TK 421 (TK 4212 - Lợi nhuận chưa phân phối năm nay).
Với nội dung điều chỉnh theo hướng dẫn như trên của Bộ Tài chính sẽ mâu thuẫn với nội dung hướng dẫn ở Chuẩn mực số 17 – Thuế thu nhập doanh nghiệp của Bộ Tài chính trong cùng Thông tư số 20/2006/TT-BTC ngày 20 tháng 3 năm 2006.
Theo nội dung hướng dẫn Chuẩn mực số 17 – Thuế thu nhập doanh nghiệp, thì các khoản điều chỉnh liên quan đến dự phòng sẽ làm phát sinh chênh lệch tạm thời được khấu trừ và ảnh hưởng đến chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại, tài sản thuế thu nhập hoãn lại. Cụ thể:
+ Nếu điều chỉnh tăng dự phòng thì đồng nghĩa với việc ghi nhận một khoản chi phí nhưng khoản chi phí này chỉ được khấu trừ vào thu nhập chịu thuế khi nó thực sự phát sinh trong những năm sau, chính điều này làm phát sinh chênh lệch tạm thời được khấu trừ và và khoản chênh lệch này là cơ sở để ghi nhận và trình bày tài sản thuế thu nhập hoãn lại trên báo cáo tài chính riêng của doanh nghiệp.
+ Nếu điều chỉnh giảm dự phòng thì đồng nghĩa với việc chênh lệch tạm thời được khấu trừ giảm, tài sản thuế TNHL giảm, chi phí thuế TNDN hoãn lại tăng lên.
Ngoài ra, hướng dẫn trên còn không phù hợp ở chỗ chi phí liên quan đến dự phòng là khoản chi phí không được dùng để tính lợi nhuận tính thuế (theo luật thuế TNDN). Nên việc điều chỉnh tăng, giảm của khoản chi phí này không liên quan gì đến chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành và thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp. Hướng dẫn điều chỉnh tăng, giảm chi phí thuế THDN hiện hành và thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp như hướng dẫn về kế toán các sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc kỳ kế toán năm là không phù hợp với luật thuế TNDN và luật kế toán.
Từ những phân tích trên cho thấy, để khắc phục những hạn chế trong hướng dẫn thực hiện chuẩn mực kế toán số 23 – Các sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc kỳ kế toán năm, cần phải thay đổi một số nội dung như sau:
a. Trường hợp điều chỉnh tăng dự phòng:
(1) Khi điều chỉnh tăng dự phòng, ghi:
Nợ TK 632, 641, 642: Số dự phòng cần phải lập thêm
Có TK 229, 352
(2) Kết chuyển tăng chi phí để xác định kết quả, ghi:
Nợ TK 911 – Xác định kết quả kinh doanh
Có TK 632, 641, 642
(3) Điều chỉnh tăng tài sản thuế thu nhập hoãn lại (nếu có) và điều chỉnh giảm chi phí thuế TNDN hoãn lại (Nếu doanh nghiệp có đủ lợi nhuận tính thuế trong tương lai), kế toán ghi:
Nợ TK 243 – Tài sản thuế thu nhập hoãn lại
Có TK 8212 – Chi phí thuế TNDN hoãn lại.
Đồng thời kết chuyển giảm chi phí thuế TNDN hoãn lại (Nếu đã thực hiện bút toán kết chuyển cuối kỳ), ghi:
Nợ TK 8212 – Chi phí thuế TNDN hoãn lại.
Có TK 911 – Xác định kết quả kinh doanh.
(4) Điều chỉnh giảm lợi nhuận chưa phân phối (Nếu đã thực hiện bút toán kết chuyển cuối kỳ), ghi:
Nợ TK 421 – Lợi nhuận chưa phân phối (4212 - Lợi nhuận chưa phân phối năm nay)
Có TK 911 – Xác định kết quả kinh doanh.
b. Trường hợp điều chỉnh giảm dự phòng:
(1) Khi điều chỉnh giảm dự phòng, ghi:
Nợ TK 229, 352
Có TK 632, 641, 642: Chênh lệch số dự phòng phải lập nhỏ hơn số dự phòng đã lập
(2) Kết chuyển giảm chi phí để xác định kết quả, ghi:
Nợ TK 632, 641, 642
Có TK 911 – Xác định kết quả kinh doanh.
(3) Điều chỉnh giảm tài sản thuế thu nhập hoãn lại (nếu có) và điều chỉnh tăng chi phí thuế TNDN hoãn lại, ghi:
Nợ TK 8212 – Chi phí thuế TNDN hoãn lại.
Có TK 243 – Tài sản thuế thu nhập hoãn lại
Đồng thời kết chuyển tăng chi phí thuế TNDN hoãn lại (Nếu đã thực hiện bút toán kết chuyển cuối kỳ), ghi:
Nợ TK 911 – Xác định kết quả kinh doanh.
Có TK 8212 – Chi phí thuế TNDN hoãn lại.
(4) Điều chỉnh tăng lợi nhuận chưa phân phối (Nếu đã thực hiện bút toán kết chuyển cuối kỳ), ghi:
Nợ TK 911 – Xác định kết quả kinh doanh
Có TK 421 – Lợi nhuận chưa phân phối (4212 - Lợi nhuận chưa phân phối năm nay)
Kết luận:
Thông tư hướng dẫn giữ vai trò rất qua trọng trong công tác hướng dẫn kế toán các giao dịch, các sự kiện phát sinh tại các đơn vị kế toán. Với những mâu thuẫn như đã nêu ra ở trên, sẽ gây ra những bất cập trong công tác kế toán các sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc kỳ kế toán năm và công tác kế toán thuế thu nhập doanh nghiệp. Vì vậy, bài viết đã đề xuất một số thay đổi trong hướng dẫn kế toán các sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc kỳ kế toán năm tại thông tư 20/2006/TT-BTC.
Bài viết này chỉ đề cập đến sự mâu thuẫn trong hướng dẫn kế toán các sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc kỳ kế toán năm với hướng dẫn kế toán thuế thu nhập doanh nghiệp trong TT số 20/2006/TT-BTC liên quan đến việc điều chỉnh tăng, giảm các khoản dự phòng. Những nội dung khác ảnh hưởng đến giá trị tài sản và nợ phải trả thì tùy theo từng trường hợp có nội dung kế toán cụ thể hoặc căn cứ vào các hướng dẫn của Bộ Tài chính để ghi nhận các bút toán điều chỉnh phù hợp với quy định của Chuẩn mực kế toán số 23 “Các sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc kỳ kế toán năm”.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
[1] Luật thuế TNDN được Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XII, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 03 tháng 6 năm 2008.
[2] Chuẩn mực kế toán số 23 “Các sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc kỳ kế toán năm”
[3] Thông tư số 20/2006/TT-BTC ngày 20 tháng 3 năm 2006
[4] Thông tư số 200/2014/TT-BTC ngày 22 tháng 12 năm 2014
» Danh sách Tập tin đính kèm:
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: