GIẢI PHÁP NÂNG CAO GIÁ TRỊ VÀ CHẤT LƯỢNG THÔNG TIN CỦA BÁO CÁO TÀI CHÍNH
ThS. Dương Thị Thanh Hiền
Khoa Kế toán – Trường Đại học Duy Tân
1.Đối tượng quan tâm đến thông tin trên Báo cáo tài chính
Theo các chuyên gia tài chính, thông tin kế toán là kết quả cuối cùng của doanh nghiệp (DN) được trình bày trên các báo cáo kế toán, bao gồm: Thông tin kế toán tài chính biểu hiện thông qua hệ thống báo cáo tài chính (BCTC) và thông tin kế toán quản trị biểu hiện thông qua các báo cáo quản trị. Nói cách khác, thông tin kế toán bao gồm những thông tin kế toán tài chính và thông tin kế toán quản trị.
Kế toán tài chính cung cấp các thông tin kinh tế tài chính chủ yếu phục vụ cho các đối tượng bên ngoài DN, nên cần có giá trị pháp lý cao và khuôn mẫu nhất định theo quy định của pháp luật (cách thức trình bày, hình thức biểu hiện, thời gian). Trong khi đó, kế toán quản trị chủ yếu cung cấp thông tin cho chủ DN trong việc ra các quyết định kinh doanh, không mang tính chất bắt buộc nên có hình thức biểu hiện và báo cáo tức thì theo yêu cầu.
Thông tin Báo cáo tài chính (BCTC) có vai trò quan trọng đối với các đối tượng sử dụng khác nhau, đặc biệt trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế với những yêu cầu về minh bạch thông tin ngày càng cao và ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) ngày càng nhiều, cụ thể:
- Đối với nhà quản trị DN:Thông tin trên BCTC có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với nhà quản trị DN trong việc đưa ra quyết định chiến lược đầu tư, kinh doanh phù hợp. Những thông tin kế toán cũng giúp đánh giá việc thực hiện mục tiêu và có kế hoạch điều chỉnh, nếu thấy cần thiết, để hoạt động kinh doanh của DN đạt hiệu quả cao hơn. Do vậy, nhà quản trị DN thường quan tâm đến các thông tin kế toán quản trị hơn.
- Đối với chủ sở hữu: Với những đồng vốn bỏ ra, chủ sở hữu sẽ quan tâm đến khả năng sinh lời, lợi nhuận từ vốn kinh doanh, do đó, từ các thông tin kế toán tài chính và quản trị họ có thể đưa ra các quyết định chính xác và có lợi nhất. Ngoài ra, không ít trường hợp, thông qua việc xem xét thông tin trên báo cáo kế toán, các chủ sở hữu có thể đánh giá năng lực trách nhiệm của các bộ phận quản lý ở DN để có thể quyết định có nên để nhà quản trị tiếp tục điều hành DN hay không.
- Đối với các cổ đông và nhà đầu tư nhỏ lẻ: Các cổ đông lớn hay nhà đầu tư nhỏ lẻ luôn đặt câu hỏi: Đầu tư vào nơi nào có tỷ lệ hoàn vốn cao nhất và thời gian ngắn nhất, có tiềm năng tăng trưởng tốt nhất, để đồng tiền mình bỏ ra có khả năng sinh lớn nhanh nhất? Do vậy, trước khi ra các quyết định đầu tư, họ cần rất nhiều thông tin về tình hình tài chính của DN để nghiên cứu, phân tích trước khi quyết định có nên bỏ vốn vào DN nào đó hay không.
- Đối với các nhà cho vay: Trước khi đưa ra quyết định có cho vay vốn hay không, các tổ chức tín dụng luôn đặt ra câu hỏi về khả năng thanh toán, trả nợ của DN; về triển vọng, khả năng sinh lợi của dự án mà DN thực hiện… Thông qua các BCTC đã được kiểm toán, bảng cân đối kế toán, các tổ chức tín dụng dựa vào đó để phân tích các yêu cầu trên trước khi đưa ra cho vay.
- Đối với các nhà cung cấp hàng hóa dịch vụ: Trước khi cung cấp hàng hóa, thông qua các thông tin kế toán, các đối tác cung cấp dịch vụ luôn muốn tìm hiểu về tiềm lực của đối tác, thông qua các tiêu chí như: khả năng tiêu thụ, khả năng thanh toán công nợ của DN.
- Đối với cơ quan quản lý:Các cơ quan quản lý cần số liệu thông tin trên BCTC của các đơn vị, các DN để tổng hợp cho ngành, địa phương và trên cơ sở đó phân tích, đánh giá, nhằm định ra các chính sách kinh tế thích hợp, để thúc đẩy sản xuất kinh doanh và điều hành kinh tế vĩ mô. Cơ quan thuế, cần dựa vào tài liệu do kế toán cung cấp để xác định thuế, thuế tiêu thụ đặc biệt và biết được các đơn vị hay các DN có thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với Nhà nước hay không.
2. Giải pháp nâng cao giá trị và chất lượng thông tin trên BCTC
Thực trạng tài chính không chỉ thể hiện bằng các thông tin trên bảng cân đối kế toán, trên báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh, báo cáo lưu chuyển tiền tệ, mà bao gồm các thuyết minh, các tính toán và phân tích đánh giá về kết quả, hiệu quả kinh doanh, về tình trạng tài chính và những lý giải cần thiết mang tính định lượng của tình hình và nguyên nhân ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh.
Xu thế hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng và sự phát triển như vũ bão của CNTT đặt ra đòi hỏi về việc nâng cao chất lượng thông tin kế toán trên BCTC trong hoạt động của DN. Một số giải pháp nhằm nâng cao giá trị và chất lượng thông tin trên BCTC như:
Một là,chú trọng xây dựng, củng cố và hoàn thiện theo nguyên tắc “coi trong nội dung bản chất hơn hình thức” trong việc hướng dẫn ghi nhận và trình bày thông tin kế toán. Hiện nay, Luật Kế toán 2015 cũng quy định rõ, việc lập và trình bày BCTC phải bảo đảm phản ánh đúng bản chất của giao dịch hơn là hình thức, tên gọi của giao dịch.
Theo các chuyên gia kế toán, “Coi trọng bản chất hơn hình thức” thuộc nhóm đặc tính về đảm bảo độ tin cậy của thông tin kế toán theo như quy định trong Khuôn mẫu của Hội đồng chuẩn mực kế toán quốc tế, nhằm nâng cao chất lượng và tính hữu dụng của thông tin kế toán cung cấp cho các đối tượng sử dụng thông tin qua báo cáo tài chính của DN.
Hai là,những thuyết minh về thông tin tài chính phải rõ ràng, đơn giản, dễ hiểu, những ý kiến nhận định, đánh giá phải đúng mức, có chiều sâu và có tính thuyết phục.Đảm bảo thông tin truyền đến người đọc vừa phù hợp với logic của nhận thức, vừa mang tính tổng hợp, vừa có tính chi tiết cần thiết. Nên sử dụng phương pháp quy nạp trong trình bày những mục lớn của báo cáo, thu hút người đọc vào những thông tin và đánh giá có tính khái quát cao, mang tính tổng kết và sau đó là minh họa và lý giải. Báo cáo phải đảm bảo truyền tải đến người đọc những thông tin và đánh giá thực chất, trọng yếu về công ty, phải là những thông tin, nhận định có tính thuyết phục cao.
Ba là, đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động kế toán để đáp ứng được các quy định của pháp luật nói chung và gắn liền với việc nâng cao chất lượng thông tin kế toán nói riêng. Chẳng hạn, đối với việc sửa chữa, điều chỉnh sổ kế toán, BCTC khi phát hiện sai sót trọng yếu từ những năm trước cần phải điều chỉnh hồi tố khi đơn vị kế toán áp dụng phần mềm kế toán, thì đơn vị cung cấp thiết kế phần mềm kế toán phải xây dựng được tính năng hoặc cơ chế kiểm soát “Dấu vết điều chỉnh, sửa chữa”.
Bốn là,khuyến khích kế toán viên nâng cao ý thức trách nhiệm và đạo đức theo chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán. Kế toán viên, kiểm toán viên trong DN tham gia vào việc lập và báo cáo thông tin có thể được công bố ra công chúng hoặc được đối tượng khác trong và ngoài DN sử dụng. Thông tin này có thể bao gồm thông tin tài chính hoặc thông tin quản lý. Do vậy, họ phải lập hoặc trình bày thông tin một cách trung thực, hợp lý và phù hợp với các chuẩn mực nghề nghiệp và các quy định pháp lý có liên quan đến lập và trình bày thông tin để các thông tin này được hiểu đúng bản chất.
Phải đảm bảo rằng BCTC đó được lập và trình bày phù hợp với các chuẩn mực và các quy định pháp lý có liên quan đến lập và trình bày BCTC được áp dụng. Kế toán viên, kiểm toán viên phải luôn tuân thủ nguyên tắc đạo đức cơ bản về tính chính trực, nguyên tắc này yêu cầu kế toán viên, kiểm toán viên chuyên nghiệp phải thẳng thắn và trung thực trong tất cả các mối quan hệ chuyên môn và kinh doanh.
Năm là,tiếp tục đẩy mạnh công tác nâng cao chất lượng nguồn nhân lực kế toán - kiểm toán trong tình hình mới. Trong đó, chương trình đào tạo kế toán - kiểm toán tại các trường đại học, cao đẳng cần chủ động cập nhật theo những thay đổi của chuẩn mực kế toán quốc tế đã được thừa nhận.
báo cáo tài chính, báo cáo phát triển bền vững và thông tin đánh giá năng lực quản trị công ty chứa đựng những thông tin, những phân tích, đánh giá đầy đủ, khách quan về thực trạng kinh doanh, thực trạng tài chính của công ty, không chỉ cần cho công tác quản trị của một quốc gia, cần cho các nhà đầu tư, các nhà kinh tế mà còn vô cùng cần thiết và là lợi ích của chính các doanh nghiệp.
3.Kết luận
Thông tin trên Báo cáo tài chính chứa đựng những thông tin, những phân tích, đánh giá đầy đủ, khách quan về thực trạng kinh doanh, thực trạng tài chính của công ty, không chỉ cần cho công tác quản trị của một quốc gia, cần cho các nhà đầu tư, các nhà kinh tế mà còn vô cùng cần thiết và là lợi ích của chính các doanh nghiệp.Luật Kế toán sửa đổi 2015 đã đề cập ngoài nguyên tắc kế toán về giá gốc được quy định nội dung “sau ghi nhận ban đầu, đối với một số loại tài sản hoặc nợ phải trả mà giá trị biến động thường xuyên theo giá thị trường và giá trị của chúng có thể xác định lại một cách đáng tin cậy thì được ghi nhận theo giá trị hợp lý tại thời điểm cuối kỳ lập báo cáo tài chính“.
Tài liệu tham khảo
[1] Quốc hội (2015), Luật Kế toán số 88/2015/QH13;
[2]. PGS., TS. Chúc Anh Tú (2015), Thông tin kế toán hữu ích trong điều kiện ứng dụng CNTT; Tạp chí Tài chính số tháng 2/2015;
[3].http://vaa.net.vn/Tin-tuc/Tin-chi-tiet/newsid/4439/Nang-cao-gia-tri-va-chat-luong-thong-tin-cua-Bao-cao-tai-chinh/ Truy cập ngày 11/5/2019
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: