Vai trò của kiến thức, kinh nghiệm và năng lực đến xét đoán chuyên môn của kiểm toán viên
Ths. Nguyễn Thị Khánh vân
Khoa kế toán- Trường ĐH Duy Tân
Tóm tắt
Mục đích của nghiên cứu này là xây dựng mô hình lý thuyết thể hiện vai trò của kiến thức, kinh nghiệm và năng lực của kiểm toán viên (KiTV) đến kết quả xét đoán nghề nghiệp của họ. Bài báo vận dụng phương pháp phân tích, tổng hợp tài liệu, đã đề xuất mô hình nghiên cứu lý thuyết. Mô hình này dự kiến giúp các công ty kiểm toán cũng như hiệp hội nghề nghiệp và các nhà nghiên cứu có thể tiếp tục phát triển, đánh giá vai trò kiến thức, kinh nghiệm và năng lực trong xét đoán nghề nghiệp của các KiTV tại các công ty kiểm toán Việt Nam hiện nay.
Từ khóa: KiTV, xét đoán chuyên môn, vai trò kiến thức, kinh nghiệm, năng lực.
1. Giới thiệu
Kiểm toán là một nghề được xã hội quan tâm tin tưởng. Nghề kiểm toán chịu trách nhiệm nâng cao mức độ tin cậy của báo cáo tài chính doanh nghiệp, để người sử dụng có được thông tin tài chính đáng tin cậy làm cơ sở cho quyết định kinh tế. Khi thực hiện nghề nghiệp của mình, một KiTVchịu sự chi phối của hệ thống chuẩn mực kiểm toán và tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp nhằm mục đích đánh giá xem một KiTVđã làm việc phù hợp với tiêu chuẩn nghề nghiệp đã được các cơ quan chức năng và các tổ chức nghề nghiệp ban hành. Theo chuẩn mực kiểm toán Việt Nam - VSA 200, KiTVphải thực hiện xét đoán chuyên môn và luôn duy trì thái độ hoài nghi nghề nghiệp trong suốt quá trình lập kế hoạch cũng như thực hiện kiểm toán. Theo đó, xét đoán chuyên môn hay xét đoán nghề nghiệp được hiểu là việc ứng dụng kiến thức và kinh nghiệm tích lũy được trong quá trình học tập, lao động thực tiễn cùng với việc áp dụng tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp thực hiện các quyết định và hành động thích hợp của cá nhân KiTV trong các tình huống cụ thể. Do vậy, trong quá trình kiểm toán, KiTVcần duy trì thái độ hoài nghi nghề nghiệp và thực hiện các xét đoán chuyên môn. Sai lầm trong xét đoán của KiTVcó thể ảnh hưởng đến uy tín nghề nghiệp thậm chí họ có thể gặp cả những hình phạt pháp lý. Ngoài ra, ngày nay quy trình kiểm toán và kế toán càng phức tạp đã trở thành một trong những thách thức nghiêm trọng đối với xét đoán chuyên môn của KiTV.
Trên thế giới, xét đoán chuyên môn của KiTV, một dòng nghiên cứu đã được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm thực hiện. Trong đó, nhiều nghiên cứu trước đây đã ghi nhận rằng kiến thức, kinh nghiệm, năng lực của cá nhân KiTV có ảnh hưởng đến thực hiện xét đoán chuyên môn của KiTV như các nghiên cứu của Bedard và Graham (1994).Hammersley(2011), Ashton và Kramer (1980), Frederick và cộng sự (1994),Frederick, Heiman-Hoffman và Libby (1994),Shelton (1999);Hoffman và công sự (2003);Lehman & Norman (2006), và Agolia – Takumis (2009)), …Do đó, có thể khẳng định rằng kiến thức, kinh nghiệm, năng lực của KiTV tại các công ty kiểm toán Việt Nam cũng có ảnh hưởng đến thực hiện xét đoán chuyên môn. Trong phạm vi nghiên cứu, bài báo tập trung xây dựng mô hình lý thuyết kiểm tra vai trò của kiến thức, kinh nghiệm và năng lực của KiTV đến kết quả thực hiện xét đoán chuyên môn của KiTV trong các công ty kiểm toán Việt Nam.
Để đạt được các mục tiêu này, sáu câu hỏi nghiên cứu được đặt ra là:
1) Kết quả thực hiện xét đoán chuyên môn của KiTV là gì?
2) Kinh nghiệm có ảnh hưởng đến kiến thức của KiTV không?
3) Năng lực có ảnh hưởng đến kiến thức của KiTV không?
4) Kiến thức có ảnh hưởng đến xét đoán chuyên môn của KiTV không?
5) Năng lực có ảnh hưởng đến xét đoán chuyên môn của KiTV không?
6) Kinh nghiệm có ảnh hưởng đến xét đoán chuyên môn vủa KiTV không?
Nghiên cứu này đóng góp quan trọng về mặt lý thuyết. Nghiên cứu xây dựng mô hình lý thuyết về vai trò của kinh nghiệm, năng lực và cả kiến thức của KiTV trong xét đoán chuyên môn của họ. Từ góc độ thực tế, nghiên cứu này dự kiến sẽ giúp KiTV, các Partner kiểm toán, các nhà quản lý kiểm toán xây dựng cơ chế thực hành tốt nhất tới hiệu quả xét đoán chuyên môn. Đồng thời, nghiên cứu này giúp cho các cơ quan quản lý như Bộ Tài chính và Hiệp hội nghề nghiệp Kế toán- Kiểm toán (VACPA) tìm ra các biện pháp phù hợp nhằm giúp KiTV nâng cao khả năng xét đoán nghề nghiệp của mình.
2. Tổng quan nghiên cứu
Để xây dựng mô hình nghiên cứu, tác giả đã tìm hiểu một số công trình nghiên cứu nước ngoài có nội dung liên quan đến mối quan hệ giữa kinh nghiệm, năng lực và kiến thức lên thực hiện xét đoán nghề nghiệp KiTV.
Bonner (1990), mô hình đầu tiên kiểm tra trực tiếp mối quan hệ giữa kiến thức và thực hiện xét đoán. Mô hình của Frederick (1991) xem xét trực tiếp mối quan hệ giữa kinh nghiệm và kiến thức của KiTVvà mô hình của Bonner & Lewis (1990) đã thể hiện mối quan hệ giữa các thành phần của kiến thức, khả năng KiTVvà thực hiện xét đoán kiểm toán. Bonner và Lewis xây dựng các bài kiểm tra về kiến thức và năng lực KiTV và xây dựng mô hình hồi quy của các mối quan hệ của kiến thức và năng lực thực hiện cho từng bài tập, từng nhiệm vụ. Cả 3 nghiên cứu này đều ứng dụng phương pháp thực nghiệm. Kết quả đều cho thấy mối quan hệ giữa các biến độc lập là kiến thức, năng lực lên biến phụ thuộc xét đoán kiểm toán. Đo lường kiến thức của Bonner và Lewis chủ yếu đo lường nội dung kiến thức, và nhiệm vụ xét đoán. Họ yêu cầu các KiTVtạo ra nội dung kiến thức phù hợp bối cảnh (ví dụ: để liệt kê các lỗi có thể xảy ra, đưa ra một số điểm yếu kiểm soát nội bộ; hoặc để xác định ảnh hưởng thu nhập, chỉ ra mô hình lỗi). Mô hình này cũng có tiềm năng để làm rõ các yếu tố quyết định thực hiện cho các loại xét đoán sau này.
Ngoài ra, nhiều nghiên cứu khác như Frederick và cộng sự(1994)chỉ ra rằng kiến thức KiTVcó được hầu hết từ kinh nghiệm vì sinh viên không đủkhả năngphân loại các sai sót.Lehmann và Norman (2006) cho thấy rằng các cá nhân nhiều kinh nghiệm hơn có thể giải quyết các vấn đề phức tạp tốt hơn so với các cá nhân ít kinh nghiệm bởi vì họ có cấu trúc kiến thức tốt hơn. Họ cũng cho thấy rằng các KiTV giàu kinh nghiệm cung cấp một xét đoán tốt hơn so với kiểm toán ít kinh nghiệm. Agoglia và cộng sự(2009)tìm thấy rằng kinh nghiệm về một nhiệm vụ cụ thể giữ vai trò quan trọng trong việc làm giảm ảnh hưởng của tài liệu đánh giá gian lận đối với xét đoán rủi ro gian lận của KiTV.
Lippy cùng cộng sự (1993) đã phát triển một mô hình ảnh hưởng đến xét đoán chuyên môn đầy đủ hơn. Mô hình này khẳng định: (1) có hai yếu tố đầu vào trong mô hình (năng lực và kinh nghiệm), (2) rằng hai yếu tố đầu vào này (cùng với nỗ lực) gây ra trạng thái bên trong của kiến thức là biến trung gian đầu ra,và (3) cùng với những ảnh hưởng trực tiếp của năng lực, kiến thức ảnh hưởng đến thực hiện xét đoán (một biến đầu ra). Lippy cùng cộng sự đã chứng minh rằng kinh nghiệm tạo ra sự khác biệt về kiến thức. Đồng thời năng lực cũng tạo ra sự khác biệt trong kiến thức. Điều này dẫn đến sự khác biệt về thực hiện xét đoán. Ngoài ra, năng lực cũng tác động trực tiếp đến sự xét đoán của KiTV. Như vậy, trong mô hình này KiTV sẽ xác định thực hiện xét đoán với sự phù hợp của năng lực và kiến thức kế toán đối với những nhiệm vụ kiểm toán được yêu cầu
3. Phương pháp nghiên cứu
Mô hình nghiên cứu: Dựa vào những mô hình nghiên cứu nước ngoài kết hợp với thực tiễn qui định nghề nghiệp kiểm toán Việt nam, tác giả đề xuất mô hình nghiên cứu vai trò của kiến thức trong xét đoán nghề nghiệp của KiTV như sau:
Giả thuyết nghiên cứu của mô hình là:
H1: Kinh nghiệm có ảnh hưởng đến kiến thức của KiTV.
H2: Năng lực có ảnh hưởng đến kiến thức của KiTV.
H3: Kiến thức có ảnh hưởng đến xét đoán chuyên môn của KiTV
H4 Năng lực có ảnh hưởng đến xét đoán chuyên môn của KiTV.
H5:Kinh nghiệm có ảnh hưởng đến xét đoán chuyên môn của KiTV.
Đo lường các biến
Đo lường biến phụ thuộc
Kết quả xét đoán kiểm toán – Audit judgment performance
Từ những ngày đầu tiên, các nghiên cứu xét đoán kiểm toán đã tập trung vào trọng tâm đánh giá kết quả thực hiện xét đoán kiểm toán và các yếu tố cơ bản của nó (Libby và Lewis, 1977, 1982). Sau đó nhiều nghiên cứu đã nhấn mạnh đến vai trò của kiến thức trong thực hiện xét đoán kiểm toán (xem, ví dụ, Choo, 1989; Davis và Solomon, 1989; Marchant, 1990). Trong khi định nghĩa khái niệm về kết quả thực hiện (performance) không được đưa ra rõ ràng trong hầu hết các nghiên cứu. Thông thường kết quả thực hiện này được công nhận trên một nhiệm vụ kiểm toán cụ thể khác nhau là khác nhau về hiệu lực và hiệu quả (Davis và Solomon, 1989; McDaniel, 1990).
Trong thực tiễn để đánh giá kết quả thực hiện xét đoán, một tiêu chí thường được thiết lập và kết quả xét đoán được xác định là sự tương ứng của xét đoán với tiêu chí đã đề ra. Lippy (1993) đã định nghĩa kết quả thực hiện xét đoán là sự tương ứng của xét đoán với một tiêu chí. Trong đó, nhiệm vụ thành phần của xét đoán là nhận dạng vấn đề, tạo giả thuyết, lựa chọn thông tin, đo lường dấu hiệu, v.v. Tiêu chí hiệu quả xét đoán liên quan đến sự kiện hoặc kết quả môi trường (ví dụ: thất bại trong kinh doanh), một chỉ tiêu thống kê hoặc đánh giá của người khác (ví dụ: đồng thuận của các chuyên gia được chỉ định). Ngoài ra, thời gian, chi phí thực hiện nhiệm vụ cũng là các tiêu chí hiệu quả có thể được lựa chọn.
Trên cơ sở đó, để đánh giá kết quả thực hiện xét đoán kiểm toán nói chung của các KiTV tại Việt Nam, tác giả xây dựng thang đo với 6 biến quan sát từ KQ1 đến KQ6 như sau:
Thang đo biến phụ thuộc kết quả thực hiện xét đoán kiểm toán
Ký hiệu |
Biến quan sát |
KQ1 |
Bạn nhận diện rõ vấn đề cần kiểm tra, đánh giá trên BCTC |
KQ2 |
Bạn xây dựng được giả thuyết phù hợp về đối tượng khi kiểm tra đánh giá |
KQ3 |
Bạn xác định được các thông tin liên quan cần được thu thập phục vụ cho xét đoán |
KQ4 |
Bạn nhận diện được các dấu hiệu liên quan của đối tượng kiểm toán |
KQ5 |
Thời gian Bạn thực hiện kiểm toán các vấn đề thường ở mức cho phép |
KQ6 |
Chi phí kiểm toán thường trong giới hạn cho phép |
Đo lường biến độc lâp
[1] Kinh nghiệm KiTV- Experience
Kinh nghiệm là một yếu tố quan trọng của thực hành đã được kiểm tra bởi nhiều nhà nghiên cứu. Hầu hết, cácnhà nghiên cứu tập trung xem xétmối quan hệ giữa kinh nghiệm thành thạo chuyên môn và kiến thức hay xét đoán nghề nghiệp của KiTV.
Libby (1993) cho rằng có hai loại kinh nghiệm: kinh nghiệmtrực tiếp và kinh nghiệm gián tiếp. Trong đó kinh nghiệm trực tiếp củaKiTVđược hình thành từ quá trình thực hiện và hoàn thành nhiệm vụ, rà soát công việc của người khác, nhận được kết quả rà soát công việc của mình từ cấp trên và các phản hồi kết quả. Còn kinh nghiệm gián tiếp của KiTVlại do các cuộc thảo luận với đồng nghiệp, đọc các hướng dẫn kiểm toán và thông qua huấn luyện mang lại.
Qua đó, các biến quan sát của thang đo kinh nghiệm của KiTV được xây dựng gồm 6 biến từ KN1 đến KN6.
[2] Năng lực KiTV- Ability
Cũng như yếu tố kinh nghiệm, theo Libby (1993), yếu tố năng lực cũng ảnh hưởng đến kiến thức của KiTV. Trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ xét đoán và ra quyết định, với mỗi nhiệm vụ KiTVcần thiết có năng lực và kiến thức phù hợp để hoàn thành nhiệm vụ một cách thành công.
Theo nghiên cứu phát hiện của Brown và Solomon (1991), Hooper và Trotman (1996) cho thấy rằng có mức độ nhất trí cao hơn đối với KiTV đã xử lý thông tin 1 cách máy móc hơn những KiTVkhông xử lý thông tin máy móc. Ngoài ra, khả năng sử dụng những trợ giúp ra quyết định cũng là một khía cạnh con người được nhiều tác giả quan tâm trong nghiên cứu xét đoán kiểm toán. Các trợ giúp ra quyết định trong kiểm toán thay đổi từ hình thức khá đơn giản, như liệt kê các kiến thức hỗ trợ, chương trình kiểm toán đếncác khía cạnh khác của cuộc kiểm toán mà được gắnkèm trong các phần mềm, như mô hình rủi ro kiểm toán, mô hình ước tính...(Messier, 1995).
Những nghiên cứu trong bối cảnh kiểm toán nhiều khách hàng, Bhattacharjee, Maletta và Moreno (2007) nhận thấy rằng các xét đoán của KiTV bị ảnh hưởng bởi sự tiếp xúc của họ với thông tin xét đoán tương tự về một khách hàng trước đó. Họ cũng thấy rằng thông tin từ các quyết định trước đó ảnh hưởng đến các quyết định liên quan, gián tiếp khi không có thông tin so sánh có sẵn.
Qua đó, các biến quan sát của thang đo kinh nghiệm của KiTV được xây dựng gồm 4 biến từ KN1 đến KN4.
Đo lường biến trung gian
Kiến thức KiTV- Knowledge
Kiến thức mà KITV cần có để thực hiện nhiệm vụ của mình có được từ quá trình đào tạo (từ trường học), huấn luyện (từ hiệp hội nghề nghiệp) (Knechel, 2002) và tích lũy từ kinh nghiệm tham gia kiểm toán thực tế (Waller và Felix, 1984).
Nghiên cứu của Choo và Trotman (1991) cho thấy KiTVcó kinh nghiệm tổ chức thông tin trong trí nhớ tốt hơn KiTVchưa có kinh nghiệm. Tan và Libby (1997) cũng đã đánh giá tầm quan trọng của kiến thức quản trị doanh nghiệp đối với KiTVvà chứng minh kiến thức này là yếu tố chính phân biệt các cấp bậc trong kiểm toán. Nghiên cứu của Taylor (2000) kiểm tra các KiTVchuyên gia ngành để xác định ảnh hưởng đến đánh giá rủi ro. Các nghiên cứu cho thấy sự chuyên nghiệp được hỗ trợ bởi kinh nghiệm về chuyên ngành
Qua đó, các biến quan sát của thang đo kiến thức của KiTV được xây dựng gồm 7 biến từ KT1 đến KT7.
Bảng 2: Thang đo biến độc lập
Ký hiệu |
Biến quan sát |
Kinh nghiệm KiTV |
|
KN1 |
Theo Bạn kinh nghiệm kiểm toán của mình hình thành từ rà soát công việc kiểm toán của thành viên nhóm |
KN2 |
Theo Bạn kinh nghiệm kiểm toán của mình hình thành do nhận được kết quả từ rà soát công việc của cấp trên |
KN3 |
Theo Bạn kinh nghiệm kiểm toán của mình hình thành do nhận được phản hồi, đánh giá từ đối tượng kiểm toán |
KN4 |
Theo Bạn kinh nghiệm kiểm toán của mình được tích lũy từ thảo luận nhóm kiểm toán |
KN5 |
Theo Bạn kinh nghiệm kiểm toán của mình được tích lũy từ tham gia các lớp huấn luyện, đào tạo nghiệp vụ định kỳ |
KN6 |
Theo Bạn kinh nghiệm kiểm toán của mình được được hình thành từ đọc các văn bẩn hướng dẫn kiểm toán |
Năng lực KiTV độc lập |
|
NL1 |
Trong các cuộc kiểm toán, thông thường Bạn được cấp trên đánh giá về khả năng xử lý thông tin ở mức tốt |
NL2 |
Bạn có thể vận dụng tốt chương trình kiểm toán, hay các công cụ hỗ trợ kiểm toán khác |
NL3 |
Kết quả Bạn thu nhận được từ các cuộc kiểm toán trước thường chi phối xét đoán của Bạn cho các cuộc kiểm toán lần sau ở cùng một đối tượng kiểm toán |
NL4 |
Kết quả Bạn thu nhận được từ các cuộc kiểm toán trước thường chi phối xét đoán của Bạn cho các cuộc kiểm toán lần sau ở các đối tượng kiểm toán cùng ngành |
Kiến thức KiTV độc lập |
|
KT1 |
Kiến thức thực hành kiểm toán Bạn có được chủ yếu từ quá trình học tập tại trường học |
KT2 |
Kiến thức thực hành kiểm toán Bạn có được chủ yếu từ quá trình đạo tạo lại của công ty và hiệp hội nghề nghiệp |
KT3 |
Kiến thức thực hành kiểm toán Bạn có được chủ yếu từ kinh nghiệm kiểm toán thực tiễn |
KT4 |
Kinh nghiệm giúp bạn tạo lập cấu trúc kiến thức tốt hơn |
KT5 |
Năng lực sẽ giúp Bạn tạo lập cấu trúc kiến thức tốt |
KT6 |
Kiến thức chuyên ngành ảnh hưởng đến thực hành xét đoán |
KT7 |
Kiến thức quản trị doanh nghiệp ảnh hưởng đến thực hành xét đoán. |
Nghiên cứu sử dụng thang đo likert 5 mức độ với (5) Rất đồng ý (4) Đồng ý (3) Không có ý kiến (2) Không đồng ý (1) Hoàn toàn không đồng ý.
4. Kết luận:
Bài viết tổng quan các nghiên cứu về vai trò kiến thức, kinh nghiệm và năng lực của KiTV trong xét đoán chuyên môn. Từ đó, tác giả đề xuất mô hình kiểm định vai trò của kiến thức, kinh nghiệm và năng lực đến xét đoán chuyên môn của KiTV trong các công ty kiểm toán Việt Nam. Ðây là cơ sở để tác giả vận dụng kiểm định tại Việt Nam, sau khi hoàn thành điều tra khảo sát đối với các KiTV tại các công ty kiểm toán Việt Nam về về vấn dề này. Bài viết gợi mở huớng nghiên cứu tiếp theo về kiểm định nhân tố ảnh huởng đến xét đoán nghề nghiệp và ảnh hưởng của xét đoán chuyên môn đến chất lượng kiểm toán của các công ty kiểm toán độc lập tại Việt Nam trong thời gian tới.
Tài liệu tham khảo
Bộ Tài chính (2012), Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 200 - Mục tiêu tổng thể của kiểm toán viên và doanh nghiệp kiểm toán khi thực hiện kiểm toán theo chuẩn mực kiểm toán Việt Nam, (Ban hành theo thông tư số 214/2012/TT--BTC ngày 06 tháng 12 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Tài chính)
Ashton, R.H., & Kramer, S.S. (1980). Students as surrogates in behavioral accounting research: Some evidence. Journal of Accounting Research , 18, 1-15
Agoglia, C. P., C. Beaudoin, and G. T. Tsakumis. 2009. The effect of documentation structure and task-specific experience on auditors’ ability to identify control weaknesses. Behavioral Research in Accounting 21 (1): 1–17.
Asbahr, K., & Ruhnke, K. (2019). Real effects of reporting key audit matters on auditors’ judgment and choice of action. International Journal of Auditing. doi:10.1111/ijau.12154
Bedard, J. C., and L. E. Graham. 1994. Auditors’ knowledge organization: Observations from audit practice and their implications. Auditing: A Journal of Practice & Theory 13 (1): 73–83.
Bhattacharjee, S., M. J. Maletta, and K. K. Moreno. 2007. The cascading on contrast effects on auditors’ judgments in multiple client audit environments. The Accounting Review 82 (5): 1097–117
Bonner, S. E, and B. L. Lewis. 1990. Determinants of auditor expertise. Journal of Accounting Research 28 (3): 1–28.
Brown, C., and I. Solomon. 1991. Configural data processing in auditing: The role of domain-specific knowledge. The Accounting Review 66 (1): 110–19.
Choo, F. (1989). Expert-novice differences in judgment/decision making research. Journal of Accounting Literature, 8, 106
Choo, F., and K. T. Trotman. 1991. The relationship between knowledge structure and judgments for experienced and inexperienced auditors. The Accounting Review 66 (3): 464–85.
Davis, J., & Solomon, I. (1989). Experience, expertise, and expert-performance research in public accounting. Journal of Accounting Literature, 8, 150-164.
Frederick, D.M. (1991). Auditors' representation and retrieval of internal control knowledge. The Accounting Review, 66, 240-258.
Frederick, D. M., V. Heiman-Hoffman, and R. Libby. 1994. The structure of auditors’ knowledge of financial statement errors. Auditing: A Journal of Practice & Theory 13 (1): 1–21
Lehmann, C. M., and C. S. Norman. 2006. The effects of experience on complex problem representation and judgment in auditing: An experimental investigation. Behavioral Research in Accounting 18 (1): 65–83.
Libby, R., & Lewis, B.L. (1977). Human information processing research in accounting: The state of the art. Accounting, Organizations and Society, 2, 245-268.
Libby, R., & Lewis, B.L. (1982). Human information processing research in accounting: The state of the art in 1982. Accounting, Organizations and Society, 7, 231285.
Libby, R., and J. Luft. 1993. Determinants of judgment performance in accounting settings: Ability, knowledge, motivation, and environment. Accounting, Organizations and Society 18 (5): 425–50.
Marchant, G. (1990). Discussion of determinants of audit expertise. Journal of Accounting Research, 28 (Supplement), 21-28.
Mala, R., & Chand, P. (2015). Judgment and decision-making research in auditing and accounting: Future research implications of person, task, and environment perspective. Accounting Perspectives, 14(1), 1-50.
McDaniel, L.S. (1990). The effects of time pressure and audit program structure on audit performance. Journal of Accounting Research, 28, 267-285
Messier, W. F. 1995. Research in and development of audit-decision aids. In Judgment and Decision Making Research in Accounting and Auditing, eds. R. H. Ashton and A. H. Ashton. Cambridge, MA: Cambridge University Press
Nelson, M. W., and W. R. Kinney Jr, 1997, The effect of ambiguity on loss contingency reporting judgements, The Accounting Review 72, 257–274. Nelson, M., and H.-T. Tan, 2005, Judgment and decision making research in auditing: a task, person, and interpersonal interaction perspective, Auditing: A Journal of Practice & Theory 24, 41–71.
Hammersley, J. S. 2011. A review and model of auditor judgments in fraud-related planning tasks. Auditing: A Journal of Practice & Theory 30 (4): 101–128.
Hoffman, V. B., J. R. Joe, and D. V. Moser. 2003. The effect of constrained processing on auditors’ judgments. Accounting, Organizations and Society 28 (7-8): 699–714.
Hooper, C., and K. T. Trotman. 1996. Configural information processing in auditing: Further evidence. Accounting and Business Research 26 (2): 125–36.
Humphrey, C. 2008. Auditing research: A review across the disciplinary divide. Accounting, Auditing & Accountability Journal 21 (2): 170–203.
Stevens, E., Moroney, R., & Webster, J. (2019). Professional skepticism: The combined effect of partner style and team identity salience. International Journal of Auditing, 23(2), 279–291. doi:10.1111/ijau.12161
Taylor, M.H. (2000). The effects of industry specialization on auditors’ inherent risk assessment and confidence judgment. Contemporary Accounting Research, 17(4), 693-712.
Tan, H. T., and R. Libby. 1997. Tacit Managerial versus Technical Knowledge as Determinants of Audit Expertise in the Field. Journal of Accounting Research 35 (1): 97–113.
Waller, W. S., and W. L. Felix Jr, 1984, The effects of incomplete outcome feedback on auditors’ self-perceptions of judgment ability, The Accounting Review 59, 637–646.
» Danh sách Tập tin đính kèm:
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: