NHẬN DIỆN NHỮNG HÀNH VI BÓP MÉO BÁO CÁO TÀI CHÍNH
Ths. Dương Thị Thanh Hiền
Bộ môn Kế toán quản trị, trường Đại học Duy Tân
Việc bóp méo báo cáo tài chính là vấn đề lớn gây ảnh hưởng đến nhà đầu tư (NĐT). Mặc dù đã có quy định nhằm hạn chế tiêu cực trong việc công bố thông tin, hệ thống lương thưởng của ban giám đốc, việc áp dụng các tiêu chuẩn kế toán được thừa nhận (GAAP), nhưng điều này chỉ hạn chế được phần nào các vấn đề nảy sinh. Bên cạnh đó, mối quan hệ giữa nhà kiểm toán độc lập và khách hàng DN là nguyên nhân lớn dẫn đến xung đột lợi ích. Những hành vi “bóp méo” báo cáo tài chính (BCTC) không những ảnh hưởng đến giá cổ phiếu, mà còn tác động tiêu cực đến các cổ đông, tính minh bạch và niềm tin của công chúng đầu tư trên TTCK.
1.Nguyên nhân dẫn đến việc bóp méo BCTC
Nguyên nhân thứ nhất do ban giám đốc có động cơ để tô vẽ báo cáo tài chính lạc quan hơn so với thực tế, nhằm đạt được kỳ vọng của NĐT và tăng quyền lợi được hưởng từ phía DN.
Nguyên nhân thứ hai xuất phát từ việc áp dụng các chuẩn mực kế toán. Các tiêu chuẩn kế toán được thừa nhận khá linh động trong từng trường hợp. Điều này dễ dàng để ban giám đốc tạo ra một báo cáo tài chính có lợi cho công ty để cung cấp cho NĐT và các bên liên quan.
Nguyên nhân thứ ba, hiếm khi việc bóp méo báo cáo tài chính bị phát hiện bởi NĐT do mối quan hệ mật thiết của nhà kiểm toán độc lập và DN. Về nguyên tắc, tổ chức kiểm toán làm việc như một đơn vị độc lập. Tuy nhiên, có sự phát sinh xung đột về lợi ích do lợi nhuận thu được từ các DN mà tổ chức kiểm toán tham gia tác nghiệp. Hậu quả là kiểm toán viên có thể linh động hóa các tiêu chuẩn kế toán, nhằm thay đổi tình trạng tài chính của DN khiến khách hàng DN hài lòng. Ngoài ra, đơn vị kiểm toán cũng nhận được khoản doanh thu tương đối lớn từ khách hàng DN. Do vậy, áp lực chứng nhận tính minh bạch của báo cáo tài chính cho DN để giữ mối khách hàng là rất lớn.
Khi nhìn nhận những nguyên nhân này đều đa phần do sự nhìn nhận của kế toán sáng tạo khi áp dụng đối với các doanh nghiệp hiện nay: “kế toán sáng tạo” có thể chia thành ba động cơ chính:
Một là, quản lý lợi nhuận. Đây là hoạt động có chủ ý nhằm tạo ra lợi nhuận theo kế hoạch đã đặt ra của cấp quản lý. Một số nhà quản lý mới với trách nhiệm thúc đẩy hoạt động kinh doanh tăng trưởng đã có chủ ý làm giảm lợi nhuận năm tài chính xuống thấp để lợi nhuận các năm sau tăng trưởng, cắt đứt đà giảm.
Hai là, làm mềm lợi nhuận, để tránh những lên xuống bất thường của lợi nhuận, làm giảm những năm có thu nhập quá cao nhằm tạo ra bức tranh kinh doanh ổn định hơn.
Ba là, gian lận báo cáo, tức có sai sót trọng yếu nhằm gian lận, đánh lừa người sử dụng báo cáo tài chính.
2. Nhận diện những hành vi bóp méo BCTC
Thông thường, có hai cách tiếp cận làm méo mó báo cáo tài chính. Cách đầu tiên là việc tăng doanh thu và giảm chi phí trong kỳ báo cáo. Cách này tạo nên điều kiện tài chính khả quan hơn cho DN. Cách thứ hai là việc bóp méo báo cáo tài chính theo chiều hướng ngược lại. Đây là việc giảm doanh thu, tăng chi phí. Nguyên nhân đằng sau sự bóp méo này là việc làm cho tình hình tài chính của công ty trở nên xấu đi, đặc biệt cho các vụ mua bán và sáp nhập.
Dưới đây là một số hành vi được sắp xếp theo mức độ nghiêm trọng dần:
Thứ nhất, kéo dài thời gian khấu hao cho tài sản cố định nhằm giảm chi phí không bằng tiền này, giúp công ty ghi nhận lợi nhuận đỡ xấu hơn trong giai đoạn khó khăn. Hành vi đó không bị đánh giá ở mức nghiêm trọng khi công ty công bố thông tin đầy đủ. Thực tế, trong giai đoạn lợi nhuận tăng trưởng tốt, công ty có thể thay đổi phương pháp trích khấu hao nhanh để giảm phần thuế thu nhập phải nộp.
Thông thường, các tài sản sẽ có giá trị sử dụng dài hơn thời gian khấu hao trên lý thuyết, nên chính sách này nhìn dài hạn sẽ không tác động lớn tới giá trị thực nhận của cổ đông, miễn là nó minh bạch.
Thứ hai, không ghi nhận dự phòng giảm giá tồn kho, hàng đã giao tới cho khách hàng bị trả lại nhưng không ghi nhận dự phòng hàng bán bị trả lại. Đối với một số ngành nghề có vòng quay rất lớn, hàng hóa để lâu dễ hư hỏng và giảm giá trị, chất lượng và biến động giá đầu vào lớn như thủy sản, nông sản, thực phẩm... Sẽ khó để tìm thấy sự khách quan nếu trên bảng cân đối kế toán chưa từng có một khoản trích lập nào cho hàng tồn kho.
Thứ ba, vốn hóa chi phí lãi vay và chi phí sửa chữa lớn sau thời điểm tài sản đã hình thành, đồng thời chi phí sửa chữa đó là nhằm mục đích khắc phục những sự cố xảy ra.Hành vi này nếu chấm thang điểm 100% thì mức độ nghiêm trọng sẽ khoảng 50%, vì có thể gây hiểu lầm cho người đọc báo cáo tài chính, bởi những khoản vốn hóa đó sẽ không được ghi nhận một lần, mà kéo dài ra theo chính sách khấu hao.
Các chi phí sửa chữa, bảo hành sẽ trở nên nghiêm trọng hơn nếu ghi nhận rất lớn nhưng trên thực tế phát sinh chi phí rất nhỏ, là sự thông đồng của doanh nghiệp với bên sửa chữa.
Thứ tư, bán chịu nhiều vào thời điểm cuối năm để ghi nhận doanh thu, hành vi này trong ngắn hạn có thể không gây tác động lớn nhưng kéo dài có thể ảnh hưởng tới chất lượng các khoản phải thu. Hay bán chịu cho các khách hàng không có lịch sử tín dụng tốt tại một thị trường hoàn toàn mới với các điều khoản thanh toán không chặt chẽ.
Thứ năm, đẩy mạnh chi phí bán hàng, quảng cáo cho quý cuối năm nhằm làm giảm lợi nhuận mục tiêu, dồn lợi nhuận cho năm sau. Một số doanh nghiệp Việt Nam đã áp dụng phương pháp này, bằng cách ghi nhận một khoản chi phí phải trả ngắn hạn, từng kỳ trích vào báo cáo lãi lỗ thông qua các chi phí bằng tiền khác và cuối kỳ lại hạch toán chuyển vào chi phí quảng cáo trong kỳ. Nhà đầu tư không thể biết được các khoản chi phí đột biến này nếu không có chứng từ đối chiếu như hợp đồng, hóa đơn, phiếu nhập kho và biên bản nghiệm thu.
Các hành vi nghiêm trọng liên quan đến doanh thu
Các hành vi có tính gian lận nghiêm trọng chủ yếu tới từ việc ghi nhận doanh thu không đúng với bản chất và thời điểm phát sinh.
Một, công ty nhận được đơn đặt hàng và ghi nhận luôn doanh thu để tăng doanh số mặc dù chưa chuyển giao hàng hóa, cũng có trường hợp chuyển trước hàng cho khách hàng mặc dù chưa nhận được đơn đặt hàng.
Hai, doanh thu được ghi nhận khi vẫn còn tranh chấp với khách hàng hoặc các thành viên trong tập đoàn. Điều này khá khó hiểu và không nằm trong tầm kiểm soát, cổ đông nhỏ lẻ có thể đặt câu hỏi cho ban lãnh đạo công ty thông qua bộ phận quan hệ nhà đầu tư.
Ba, ghi nhận toàn bộ doanh thu khi mới chuyển giao một phần hàng hóa, dịch vụ thể hiện ý chí của ban lãnh đạo, một số công ty trong ngành xây dựng đã làm công việc này bằng cách ước lượng doanh thu theo tiến độ kế hoạch, sau đó ghi nhận trước mà chưa cần xác nhận của chủ đầu tư. Mâu thuẫn xảy ra khi có sai khác trong ước lượng và giá trị thực tế trên hóa đơn, làm bảng cân đối kế toán “xấu đi” khi những khoản dự phòng ngày càng lớn chỉ vì muốn ghi nhận doanh thu sớm.
Bốn, ghi nhận doanh thu chủ yếu khi bán hàng cho các bên liên quan được lập ra với mục đích đặc biệt, hàng hóa, dịch vụ không được chuyển tới người tiêu dùng cuối cùng.
Năm, ghi nhận doanh thu với các đơn hàng kỳ vọng, hành vi này được xếp vào dạng ảo và hư cấu. Công ty bán hàng qua đại lý thường ước lượng khối lượng hàng hóa sẽ bán trong “tương lai” dù chưa rõ nhu cầu thực và khả năng hàng bán sẽ bị trả lại.
Sáu, tài sản lưu động nằm trong mối quan hệ mật thiết với doanh thu rất dễ gây ra sai sót và chuyển đổi hình thái cho nhau, như việc ghi nhận sai giá trị của hàng tồn kho, khoản phải thu cần được xem xét trong nhiều kỳ kế toán.Doanh nghiệp hoàn toàn có thể đi vay vốn lưu động tài trợ cho những lô hàng không có thật, vai trò của người kiểm toán trong trường hợp này là rất quan trọng trong phương pháp xác định giá trị hàng tồn kho đủ và đúng nhất, đánh giá sai hàng tồn kho gây tác động lên giá vốn hàng bán và làm cho tổng tài sản có vẻ tăng thêm, dẫn tới hiểu lầm về quy mô công ty.
Bảy, các khoản nợ, chi phí phải trả, phải nhà cung cấp có thể ghi nhận sai trong mối tương quan với giá vốn hàng bán, giúp lợi nhuận tăng lên.
Điểm yếu của bảng cân đối kế toán là tính thời điểm, trước thời gian chốt báo cáo tài chính, một số giao dịch có thể xử lý nhanh giúp số liệu đẹp hơn như giảm dư nợ vay, tăng tiền mặt.
Tám, ở khía cạnh dòng tiền, công ty có thể làm đẹp dòng tiền hoạt động kinh doanh bằng cách ghi nhận những chi phí sai hình thức, ví dụ chi cho hoạt động kinh doanh nhưng lại phân loại thành chi phí đầu tư, làm nhà đầu tư có cảm giác công ty luôn có dòng tiền mặt dồi dào, tài chính mạnh.
Hoặc ngược lại, việc vốn hóa sai bản chất khiến dòng tiền ra của hoạt động kinh doanh biến thành dòng tiền ra của hoạt động đầu tư, báo cáo tài chính cũng trở nên đẹp hơn, dòng tiền tài chính vay từ các cá nhân liên quan lại được phân loại vào tiền thu từ hoạt động kinh doanh, dòng tiền trả nợ cho các cá nhân này phân loại vào dòng tiền đầu tư.
Các thủ thuật thì nhiều, trong khi trình độ của các nhà đầu tư cá nhân, thậm chí một bộ phận kiểm toán viên là có giới hạn, còn động cơ, lợi ích của ban lãnh đạo lại rất đa dạng khi lợi ích ngắn hạn từ thị trường tăng nhanh hơn lợi nhuận tạo ra từ hoạt động kinh doanh, khiến ban lãnh đạo khó tránh khỏi sự cám dỗ này. Đây cũng chính là một trong những lý do nhà đầu tư thường được khuyến nghị mua cổ phiếu của công ty tốt tại mức giá cao sẽ tốt hơn là làm ngược lại.
Các hành vi nghiêm trọng liên quan đến lợi nhuận
Thổi phồng lợi nhuận (earning management) xảy ra khi có tình trạng sử dụng các thao tác làm biến đổi BCTC và các giao dịch phát sinh của DN, làm thay đổi thực trạng hoạt động kinh doanh của DN.
Hiện tượng thổi phồng lợi nhuận là việc chủ tâm làm tăng lợi nhuận của DN, dẫn đến thu nhập trên cổ phần (EPS) tăng lên qua việc sử dụng creative accounting.
Khi ban giám đốc muốn công bố khoản lợi nhuận của DN với một mức độ nhất định qua việc sử dụng linh động các tiêu chuẩn kế toán, các thao tác này được hiểu là hành động gian lận kế toán. Trong đó, số liệu được điều chỉnh được coi là gian lận nếu vượt qua vành đai tiêu chuẩn của kế toán thực hành. Động cơ cho các hành động này có thể xuất phát từ kỳ vọng của thị trường về tiềm năng của DN, hay do bản thân ban giám đốc có động cơ làm đẹp BCTC xuất phát từ những vấn đề về lương thưởng, hoặc DN muốn duy trì vai trò và chỗ đứng của mình trong ngành. Phần lớn trường hợp áp dụng chế độ kế toán thực thành phụ thuộc vào sự trung thực của người sử dụng nó.
Việc sử dụng các thao tác để thổi phồng lợi nhuận tạo ra nhiều vấn đề tranh cãi trong việc sử dụng các tiêu chuẩn kế toán thực hành. Khá dễ dàng cho đơn vị kiểm toán phát hiện lỗi của BCTC. Tuy nhiên, sự thổi phồng lợi nhuận của DN có thể bị che dấu do gian lận kế toán. Yêu cầu đối với ban giám đốc là chịu trách nhiệm về sự trung thực của BCTC và không tham gia vào các hoạt động gian lận kế toán. Đơn vị kiểm toán cần phân biệt rõ gian lận kế toán với lỗi xuất hiện trong BCTC bằng việc cân nhắc các động cơ liên quan.
3. Kết luận
Nhà đầu tư cần xem xét các động cơ bóp méo báo cáo tài chính. Đã có rất nhiều NĐT chịu tổn thất lớn khi dựa vào các báo cáo tài chính của DN để đưa ra quyết định đầu tư.Bản thân các doanh nghiệp, ngoài việc phải làm tốt báo cáo tài chính, việc thực hiện báo cáo quản trị công ty sẽ giúp lãnh đạo doanh nghiệp nhìn sâu vào bên trong (chứ không chỉ để truyền thông ra bên ngoài). Từ đó có sự “gia cố” các mắt xích nội bộ, thông qua hệ thống kiểm soát, quản trị nội bộ nếu người lãnh đạo thực sự muốn các hoạt động của doanh nghiệp được ghi nhận chuẩn mực, đúng luật và minh bạch.Tuy nhiên, cái gốc của thông tin nằm ở việc các doanh nghiệp cần phải quen và thực thi chuẩn mực báo cáo tài chính theo IFRS, đồng thời phải tuân thủ kỷ luật về công bố thông tin. Nếu không quy về cùng một quy chuẩn kế toán quốc tế và kỷ luật công bố thông tin minh bạch, thì việc công bố thông tin mất ý nghĩa và con đường xây dựng niềm tin của nhà đầu tư sẽ khó có điểm tựa để thực thi.
Tóm lại, để đấu tranh có hiệu quả với hành vi thao túng BCTC, cần tăng cường hoàn thiện hệ thống pháp lý về kế toán, kiểm toán, công bố thông tin theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động thanh, kiểm tra, nhằm nâng cao chất lượng BCTC nói riêng, quản trị công ty nói chung. Bên cạnh đó, nhà đầu tư, cơ quan quản lý, nhà tạo lập thị trường, các hãng phân tích cần nắm bắt và sử dụng các phương pháp phát hiện các hành vi thao túng BCTC phù hợp với thị trường Việt Nam.
Tài liệu tham khảo
1.Giáo trình BCTC; Phân tích – Dự báo và Định giá, 2018, TS Phạm Thị Thủy, NXB Đại học kinh tế quốc dân.
2.https://tinnhanhchungkhoan.vn/chung-khoan/nhan-dien-gian-lan-trong-bao-cao-tai-chinh-ky-1-nhung-dau-hieu-chung-263235.html
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: