CHẤT LƯỢNG KIỂM TOÁN VÀ CÁC TIÊU CHUẨN ĐÁNH GIÁ CHẤT LƯỢNG KIỂM TOÁN ĐỘC LẬP
NCS Phan Thanh Hải
Chất lượng luôn là sự thách thức và là mối quan tâm hàng đầu mà bất kỳ tổ chức và doanh nghiệp nào đều phải đối mặt trong quá trình hoạt động của mình. Có thể có nhiều định nghĩa khác nhau về chất lượng :
· Theo từ điển Tiếng Việt (2010, trang 578) thì : “Chất lượng là một phạm trù triết học biểu thị những thuộc tính bản chất của sự vật, chỉ rõ nó là cái gì, tính ổn định tương đối của sự vật để phân biệt nó với các sự vật khác. Chất lượng là đặc tính khách quan của sự vật. Chất lượng biểu hiện ra bên ngoài qua các thuộc tính. Nó là cái liên kết các thuộc tính của sự vật lại làm một, gắn bó với sự vật như một tổng thể, bao quát toàn bộ sự vật và không tách khỏi sự vật. Sự vật trong khi vẫn còn là bản thân nó thì không thể mất chất lượng của nó. Sự thay đổi chất lượng kéo theo sự thay đổi của sự vật về căn bản. Chất lượng của sự vật bao giờ cũng gắn liền với tính quy định về số lượng của nó và không thể tồn tài ngoài tính quy định ấy. Mỗi sự vật bao giờ cũng là sự thống nhất của chất lượng và số lượng”.
· Theo định nghĩa của tiêu chuẩn Việt Nam 5200-ISO 9000 thì “Chất lượng là mức độ phù hợp của sản phẩm hoặc dịch vụ thỏa mãn các yêu cầu đề ra hoặc định trước của người mua”
Ngoài ra, các tổ chức khác nhau còn đưa ra nhiều định nghĩa khác nhau về chất lượng. Tuy nhiên các định nghĩa trên cùng hướng đến cái nổi bật cuối cùng mà cả người sản xuất và người tiêu dùng đều muốn đạt đến là sự thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng với các điều kiện nhất định.
· Định nghĩa chất lượng hoạt động kiểm toán :
Theo chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 220 (VSA220)-Kiểm soát chất lượng hoạt động kiểm toán thì :“Chất lượng hoạt động kiểm toán là mức độ thoả mãn của các đối tượng sử dụng kết quả kiểm toán về tính khách quan và độ tin cậy vào ý kiến kiểm toán của kiểm toán viên; đồng thời thoả mãn mong muốn của đơn vị được kiểm toán về những ý kiến đóng góp của kiểm toán viên, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh, trong thời gian định trước với giá phí hợp lý”.
Như vậy, chất lượng hoạt động kiểm toán có thể được xem xét dưới ba góc độ, và đây cũng được xem như là các tiêu chuẩn cơ bản để đánh giá chất lượng kiểm toán:
+ Mức độ người sử dụng thông tin thoả mãn đối với tính khách quan và độ tin cậy của kết quả kiểm toán.
+ Mức độ đơn vị được được kiểm toán thoả mãn về ý kiến đóng góp nhằm mục đích nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh.
+ Báo cáo kiểm toán được lập và phát hành theo đúng thời gian đã đề ra trong hợp đồng kiểm toán và chi phí dịch vụ kiểm toán ở mức hợp lý.
Dựa trên định nghĩa về chất lượng kiểm toán theo VSA 220, ta có thể đưa ra những tiêu chuẩn cơ bản để đánh giá chất lượng kiểm toán, bao gồm: việc xác định mức độ thỏa mãn của các đối tượng sử dụng dịch vụ kiểm toán và mức độ thỏa mãn của đơn vị được kiểm toán.
+Mức độ thỏa mãn của các đối tượng sử dụng dịch vụ kiểm toán
Tính khách quan, độc lập của KTV là điều kiện trước hết để đảm bảo ý nghĩa và giá trị sử dụng của dịch vụ KTĐL. Ý kiến kiểm toán đưa ra không làm tăng thêm lượng thông tin cho những người sử dụng kết quả kiểm toán mà chỉ đảm bảo cho những đối tượng này về tính trung thực hợp lý của các thông tin mà họ được cung cấp. Sự đảm bảo này được chấp nhận và có giá trị bởi: (i) ý kiến kiểm toán được đưa ra bởi chuyên gia kiểm toán có đủ năng lực, trình độ chuyên môn; (ii) tính độc lập, khách quan của ý kiến kiểm toán. Những người sử dụng kết quả kiểm toán chỉ thật sự hài lòng và thoả mãn khi họ tin tưởng rằng ý kiến kiểm toán đưa ra dựa trên các cơ sở đó. Để đánh giá được chỉ tiêu này, người ta xem xét tính tuân thủ các chuẩn mực nghề nghiệp của KTV và của công ty kiểm toán, điều này thể hiện khá rõ qua tính chuyên nghiệp của KTV trong quá trình thực hiện công việc kiểm toán. Việc đánh giá đó cần bao quát các khía cạnh sau:
ü Đảm bảo tính độc lập, khách quan và chính trực;
ü Kiến thức, kỹ năng kinh nhiệm của kiểm toán viên;
ü Các phương pháp thu thập và đánh giá bằng chứng kiểm toán;
ü Công tác giám sát, quản lý cuộc kiểm toán;
ü Các thủ tục soát xét, phát hành báo cáo kiểm toán;
ü Các khía cạnh khác.
+ Mức độ thỏa mãn của đơn vị được kiểm toán
Mục tiêu chính của dịch vụ KTĐL là đưa ra ý kiến độc lập về tính trung thực và hợp lý của đối tượng được kiểm toán. Do vậy ở chỉ tiêu thứ nhất là thể hiện sự thoả mãn về tính khách quan, độc lập và tin cậy vào ý kiến kiểm toán của những người sử dụng kết quả kiểm toán thì ở chỉ tiêu này lại là sự thoả mãn của đơn vị được kiểm toán về giá trị gia tăng mà kiểm toán viên có thể cung cấp cho đơn vị. Đối với các nhà quản lý đơn vị được kiểm toán, việc phát hiện và ngăn ngừa các sai sót trong quản lý tài chính, kế toán không phải lúc nào cũng hoàn hảo và kiểm soát được toàn bộ. Trách nhiệm của các KTV là phải đảm bảo rằng đối tượng được kiểm toán không có sai sót trọng yếu, và nếu có kiểm toán cần chỉ ra những sai sót đó để đơn vị sửa chữa và điều chỉnh. Đó chính là cơ sở để các nhà quản lý đơn vị tin tưởng và đặt hy vọng vào những phát hiện và những kiến nghị đóng góp của kiểm toán viên theo đó có thể sửa đổi và đảm bảo nâng cao chất lượng thông tin tài chính của đơn vị.
Mức độ thoả mãn của các nhà quản lý đơn vị đối với những đóng góp của kiểm toán không cụ thể hoá được bằng số lượng bởi có thể có hoặc có thể không có các phát hiện và kiến nghị góp ý hoàn thiện cho đơn vị mà chỉ có thể đánh giá ở sự hài lòng và đánh giá cao của các nhà quản lý doanh nghiệp về tính chuyên nghiệp và trách nhiệm của KTV trong quá trình kiểm toán.
+ Báo cáo kiểm toán được phát hành theo đúng thời gian đã đề ra trong hợp đồng kiểm toán và chi phí cho dịch vụ kiểm toán ở mức độ phù hợp
Một trong các yêu cầu của thông tin tài chính là tính kịp thời, các thông tin không được cung cấp đúng lúc sẽ trở nên không có giá trị sử dụng, đồng thời có thể gây nhiều khó khăn trong việc đưa ra các quyết định quản lý hoặc bỏ lỡ các cơ hội kinh doanh. Mặc dù kiểm toán không phải là kênh cung cấp thông tin riêng biệt, nhưng nó là một khâu thẩm định trong hệ thống cung cấp thông tin. Các thông tin tài chính do đơn vị lập và được các KTV, công ty kiểm toán kiểm tra và đưa ra ý kiến về tính trung thực hợp lý của các thông tin này trước khi chuyển cho những người sử dụng. Do vậy mọi chậm trễ trong quá trình kiểm toán do nguyên nhân của việc tổ chức, giám sát quản lý cuộc kiểm toán thiếu hiệu quả hoặc bất cứ lý do gì khác từ phía công ty kiểm toán dẫn đến sự chậm trễ không theo đúng kế hoạch đặt ra trong hợp đồng kiểm toán hay Thư hẹn kiểm toán đều làm ảnh hưởng đến uy tín và giá trị của dịch vụ của công ty kiểm toán.
Về giá phí kiểm toán, tuy không thể hoàn toàn đánh giá được chất lượng của một cuộc kiểm toán nhưng nó cũng đánh giá mức độ thoả mãn nhu cầu của những người sử dụng kết quả của dịch vụ kiểm toán về sự đảm bảo cho tính trung thực, hợp lý của các đối tượng kiểm toán mà họ được cung cấp cũng như số lượng những ý kiến tư vấn nhằm hoàn thiện hệ thống quản lý nội bộ của đơn vị được kiểm toán. Trong nền kinh tế thị trường đặc biệt là hoạt động KTĐL, việc quan tâm đến lợi ích của đơn vị được kiểm toán hết sức quan trọng, đó chính là yếu tố kinh tế xã hội của dịch vụ. Phí dịch vụ kiểm toán xác định trên cơ sở thời gian cần thiết để các kiểm toán viên thực hiện công việc kiểm toán và đơn giá giờ công làm việc của KTV. Ngoại trừ những ảnh hưởng của yếu tố đơn giá giờ công làm việc của kiểm toán viên và sự hợp tác của đơn vị được kiểm toán với các KTV trong quá trình kiểm toán thì việc xác định và giảm thiểu thời gian kiểm toán mà vẫn đảm bảo thu thập được đầy đủ các bằng chứng kiểm toán thích hợp sẽ là điều kiện để giảm thiểu giá dịch vụ cho khách hàng. Đó chính là sự thể hiện và là một trong các chỉ tiêu đánh giá chất lượng kiểm toán.
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: